Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường dữ liệu
Bối cảnh
Công cuộc chuyển đổi số quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, dữ liệu ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong thời gian qua Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đặt ra mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2025 tối thiểu 20%, năm 2030 tối thiểu 30%. Thực tế ước tính tỷ trọng này năm 2021 đạt 11,91%, năm 2022 đạt 14,26%, năm 2023 ước đạt 16,5%. Để đạt được mục tiêu Chiến lược đã đề ra cho năm 2025, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế số hàng năm phải gấp 3-4 lần tốc độ tăng trưởng GDP, tức là từ 20-25% một năm. Đây là một thách thức, một nhiệm vụ khó khăn và cần có giải pháp đột phá[1]. Trong bối cảnh đó, dữ liệu đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ còn thuần túy là công cụ hỗ trợ cho phát triển CNTT, hỗ trợ cho công tác quản lý điều hành của Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp mà dữ liệu đã trở thành yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Việc phát triển thị trường dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế số đang trở thành một tất yếu khách quan.
Nguồn Internet.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: Chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong nước.
Nhà nước rất quan tâm và có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành dữ liệu, trong đó bao gồm các văn bản pháp luật về dữ liệu: Luật Dữ liệu năm 2024; Luật Giao dịch điện tử năm 2023; Luật an ninh mạng năm 2018; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Viễn thông năm 2024; Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 bảo vệ dữ liệu cá nhân; Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030; Quyết định số 813/QĐ-BTTTT ngày 17/5/2024 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030. Bên cạnh đó, còn có các dự án Luật đang được xây dựng gồm: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (do Bộ Công an trình); Luật Công nghiệp công nghệ số (do Bộ Khoa học và Công nghệ trình).
Hiện nay, Luật Dữ liệu đã được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 9 và sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm 2025. Đây là văn bản pháp lý chuyên ngành về dữ liệu có hiệu lực cao nhất mở ra tiền đề cho sự phát triển một thị trường dữ liệu minh bạch. Tuy nhiên, để thị trường dữ liệu có thể phát triển mạnh mẽ, toàn diện cần phải có một hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật dữ liệu đầy đủ, thống nhất và minh bạch.
Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường dữ liệu
Theo báo cáo hiện có, tổng quan về thị trường giao dịch dữ liệu thế giới có đến thời điểm hiện tại như sau: (i) Thị trường giao dịch dữ liệu trên toàn cầu đạt giá trị 968 triệu USD vào năm 2022, và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên toàn cầu là 25% từ năm 2023 đến 2030. (ii) Khu vực Bắc Mỹ chiếm thị phần sàn giao dịch dữ liệu lớn nhất thế giới vào năm 2022 ở mức 36%. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được xác định là có tốc độ phát triển nhanh nhất. (iii) Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục đứng đầu cho đến năm 2028 với giá trị ước tính vào năm 2028 là 283,7 triệu USD. (iv) Sau Trung Quốc, Nhật Bản dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 24,6% trong giai đoạn 2022 – 2028. Ấn Độ dự kiến sẽ đạt tốc độ 26,2 % trong giai đoạn 2022 -2028[2].
Xét tổng quan thế giới, cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi số cộng hưởng cùng tần số, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số đã trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Là một phần quan trọng của năng suất mới, dữ liệu đang làm thay đổi sâu sắc cơ cấu công nghiệp truyền thống và đưa nền kinh tế xã hội vào một giai đoạn phát triển mới. Các yếu tố dữ liệu đã trở thành yếu tố sản xuất cơ bản và là nguồn định hình lại khả năng cạnh tranh cốt lõi của các thực thể thị trường.
Các quốc gia trên thế giới, cho dù thể chế chính trị khác nhau, chính sách quản lý quốc gia khác nhau, nhưng đều có nhận thức về vai trò quan trọng của sự phát triển thị trường dữ liệu trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, từ đó, ban hành các chính sách phù hợp kích cầu phát triển thị trường thúc đẩy sự phát triển của các sàn giao dịch dữ liệu, thậm chí là các chính sách mang tính chất tạm thời để quản lý hoạt động giao dịch dữ liệu. Một số nước dẫn đầu thị trường giao dịch dữ liệu thế giới có thể kể đến là:
Trung Quốc
Trung Quốc đã xây dựng khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh về dữ liệu với ba trụ cột chính: (i) Luật An toàn Dữ liệu (DSL) có hiệu lực từ 01/09/2021 thiết lập khuôn khổ toàn diện cho an toàn dữ liệu quốc gia, phân loại dữ liệu theo mức độ quan trọng và quy định cụ thể về quản lý và bảo vệ dữ liệu quan trọng; (ii) Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPL) có hiệu lực từ 01/11/2021, đây là Bộ luật chuyên biệt về bảo vệ dữ liệu cá nhân, được so sánh với GDPR của EU, quy định chi tiết về quyền của chủ thể dữ liệu, thiết lập cơ chế đồng ý và trách nhiệm của bên xử lý; (iii) Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 01/06/2017. Đây là đạo luật đầu tiên trong bộ ba luật về không gian mạng của Trung Quốc thiết lập yêu cầu cơ bản về lưu trữ dữ liệu tại Trung Quốc, quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ mạng. Mới đây Trung Quốc đã ban hành Quy định Quản lý An toàn Dữ liệu Mạng có hiệu lực từ 01/01/2025. Đây là văn bản dưới luật mới nhất, cụ thể hóa DSL và PIPL quy định chi tiết về các biện pháp kỹ thuật và quản lý để bảo vệ dữ liệu và tăng cường yêu cầu về đánh giá rủi ro an toàn dữ liệu.
Nhằm mục đích thúc đẩy phát triển thị trường dữ liệu, Trung Quốc ban hành một loạt các chính sách thúc đẩy sự phát triển thị trường giao dịch dữ liệu, trong đó, cho phép các tỉnh, thành phố thành lập thí điểm các sàn giao dịch dữ liệu trong bối cảnh khung pháp lý về hoạt động sàn giao dịch dữ liệu chưa thật sự hoàn chỉnh, các quy định pháp luật về quyền sở hữu dữ liệu chưa minh bạch; các văn bản quản lý hoạt động thị trường giao dịch dữ liệu được phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành và quản lý, giám sát; chủ sàn GDDL chủ yếu trước mắt do các doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan nhà nước nắm giữ…
Tuy vậy, với quan điểm mở thí điểm (thường là 2-3 năm tùy từng sàn GDDL) để vừa làm vừa hoàn thiện thể chế về thị trường dữ liệu, Trung quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể đối với sự phát triển ngành thương mại dữ liệu. Kể từ năm 2020, GDP của Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn tỷ nhân dân tệ và nền kinh tế kỹ thuật số dựa vào các yếu tố số hóa và dữ liệu đã trở thành một yếu tố quan trọng khác hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dự kiến, tỷ lệ đóng góp của dữ liệu vào tăng trưởng GDP trong nước năm 2025 sẽ đạt bình quân hàng năm từ 1,5 đến 1,8%. Đến lúc đó, ước tính giá trị đầu ra của các phần tử dữ liệu sẽ vượt quá 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Hiện nay, Trung Quốc có hơn 80 sàn giao dịch dữ liệu và trung tâm trao đổi dữ liệu trên khắp cả nước, tương đương với ít nhất một trung tâm ở mỗi thành phố lớn và vừa. Đánh giá từ dữ liệu công khai, nhờ các công ty lớn như Tencent, sàn giao dịch dữ liệu (i) Thâm Quyến có khối lượng giao dịch lớn nhất kể từ khi ra mắt chính thức vào tháng 11 năm 2022, khối lượng giao dịch tích lũy là 6,01 tỷ nhân dân tệ và quy mô giao dịch xuyên biên giới cũng tăng lên 91,32 triệu nhân dân tệ. Sàn giao dịch dữ liệu lớn (ii) Quý Dương, sàn giao dịch dữ liệu lớn đầu tiên trong nước và chính thức ra mắt vào năm 2015, có khối lượng giao dịch dữ liệu tích lũy là 2,514 tỷ nhân dân tệ tính đến ngày 15 tháng 1 năm 2024. Sàn giao dịch dữ liệu (iii) Thượng Hải, ra mắt vào năm 2021, có khối lượng giao dịch hơn 1,1 tỷ nhân dân tệ, số lượng sản phẩm giao dịch dữ liệu đã lên tới gần 3.000 và hơn 1.000 thương nhân kỹ thuật số đã tập hợp lại với nhau vào năm 2023. Gần đây, sàn này đã thiết kế một hệ thống luồng dữ liệu xuyên biên giới cho khu vực thương mại tự do và triển khai hợp tác luồng dữ liệu xuyên biên giới với một số đối tác. Đây là sàn giao dịch dữ liệu có số lượng sản phẩm dữ liệu niêm yết lớn nhất Trung Quốc. Khối lượng giao dịch tích lũy của Sàn giao dịch dữ liệu lớn (iv) Phúc Kiến, được công bố vào tháng 7 năm 2022, đã vượt quá 1 tỷ nhân dân tệ. Siêu thị Sản phẩm Dữ liệu (v) Hải Nam đã hoạt động được khoảng hai năm rưỡi, với khối lượng giao dịch sản phẩm dữ liệu là 800 triệu nhân dân tệ. Đây cũng là nền tảng giao dịch dữ liệu toàn diện đầu tiên của đất nước được thúc đẩy bởi hai bánh xe: Chính phủ và thị trường, do Hải Nam và China Telecom tạo ra.
Như vậy, bằng cơ chế thí điểm thành lập và hoạt động, các sàn GDDL Trung quốc đã bước đầu hình thành nên thị trường GDDL trên khắp lãnh thổ Trung quốc và góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế số, xã hội số của quốc gia.
Hoa Kỳ
Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn chưa có một sàn GDDL được mở chính thức và thống nhất như ở một số quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc. Sự ra đời và phát triển của các sàn GDDL tại Mỹ diễn ra trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ, cùng với sự gia tăng đáng kể về khối lượng dữ liệu được tạo ra và lưu trữ. Việc thiết lập các sàn GDDL này là một phản ứng tự nhiên đối với nhu cầu ngày càng tăng về khai thác và thương mại hóa dữ liệu.
Không có luật bảo vệ dữ liệu chính nào tại Hoa Kỳ (US). Thay vào đó, một mớ hỗn độn gồm hàng trăm luật được ban hành ở cả cấp liên bang và cấp tiểu bang nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cư dân Hoa Kỳ. Ở cấp liên bang, Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang (Đạo luật FTC) trao quyền rộng rãi cho Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) để thực hiện các hành động thực thi nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi không công bằng hoặc lừa đảo và thực thi các quy định về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu của liên bang.
Hoa Kỳ tập trung vào việc tạo ra một thị trường dữ liệu tự do và cạnh tranh, với sự tham gia của cả các công ty tư nhân và các cơ quan chính phủ. Mục tiêu hàng đầu của sàn GDDL là thiết lập một thị trường dữ liệu năng động, nơi các tổ chức và cá nhân có thể dễ dàng kết nối để mua và bán dữ liệu. Thị trường này hoạt động như một cầu nối, kết nối những người sở hữu dữ liệu với những người có nhu cầu sử dụng dữ liệu, từ đó tạo ra một môi trường giao dịch minh bạch và hiệu quả. Việc hình thành một thị trường dữ liệu không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận dữ liệu cho các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, và các tổ chức, mà còn thúc đẩy sự lưu thông và sử dụng dữ liệu rộng rãi, tạo điều kiện cho việc phát triển các ứng dụng dữ liệu mới.
