Những tồn tại, hạn chế khi thực hiện sắp xếp cơ quan báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025
Nguồn: Internet
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, Chính phủ cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan đang tích cực phát triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Trong lĩnh vực báo chí, việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc theo Quyết định số 362/QĐ-TTg từ năm 2019 đã tạo ra những thay đổi quan trọng về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan báo chí. Sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sắp xếp cũng bộc lộ một số vấn đề cần được giải quyết nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống báo chí toàn quốc trước kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Một số vấn đề tồn tại, hạn chế
Về nguồn nhân lực
Một số đơn vị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, đặc biệt là Tổng Biên tập.
Đội ngũ nhân sự ở một số cơ quan báo chí còn mỏng, thiếu phóng viên, biên tập viên có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ giỏi, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, báo chí đa phương tiện.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của phóng viên ở một số đơn vị chưa đồng đều, một số phóng viên, biên tập viên chưa được đào tạo bài bản, gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong bối cảnh báo chí hiện đại, hội tụ, đa phương tiện.
Các cơ quan báo chí thiếu đội ngũ cán bộ kế cận, lực lượng trẻ, có năng lực, được đào tạo bài bản để tiếp quản và phát triển hoạt động báo chí trong tương lai.
Một số cơ quan báo chí, Tổng Biên tập tuy là người chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng lại không kiểm soát nội dung, điều hành, dẫn đến sai phạm. Một số cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí còn lỏng lẻo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thậm chí xảy ra mâu thuẫn nội bộ.
Về tài chính
Nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là các tạp chí, bản tin, gặp khó khăn do thiếu kinh phí hoạt động, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế khó khăn.
Doanh thu của nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là báo in, tạp chí in giảm sút do sự cạnh tranh của báo điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông mới.
Một số cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí chuyên ngành, khoa học, còn gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính.
Các báo, tạp chí điện tử đang lệ thuộc vào nguồn thu quảng cáo từ mạng xã hội, tiềm ẩn nguy cơ bị chi phối, mất đi tính chủ động.
Về công nghệ
Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của một số cơ quan báo chí còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của báo chí hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Về tổ chức, quản lý
Chưa có quy định cụ thể về một số loại hình báo chí, một số cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí, bản tin, còn gặp khó khăn trong việc thực hiện quy hoạch do chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, nhân sự, tài chính.
Việc quản lý, điều hành của một số cơ quan báo chí còn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển của báo chí hiện đại, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, báo chí đa phương tiện, chuyển đổi số.
Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện quy hoạch.
Các tồn tại, hạn chế khác
Nhiều tạp chí khoa học đã lợi dụng giấy phép để hoạt động tác nghiệp vượt thẩm quyền, gây ra các phản ứng tiêu cực trong xã hội. Số lượng tạp chí khoa học tăng nhanh, đặc biệt là từ các Viện thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, gây khó khăn cho việc đánh giá năng lực và quản lý hoạt động.
Quy định pháp luật hiện hành chưa bao quát hết các loại hình thông tin mới trên môi trường số. Việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí còn bất cập, chưa có sự tham gia của cơ quan quản lý báo chí. Một số cơ quan chủ quản chậm trễ trong việc xử lý sai phạm tại cơ quan báo chí thuộc quyền.
Đặc thù của một số bộ, ngành, hội khoa học chưa được xem xét đầy đủ trong quy hoạch. Tác động của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các đài phát thanh, truyền hình, gây khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính.
Đề xuất, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, sự cần thiết của việc quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí về quy hoạch báo chí đến cán bộ, phóng viên, người lao động. Việc này giúp tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, từ đó triển khai thực hiện quy hoạch hiệu quả.
Thứ hai, sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý và chủ quản báo chí là yếu tố then chốt để triển khai hiệu quả quy hoạch báo chí và công tác quản lý báo chí nói chung. Sự phối hợp này đặc biệt quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý vấn đề một cách kịp thời, linh hoạt.
Thứ ba, các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy hoạch báo chí. Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo là yếu tố then chốt để quy hoạch báo chí đạt hiệu quả. Ở những nơi tổ chức cơ sở đảng và lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí sâu sát, quản lý chặt chẽ, duy trì mối liên hệ thường xuyên với cơ quan báo chí trực thuộc, quá trình triển khai quy hoạch báo chí thường diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ.
Thứ tư, về phía các cơ quan báo chí cần chủ động đổi mới, sáng tạo trong tổ chức hoạt động, phương thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí. Các cơ quan báo chí cần chủ động xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình hành động để triển khai thực hiện quy hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị. Qua thực tế cho thấy, một số cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí chưa nắm vững quy định pháp luật về báo chí và quy hoạch báo chí, gây khó khăn cho quá trình triển khai. Năng lực và cách làm việc của cơ quan chủ quản cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ quy hoạch, thậm chí dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và thích ứng với bối cảnh báo chí hiện đại.
Việc sắp xếp các cơ quan báo chí cần đi đôi với việc giải quyết các vấn đề căn cơ, lâu dài của báo chí như: sắp xếp, bố trí lao động, tháo gỡ vướng mắc về kinh tế báo chí, giải quyết tồn tại trong cơ chế tài chính và mối quan hệ giữa cơ quan báo chí với cơ quan chủ quản.
Quỳnh An
Ban Thông tin, Báo chí, Xuất bản và Quảng cáo