TÁC ĐỘNG CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐỐI VỚI NGÀNH XUẤT BẢN: CƠ HỘI, THÁCH THỨC VÀ TRIỂN VỌNG
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có ngành xuất bản. Từ việc hỗ trợ biên tập, dịch thuật cho đến cá nhân hóa trải nghiệm đọc, AI đang mở ra những cơ hội chưa từng có nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với những người làm nghề xuất bản.
Hiện nay, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng rộng rãi trong ngành xuất bản toàn cầu, mang lại nhiều thay đổi đáng kể trong quy trình sản xuất, phân phối và tương tác với độc giả. Theo báo cáo của ePublishing, thị trường AI trong xuất bản được định giá khoảng 2,8 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 41,2 tỷ USD vào năm 2033, với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên đến 30,8% [1].
Hình minh họa. Nguồn: Internet
CÔNG NGHỆ AI ĐANG THAM GIA NGÀNH XUẤT BẢN NHƯ THẾ NÀO?
Tự động hóa các công đoạn sản xuất xuất bản phẩm:
AI đang được ứng dụng mạnh mẽ trong quy trình sản xuất xuất bản phẩm, đặc biệt ở các công đoạn như biên tập văn bản, hiệu đính, trình bày, dàn trang và thiết kế
bìa sách. Các công cụ như Grammarly, ProWritingAid và PerfectIt sử dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên để phát hiện lỗi chính tả, ngữ pháp và cải thiện chất lượng văn bản, giúp rút ngắn thời gian xuất bản lên đến 30% . Một số nhà xuất bản lớn như Springer Nature đã thử nghiệm sử dụng AI để hỗ trợ soạn thảo sách chuyên ngành khoa học.
Ngoài ra, phần mềm như Adobe InDesign tích hợp AI đang giúp tự động hóa quá trình dàn trang, điều chỉnh bố cục một cách thông minh. AI cũng hỗ trợ thiết kế bìa sách bằng cách tạo ra các phương án đồ họa dựa trên nội dung và chủ đề của tác phẩm, giúp rút ngắn đáng kể thời gian thiết kế.
Dịch thuật máy và tạo nội dung tự động:
Trong ngành xuất bản hiện đại, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ dịch thuật máy và tạo nội dung tự động, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng phạm vi tiếp cận độc giả. Các công cụ dịch thuật sử dụng AI như DeepL, Google Translate hay Amazon Translate đã đạt đến độ chính xác cao hơn nhờ khả năng học sâu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đặc biệt hiệu quả trong dịch sách phi hư cấu hoặc tài liệu kỹ thuật. Một ví dụ điển hình về việc các nhà xuất bản quốc tế áp dụng công nghệ dịch thuật máy kết hợp với biên tập hậu kiểm là công ty Nuanxed có trụ sở tại Stockholm. Nuanxed đã phát triển mô hình dịch thuật kết hợp giữa AI và con người, cho phép dịch sách nhanh chóng mà vẫn đảm bảo chất lượng. Cụ thể, họ đã hoàn thành gần 800 bản dịch với 69 cặp ngôn ngữ, bao gồm cả những ngôn ngữ khó như Nhật Bản sang Hà Lan, với tốc độ lên đến 50 dự án mỗi tháng. Nhờ vào việc sử dụng AI để xử lý ban đầu và sau đó được biên tập viên con người chỉnh sửa, thời gian dịch một cuốn sách 300 trang được rút ngắn từ sáu tháng xuống còn ba tháng, thậm chí chỉ hai tuần đối với các sách trong loạt truyện. Phương pháp này đã thu hút sự hợp tác của các nhà xuất bản lớn như HarperCollins, Blackstone và BookBeat, cho thấy hiệu quả của việc kết hợp AI và con người trong xuất bản đa ngôn ngữ[2].
Bên cạnh đó, AI còn hỗ trợ tạo nội dung tự động thông qua các mô hình ngôn ngữ như GPT-4, Jasper hay Sudowrite, cho phép xây dựng bản nháp văn bản, gợi ý tiêu đề, tạo cốt truyện hoặc thậm chí sản sinh cả chương sách. Những công cụ này không thay thế hoàn toàn con người, nhưng đang trở thành “trợ lý sáng tạo” giúp rút ngắn chu trình sản xuất sách và hỗ trợ tác giả trong việc phát triển ý tưởng. Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong dịch thuật và viết nội dung cũng đặt ra yêu cầu nghiêm túc về kiểm định chất lượng và đảm bảo tính nguyên bản của tác phẩm.
Phân tích dữ liệu và cá nhân hóa nội dung:
AI có khả năng phân tích hành vi đọc của người dùng, từ đó đề xuất nội dung phù hợp theo sở thích cá nhân. Điều này đang làm thay đổi cách tiếp cận độc giả của các nhà xuất bản. Amazon Kindle, Scribd hay các nền tảng đọc trực tuyến như Wattpad đã áp dụng các thuật toán gợi ý dựa trên dữ liệu người dùng nhằm nâng cao trải nghiệm đọc.
Một số nhà xuất bản đã bắt đầu sử dụng AI để phân tích dữ liệu thị trường nhằm dự đoán xu hướng xuất bản, tối ưu hóa chiến lược marketing và định hướng biên tập nội dung. Đây là bước đi chiến lược giúp tiết kiệm chi phí và tăng khả năng tiếp cận đúng đối tượng độc giả.
CƠ HỘI MỚI CHO NGÀNH XUẤT BẢN
Tiếp cận độc giả rộng rãi và nhanh chóng hơn:
Nhờ vào các ứng dụng AI, các nhà xuất bản có thể mở rộng phạm vi tiếp cận độc giả thông qua các nền tảng số, xuất bản nhanh hơn và hiệu quả hơn. AI cũng giúp xây dựng các hệ thống đọc sách nói (audiobook) tự động, sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói tự nhiên (text-to-speech), mang đến trải nghiệm tiếp cận sách mới cho người khiếm thị hoặc độc giả bận rộn.
Hỗ trợ sáng tạo và đổi mới nội dung:
AI là một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho các nhà văn, biên tập viên và nhà thiết kế trong việc sáng tạo nội dung mới. Nó giúp họ có thêm ý tưởng, đề xuất cấu trúc bài viết, gợi ý cải thiện văn phong, từ đó nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm. Mặc dù AI chưa thể thay thế hoàn toàn khả năng sáng tạo của con người, nhưng lại đóng vai trò như một “cộng sự sáng tạo” hiệu quả.
Giảm chi phí và tăng hiệu suất:
Việc ứng dụng AI trong các khâu sản xuất giúp giảm thiểu chi phí nhân công, tăng năng suất và rút ngắn thời gian từ bản thảo đến sản phẩm cuối cùng. Đây là một lợi thế lớn trong bối cảnh ngành xuất bản đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh và sự thay đổi thói quen tiêu dùng văn hóa.
NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA
Hình minh họa. Nguồn: Internet
Vấn đề bản quyền và đạo đức trong sử dụng AI:
Khi AI có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh và thậm chí cả tác phẩm hoàn chỉnh, câu hỏi về quyền sở hữu trí tuệ trở nên cấp thiết. Liệu tác phẩm do AI tạo ra có được bảo hộ bản quyền? Ai là tác giả trong trường hợp này? Những câu hỏi đó đòi hỏi sự hoàn thiện của hành lang pháp lý và chuẩn mực đạo đức trong nghề. Trên thực tế, tại Hoa Kỳ, theo luật bản quyền hiện hành, chỉ những tác phẩm do con người tạo ra mới đủ điều kiện được bảo hộ bản quyền. Một trường hợp điển hình là vụ việc của Stephen Thaler, khi ông nộp đơn xin bảo hộ bản quyền cho một tác phẩm do AI tạo ra, nhưng bị từ chối vì thiếu yếu tố "tác giả con người"[3].
Nguy cơ đồng hóa nội dung và suy giảm tính nguyên bản:
Khi AI tạo ra nội dung dựa trên dữ liệu huấn luyện từ các văn bản có sẵn, nó có thể dẫn đến việc lặp lại, đồng hóa thông tin và thiếu tính độc đáo. Nếu phụ thuộc quá mức vào AI, ngành xuất bản có thể đánh mất vai trò của con người trong sáng tạo tri thức và cảm xúc nhân văn.
Thách thức đối với nguồn nhân lực:
Sự phổ biến của AI khiến nhiều công việc truyền thống như biên tập viên, dịch giả, thiết kế sách đứng trước nguy cơ bị thay thế hoặc tái cấu trúc. Ngành xuất bản cần có chiến lược đào tạo lại, nâng cao kỹ năng số và thúc đẩy tư duy sáng tạo cho người lao động để thích ứng với môi trường mới.
TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC
Kết hợp giữa AI và con người:
Thay vì coi AI là mối đe dọa, chúng ta có thể nhìn nhận công nghệ này như một công cụ hỗ trợ để nâng cao hiệu quả công việc. Sự phát triển của AI không nhằm thay thế con người mà là nhằm giải phóng con người khỏi những tác vụ lặp đi lặp lại, cho phép con người tập trung hơn vào các khía cạnh mang tính sáng tạo và chiến lược. Trong mô hình hợp tác này, con người sẽ giữ vai trò chủ đạo ở các khâu như sáng tạo nội dung, tư duy phản biện, đánh giá giá trị văn hóa – xã hội của ấn phẩm và định hướng nội dung phù hợp với đối tượng độc giả. Trong khi đó, AI có thể đảm nhiệm những nhiệm vụ kỹ thuật như xử lý ngôn ngữ, thiết kế bố cục, biên tập sơ bộ, dịch máy, phân tích dữ liệu độc giả, thậm chí hỗ trợ gợi ý nội dung theo xu hướng tiêu dùng.
Mô hình kết hợp này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình làm việc mà còn thúc đẩy tính cá nhân hóa trong sản phẩm xuất bản, tăng khả năng tiếp cận độc giả và nâng cao năng suất tổng thể. Quan trọng hơn, nó tạo ra một hệ sinh thái xuất bản mà trong đó công nghệ là công cụ phục vụ cho sự phát triển bền vững, còn con người là trung tâm của sự sáng tạo và giá trị nhân văn. Đây là hướng đi tất yếu và tích cực mà ngành xuất bản cần nắm bắt trong thời đại chuyển đổi số hiện nay.
Trên thực tế, vào năm 2017 Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành 《新一代人工智能发展规划》 - Kế hoạch hành động phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới (2017–2030) , đề ra mục tiêu tích hợp AI vào các ngành công nghiệp truyền thống, bao gồm cả xuất bản. Nhiều địa phương như Bắc Kinh và Thượng Hải có các quỹ đầu tư riêng để khuyến khích các nhà xuất bản ứng dụng AI trong biên tập, dịch thuật và phân phối nội dung số.
Xây dựng khung pháp lý và đạo đức sử dụng AI trong xuất bản
Bên cạnh những tiềm năng to lớn, việc sử dụng AI trong lĩnh vực xuất bản cũng đặt ra những thách thức mới, đặc biệt là về mặt pháp lý và đạo đức. Cần có các quy định rõ ràng liên quan đến bản quyền, đạo đức sử dụng dữ liệu huấn luyện AI, cũng như sự minh bạch trong việc sử dụng công cụ AI để tạo nội dung. Việc AI học từ các kho dữ liệu văn bản khổng lồ – bao gồm cả các tác phẩm có bản quyền – đang làm dấy lên lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích của các tác giả, nhà xuất bản. Điển hình cho nội dung này là vụ kiện Meta Platforms năm 2023. Trong đó, nhiều tác giả, bao gồm Sarah Silverman và Junot Díaz, đã đệ đơn kiện Meta vì sử dụng hơn 7 triệu cuốn sách có bản quyền để huấn luyện mô hình ngôn ngữ LLaMA mà không có sự cho phép. Các tài liệu nội bộ cho thấy Meta đã truy cập vào các thư viện sách lậu như LibGen và Z-Library để thu thập dữ liệu huấn luyện, gây ra tranh cãi lớn về quyền sở hữu trí tuệ và đạo đức sử dụng dữ liệu[4].
Trong bối cảnh đó, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản nên chủ động tham gia xây dựng bộ quy tắc ứng xử, không chỉ nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong môi trường số, mà còn góp phần định hình chuẩn mực đạo đức cho việc ứng dụng công nghệ mới. Một bộ khung pháp lý đồng bộ sẽ không chỉ tạo môi trường pháp lý rõ ràng và ổn định, mà còn giúp thúc đẩy đổi mới sáng, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, đồng thời gìn giữ các giá trị cốt lõi của hoạt động xuất bản.
Đầu tư vào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực
Việc kết hợp giữa các trung tâm công nghệ, trường đại học và doanh nghiệp xuất bản để phát triển các giải pháp AI nội địa là hướng đi dài hạn, mang tính chiến lược đối với sự phát triển bền vững của ngành xuất bản trong kỷ nguyên số. Thay vì chỉ phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ nước ngoài, sự chủ động trong nghiên cứu – phát triển các công cụ AI phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa và đặc thù xuất bản trong nước sẽ giúp gia tăng khả năng kiểm soát công nghệ, bảo vệ dữ liệu nội dung, đồng thời góp phần định hình một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mang tính bản địa hóa cao. Có thể nhắc đến sự kết hợp giữa công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo và các trường đại học tại Mỹ. Đầu năm 2025, OpenAI đã khởi xướng liên minh NextGenAI, hợp tác với 15 trường đại học hàng đầu như Duke, Harvard, MIT và Oxford. Mục tiêu của liên minh này là xây dựng lộ trình tích hợp AI vào nghiên cứu và giáo dục, đồng thời phát triển các mô hình hợp tác giữa khu vực công và tư nhân trong việc ứng dụng AI để giải quyết các vấn đề xã hội lớn[5].
Song song với đó, cần có chính sách khuyến khích đào tạo đội ngũ làm nghề xuất bản có hiểu biết về công nghệ và tư duy đổi mới sáng tạo. Những người làm biên tập, phát hành, thiết kế và quản lý nội dung trong thời đại số không chỉ cần kỹ năng truyền thống, mà còn cần năng lực ứng dụng công nghệ, làm việc với dữ liệu, hiểu biết về thuật toán và đặc biệt là khả năng làm việc liên ngành với các chuyên gia công nghệ và truyền thông số. Việc đưa các nội dung về xuất bản số, trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo ngành xuất bản – báo chí tại các trường đại học, học viện là một yêu cầu cấp thiết.
KẾT LUẬN
Như vậy, AI đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi căn bản ngành xuất bản, từ quy trình sản xuất, nội dung đến cách thức tiếp cận độc giả. Dù mang lại nhiều cơ hội phát triển, AI cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt về bản quyền, đạo đức và nguồn nhân lực. Để thích ứng và phát triển bền vững, ngành xuất bản cần tiếp cận AI một cách chủ động, thận trọng và có chiến lược. Việc kết hợp giữa công nghệ và con người là chìa khóa để giữ vững sứ mệnh truyền bá tri thức, phát triển văn hóa đọc trong thời đại số hóa. Chỉ khi con người vẫn là trung tâm trong hệ sinh thái xuất bản – với sự hỗ trợ hiệu quả từ AI – thì ngành xuất bản mới có thể vươn lên mạnh mẽ trong tương lai.
Lan Phương
Ban Thông tin, Báo chí, Xuất bản và Quảng cáo
[1] https://www.epublishing.com/news/2024/dec/05/ai-publishing/?utm_source=chatgpt.com
[2] https://aitran.com/how-ai-powered-translations-are-revolutionizing-globalpublishing/?utm_source=chatgpt.com
[3] https://www.mondaq.com/unitedstates/intellectual-property/1360100/ai-generated-works-cannot-be-copyrighted-because-they-lack-human-authorship?utm_source=chatgpt.com
[4] https://www.vanityfair.com/news/story/meta-ai-lawsuit?utm_source=chatgpt.com
[5] https://today.duke.edu/2025/03/duke-partners-openai-other-universities-find-best-uses-ai-research?utm_source=chatgpt.com