Kinh nghiệm trong việc xây dựng chiến lược phát triển "Đô thị thông minh" ở Việt Nam
Lược trích: Báo cáo Đề tài "Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam"
Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng xây dựng, phát triển đô thị, thành phố thông minh đã trở thành phương thức phát triển tất yếu đối với tất cả các quốc gia, nhất là tại các thành phố lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đặc biệt là với những thành phố có tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh chóng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Khoảng 15 năm trở lại đây, phần lớn thủ đô và các thành phố ở các quốc gia tiên tiến đều đã trở thành các đô thị hiện đại (ĐTHĐ): như London, Washigton D.C, Amsterdam, Moskva, Paris, Tokyo, Barcelona, Stokholm, Tel Aviv... Tại đây họ đã triển khai nhiều hệ thống kỹ thuật, công nghệ làm cho một số hoạt động ở những nơi này trở nên “thông minh, hiện đại”.
Để các thành phố, đô thị, được xếp loại ĐTHĐ phải đáp ứng những yêu cầu về một cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh như quy hoạch, hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, dịch vụ hành chính công, y tế, giáo dục, hệ thống xử lý chất thải.., tất cả đều phải đảm bảo tính ổn định, thuận tiện và hiệu quả. Đối với Việt Nam chưa có đô thị nào có thể được coi là ĐTHĐ. Tuy nhiên, trong lòng các đô thị chưa thật hiện đại vẫn có thể xây dựng một số hệ thống thông minh (HTTM) hay đô thị thông minh (ĐTTM).
Quản lý giao thông đô thị là một trong những ứng dụng CNTT của HTTM đã được triển khai thành công tại nhiều nơi trên thế giới. Tại các thành phố như New York, London, Sydney, Tokyo, Bắc Kinh.., chính quyền địa phương đã xây dựng các Trung tâm giám sát giao thông được kết nối với hệ thống cảm biến lưu lượng, camera đếm lưu lượng giao thông, hệ thống thu thập tín hiệu qua thiết bị giám sát hành trình, cho phép giám sát theo thời gian thực lưu lượng giao thông thực tế trên các tuyến đường của thành phố, qua đó nhanh chóng phát hiện và xử lý các điểm tắc nghẽn, phục vụ công tác thống kê, quy hoạch hệ thống giao thông.
Mô hình kiến trúc đô thị thông minh trên thế giới
Trong trí tưởng tượng của bất kỳ cư dân thành phố nào ở Việt Nam, hình ảnh của một ĐTTM là hàm chứa một danh sách về cơ sở hạ tầng và dịch vụ mô tả mức độ tiện nghi hiện đại. Để cung cấp cho những khát vọng và nhu cầu của người dân, các nhà quy hoạch đô thị thường lý tưởng hóa phát triển toàn bộ hệ sinh thái đô thị, được đại diện bởi bốn trụ cột của sự phát triển toàn diện đó là: thể chế, thể chất, cơ sở hạ tầng xã hội và kinh tế. Nhưng đây chỉ có thể là một mục tiêu dài hạn và các thành phố có thể làm việc theo hướng phát triển cơ sở hạ tầng toàn diện như vậy một cách gia tăng, thay vào đó hãy từng bước xây dựng và áp dụng các ứng dụng và xem đó như một"mô hình thông minh".
Trong cách tiếp cận của nhiệm vụ ĐTTM, mục tiêu là thúc đẩy các thành phố cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản và mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho người dân, một môi trường sạch sẽ và bền vững, ứng dụng các giải pháp “thông minh”. Trọng tâm bền vững là ý tưởng phát triển từng khu vực nhỏ gọn sau đó tạo ra một mô hình có thể nhân rộng và là kim chỉ nam hướng đến các thành phố tham vọng khác. Nhiệm vụ ĐTTM của Chính phủ là một sáng kiến táo bạo mới, nó có ý nghĩa thiết thực, việc thiết lập các mô hình ví dụ thực tế sau đó có thể được nhân rộng cả trong và bên ngoài ĐTTM, thúc đẩy việc tạo ra các ĐTTM tương tự ở các vùng khác nhau và một phần của đất nước.
ĐTTM là nơi có cơ sở hạ tầng thông tin cho phép người dân sử dụng một cách thuận tiện, hiệu quả. Để xây dựng ĐTTM trước tiên cần phải triển khai các dự án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Những ứng dụng CNTT này nhằm xây dựng một số hệ thống thông minh (HTTM) nhằm giải quyết các yêu cầu cụ thể cho một nhóm con người trong xã hội. Những HTTM chuyên dụng này có thể đứng riêng biệt, không nhất thiết phải tuân thủ các quy định bắt buộc để kết nối vào cơ sở hạ tầng thông tin. Khi những ứng dụng CNTT này thành công nó sẽ là cơ sở để kiến tạo cho cơ sở hạ tầng thông tin cho toàn thể cư dân thành phố. Đây là công việc khá phức tạp, cần có kiến trúc tổng thể.
Các đề tài nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng ĐTTM tại các nước và các thành phố đã có chiến lược hoặc kế hoạch phát triển ĐTTM bền vững trên thế giới được dựa trên một số tiêu chí như: có nền kinh tế bền vững, CNTT và IoT phát triển mạnh mẽ thì đa phần các đề án tập trung vào lĩnh vực điện, năng lượng, giao thông, hạ tầng thông minh, môi trường sinh thái.
Trong quá trình triển khai áp dụng các đề án về ứng dụng và dịch vụ ĐTTM trên thế giới cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức như vấn đề về an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, sự tin cậy, quy mô triển khai cũng như các khía cạnh pháp lý và xã hội, bên cạnh đó là những rào cản về kỹ thuật như các yếu tố về cảm biến và phát sinh dữ liệu trong quá trình triển khai.
Dựa trên các yếu tố đó, mỗi đô thị nên có chiến lược riêng phụ thuộc bối cảnh phát triển, sự ưu tiên riêng đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thế mạnh của mình. Một số quốc gia có đủ nguồn lực và điều kiện phát triển thí điểm các đô thị mới có tính biểu tượng. Các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực đầu tư quy mô lớn có hàng trăm dự án thử nghiệm tại nhiều đô thị. Các quốc gia thí điểm xây dựng mới các dự án mới có quy mô dùng làm “biểu tượng” có chi phí đầu tư lớn và phù hợp với nhóm cư dân “ưu tú” có khả năng chi trả cao. Việc nhân rộng phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của mỗi quốc gia không chỉ khác nhau về mục tiêu hướng tới, mà còn có sự khác biệt lớn về lộ trình và cách thức tiến hành của từng đô thị.
Dựa trên sự phát triển và cách thức xây dựng ĐTTM của các nước phát triển trên thế giới chúng ta cũng cần thực hiện một lộ trình xây dựng đô thị riêng cho mình.
Ở một số đô thị chúng ta cố gắng triển khai một số ứng dụng độc lập đảm bảo rằng các ứng dụng này hoạt động tốt và hiệu quả sau đó triển khai nhân rộng hoặc kết hợp các ứng dung với nhau.
Cố gắng xây dựng được cơ sở hạ tầng mạng và một nền tảng chung cho các ứng dụng khác nhau ở xuất phát điểm. Sau đó mới triển khai các ứng dụng sao cho có thể thêm vào hoặc tích hợp các ứng dụng hiện có với ứng dụng mới.
Do ngân sách hạn hẹp mà nhiều ứng dụng và dịch vụ ĐTTM không nên triển khai rộng rãi với quy mô lớn mà áp dụng và triển khai theo từng khâu khác nhau, từ triển khai ở quy mô nhỏ thông qua nghiên cứu sáng tạo và phát triển trong môi trường hẹp để thử nghiệm toàn diện về tính khả thi trước khi triển khai đầy đủ trên diện rộng.
Trong một số trường hợp, có thể thấy rằng lợi ích thu được từ việc triển khai các ứng dụng thông minh nhiều khi không đạt được hiệu quả đầu tư. Ví dụ như một chương trình đậu xe thông minh có thể làm giảm lượng tắc nghẽn giao thông, thời gian đi lại ở trung tâm đô thị của San Francisco hay Birmingham nhưng lại dẫn đến sự sụt giảm doanh thu từ các lệ phí và tiền phạt. Điều này có nghĩa rằng, đối với một số ứng dụng ở ĐTTM, lợi ích có thể được định lượng nhưng chỉ có ý nghĩa nếu chúng là một phần của tầm nhìn tổng thể cho phát triển đô thị.
Trong một số trường hợp khác, hiệu quả đầu tư có thể thấy rõ song chính quyền đô thị không có ngân sách dài hạn để có thể đầu tư. Trong trường hợp này việc hợp tác công tư (PPP) và ngân sách trung ương có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai ứng dụng thông minh.
Như vậy, việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh là một phương thức phát triển tất yếu tạo ra giải pháp đột phá cho những vướng mắc tồn tại và giúp Việt Nam bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận