BỨC TRANH NĂNG LỰC CẠNH TRANH SỐ TOÀN CẦU NĂM 2024
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn chuyển dịch mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ số, năng lực cạnh tranh số đã và đang trở thành thước đo chiến lược phản ánh trình độ phát triển, mức độ sẵn sàng và khả năng thích ứng của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số hóa. Đây không chỉ là cuộc đua về công nghệ, mà còn là cuộc đua về tư duy, thể chế và con người.
Hằng năm, Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) công bố Báo cáo “World Digital Competitiveness Ranking” – một trong những bảng xếp hạng uy tín nhất thế giới, khởi nguồn là Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh về nhân tài toàn cầu của IMD (IMD World Talent Ranking) đến đánh giá năng lực cạnh tranh số của 67 nền kinh tế thông qua ba trụ cột chính: Tri thức, Công nghệ và Sẵn sàng cho tương lai. Báo cáo năm 2024 tiếp tục cung cấp cái nhìn toàn diện về mức độ phát triển, những xu hướng nổi bật cũng như khoảng cách số đang hiện hữu giữa các khu vực và quốc gia.
Bài viết dưới đây sẽ phân tích những điểm sáng, thách thức và hàm ý chính sách từ báo cáo năm nay, góp phần định hình nhận thức và định hướng hành động cho các quốc gia trên hành trình chuyển đổi số toàn diện.
Hình 1: Các trụ cột và yếu tố thành phần cấu thành năng lực cạnh tranh số
Nguồn: Digital Competitiveness Report 2024
Cấu trúc chỉ số: Ba cột trụ của năng lực số
Theo báo cáo World Digital Competitiveness Ranking 2024, bộ chỉ số bao gồm ba trụ cột chính: Tri thức (Knowledge), Công nghệ (Technology) và Sẵn sàng cho tương lai (Future Readiness). Mỗi trụ cột phản ánh một khía cạnh cốt lõi trong quá trình phát triển năng lực số quốc gia. Trụ cột Tri thức tập trung đánh giá chất lượng hệ thống giáo dục, năng lực nghiên cứu – phát triển (R&D), và sự sẵn sàng của lực lượng lao động kỹ thuật cao. Trụ cột Công nghệ phản ánh mức độ phát triển của hạ tầng số, khả năng thu hút đầu tư công nghệ, mức độ tích hợp công nghệ trong doanh nghiệp và khu vực công. Trong khi đó, trụ cột Sẵn sàng cho tương lai đo lường khả năng thích ứng của xã hội, mức độ chủ động tiếp nhận công nghệ mới, và sự nhanh nhạy của khu vực doanh nghiệp với các xu thế kỹ thuật số đang diễn ra nhanh chóng.
Chỉ số năng lực cạnh tranh số được cấu trúc gồm 54 chỉ tiêu, được phân chia đồng đều theo 3 trụ cột chính, mỗi trụ cột bao gồm 3 nhóm yếu tố thành phần, phản ánh toàn diện các khía cạnh của sự phát triển số ở cấp quốc gia. Khoảng 60% chỉ tiêu được xây dựng dựa trên số liệu định lượng từ các tổ chức quốc tế có uy tín như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat). Phần còn lại, chiếm khoảng 40%, là dữ liệu điều tra khảo sát thu thập từ các nhà quản lý doanh nghiệp và chuyên gia trong nước, thông qua hệ thống đối tác học thuật toàn cầu của IMD. Khác với nhiều bảng xếp hạng tập trung đơn lẻ vào yếu tố công nghệ, phương pháp tiếp cận của IMD đặt trọng tâm vào sự tương tác giữa trình độ giáo dục, năng lực thể chế và mức độ tích hợp công nghệ trong xã hội và kinh tế. Điều này cho phép báo cáo không chỉ phản ánh hiện trạng về mức độ số hóa, mà còn dự báo tiềm năng phát triển bền vững của từng quốc gia trong dài hạn. Chính nhờ cấu trúc logic và được cập nhật thường xuyên, bộ chỉ số của IMD đã trở thành công cụ quan trọng được nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế sử dụng trong việc xây dựng chính sách và theo dõi tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Những xu hướng nổi bật
Trong báo cáo năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển động đáng chú ý trong bức tranh cạnh tranh số toàn cầu, phản ánh xu thế điều chỉnh chiến lược của các quốc gia trong bối cảnh công nghệ số lan tỏa ngày càng sâu rộng vào mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Một số xu hướng nổi bật có thể được nhận diện rõ rệt qua hệ thống dữ liệu và xếp hạng trong báo cáo.
(i) Đầu tiên, chuyển đổi số trong khu vực hộ gia đình và tiêu dùng cá nhân đang diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết các quốc gia phát triển. Việc sở hữu điện thoại thông minh, máy tính bảng và khả năng truy cập Internet tốc độ cao đã trở thành phổ biến không chỉ tại các trung tâm đô thị mà còn lan rộng về khu vực nông thôn. Chỉ số như “Smartphone possession” (Sở hữu điện thoại thông minh), “Tablet possession” (Sở hữu máy tính bảng) và “Internet retailing” (Bán lẻ trên Internet) ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt, đặc biệt tại Bắc Âu, Đông Á và một số quốc gia khu vực Vùng Vịnh. Điều này góp phần hình thành một nền tảng tiêu dùng số rộng lớn – nơi người dân không chỉ là người sử dụng công nghệ mà còn là đối tượng tham gia vào các hệ sinh thái số đa tầng.
(ii) Thứ hai, xu hướng tăng cường đầu tư vào an ninh mạng và khung pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các quốc gia có điểm số cao trong nhóm chỉ số “Government cyber security capacity” (Năng lực an toàn, an ninh mạng của Chính phủ) và “Privacy protection by law exists” (Quyền riêng tư được pháp luật bảo vệ) thường là những nước đã triển khai chiến lược quốc gia về an toàn thông tin, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý dữ liệu số. Estonia, Hàn Quốc và Singapore là những ví dụ điển hình khi kết hợp hài hòa giữa chính sách phòng vệ chủ động và tiếp cận công nghệ mở, đảm bảo vừa phát triển vừa kiểm soát rủi ro số.
(iii) Thứ ba, mức độ linh hoạt của doanh nghiệp trong chuyển đổi mô hình hoạt động, được thể hiện qua chỉ số “Business Agility” (Mức độ linh hoạt của doanh nghiệp) và “Use of big data and analytics” (Mức sử dụng dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu). Những nền kinh tế có điểm số cao trong nhóm này thường đồng thời có chỉ số “Future Readiness” (Sẵn sàng cho tương lai) nổi bật. Điều đó cho thấy rằng năng lực điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng số hóa, khai thác dữ liệu lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ là lợi thế cạnh tranh mà còn là yêu cầu sống còn trong môi trường biến động nhanh.
(iv) Thứ tư, sự gia tăng vai trò của chính phủ số, thể hiện qua hai nhóm chỉ số “E-Government” (Chính phủ điện tử) và “E-Participation” (Chỉ số tham gia điện tử). Tại nhiều quốc gia, người dân không còn chỉ là người thụ hưởng dịch vụ công trực tuyến, mà đã trở thành một phần trong quy trình ra quyết định chính sách thông qua các nền tảng tham vấn, góp ý và tương tác số. Điều này góp phần củng cố niềm tin công chúng, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản trị quốc gia. Ngoài ra, những xu hướng trên cho thấy chuyển đổi số không chỉ là sự tích hợp công nghệ vào hoạt động hiện tại mà còn là một quá trình tái cấu trúc sâu rộng về quản trị, tổ chức và tư duy phát triển. Báo cáo IMD ở đây không đơn thuần mô tả những gì đang diễn ra nói riêng, mà còn chỉ ra hướng đi và tốc độ chuyển mình của các quốc gia trong cuộc cạnh tranh số toàn cầu nói chung.
Ngoài ra, một trong những điểm nhấn nổi bật trong bức tranh cạnh tranh số toàn cầu năm 2024 còn là sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa nhóm quốc gia dẫn đầu và phần còn lại của thế giới. Những nước đứng đầu bảng xếp hạng không chỉ sở hữu hạ tầng công nghệ vượt trội mà còn thể hiện năng lực toàn diện về thể chế, nhân lực và đổi mới sáng tạo. Đáng chú ý, Singapore tiếp tục giữ vững ngôi vị số một toàn cầu, là minh chứng rõ ràng cho cách một quốc gia có quy mô dân số không lớn nhưng biết cách đầu tư đúng hướng vào chuyển đổi số, giáo dục công nghệ và môi trường khởi nghiệp. Hoa Kỳ, Thụy Điển, Đan Mạch và Thụy Sĩ – những quốc gia có thứ hạng tiếp theo có sự phối hợp hiệu quả giữa khu vực công và tư trong thúc đẩy sáng tạo số. Bên cạnh nhóm dẫn đầu, các nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược số hóa toàn diện, tập trung vào R&D (Nghiên cứu và phát triển), AI và hệ sinh thái công nghệ nội địa. Các quốc gia này không chỉ cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng mà còn trở thành các trung tâm đổi mới cạnh tranh với các nền kinh tế phương Tây về tốc độ ứng dụng công nghệ mới và mô hình kinh doanh số. Tuy nhiên, khoảng cách số giữa các nền kinh tế đang trở nên sâu sắc hơn, đặc biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển. Nhiều quốc gia tại châu Phi, Nam Á và Mỹ Latinh vẫn đối mặt với những thách thức mang tính hệ thống như hạ tầng viễn thông yếu, thiếu thể chế dữ liệu, kỹ năng số chưa đồng đều và mức độ đầu tư công nghệ còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, nguy cơ bị “gạt ra ngoài lề” của cuộc cách mạng số là hoàn toàn có thật nếu không có những cải cách mạnh mẽ và định hướng chiến lược kịp thời.
Hình 2: Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh số thế giới năm 2024 của IMD
Nguồn: Digital Competitiveness Report 2024
Kết luận
Từ những quan sát trên, có thể thấy rằng nâng cao năng lực cạnh tranh số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi quốc gia nếu muốn thích ứng với sự dịch chuyển nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu. Việc duy trì thứ hạng cao trong bảng xếp hạng không chỉ phụ thuộc vào hạ tầng công nghệ, mà còn đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ vào thể chế, nguồn nhân lực và môi trường đổi mới sáng tạo. Các quốc gia có kết quả tốt trong báo cáo đều là những nước chủ động xây dựng khung chính sách cởi mở, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, đồng thời có chiến lược dài hạn trong đào tạo kỹ năng số cho người dân. Đặc biệt, việc bảo đảm an toàn thông tin, thúc đẩy chính phủ số, khuyến khích chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống quản lý công, đang trở thành ưu tiên xuyên suốt trong lộ trình chuyển đổi số tại nhiều nền kinh tế.
Theo định hướng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong ba quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, đồng thời nằm trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc theo dõi chặt chẽ các bộ chỉ số quốc tế như báo cáo của IMD không chỉ mang tính chất tham khảo, mà còn đóng vai trò như một công cụ điều phối chính sách quan trọng, giúp xác định đúng ưu tiên, phân bổ nguồn lực hiệu quả và đánh giá tiến độ cải cách. Việt Nam hiện đang trong quá trình từng bước tham gia và hội nhập vào các hệ thống đánh giá năng lực cạnh tranh số toàn cầu, với quyết tâm chủ động nâng cao vị thế trên bản đồ số khu vực và thế giới. Việc đặt ra các ngưỡng mục tiêu rõ ràng, kết hợp với các giải pháp đồng bộ về thể chế, hạ tầng và nhân lực, sẽ là nền tảng để quốc gia không chỉ ghi danh trong các bảng xếp hạng quốc tế, mà còn từng bước khẳng định vai trò tích cực và năng lực cạnh tranh tiềm năng trong cuộc đua chuyển đổi số toàn cầu.
Như Hải
Ban Tổng hợp và Hợp tác quốc tế
[1] IMD (2024). World Digital Competitiveness Ranking 2024. IMD World Competitiveness Center. https://www.imd.org/centers/world-competitiveness-center/rankings/world-digital-competitiveness/
[2] UNDESA (2022). E-Government Survey 2022: The Future of Digital Government. United Nations Department of Economic and Social Affairs. https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Reports/UN-E-Government-Survey-2022
[3] OECD (2023). Measuring the Digital Transformation: A Roadmap for the Future. Paris: OECD Publishing. https://doi.org/10.1787/9789264311992-en
[4] World Economic Forum (2023). Global Future Council on Digital Economy and New Value Creation. https://www.weforum.org/communities/global-future-council-on-digital-economy-and-new-value-creation
[5] ITU (2023). Facts and Figures 2023: Measuring digital development. International Telecommunication Union. https://www.itu.int/en/ITU-D/Statistics/Pages/facts/default.aspx
[6] Google & Temasek & Bain & Company (2024). e-Conomy SEA 2024 – Southeast Asia’s digital decade. https://economysea.withgoogle.com/