Xu thế xây dựng Trung tâm dữ liệu và một số kết quả nghiên cứu kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài về Trung tâm dữ liệu của Singapore

 2025-04-28 11:05:04
NIICS

Theo Luật Viễn thông số 24/2023/QH15 ngày 24/11/2023, Trung tâm dữ liệu (Data Center) là công trình viễn thông, bao gồm nhà, trạm, hệ thống cáp, hệ thống máy tính và hệ thống điện cùng các thiết bị phụ trợ được lắp đặt vào đó để xử lý, lưu trữ và quản lý dữ liệu của một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân.  

Hầu hết cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu doanh nghiệp chia thành ba hạng mục chính: (1) Cơ sở hạ tầng điện toán (tài nguyên điện toán bao gồm một số loại máy chủ có bộ nhớ trong, năng lực xử lý và các thông số kỹ thuật khác đa dạng, có thể là Máy chủ tủ mạng hoặc máy chủ phiến); (2) Cơ sở hạ tầng lưu trữ (gồm hai loại hệ thống lưu trữ trung tâm dữ liệu là thiết bị lưu trữ khối dữ liệu và thiết bị lưu trữ tệp); (3) Cơ sở hạ tầng mạng (các thiết bị kết nối mạng, như cáp, bộ chuyển mạch, bộ định tuyến và tường lửa kết nối các thành phần khác của trung tâm dữ liệu với nhau và với các vị trí của người dùng cuối. Chúng cung cấp khả năng di chuyển và kết nối dữ liệu trên toàn hệ thống)

Ngoài ra, thiết bị trung tâm dữ liệu bao gồm cơ sở hạ tầng hỗ trợ như hệ thống điện, giúp thiết bị chính hoạt động hiệu quả. Cơ sở hạ tầng hỗ trợ bao gồm: Hệ thống nguồn phụ; Bộ nguồn cấp điện liên tục (UPS); Máy phát điện dự phòng; Thiết bị thông gió và làm mát; Hệ thống chữa cháy; Hệ thống xây dựng bảo mật.

Một số lợi ích khi thu hút đầu tư Trung tâm dữ liệu lớn từ các tập đoàn công nghệ lớn (Big tech)

  • Tăng trưởng kinh tế: góp phần tạo việc làm trực tiếp (kỹ sư, kỹ thuật viên, nhân viên quản lý) và gián tiếp (xây dựng, logistics, dịch vụ hỗ trợ); tăng doanh thu thuế; Thu hút đầu tư từ các công ty công nghệ và các ngành liên quan.
  • Phát triển hạ tầng công nghệ: cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp khác.
  • Tăng cường chủ quyền dữ liệu: Dữ liệu của người dân và doanh nghiệp được lưu trữ trong nước, giúp kiểm soát tốt hơn về bảo mật và quyền riêng tư, tăng tính tự chủ công nghệ.
  • Thu hút doanh nghiệp quốc tế: Các công ty toàn cầu có thể chọn đặt văn phòng hoặc cơ sở tại quốc gia đó để tận dụng trung tâm dữ liệu, thúc đẩy thương mại và đầu tư.
  • Phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin và quản lý dữ liệu cho lực lượng lao động địa phương và tạo cơ hội đào tạo và hợp tác với các chuyên gia quốc tế.
  • Lợi ích địa chính trị: Tăng vị thế quốc gia trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu và tạo đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại hoặc hợp tác quốc tế.

Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các trung tâm dữ liệu nhờ vào vị trí địa lý chiến lược, nền kinh tế số phát triển nhanh, và các chính sách hỗ trợ đầu tư của Chính phủ. Do Việt Nam có đặc điểm khá tương đồng về vị trí địa lý, và khu vực với Singapore nên bài viết đi sâu nghiên cứu kinh nghiệm về cơ chế chính sách của Singapore nhằm rút ra một số bài học kinh nghiệm để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư đặt trụ sở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Singapore là một quốc đảo nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, đã trở thành một trong những trung tâm tài chính và công nghệ hàng đầu thế giới. Với vị trí chiến lược, là điểm đầu nối của một mạng lưới dày đặc các tuyến cáp ngầm kết nối với các khu vực khác, rất quan trọng cho hoạt động trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường kinh doanh thân thiện, Singapore đặc biệt thành công trong việc thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có lĩnh vực công nghệ cao như trung tâm dữ liệu.

Với danh sách ấn tượng gồm 100 trung tâm dữ liệu, 1.195 nhà cung cấp dịch vụ đám mây và 22 nền tảng mạng, cơ sở hạ tầng số của Singapore rất mạnh mẽ. Với mạng lưới vững chắc với 24 cáp ngầm, Singapore đã nổi lên như một trung tâm kết nối đám mây toàn cầu, là nơi đặt trụ sở của các tên tuổi lớn như Amazon Web Services, Microsoft Azure, IBM Softlayer và Google Cloud. Các nhà vận hành lớn như Digital Realty và Equinix cũng đầu tư mạnh vào đây. Đáng chú ý, Singapore cũng là một trong những địa điểm được chọn cho chương trình nghiên cứu toàn cầu trị giá 15 tỷ USD của Alibaba, củng cố thêm vị thế là trung tâm đổi mới công nghệ.

Tuy nhiên, vào năm 2019, khi sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong việc thu hút đầu tư trung tâm dữ liệu trở nên gay gắt, Singapore đã tạm dừng việc xây dựng trung tâm dữ liệu mới để có thời gian xem xét cách phát triển ngành này theo hướng bền vững hơn. để đảm bảo thực hiện đúng các cam kết về giảm phát thải, bảo vệ môi trường, và phát triển bền vững của quốc gia, cũng như để đánh giá các tác động từ việc xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu lên điều kiện môi trường của Singapore như khí hậu nhiệt đới, vị trí giáp biển, và chịu ảnh hưởng nặng từ lũ lụt và mực nước biển dâng cao. Lệnh này được đưa ra nhằm giải quyết các thách thức về môi trường, đặc biệt là mức tiêu thụ năng lượng cao và hạn chế về tài nguyên đất đai của quốc gia [1].

Các thách thức môi trường của trung tâm dữ liệu đặc biệt nghiêm trọng ở Singapore vì nhiều lý do: diện tích đất nhỏ hẹp (724km²), thiếu năng lượng và nước – các yếu tố thiết yếu cho vận hành trung tâm dữ liệu. Singapore nhập khẩu phần lớn điện năng và sản xuất rất ít năng lượng sạch. Khí hậu nóng ẩm quanh năm khiến nhu cầu làm mát máy chủ càng lớn, và trung tâm dữ liệu hiện chiếm hơn 7% tổng tiêu thụ điện của quốc gia. Nếu không kiểm soát, việc mở rộng trung tâm dữ liệu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Sau ba năm, Singapore đã gỡ bỏ lệnh cấm, nhưng tuyên bố rõ sẽ chọn lọc kỹ hơn các dự án mới. Tháng 7/2022, chính phủ kêu gọi nộp hồ sơ cho các dự án thí điểm trung tâm dữ liệu xanh hơn, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giải pháp đổi mới và bền vững. Sáng kiến này đánh dấu sự chuyển hướng sang chiến lược do khu vực tư nhân dẫn dắt. Quan trọng hơn, chính phủ cũng sẽ thu thập thông tin thực tế từ các nhà khai thác tư nhân để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách.

Nhằm thu hút đầu tư, Chính phủ Singapore đã triển khai nhiều cơ chế và chính sách ưu đãi hiệu quả để thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, nhờ vào chiến lược phát triển kinh tế số và cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến. Chính phủ Singapore có môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch: Singapore được biết đến là một trong những quốc gia ổn định chính trị nhất châu Á, với hệ thống pháp luật minh bạch và ít tham nhũng; Thủ tục hành chính nhanh gọn, có quy trình đăng ký đăng ký doanh nghiệp và cấp phép đầu tư được tối ưu hóa, với thời gian hoàn tất thủ tục thành lập công ty chỉ trong vòng 24 giờ nếu có nhà cung cấp dịch vụ phù hợp. Singapore áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 17%, một trong những mức thấp nhất thế giới. Từ năm 2014, Singapore triển khai Chiến lược "Quốc gia thông minh" (Smart Nation) [2].

Chính phủ tạo điều kiện cấp thị thực nhập cảnh và cư trú dễ dàng cho các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra, Singapore đầu tư mạnh vào giáo dục, tạo ra lực lượng lao động trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của các trung tâm dữ liệu [3].

Lộ trình hướng đến xây dựng Trung tâm dữ liệu xanh của Singapore

Cơ quan Phát triển thông tin và truyền thông (IMDA) đã khởi xướng chương trình Công nghệ thông tin xanh (Green ICT Program) với mục đích tăng hiệu quả năng lượng và tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu tại Singapore. Trong đó đã đưa ra Chương trình hỗ trợ đầu tư: nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư trung tâm dữ liệu nâng cao hiệu quả vận hành, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong các trung tâm dữ liệu. Mức hỗ trợ có thể từ 30% - 50% chi phí mua sắm thiết bị, nâng cấp cơ trang bị cho Trung tâm dữ liệu.

Giải pháp năng lượng đổi mới

Vì trung tâm dữ liệu tiêu thụ năng lượng lớn, nên việc chuyển sang năng lượng sạch là giải pháp then chốt. Các trung tâm quy mô lớn đang dẫn đầu về mua năng lượng tái tạo thông qua hợp đồng mua điện (PPA). Do hạn chế về diện tích, Singapore không dễ triển khai năng lượng hạt nhân, gió hay địa nhiệt. Vì vậy, trong lời kêu gọi dự án xanh, chính phủ yêu cầu đề xuất về năng lượng tái tạo và giải pháp năng lượng đổi mới như hydro.

Hai nhà khai thác lớn – Equinix và Digital Realty đã đầu tư vào giải pháp hydro và làm mát bằng chất lỏng (liquid cooling). Equinix hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore nghiên cứu pin nhiên liệu hydro – tạo điện mà không phát thải carbon. Digital Realty thì hợp tác với CoolestDC (cũng từ Đại học Quốc gia Singapore) để thử nghiệm công nghệ làm mát bằng chất lỏng – dẫn nhiệt tốt hơn, làm mát hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và nước.

Song song đó, chính phủ triển khai đấu thầu nhập khẩu tới 4GW năng lượng tái tạo vào năm 2035, chiếm khoảng 30% tổng nguồn điện. Nguồn chủ yếu sẽ đến từ Indonesia và Malaysia. Với mô hình định giá thị trường hiện tại, các hợp đồng điện ảo (virtual PPA) có thể cần thiết để bảo đảm mức giá ổn định. Các nhà vận hành trung tâm dữ liệu có thể trở thành khách hàng tiêu thụ chính, bảo đảm nhu cầu và ổn định cho nhà cung cấp điện tái tạo.

Giải pháp Công viên trung tâm dữ liệu nổi (Floating Data Centre Park - FDCP)

Tập đoàn Keppel của Singapore đã đề xuất xây dựng công viên trung tâm dữ liệu nổi, tận dụng các bến tàu bỏ trống. Mô hình này nhằm giải quyết các hạn chế về đất đai, nước và năng lượng.

FDCP có thiết kế mô-đun, dễ lắp ráp và triển khai nhanh chóng. Đặt tại các khu vực gần bờ, trung tâm dữ liệu sẽ sử dụng nước biển để làm mát, nâng hiệu suất làm mát lên 80%, không sử dụng nước sạch hay nước công nghiệp. Đồng thời vận hành bằng năng lượng xanh như hydro. Công suất của FDCP còn lớn hơn tổng công suất trung tâm dữ liệu đã xây dựng ở Singapore trong 10 năm qua. [4]

Thêm vào đó, Singapore có một số đạo luật liên quan đến chủ quyền và an ninh dữ liệu như: Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân (PDPA) là biện pháp bảo vệ cơ bản cho dữ liệu cá nhân, đảm bảo xử lý và bảo vệ dữ liệu một cách có trách nhiệm; Đạo luật An ninh mạng (2018) thiết lập một khuôn khổ toàn diện liên quan đến Cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng (CII) trong ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu của Singapore. Chính phủ Singapore cũng áp dụng ưu đãi liên quan đến cơ sở hạ hàng, miễn thuế hàng hóa và dịch vụ và miễn thuế nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu thiết bị trung tâm dữ liệu, bao gồm máy chủ, thiết bị mạng và hệ thống làm mát. [5]

Cơ quan Phát triển Truyền thông và Thông tin (IMDA) ban hành hướng dẫn cho dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu; một số nội dung có thể được bổ sung vào luật mới. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu phải thực hiện kiểm tra lý lịch của tất cả nhân viên và thẩm định kỹ lưỡng các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba theo các hướng dẫn tư vấn mới được IMDA công bố vào ngày 25 tháng 2 năm 2025. Động thái này diễn ra khi Chính phủ tìm cách củng cố cơ sở hạ tầng số, nền tảng cho các dịch vụ quan trọng như ngân hàng, thương mại điện tử và viễn thông, đồng thời giảm thiểu rủi ro thiệt hại đối với nền kinh tế và lối sống số của Singapore do tránh xảy ra sự cố gián đoạn cơ sở hạ tầng như một số sự cố đã diễn ra năm 2023. Đối với các trung tâm dữ liệu, IMDA hướng dẫn cung cấp một khuôn khổ cho các nhà điều hành để thiết lập các hệ thống quản lý tính liên tục của hoạt động kinh doanh, bao gồm các biện pháp giảm thiểu hỏa hoạn và lũ lụt, nhằm giảm thiểu gián đoạn dịch vụ. [6]

IMDA nhấn mạnh rằng các dịch vụ số như ngân hàng trực tuyến, gọi xe, thương mại điện tử và định danh số đều phụ thuộc vào sự ổn định và tính bền vững của các dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào trong các dịch vụ này có thể gây ra những bất tiện đáng kể trong đời sống hàng ngày của người dân, đồng thời tác động tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội. [7]

Dưới đây là một số bài học kinh nghiệm từ Singapore trong việc thu hút đầu tư vào trung tâm dữ liệu mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững:

  1. Phát triển hạ tầng kỹ thuật số mạnh và ổn định

Singapore đầu tư sớm vào kết nối cáp quang, hệ thống an ninh mạng và các tuyến cáp biển quốc tế, tạo nền tảng hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Là điểm kết nối khu vực, quốc tế, Singapore thu hút được nhiều “ông lớn” công nghệ đặt trung tâm dữ liệu như Google, Meta, Equinix, Digital Realty…

  1. Chủ động điều tiết và định hướng phát triển bền vững

Tạm dừng xây dựng trung tâm dữ liệu mới vào năm 2019 để đánh giá lại tác động môi trường, thể hiện tầm nhìn dài hạn.

Khi mở lại, áp dụng cơ chế lựa chọn cạnh tranh, chỉ cho phép triển khai các dự án “xanh”, hiệu quả năng lượng, thân thiện môi trường.

  1. Tận dụng mô hình hợp tác công – tư (PPP)

Chính phủ không can thiệp trực tiếp vào vận hành, mà thúc đẩy khu vực tư nhân đề xuất mô hình sáng tạo, thử nghiệm thực tiễn.

Kêu gọi các doanh nghiệp góp phần xác lập tiêu chuẩn ngành, điển hình như việc nâng nhiệt độ vận hành trung tâm dữ liệu để tiết kiệm năng lượng.

  1. Ưu tiên đổi mới sáng tạo trong công nghệ xan
  2. Khuyến khích đầu tư vào hydro xanh, pin nhiên liệu, công nghệ làm mát bằng chất lỏng, sử dụng nước biển…

Tạo điều kiện cho nghiên cứu – thử nghiệm công nghệ mới như Công viên trung tâm dữ liệu nổi (FDCP) để giải quyết bài toán thiếu đất, năng lượng và nước.

  1. Chính sách năng lượng phù hợp để thu hút đầu tư lớn

Singapore chủ động nhập khẩu điện tái tạo quy mô lớn từ các nước láng giềng, hỗ trợ các doanh nghiệp đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Xây dựng cơ chế thị trường cho phép nhà đầu tư ký hợp đồng mua điện ảo (vPPA) để ổn định chi phí vận hành trung tâm dữ liệu xanh.

  1. Thiết lập tiêu chuẩn và khuyến khích ngành tuân thủ

Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về trung tâm dữ liệu bền vững, đặc biệt phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới (ví dụ: cho phép nâng nhiệt độ vận hành máy chủ).

Hướng đến việc chuẩn hóa quy trình, nâng cao hiệu suất vận hành, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cho cả quốc gia và doanh nghiệp.

Kết luận và Khuyến nghị

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư trung tâm dữ liệu nhờ chính sách cởi mở, chi phí cạnh tranh, và hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ.  Một số lợi thế, chính sách nổi bật: Khung pháp lý rõ ràng, hỗ trợ chuyển đổi số, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp xây dựng trung tâm dữ liệu [8]; có chi phí xây dựng trung tâm tâm dữ liệu cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực [9]. Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield vào đầu năm 2025, Việt Nam có lợi thế đáng kể trong đầu tư trung tâm dữ liệu với chi phí xây dựng trung bình 6,9 triệu USD/MW - thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ cao hơn Đài Loan (Trung Quốc). Con số này thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc (7,1 triệu USD), Thái Lan (7,6 triệu USD), Indonesia (8,7 triệu USD) và Malaysia (9 triệu USD). Như vậy, có thể thấy Việt Nam đang là quốc gia sở hữu lợi thế đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu so với các nước khác tạo điều kiện rất lớn trong việc thu hút đầu tư trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

28-4

Bảng so sánh chi phí xây dựng trung bình theo báo cáo chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu tại Châu Á Thái Bình Dương năm 2025

Một số khuyến nghị nhằm thu hút đầu tư trung tâm dữ liệu tại Việt Nam: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là Luật Dữ liệu để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế; đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình cấp phép và cung cấp ưu đãi thuế cụ thể cho ngành trung tâm dữ liệu; Tăng cường đầu tư vào hạ tầng viễn thông: mạng 5G, cáp quang quốc tế và năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu của trung tâm dữ liệu hiện đại; Tăng cường hợp tác công-tư; Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu.

Nguyễn Thu Liên 

Ban Tổng hợp và Hợp tác quốc tế

Tài liệu tham khảo

[1] https://www.itpro.com/server-storage/data-centres/367441/why-singapore-stopped-building-data-centres

[2]   https://thitruongtaichinhtiente.vn/chinh-sach-chuyen-doi-so-tai-singapore-va-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-viet-nam-53892.html

[3]      https://jcplaw.com.sg/vi/benefits-doing-business-singapore

[4]     Lessons from Singapore Data Centres, By Alfred Ng, Yi Ming Choo, Rebecca Cope and Andrew Hilton (2023), có sẵn tại địa chỉ: https://www.ashurst.com/en/ insights/lessons-from-singapore-data-centres/

[5]https://www.aseanbriefing.com/news/singapores-data-center-sector-regulations-incentives-and-investment-prospects/

[6] https://www.straitstimes.com/singapore/imda-issues-guidelines-for-cloud-services-and-data-centres-some-may-be-added-to-new-laws

[7] https://en.vietnamplus.vn/singapore-issues-guidelines-for-cloud-services-data-centres-post310609.vnp

[8] https://trungtamwto.vn/hiep-dinh-khac/14382-ban-ve-chinh-sach-uu-dai-dau-tu-cuaviet-nam-doi-voi-doanh-nghiep-fdi

[9] https://vneconomy.vn/nhieu-nha-dau-tu-ngoai-muon-xay-trung-tam-du-lieu-tai-viet-nam.htm.

 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới cập nhật

Tin đọc nhiều

Nghiên cứu kế hoạch bồi dưỡng và mở rộng doanh nghiệp dữ liệu tại tỉnh Giang Tô- Trung Quốc

Nghiên cứu kế hoạch bồi dưỡng và mở rộng doanh nghiệp dữ liệu tại tỉnh Giang Tô- Trung Quốc

Chính sách chuyển đổi số của Hàn Quốc giai đoạn 2020–2025: Từ “Digital New Deal” đến Chính phủ số toàn diện

Chính sách chuyển đổi số của Hàn Quốc giai đoạn 2020–2025: Từ “Digital New Deal” đến Chính phủ số toàn diện

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH QUAN TRỌNG VỀ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ TẠI TRUNG QUỐC

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH QUAN TRỌNG VỀ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ TẠI TRUNG QUỐC

Lượng hóa một số khái niệm mới trong Nghị quyết số 57-NQ/TW

Lượng hóa một số khái niệm mới trong Nghị quyết số 57-NQ/TW

Kinh nghiệm phát triển kinh tế dữ liệu của Hàn Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm phát triển kinh tế dữ liệu của Hàn Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm từ việc triển khai khung chia sẻ dữ liệu tin cậy của Singapore

Kinh nghiệm từ việc triển khai khung chia sẻ dữ liệu tin cậy của Singapore

Kinh nghiệm của Trung Quốc về định giá dữ liệu và bài học cho Việt Nam

Kinh nghiệm của Trung Quốc về định giá dữ liệu và bài học cho Việt Nam

Khai thác dữ liệu - Động lực hỗ trợ ra quyết định trong thời đại dữ liệu số

Khai thác dữ liệu - Động lực hỗ trợ ra quyết định trong thời đại dữ liệu số

Công nghệ 6G và những kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới ở Việt Nam

Công nghệ 6G và những kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới ở Việt Nam

Giới thiệu về nền tảng trao đổi dữ liệu đô thị - India Urban Data Exchange tại Ấn Độ

Giới thiệu về nền tảng trao đổi dữ liệu đô thị - India Urban Data Exchange tại Ấn Độ

Video xem nhiều

Khởi động nền tảng SMEdx hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

Khởi động nền tảng SMEdx hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

IoT với các số ứng dụng và tiềm năng phát triển

IoT với các số ứng dụng và tiềm năng phát triển

Việt Nam thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Make in Việt nam

Việt Nam thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Make in Việt nam

Toàn cảnh Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin REV-ECIT 2019

Toàn cảnh Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin REV-ECIT 2019

5G - Mạng truyền tải di động tốc độ cao của tương lai

5G - Mạng truyền tải di động tốc độ cao của tương lai

Lào muốn học kinh nghiệm tổ chức của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Việt Nam
 07-12-2019
Điểm mới trong các quy định của dịch vụ Gia công đã có hiệu lực kể từ ngày 5 tháng 5 năm 2019
 07-12-2019
Viện Chiến lược phải nâng tầm, “tổng chỉ huy” công tác chiến lược của Bộ TT&TT
 23-10-2024