Kinh tế số - Nền tảng trọng yếu của quá trình chuyển đổi số
Theo Báo cáo từ Thép Hòa Phát Dung Quất cho hay, SAP S/4HANA giúp công ty hoạch định và quản trị tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất một cách hiệu quả.
Dự án được triển khai với các giải pháp tổng thể tích hợp bao gồm các ứng dụng trong quản trị sản xuất; quản trị chất lượng; mua, bán hàng; kho và barcode, kế toán tài chính, kế toán quản trị, tích hợp cân điện tử và các thiết bị... Thép Hòa Phát Dung Quất là công ty đầu tiên trong Tập đoàn áp dụng SAP S/4HANA trong quản trị doanh nghiệp.
Ông Mai Văn Hà cho hay, có nhiều lợi ích khi ứng dụng giải pháp SAP. Nhưng cái được lớn nhất là dễ dàng kiểm soát các sản phẩm, vật tư, nguyên liệu theo các đặc tính kỹ thuật, theo dõi và quản lý chất lượng sản phẩm, chứng nhận chất lượng cho bán thành phẩm, thành phẩm các cấp.
Cùng với đó, doanh nghiệp có thể tối ưu nguồn lực và hiệu suất sử dụng nguyên liệu đầu vào, kiểm soát tồn kho, chủ động các kế hoạch bảo trì bảo dưỡng thiết bị...; liên kết các quy trình và bảo mật thông tin, dữ liệu.
Hệ thống cũng giúp doanh nghiệp ứng phó với các tình huống, sự cố ngoài kế hoạch, sử dụng hiệu quả công cụ sản xuất để giảm giá thành và tăng năng lực cạnh tranh.
Với quy mô một dự án lớn như Thép Hòa Phát Dung Quất thì việc áp dụng SAP được xem như một hướng đi đúng và cần thiết trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Sau một năm áp dụng tại Hòa Phát Dung Quất, tới nay SAP mới hoàn thiện được khoảng 90%. Doanh nghiệp này cũng đang hoàn thiện nốt các chức năng, nhất là việc cải tiến các quy trình; trong đó có tinh giảm các bước ký xét duyệt không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo tính ràng buộc chặt chẽ của quy trình; cải tiến quy trình bảo trì bảo dưỡng thiết bị, giúp các bộ phận chủ động trong việc lập kế hoạch bảo trì tự động, lên kế hoạch vật tư dự phòng, kiểm soát được vật tư tiêu hao…
Cũng theo ông Trần Trọng Tuyên, Trưởng ban Công nghệ thông tin – Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, trong công cuộc chuyển đổi số, các cấp lãnh đạo rất chú trọng áp dụng các giải pháp tích hợp, các phần mềm phân tích nhằm tối ưu hóa năng lượng, giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Do vậy, bên cạnh SAP thì Hòa Phát Dung Quất cũng triển khai hệ thống quản lý năng lượng EMS (Energy Management System).
Áp dụng hệ thống EMS này sẽ giúp cho việc thu thập và quản lý tập trung các số liệu năng lượng (điện, nước, khí); trong đó, cập nhật dữ liệu liên tục, dự đoán tương lai, từ đó phân bổ hợp lý các nguồn năng lượng; giám sát chi tiết các nguồn năng lượng sử dụng của từng nhà máy để tối ưu hóa các chỉ tiêu tiêu hao...
Tuy vậy, ông Tuyên cho biết, để tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, song song với việc cải thiện và tối ưu các giải pháp phần mềm đã và đang triển khai, công ty cũng đang làm việc cùng một số đối tác xây dựng hệ thống phần mềm điều hành quản lý, khai thác cảng. Việc áp dụng giải pháp quản lý điều độ Cảng là một yêu cầu tất yếu hiện nay của cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất.
Cũng là một thương hiệu có tên tuổi trên thị trường thép, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam – thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số vào điều hành sản xuất kinh doanh.
Đơn vị đã chính thức triển khai xây dựng phần mềm quản lý ROSY với các module cơ bản như: Quản lý vật tư – phụ tùng; quản lý mua hàng; quản lý bán hàng và công nợ phải thu; quản lý tài chính kế toán - quản lý tài sản – tính giá thành; báo cáo...
Sau đó, công ty tiếp tục tự nghiên cứu và phát triển thêm 22 module khác để phục vụ quản lý điều hành. Với việc đưa toàn bộ các quy trình quản lý hiện hành của công ty vào phần mềm, các module đã được kế thừa dữ liệu, đồng bộ hoá nên dữ liệu không bị trùng lắp, xung đột. Phần mềm ROSY đã thu thập và xử lý một khối lượng lớn dữ liệu hàng ngày và lập ra các báo cáo phục vụ phân tích.
Ông Nguyễn Nguyên Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam-VNSteel cho hay, việc ứng dụng phần mềm quản lý ROSY đã giúp công ty kiểm soát hiệu quả các nguồn lực, là công cụ quản lý. Đó là: cho phép người sử dụng truy cập nguồn dữ liệu của công ty nhanh chóng, an toàn, ổn định theo phân quyền sử dụng dữ liệu và loại dữ liệu nào được phép sử dụng trong phạm vi quyền hạn được phân công.
"Khi sử dụng phần mềm quản lý người dùng dễ dàng tiếp cận các thông tin quản trị đáng tin cậy để có thể đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời. Trước đây khi chưa có phần mềm, chúng ta phải dựa vào nhiều nguồn để có được thông tin cần thiết dùng cho việc phân tích tình hình tài chính và hoạt động của công ty", ông Ngọc nói.
Đến thời điểm này, Thép Miền Nam đã ứng dụng phần mềm quản lý ROSY trong mua, nhập, xuất vật tư nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; quản lý sản xuất tại phân xưởng; bán hàng; tài chính, kế toán; bảo trì thiết bị; quản lý kho vật tư phụ tùng...
Cùng với việc sử dụng phần mềm ERP ROSY, Công ty Thép Miền Nam cũng đã chính thức vận hành Văn phòng số, giúp cho người lao động có thể điều hành và quản lý từ xa, mọi lúc mọi nơi; quản lý các công việc đã giao một cách rõ ràng, minh bạch; nắm bắt đầy đủ thông tin, đưa ra quyết định chính xác; tạo môi trường công việc dân chủ, trao đổi công khai… Đồng thời, dễ dàng quản lý, tra cứu, tìm kiếm văn bản.
Theo ông Nguyễn Nguyên Ngọc, dự kiến trong năm nay 2021, Công ty Thép Miền Nam sẽ tiếp tục kết nối văn phòng số với dữ liệu SQL của phần mềm ROSY để phát triển một số tính năng: xử lý các công đoạn đề nghị vật tư, đề nghị thanh toán, đề nghị văn phòng phẩm,…
Rõ ràng, việc áp dụng công nghệ số đang giúp các "cỗ máy" sản xuất thép vận hành một cách nhẹ nhàng và linh hoạt hơn. Tuy vậy, việc áp dụng phần mềm vào quản lý đòi hỏi phải đầu tư cơ sở hạ tầng và nhân lực nên sẽ dẫn đến phát sinh chi phí lớn. Ngoài ra, trong quá trình vận hành cũng khó tránh khỏi sự cố hoặc gián đoạn đường truyền dẫn đến có những lúc đình trệ hoạt động.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, chuyển đổi số ở những ngành sản xuất thuần như thép sẽ khó khăn và gặp nhiều vấn đề hơn các lĩnh vực công nghệ khác. Ngoài việc đòi hỏi chi phí lớn, việc chuyển đổi số cũng cần lộ trình thử nghiệm, đánh giá dài hơn.
Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho hay, chuyển đổi số đòi hỏi quyết tâm lớn từ lãnh đạo doanh nghiệp đến từng người lao động. Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai hệ thống số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin thống nhất trong quản lý điều hành toàn hệ thống Tổng công ty; từ đó, tiến tới đồng bộ hệ thống từ các đơn vị đến Tổng công ty...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận