Phát triển nhân lực số tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu quan điểm chỉ đạo “Chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng được sự thay đổi của thời đại.
Sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, blockchain... đòi hỏi nhân lực phải không ngừng nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn để thích ứng và làm chủ công nghệ. Nhân lực số được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của chuyển đổi số quốc gia, tạo đột phá phát triển, góp phần đạt mục tiêu nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI.
Ảnh minh họa ( Nguồn Internet).
Có nhiều quan điểm khác nhau về nhân lực số. Quan điểm "nhân lực số" dùng để chỉ sự chuyển đổi và phát triển của lực lượng lao động trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Nhân lực số không chỉ đề cập đến những người có năng lực làm chủ thiết bị công nghệ số, mà còn là những người có khả năng làm việc và thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau. Nhân lực số bao gồm: (i) Nhân lực công nghệ số; (ii) Người lao động đào tạo chuyển đổi, đào tạo lại, đào tạo nâng cao về công nghệ số, kỹ năng số; (iii) Người dân có kỹ năng số cơ bản.
- Đặc trưng của nhân lực số
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đòi hỏi nhân lực số được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, năng lực làm chủ công nghệ và có tính sáng tạo, có khả năng thích nghi nhanh với sự phát triển của công nghệ. Nhân lực số có các đặc trưng sau: (i) Nhân lực số có năng suất lao động cao do được áp dụng những thành tựu khoa học mới nhất nên năng suất lao động tăng cao thông qua việc thay thế sức người bằng máy móc thiết bị; (ii) Nhân lực số là lực lượng lao động có năng lực chuyên môn làm chủ các thiết bị công nghệ số trong quá trình làm việc; (iii) Nhân lực số là lực lượng lao động có tính sáng tạo, đổi mới.
- Quan điểm phát triển nhân lực số:
Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và các chương trình, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 nêu quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nhân lực số như:
(1) Phát triển nguồn nhân lực là một trong các nội dung trọng tâm, đột phá trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia; (2) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tạo khí thế mới trong toàn xã hội; (3) Phát động phong trào "bình dân học vụ số", phổ cập kiến thức số trong các tầng lớp nhân dân; khơi dậy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển đất nước; (4) Kịp thời cổ vũ, động viên, khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm tốt chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo; (5) Bảo đảm nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số quốc gia; (6) Có chính sách đặc biệt để đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Ảnh minh họa ( Nguồn Internet).
- Một số công việc cần triển khai tiếp:
+ Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển đại học số để nhanh chóng tạo ra sự đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và trình độ đáp ứng đủ nhu cầu thị trường lao động và tiếp cận thị trường quốc tế;
+ Xây dựng và triển khai chính sách, quy định phát triển, thu hút nhân tài số, tinh hoa toàn cầu về đào tạo số, nhân tài số thuộc cộng đồng người Việt Nam nước ngoài. Hình thành mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế về chuyển đổi số.
+ Nghiên cứu, ban hành chính sách tái cấu trúc lực lượng lao động, thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cấp kỹ năng để lực lượng lao động thích nghi với thay đổi nhanh của công nghệ. Ban hành và kịp thời cập nhật khung, chuẩn kỹ năng số, thiết lập nền tảng học trực tuyến mở đại trà, cung cấp kiến thức, kỹ năng số cơ bản, miễn phí cho người dân; thúc đẩy phong trào học tập suốt đời.
+ Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng và đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số làm việc tại các cơ quan nhà nước, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, phù hợp theo đặc thù lĩnh vực, vùng, miền; chính sách thuê chuyên gia phục vụ chuyển đổi số theo cơ chế thị trường.
+ Bổ sung cách thức đào tạo nguồn nhân lực theo hướng có cải cách để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Cụ thể: Đào tạo phổ cập kỹ năng số cho người lao động để bắt kịp với các thay đổi của cuộc CMCN 4.0; tăng cường phổ biến kiến thức về KHCN, ĐMST, CĐS.
Vấn đề chính sách phát triển nguồn nhất lực chất lượng cao bao gồm nguồn nhân lực số luôn là tâm điểm của Đảng, Nhà nước ta và toàn xã hội. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết thành công bằng chính sách, cơ chế đúng đắn, hợp lý và đủ mạnh của Nhà nước. Chính sách, cơ chế phát triển nguồn nhân lực số là quan điểm, quyết sách, quyết định chính trị có liên quan của Đảng, nhà nước với mục tiêu giải pháp, lộ trình phát triển phù hợp nhằm xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao có cơ cấu, số lượng, chất lượng hợp lý, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Do đó, trong chiến lược phát triển đất nước, của ngành, nguồn nhân lực số phải được quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực về trí tuệ, ý chí và niềm tin... Nguồn nhân lực số có chất lượng cao, với số lượng và cơ cấu hợp lý, giàu trí tuệ, giàu ý chí và khát vọng, có lý tưởng cách mạng soi sáng, sẽ là động lực để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay./.
Hằng Nguyễn
Ban Công nghệ thông tin