Mạng xã hội và vấn đề sức khỏe tinh thần của người sử dụng
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), mạng xã hội (MXH) mang lại nhiều lợi ích cho thanh thiếu niên bằng cách giúp họ phát triển các kỹ năng giao tiếp, kết bạn, theo đuổi các lĩnh vực quan tâm cũng như những chia sẻ về suy nghĩ và ý tưởng. Tuy nhiên, mặt trái của MXH có thể là những tác động tiêu cực về mặt sức khoẻ, đặc biệt là nội tâm của một bộ phận thanh thiếu niên.
Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew trích nguồn từ các Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy, vì dành quá nhiều thời gian đăng nhập MXH (hơn 3 giờ mỗi ngày) và thường xuyên tiếp xúc với các hành vi có hại, người dùng có nguy cơ cao đối với các vấn đề liên quan đến những bệnh lý thần kinh như: Suy giảm tinh thần, rối loạn thần kinh hoặc bị trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy: Thanh niên (từ 18 đến 25 tuổi) có tỷ lệ mắc bệnh tâm thần cao nhất là 25,8%, người ở độ tuổi (từ 26 đến 49) là 22,2% và 13,8% ở độ tuổi (50 trở lên).
Người sử dụng trước “trận đồ MXH”. Nguồn: Ảnh từ Internet
Báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC-Mỹ) công bố vào tháng 5 năm 2021 cho biết, tình trạng liên quan đến bệnh lý thần kinh ở lứa tuổi học đường (13-24 tuổi) tăng cao, đạt hơn 31% trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19. Nguyên nhân là do người dùng ở lứa tuổi này dành thời gian học trực tuyến và truy nhập vào Internet nhiều hơn so với thời điểm trước dịch bệnh.
Giới trẻ dưới tác động tiêu cực của MXH. Nguồn: Ảnh từ Internet
Theo báo cáo của Hiệp hội Lo lắng và Trầm cảm (ADAA-Mỹ), hầu hết mọi người - trẻ và già - đều có thể tiết chế việc sử dụng MXH để tránh các nguy cơ bị chiếm đoạt cuộc sống. Tuy nhiên, 20% người dùng có ít nhất một tài khoản MXH cho biết ít nhất ba giờ một lần, họ phải kiểm tra tài khoản để tránh cảm giác lo lắng. Hiện tượng này được ADAA gọi là hiện tượng “rối loạn lo âu trên MXH” - một chứng bệnh tâm thần phổ biến nhất ở Mỹ. Các triệu chứng của rối loạn lo âu trên MXH bao gồm: Dừng để kiểm tra MXH khi đang trò chuyện; Dành hơn 6 giờ mỗi ngày để sử dụng MXH; Nói dối về lượng thời gian dành cho MXH; Thất bại trong nỗ lực cắt giảm việc sử dụng MXH; Bỏ bê hoặc mất hứng thú với trường học, công việc và các hoạt động yêu thích; Trải qua các triệu chứng hồi hộp, lo lắng hoặc cai nghiện nghiêm trọng khi không thể kiểm tra MXH; Có mong muốn lớn được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Người dùng ngày càng phụ thuộc vào MXH. Nguồn: Ảnh từ Internet
Ngoài ra, ADAA cũng chỉ ra một số chứng bệnh phổ biến khác như: rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn bốc đồng, gián đoạn các chức năng tâm thần thích hợp, hoang tưởng và cô đơn… Các chứng bệnh này chủ yếu đến với những người sử dụng MXH cực đoan chứ không phải tất cả các cá nhân.
Phạm Văn Nghĩa - Ban TH&HTQT - Viện Chiến lược TT&TT
Tài liệu tham khảo
- Pew Research Center: https://www.pewresearch.org/internet/2018/05/31/teens-technology-acknowl...
- Impact of Social Media on Youth Mental Health: https://onlinedegrees.unr.edu/online-master-of-public-health/impact-of-s...
- Centers for Disease Control and Prevention: https://www.cdc.gov/media/releases/2021/archives.html;
- Anxiety and Depression Association of America: https://adaa.org/
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận