Một số khuyến nghị nhằm phát triển kinh tế dữ liệu

 2025-03-05 09:44:57
NIICS

Sự phát triển của công nghệ và sự kết nối ngày càng mạnh mẽ đã tạo ra một lượng lớn dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Trong nền kinh tế số, dữ liệu đang được ví như một loại “dầu mỏ” mới – loại nguyên liệu không thể thiếu cho sự vận hành của các chủ thể, từ nhà nước đến doanh nghiệp, dữ liệu sẽ thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc cải thiện tính hiệu quả và đổi mới của nền kinh tế. Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) là những yếu tố giúp tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu trong các mô hình kinh tế số hiện nay. Theo MIT Technology Review, tổng lượng dữ liệu dự báo được tạo ra lên 175 zettabyte vào năm 2025, dữ liệu doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 42%.

Theo Luật Dữ liệu năm 2024: Dữ liệu số là dữ liệu về sự vật, hiện tượng, sự kiện, bao gồm một hoặc kết hợp các dạng âm thanh, hình ảnh, chữ số, chữ viết, ký hiệu được thể hiện dưới dạng kỹ thuật số (sau đây gọi là dữ liệu).

Tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 2/2/2024 phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 đã đề ra quan điểm chỉ đạo: Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân.

Khái niệm kinh tế dữ liệu: Theo Ủy ban Châu Âu “data economy” (kinh tế dữ liệu) mô tả “tác động tổng thể của thị trường dữ liệu lên toàn bộ nền kinh tế”, bao gồm “việc tạo ra, thu thập, lưu trữ, xử lý, phân phối, phân tích làm rõ, chuyển giao, và khai thác dữ liệu thông qua công nghệ số”, và có nội hàm rộng hơn thị trường dữ liệu vì “có tính đến giá trị và của cải được tạo ra từ việc khai thác dữ liệu trong cả nền kinh tế. Nền kinh tế dữ liệu là một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu trong đó dữ liệu được thu thập, tổ chức và trao đổi bởi một mạng lưới các công ty, cá nhân và tổ chức để tạo ra giá trị kinh tế.

Kinh tế dữ liệu trong nền kinh tế số: Mối quan hệ giữa kinh tế dữ liệu và kinh tế số là rất chặt chẽ, và vì kinh tế dữ liệu chính là cơ sở hạ tầng và nguyên liệu cho hoạt động của kinh tế số, bao gồm các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số như một yếu tố đầu vào chính, từ đó tạo ra giá trị thông qua sự đổi mới và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Điều này vô hình giúp tăng năng suất lao động và cải thiện các mô hình kinh doanh truyền thống. Mặt khác, nền kinh tế dữ liệu không chỉ đóng vai trò là nguồn tài nguyên quan trọng mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số thông qua việc phân tích và khai thác dữ liệu để đưa ra các quyết định chiến lược trong hoạt động kinh doanh.

Hiện nay cũng trên thế giới cũng như ở Việt nam chưa có định nghĩa thống nhất, chính thức về kinh tế dữ liệu, tuy nhiên các nghiên cứu đều chỉ ra kinh tế dữ liệu là một hệ sinh thái kỹ thuật số trong nền kinh tế số, trong đó các nhà sản xuất và người tiêu dùng dữ liệu – các doanh nghiệp và cá nhân – cũng như các cơ quan Chính phủ và chính quyền thu thập, tổ chức và chia sẻ dữ liệu để tạo ra giá trị kinh tế được sử dụng rộng rãi.

Các nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế dữ liệu:

Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên hợp Quốc (United Nations Department of Economic and Social Affairs) đã xác định chuỗi giá trị của nền kinh tế dữ liệu bao gồm các bộ phận và quy trình như hình sau: Đầu tiên, dữ liệu cá nhân hoặc dữ liệu phi cá nhân được thu thập, lưu trữ để sau này xử lý. Sau đó, các công nghệ như thuật toán học máy được sử dụng để phân tích và xử lý dữ liệu. Dữ liệu đã được xử lý sẽ được cung cấp cho người dùng đầu cuối để họ dùng trong quá trình đưa ra quyết định, từ đó tạo ra tác động trong nền kinh tế.[1] Dựa trên sơ đồ chuỗi giá trị này, có thể xác định được các yếu tố tác động đến kinh tế dữ liệu.

z6375530785374_789be4c70f021c78374ac34b5d3c036c

Một cách khác để xác định các yếu tố tác động đến kinh tế dữ liệu là dựa vào những chủ đề được quan tâm đến nhiều nhất khi nghiên cứu về kinh tế dữ liệu. Sestino et al. (2023) đã tiến hành khảo sát và thống kê các công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới về kinh tế dữ liệu, kết quả thống kê xác định 8 chủ đề nổi bật nhất, thường xuyên được tập trung chú trọng vào khi nghiên cứu về kinh tế dữ liệu:[2]

- An toàn, an ninh dữ liệu: Là các biện pháp và quy trình để bảo vệ dữ liệu bí mật và nhạy cảm mà các tổ chức đã thu thập, lưu trữ, và chia sẻ để tránh bị tấn công mạng.

- Tác nhân công nghệ: Là các công nghệ, công cụ cho phép các tổ chức thu thập, xử lý, và phân tích dữ liệu.

- Tác động kinh doanh: Là những cách thức mà dữ liệu và công nghệ có thể ảnh hưởng đến hoạt động, chiến lược, và doanh thu của tổ chức, doanh nghiệp.

- Tác động xã hội: Là những cách thức mà việc thu thập, sử dụng, và chia sẻ dữ liệu có thể ảnh hưởng đến xã hội.

- Khuôn khổ chính trị: Là những khuôn khổ pháp luật, quy định nhằm quản lý hoạt động thu thập, sử dụng, và phát tán dữ liệu trong nền kinh tế.

- Tác nhân pháp luật, quy định: Là pháp luật, quy định, và các loại khung pháp lý khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế dữ liệu.

- Vấn đề quyền riêng tư: Là những quan ngại của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về việc ai có quyền tiếp cận đến dữ liệu cá nhân của họ, và việc dữ liệu cá nhân của họ được sử dụng như thế nào.

- Sàn giao dịch dữ liệu: Là các nền tảng mà trên đó các tổ chức có thể mua và bán dữ liệu.

Khuyến nghị về chính sách kinh tế dữ liệu cho các cơ quan quản lý

Theo nghiên cứu của Carriere-Swallow & Haksar (2019) cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các khuôn khổ chính sách kinh tế dữ liệu cần được thiết kế sao cho giải quyết được 4 nhóm vấn đề sau:[3]

1. Vấn đề thiếu minh bạch của thị trường (Market Opacity): Là việc các bên tham gia vào nền kinh tế dữ liệu không biết hoặc không được cung cấp các thông tin cơ bản và thiết yếu về giao dịch dữ liệu như dữ liệu của ai, khi nào thì được thu thập dữ liệu, có thể dùng dữ liệu vào mục đích gì, và ai có quyền tiếp cận dữ liệu đó. Nếu không xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên đối với dữ liệu thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng sử dụng quá mục đích hoặc sai mục đích dữ liệu, gây tổn hại đến quyền riêng tư của chủ thể dữ liệu.

Để các thị trường dữ liệu có thể hoạt động được hiệu quả và cân bằng được giữa lợi ích từ kinh tế dữ liệu với quyền riêng tư của chủ thể dữ liệu, bước đầu tiên cần thực hiện là xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của tất cả các bên tham gia vào nền kinh tế dữ liệu. Tiếp theo, cần phải xác định rõ ràng và cụ thể các bước, quá trình, công đoạn diễn ra trong các giao dịch dữ liệu, ví dụ như việc bên thu thập dữ liệu sẽ chỉ sử dụng dữ liệu đó cho một mục đích thôi hay sẽ có quyền tái sử dụng dữ liệu đó cho mục đích khác sau này hoặc bán lại dữ liệu cho bên thứ ba. Việc tái sử dụng dữ liệu có thể tạo ra thêm giá trị kinh tế, song cũng có thể tác động tiêu cực đến quyền riêng tư của chủ thể dữ liệu, vì vậy chủ thể dữ liệu nên có quyền kiểm soát đối với tất cả những lần dữ liệu của họ được sử dụng.

Một vấn đề khác là sự đồng ý cho phép sử dụng dữ liệu của chủ thể dữ liệu phải thực sự có ý nghĩa. Để được như vậy thì khi thiết kế giao diện yêu cầu chủ thể đồng ý cho phép sử dụng dữ liệu (ví dụ như đồng ý nhận cookies), cần phải cung cấp thông tin cho chủ thể dữ liệu một cách đơn giản, rõ ràng, hiệu quả, đầy đủ; tránh sử dụng cách diễn đạt, điều khoản pháp lý, câu từ quá phức tạp khiến cho người dùng khó hiểu, khó từ chối, dẫn đến đồng ý cho qua mà không hiểu rõ mình đang đồng ý với việc gì. Ngoài ra, để tăng cường niềm tin, các giao dịch dữ liệu nên có hạn chế về thời gian và mục đích sử dụng, tránh đòi hỏi chủ thể dữ liệu phải nhanh chóng đưa ra quyết định không thể rút lại, và bên thu thập hoặc xử lý dữ liệu cần xóa bỏ dữ liệu cũ khi được chủ thể dữ liệu đó yêu cầu (khái niệm “quyền được lãng quên”).

Cuối cùng, các khuôn khổ chính sách về kinh tế dữ liệu cần xem xét việc trao các quyền và nghĩa vụ về sở hữu dữ liệu cho chủ thể dữ liệu hay cho bên thu thập và xử lý dữ liệu. Các nghiên cứu được IMF trích dẫn đã kết luận là nếu trao toàn bộ quyền kiểm soát dữ liệu cho các công ty thu thập và xử lý dữ liệu thì các công ty này thường thu thập quá nhiều dữ liệu từ khách hàng của họ - gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư của chủ thể dữ liệu – và tích trữ dữ liệu cho riêng mình thay vì chia sẻ với các công ty, tổ chức khác – gây ảnh hưởng đến cạnh tranh. Trái lại, khi trao quyền kiểm soát và sở hữu dữ liệu cho chính chủ thể của dữ liệu đó thì họ thường biết tự cân bằng nhu cầu sử dụng dịch vụ dựa trên dữ liệu được thu thập với nhu cầu về quyền riêng tư của mình, và cho phép dữ liệu của mình được chia sẻ với nhiều bên hơn sau khi được thu thập, do đó đạt được kết quả tối ưu hơn về kinh tế và xã hội.[4]

2. Vấn đề tập trung và quyền lực trong thị trường (Concentration & Market Power): Quyền được tiếp cận dữ liệu là một thước đo quan trọng cho mức độ cạnh tranh trong nền kinh tế hiện đại, nhưng các doanh nghiệp lớn thường có xu hướng tích trữ dữ liệu người dùng cho riêng mình nhằm tập trung quyền lực và tăng cường vị thế của họ trong thị trường, tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp nhỏ hơn và tiêu diệt cạnh tranh. Vì vậy, để đảm bảo nền kinh tế dữ liệu có tính cạnh tranh, các chính sách kinh tế dữ liệu cũng cần chú trọng đến vấn đề mở rộng quyền tiếp cận dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp khác để chống tập trung, độc quyền trong thị trường. Cụ thể, các chính sách nên hướng đến đảm bảo dữ liệu có được 2 thuộc tính là khả năng di động (portability) và khả năng hoạt động liên kết (interoperability).

Khả năng di động (portability) nghĩa là khả năng dữ liệu có thể dễ dàng được chuyển giao từ bên xử lý dữ liệu này cho bên xử lý dữ liệu khác, và cách để đạt được điều này là trao cho chủ thể dữ liệu quyền được tiếp cận và chuyển giao dữ liệu của họ cho các bên khác sau khi dữ liệu đó đã được thu thập. Việc yêu cầu dữ liệu có tính di động sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường bằng cách làm giảm chi phí cho chủ thể dữ liệu khi họ muốn đổi sang nhà cung cấp dịch vụ khác hoặc sử dụng nhiều nhà cung cấp dịch vụ với nhau. Mặt khác, việc này cũng góp phần giải quyết vấn đề về tính minh bạch ở phần trên vì sẽ kéo theo yêu cầu các bên xử lý dữ liệu phải công khai cho chủ thể dữ liệu biết các bên đó đã thu thập những dữ liệu gì về họ. Tuy nhiên, việc yêu cầu các doanh nghiệp thu thập dữ liệu phải chia sẻ dữ liệu với các doanh nghiệp khác khi chủ thể dữ liệu yêu cầu có thể gây phát sinh thêm chi phí nếu dữ liệu đó được lưu trữ dưới các định dạng đặc biệt, độc quyền, không phổ biến, vì vậy cần có thuộc tính thứ hai là khả năng hoạt động liên kết.

Khả năng hoạt động liên kết (interoperability) nghĩa là khả năng dữ liệu có thể được chia sẻ và sử dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, bởi nhiều tổ chức và doanh nghiệp khác nhau, dựa trên các tiêu chuẩn và định dạng chung. Khả năng hoạt động liên kết đảm bảo khi dữ liệu được chuyển giao sang một bên mới thì bên đó có thể nhanh chóng làm việc với dữ liệu đó mà không mất thêm thời gian, chi phí, công sức đáng kể, qua đó giúp giảm thiểu chi phí và tăng cường năng lực cạnh tranh cho các bên tham gia vào nền kinh tế dữ liệu. Trong thực tế, việc yêu cầu dữ liệu được chuẩn hóa sao cho các doanh nghiệp, tổ chức trao đổi dữ liệu có thể hoạt động liên kết với nhau thường diễn ra trong các ngành, lĩnh vực cụ thể, ví dụ như các tiêu chuẩn về định dạng dữ liệu tài chính – ngân hàng

3. Vấn đề bất ổn định tài chính (Financial Instability): Đây là nhóm các vấn đề đặc thù, cụ thể đối với lĩnh vực tài chính, được tập trung đặc biệt do tính chất của tổ chức thực hiện nghiên cứu là Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tuy nhiên, những rủi ro được nêu ra dưới đây vẫn có nhiều đặc điểm có thể liên hệ rộng ra cho toàn bộ nền kinh tế nói chung (như về an toàn thông tin, công nghệ mới, v.v…) do đó nên được xem xét trong quá trình xây dựng chính sách.

Vấn đề thứ nhất là các vụ rò rỉ dữ liệu quy mô lớn ở các tổ chức tài chính lớn hoặc tổ chức trung gian dữ liệu quan trọng nếu xảy ra thì có thể gây ra thiệt hại nặng nề và sâu rộng cho toàn bộ nền kinh tế, do đó cần phải có các biện pháp chính sách về quản lý và thúc đẩy đầu tư vào an toàn thông tin sao cho có thể phòng ngừa, ngăn chặn, và khắc phục hậu quả của những trường hợp như vậy khi cần thiết. Thứ hai, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhanh chóng chuyển sang sử dụng các công nghệ và mô hình kinh doanh mới – ví dụ như các nhà cung cấp dịch vụ đám mây bên thứ ba – tuy có thể giúp giảm thiểu rủi ro cho từng doanh nghiệp đơn lẻ nhưng cũng có thể kéo theo nhiều rủi ro khác trên cấp độ toàn bộ hệ thống tài chính. Điều này xuất phát từ việc dữ liệu tài chính được tập trung với mật độ lớn vào một số ít dịch vụ đám mây bên thứ ba, khiến cho chỉ một số ít rủi ro cũng có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống. Thứ ba, các mô hình phân tích tín dụng dựa trên dữ liệu để đưa ra quyết định cho vay vốn mới nổi gần đây đã mang lại nhiều lợi ích như giúp tăng trưởng thị trường tài chính và giảm thiểu gánh nặng về vốn cho nhiều dự án và thị trường đang phát triển. Tuy nhiên, nhiều mô hình trong số này dựa trên dữ liệu không đầy đủ cho toàn bộ chu kỳ tài chính và do đó có thể sẽ không bền vững nếu điều kiện kinh tế và tài chính thay đổi. Ngoài ra, nhiều mô hình cho vay vốn này có hình thức là các nền tảng cho vay trực tuyến, do đó kéo theo một số rủi ro về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến.

4. Vấn đề chia rẽ, thiếu đồng bộ quốc tế (International Fragmentation): Các nước khác nhau có thể xây dựng nên các khuôn khổ quy định, chính sách kinh tế dữ liệu khác nhau, do đó có thể dẫn đến tình trạng chia rẽ, thiếu đồng bộ trong các hoạt động kinh tế dữ liệu trên quy mô quốc tế và toàn cầu và cản trở những lợi ích có thể đạt được từ các hoạt động xuyên biên giới.

Hiện nay, dữ liệu và thông tin đã có thể lưu thông nhanh chóng và thuận tiện trên toàn cầu thông qua mạng internet cũng như nhiều công nghệ liên kết và chia sẻ thông tin xuyên biên giới khác, và các thỏa thuận thương mại, dịch vụ giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế cũng thường bao gồm các điều khoản về đảm bảo dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới được xuyên suốt và tự do. Tuy nhiên, vẫn chưa có một khuôn khổ thống nhất nào cho toàn cầu về quản trị dữ liệu, và các cách thức, phương pháp quản trị dữ liệu của các quốc gia, khu vực, ngành nghề, v.v… vẫn còn rất khác nhau. Việc nghiên cứu, học hỏi cách tiếp cận của các quốc gia khác nhau về quy định và chính sách quản trị dữ liệu là hết sức quan trọng vì các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới luôn cần phải tuân thủ theo các quy định của nước sở tại khi cung cấp dịch vụ vào các nước đó, và các quy định của những nền kinh tế lớn (như GDPR của EU) sẽ kéo theo sự điều chỉnh tương ứng tại các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp muốn hoạt động trong các thị trường đó.

Cuối cùng, tuy không thể yêu cầu tất cả các quốc gia cùng giải quyết các vấn đề về đổi mới sáng tạo, quyền riêng tư, an toàn thông tin v.v… giống nhau, song vẫn cần phải có nỗ lực đối thoại và hợp tác quốc tế để đảm bảo nền kinh tế số nói chung và kinh tế dữ liệu nói riêng không trở nên quá chia rẽ và phân hóa. Cần có sự điều phối giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế để xây dựng khuôn khổ tiêu chuẩn tối thiểu, cân bằng các lợi ích từ tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh với những mối quan ngại về lợi ích quốc gia và quyền riêng tư, và đảm bảo việc các nước theo đuổi cách thức quản trị dữ liệu khác nhau không dẫn đến chia rẽ và cục bộ hóa các thị trường quốc tế và cản trở những lợi ích có thể có được từ chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới.

Trần Gia Khôi, Nguyễn Hoàng Giang

Ban Tổng hợp và hợp tác quốc tế

 

[1] UN DESA. (2019). Data Economy: Radical transformation or dystopia? Frontier Technology Quarterly. https://www.un.org/development/desa/dpad/wp-content/uploads/sites/45/publication/FTQ_1_Jan_2019.pdf, tr. 2.

[2] Sestino et al. (2023). Tlđd.

[3] Carriere-Swallow, Y., & Haksar, V. (2019). The Economics and Implications of Data: An Integrated Perspective. International Monetary Fund Departmental Papers, 19(13). https://doi.org/10.5089/9781513511436.087, tr. 29 – 40.

[4] Jones, C. I., & Tonetti, C. (2020). Nonrivalry and the Economics of Data. American Economic Review, 110(9), 2819–2858. https://doi.org/10.1257/aer.20191330; được trích dẫn trong Carriere-Swallow & Haksar (2019). Tlđd, tr. 31 – 32.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới cập nhật

Tin đọc nhiều

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH QUAN TRỌNG VỀ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ TẠI TRUNG QUỐC

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH QUAN TRỌNG VỀ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ TẠI TRUNG QUỐC

Lượng hóa một số khái niệm mới trong Nghị quyết số 57-NQ/TW

Lượng hóa một số khái niệm mới trong Nghị quyết số 57-NQ/TW

Kinh nghiệm phát triển kinh tế dữ liệu của Hàn Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm phát triển kinh tế dữ liệu của Hàn Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm từ việc triển khai khung chia sẻ dữ liệu tin cậy của Singapore

Kinh nghiệm từ việc triển khai khung chia sẻ dữ liệu tin cậy của Singapore

Kinh nghiệm của Trung Quốc về định giá dữ liệu và bài học cho Việt Nam

Kinh nghiệm của Trung Quốc về định giá dữ liệu và bài học cho Việt Nam

Khai thác dữ liệu - Động lực hỗ trợ ra quyết định trong thời đại dữ liệu số

Khai thác dữ liệu - Động lực hỗ trợ ra quyết định trong thời đại dữ liệu số

Công nghệ 6G và những kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới ở Việt Nam

Công nghệ 6G và những kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới ở Việt Nam

Giới thiệu về nền tảng trao đổi dữ liệu đô thị - India Urban Data Exchange tại Ấn Độ

Giới thiệu về nền tảng trao đổi dữ liệu đô thị - India Urban Data Exchange tại Ấn Độ

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường dữ liệu

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường dữ liệu

Phát triển nhân lực số tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát triển nhân lực số tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Video xem nhiều

Khởi động nền tảng SMEdx hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

Khởi động nền tảng SMEdx hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

IoT với các số ứng dụng và tiềm năng phát triển

IoT với các số ứng dụng và tiềm năng phát triển

Việt Nam thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Make in Việt nam

Việt Nam thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Make in Việt nam

Toàn cảnh Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin REV-ECIT 2019

Toàn cảnh Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin REV-ECIT 2019

5G - Mạng truyền tải di động tốc độ cao của tương lai

5G - Mạng truyền tải di động tốc độ cao của tương lai

Lào muốn học kinh nghiệm tổ chức của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Việt Nam
 07-12-2019
Điểm mới trong các quy định của dịch vụ Gia công đã có hiệu lực kể từ ngày 5 tháng 5 năm 2019
 07-12-2019
Viện Chiến lược phải nâng tầm, “tổng chỉ huy” công tác chiến lược của Bộ TT&TT
 23-10-2024