Sàn giao dịch dữ liệu lớn nhất AWS Data Exchange cung cấp danh mục mở rộng gồm 3.500+ bộ dữ liệu của bên thứ ba trên nhiều ngành khác nhau, bao gồm: Ô tô, Dịch vụ tài chính, Trò chơi, Y tế & Khoa học đời sống, Sản xuất, Tiếp thị, Truyền thông & Giải trí. Người dùng có thể tìm thấy các tệp dữ liệu, bảng dữ liệu và API dữ liệu từ danh mục nhà cung cấp đa dạng. Người dùng có thể chọn từ hơn 1.000 bộ dữ liệu miễn phí có sẵn trên AWS Data Exchange. Những bộ dữ liệu này bao gồm nhiều chủ đề, bao gồm dữ liệu thị trường chứng khoán, hành vi của người tiêu dùng.
Amazon Web Services (AWS) đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Trong quý 4 năm 2021, AWS đạt doanh thu 17,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước[3]. Mức tăng trưởng này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và sự tin tưởng của khách hàng vào các dịch vụ đám mây của AWS. Trong báo cáo mới nhất, doanh thu của AWS trong quý 4 năm 2023 là 24,2 tỷ đô la, với thu nhập hoạt động là 7,2 tỷ đô la[4]. AWS đóng góp 54% tổng thu nhập hoạt động của Amazon trong quý 4 năm 2023[5].
Singapore
Tại Singapore, Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân (PDPA) là khung pháp lý chính trong việc bảo vệ dữ liệu. Luật này điều chỉnh việc các tổ chức thu thập, sử dụng và tiết lộ dữ liệu của các cá nhân. Trước khi ban hành PDPA, Singapore không có luật tổng thể quản lý việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Sàn GDDL tại Singapore thường được quản lý và điều hành bởi các cơ quan quản lý tài chính và các tổ chức quản lý thị trường tài chính. Cụ thể, các sàn giao dịch dữ liệu thường phải tuân thủ các quy định và quy trình do Cơ quan Quản lý Tài chính Singapore (Monetary Authority of Singapore - MAS) đặt ra gồm: Quy định và giám sát của MAS; Quy tắc về thông tin và bảo mật; Quy định về giao dịch và thanh khoản; Giám sát và tuân thủ…
Tại Singapore, không có một sàn giao dịch dữ liệu duy nhất nào được coi là lớn nhất theo nghĩa truyền thống, nhưng các trung tâm dữ liệu của các công ty công nghệ lớn và nền tảng dữ liệu mở của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và trao đổi dữ liệu. Các dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu toàn cầu như của Equinix, Google Cloud, AWS, và Microsoft Azure là những yếu tố chính đóng góp vào quy mô và tầm ảnh hưởng của thị trường dữ liệu tại Singapore. Singapore hình thành các sàn GDDL theo ngành, ví dụ sàn GDDL tài chính (SGFinDex), sàn GDDL thương mại (SGTraDex), sàn GDDL không đồng bộ (ADEX)…
Việt Nam cần kịp thời nắm bắt cơ hội, học tập kinh nghiệm của các nước, triển khai nhanh các hoạt động kích cầu phát triển thị trường dữ liệu, trước mắt, để thị trường dữ liệu thực sự phát huy tiềm năng, việc hoàn thiện khung pháp lý hướng dẫn Luật Dữ liệu Việt Nam là yếu tố then chốt. Một hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ sẽ giúp thiết lập các tiêu chuẩn về quyền sở hữu, quyền truy cập và bảo vệ dữ liệu, từ đó tạo dựng niềm tin cho các bên tham gia thị trường.
Thanh Vân
Ban Thông tin, Báo chí, Xuất bản và Quảng cáo
[1] Báo cáo nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế số Việt Nam năm 2024 tại Phiên họp 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
[2] https://www.grandviewresearch.com/industry-analysis/data-marketplace-market-report
[3] https://forbes.vn/dich-vu-dam-may-cua-amazon-ghi-nhan-muc-tang-truong-40/
[4] https://www.cnbc.com/2024/02/01/aws-q4-earnings-report-2023.html
[5] https://ir.aboutamazon.com/annual-reports-proxies-and-shareholder-letters/default.aspx