Giải bài toán nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ ngành TT&TT
Sáng 28/12, Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội thảo “Các mô hình, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ ngành thông tin và truyền thông”. Tham dự Hội thảo, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Trưởng Ban Phụ trách Ban CNTT - Viện Chiến lược TTTT đã trình bày tại hội thảo tham luận “Định hướng chính sách, giải pháp về KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy, nâng cao năng suất ngành TT&TT trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế”.
Viện Chiến lược TTTT xin đăng tải lại toàn bộ bài viết về Hội nghị của tác giả Duy Vũ trên Vietnam Net, số ra ngày 29/12/2022. Trân trọng./.
Giải bài toán nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ ngành TT&TT
Tối ưu hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu, sử dụng tiến bộ KHCN để giải quyết các bài toán lớn; đẩy mạnh nền tảng số quốc gia và làm chủ công nghệ là những mục tiêu để thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong lĩnh vực TT&TT.
Sáng 28/12, Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội thảo “Các mô hình, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ ngành thông tin và truyền thông”.
Theo ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ TT&TT, trên cơ sở Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ ban hành năm 2021, Bộ TT&TT đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông. Kế hoạch này tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, chuẩn quy kỹ thuật. Hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức đánh giá sự phù hợp được Bộ TT&TT quản lý.
Ngoài ra, kế hoạch của Bộ TT&TT cũng tập trung vào đầu tư, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ số hiện đại vào công tác quản lý chất lượng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và tổ chức tuyên truyền về việc thúc đẩy năng suất chất lượng các sản phẩm, hàng hóa ở Việt Nam.
Ông Lê Xuân Công cũng kỳ vọng, hội thảo với sự tham gia của các đơn vị quản lý, doanh nghiệp ngành thông tin và truyền thông sẽ là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm quản lý, hoạt động thực tiễn trong việc nâng cao hiệu quả năng suất chất lượng.
“Bộ TT&TT mong muốn các đơn vị quản lý, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cùng hợp tác, thúc đẩy năng suất chất lượng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nói riêng và ở Việt Nam nói chung trong thời gian tới một cách hiệu quả hơn nữa”, ông Lê Xuân Công nói.
Làm chủ công nghệ, hệ sinh thái sản phẩm của người Việt
Phát biểu tại hội thảo với tham luận “Định hướng chính sách, giải pháp về KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy, nâng cao năng suất ngành TT&TT trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế”, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Viện chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) cho biết, năng suất chất lượng đóng vai trò quan trọng và quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy, mối quan tâm của các doanh nghiệp hiện nay là vấn đề chính sách cũng như giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Trong đó tập trung vào các nguồn lực, đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách cho công tác nghiên cứu phát triển; định hình và phát triển các sản phẩm, thị trường…
Đại diện Viện Chiến lược TT&TT cũng chia sẻ, các giải pháp nâng cao chất lượng trong lĩnh vực TT&TT dựa trên các nguyên tắc Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt; thực hiện nghiêm túc hoạt động quản lý Nhà nước về KHCN; ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ lõi và đào tạo nhân lực để nâng cao trình độ phát triển ứng dụng CNTT.
Mục tiêu lớn nhất đó là sử dụng tối ưu hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu để nâng cao năng lực xử lý thông tin của các doanh nghiệp; đẩy mạnh nền tảng số quốc gia, sử dụng tiến bộ KHCN để giải quyết các bài toán lớn; Làm chủ công nghệ, hệ sinh thái sản phẩm của người Việt Nam, cho người Việt Nam, theo cách Việt Nam.; hệ thống hoá, chuẩn hoá các công nghệ phục vụ phát triển các công nghệ cốt lõi của Việt Nam; hình thành phát triển các phòng thử nghiệm phục vụ nghiên cứu, phát triển. Đồng thời, tăng cường thu hút nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận