Kinh tế số và tiềm năng phát triển tại Việt Nam

15/06/2021 10:53
NIICS

Nền kinh tế số Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Phát triển số đang làm thay đổi hoàn toàn nhiều ngành kinh tế, từ ngành sản xuất chế tạo và nông nghiệp đến thương mại, thanh toán, vận tải, tài chính và giáo dục.

Mô hình kinh tế số. Nguồn: Ảnh từ Internet

1. Kinh tế số - Xu hướng phát triển mới

Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, công nghệ số, dữ liệu số như là các yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng công nghệ thông tin làm không gian hoạt động; sử dụng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động và để tối ưu nền kinh tế. Nếu nói đơn giản thì kinh tế số là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số.

Có nhiều định nghĩa về Kinh tế số. Theo định nghĩa chung của nhóm cộng tác Kinh tế số của Oxford thì kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet”. Kinh tế số đôi khi cũng được gọi là kinh tế internet (Internet Economy), kinh tế mới (New Economy) hoặc kinh tế mạng (Web Economy). Ngoài ra còn có nhiều định nghĩa khác nhau. Với sự lan tỏa của “số hóa” vào nền kinh tế thực thì việc phân định rạch ròi kinh tế số không đơn giản. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia và tổ chức quốc tế đều thống nhất kinh tế số là nền tảng kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên internet. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động.

Kinh tế số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế, mà còn làm các nền kinh tế thay đổi trên 2 bình diện đó là (i) phương thức sản xuất (nguồn lực, hạ tầng, cách thức vận hành sản xuất kinh doanh); và (ii) cấu trúc kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là bên cạnh các nguồn lực truyền thống xuất hiện nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, tài sản số. Quyền lực tài chính đang dần chuyển sang quyền lực thông tin. Sức mạnh của một quốc gia được đo bằng sự phát triển của công nghệ cao, thông tin và trí tuệ con người.

Ngoài ra, kinh tế số cũng giúp tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm, vì sử dụng tri thức nhiều hơn là tài nguyên; chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên tạo ra cơ hội kinh doanh cho nghiều người hơn; công nghệ số là không biên giới nên sẽ giảm khoảng cách nông thôn với thành thị; công nghệ số cũng cho chúng ta cách tiếp cận mới, giải pháp mới để giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại lâu dài của loài người, như ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo, đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân và hoạch định chính sách…

Nhận thức được xu thế phát triển kinh tế số, hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều đưa ra chiến lược phát triển công nghệ số, trong đó chú trọng việc nghiên cứu áp dụng công nghệ mới vào tăng trưởng kinh tế.

Mỹ, nơi khởi nguồn cho sự bùng nổ của công nghệ tin học với nhiều công ty nổi tiếng như Google, Amazon, Facebook, Apple… tiếp tục nhận thức được tầm quan trọng của thúc đẩy kinh tế số. Còn Châu Âu có kế hoạch “Single Digital Market”, Australia có “Digital Australia”… Bên cạnh những nước phát triển vốn có tiềm lực khoa học công nghệ, hệ thống giáo dục đào tạo tốt, thì một số nền kinh tế đi sau như Hàn Quốc, Trung Quốc nhờ biết thực hiện chiến lược “rút ngắn”, ưu tiên tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế số. Hàn Quốc có chiến lược Sáng tạo Công nghiệp chế tác 3.0 giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo dựng các quy trình sản xuất tối ưu, thông minh.

Theo Báo cáo kinh tế số của Diễn đàn thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), năm 2019 kinh tế số ICT/VT đóng góp khoảng 4,5% GDP toàn cầu, kinh tế số intemet/nền tảng đóng góp 15,5% GDP toàn cầu. Con số tương ứng tại nước Mỹ là 6,9% và 21,6% GDP và tại Trung Quốc là 6% và 30% GDP. Một nghiên cứu của Microsoft cũng chỉ ra rằng kinh tế số đóng góp cho GDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 khoảng 6%, năm 2019 khoảng 25% và năm 2021 là khoảng 60% GDP.

Trung Quốc là nước điển hình thành công về phát triển kinh tế số, với mức tăng trưởng luôn rất cao, và chủ yếu dựa trên các cấu phần kinh tế số Intemet/nền tảng và kinh tế số ngành/lĩnh vực. Kể từ năm 2015, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thương mại điện tử trên toàn thế giới, với việc mua sắm trực tuyến chiếm 18% tổng doanh số bán lẻ, so với chỉ 8% ở Mỹ. Có thể nói ba nền tảng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc là Baidu, Alibaba và Tencent đã phát triển đến trình độ có thể cạnh tranh với các ông lớn về công nghệ ở Mỹ là Amazon, Apple, Facebook, Google và Netflix. Trung Quốc hiện cũng đang phát triển kinh tế số hóa trong các ngành như ngân hàng và dịch vụ tài chính, dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế và các dịch vụ giáo dục. Tại Trung Quốc, bộ phận dân số trực tuyến ngày càng trở nên giàu có hơn nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định và chuyển dịch nhân khẩu học theo đà đô thị hóa nhanh chóng. Trung Quốc cũng khuyến khích phát triển kinh tế số hóa và coi đây như một giải pháp giúp tái cân bằng cho nền kinh tế, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường Internet và smartphone lớn nhất thế giới. Từ việc mua sắm, ăn uống tới đi taxi hay chơi game, tất cả đều đi kèm tùy chọn thanh toán trực tuyến và di động. Nhờ đó, người dùng không cần phải quan tâm tới việc mang tiền mặt theo mỗi khi đi ra đường. Trung Quốc hiện được coi là một trong những thị trường thanh toán di động tiên tiến nhất thế giới với sự phủ sóng rộng khắp của WeChat Pay và Alipay. Thậm chí việc sở hữu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ tại Trung Quốc giờ đây đang dần trở nên thừa thãi khi chỉ cần một chiếc smartphone và tài khoản thanh toán WeChat hoặc Alipay thì người dùng có thể thanh toán gần như mọi dịch vụ, nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống mà không cần tới tiền mặt. Do vậy không nói quá khi cho rằng Trung Quốc đang có lợi thế rất lớn để tiến tới một thị trường không còn tiền mặt trong tương lai không xa.

Trong khu vực Asean, theo Báo cáo e-Conomy SEA 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Intemet/nền tảng năm 2020 đã đạt khoảng 105 tỷ USD (tăng 5% so với 2019), và dự kiến đến 2025 sẽ đạt 309 tỷ USD. Indonesia là nước có doanh thu kinh tế số Intemet/nền tảng cao nhất với 44 tỷ USD năm 2020, tiếp theo là Thái Lan với 18 tỷ USD và Việt Nam với 14 tỷ USD.

Kinh tế số Intemet/nền tảng các nước Asean. Nguồn: Báo cáo e-Conomy SEA 2020

Với ASEAN, việc thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế số ước tính có thể giúp GDP của các nước trong khu vực này tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, nên nhiều nước đang rất quan tâm đến vấn đề này và đã có các giải pháp, cơ quan hỗ trợ cho nó phát triển. Cụ thể, Thái Lan đã thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế kỹ thuật số để thay thế Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông, trong khi Malaysia đặt mục tiêu là giá trị của nền kinh tế số sẽ tăng 21% vào năm 2025 đạt 30 tỷ USD, còn Singapore có khẩu hiệu “Smart Nation” (quốc gia thông minh) lấy công nghệ làm cốt lõi…

2. Thực trạng phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng nhờ áp dụng các công nghệ số mới. Một số ngành công nghiệp của Việt Nam đang số hóa rất nhanh, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính. Những ngành công nghiệp này cho thấy tiềm năng lớn của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm tới.

Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2020, Việt Nam hiện là quốc gia có nền kinh tế số sở hữu tốc độ tăng trưởng cao nhất, đồng thời cũng thuộc nhóm đầu về tiềm năng phát triển trong khu vực. Trong năm 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Intemet/nền tảng, Việt Nam đã đạt 14 tỷ USD, đứng thứ 3 ASEAN, nhưng là nước có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 16% so với năm 2019 và được dự báo sẽ tăng lên mức 52 tỷ USD vào năm 2025.

Kinh tế số Intemet/nền tảng tại Việt Nam. Nguồn: Báo cáo e-Conomy SEA 2020

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia ở mức khá trong khu vực ASEAN có hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Hiện có khoảng 64,8% hộ gia đình kết nối Internet băng rộng; 70% người dân sử dụng Internet; 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, 68% số người Việt Nam xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động… Số lượng người dân sử dụng mạng xã hội cũng chiếm tỷ lệ cao với khoảng 70% dân số. Facebook, Google, Youtube, Zalo là các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm được nhiều người sử dụng hiện nay.

Báo cáo e-Conomy SEA 2020 cũng chỉ ra rằng, do đại dịch Covid-19 đã giúp thay đổi thói quen sử dụng các dịch vụ số của người Việt Nam, tạo chuyển biến tích cực phát triển nền kinh tế số. Năm 2020, người sử dụng dịch vụ số mới tại Việt Nam đạt 41%, tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á và 94% số người sử dụng mới này sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó kể cả sau đại dịch. Tới thời điểm cuối 2020, cứ 10 người dùng thì có tới 8 người cho rằng công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ số mới. Nguồn: Báo cáo e-Conomy SEA 2020

Việt Nam còn có sự thuận lợi về vị trí địa lý khi nằm ở trung tâm của các quốc gia phát triển khu vực châu Á, qua đó giúp nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục tăng mạnh theo từng năm. Chính phủ cùng tư nhân cũng có mức đầu tư ngày càng nhiều vào khởi nghiệp và kỹ năng khoa học - toán học. Xếp hạng cao về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam cũng luôn ở mức cao... Đây đều là những điểm cốt lõi để một nền kinh tế số có thể tăng trưởng mạnh và Việt Nam đang có gần như đầy đủ những yếu tố này.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã tạo ra khủng hoảng trầm trọng cho kinh tế toàn cầu nhưng kinh tế số Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng ở hầu hết các ngành trong năm vừa qua. Cụ thể, thương mại điện tử đạt 7 tỷ USD (tăng 46%), vận tải và thực phẩm đạt 1,6 tỷ USD (tăng 50%), phương tiện truyền thông trực tuyến đạt 3,3 tỷ USD (tăng 18%). Trong đó, chỉ riêng ngành du lịch trực tuyến đạt ở mức 3 tỷ USD, giảm 28% nhưng được dự báo sẽ tăng trở lại lên mức 9 tỷ USD vào năm 2025.

Phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Nguồn: Báo cáo e-Conomy SEA 2020

Thương mại điện tử

Thương mại điện tử là một trong những phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế số của Việt Nam. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA), thị trường thương mại điện tử của Việt Nam tăng 35% mỗi năm, nhanh hơn gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Thương mại điện tử ở Việt Nam và trên thế giới đang bùng nổ với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng thanh toán di động tương tự như WePay và sự xuất hiện của tiền điện tử toàn cầu có thể sử dụng qua ví điện tử cho phép người dùng chuyển tiền cho nhau thông qua giao dịch ngang hàng (P2P) trên Internet cũng như trả tiền hàng hóa và dịch vụ trong nước.

Logistics thông minh

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, ngành logistics cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp logistics tăng trưởng bình quân 14-16% (tương đương 40- 42 tỷ đô la Mỹ) mỗi năm. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang chuyển đổi từ công ty logistics truyền thống sang công ty logistics thương mại điện tử để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng được với nhu cầu của các thị trường mới. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình tăng từ 15-20% lên đến trên 40-50%. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số các doanh nghiệp này vẫn vẫn chưa sử dụng các công nghệ chủ chốt. Điều này dẫn tới chi phí vận hành cao trong ngành Logistics ở Việt Nam – khoảng trên 16% trong khi khu vực châu Á Thái Bình Dương chỉ có khoảng 12%.

Du lịch thông minh

Nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành du lịch Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng, chất lượng dịch vụ được cải thiện nhờ sử dụng mô hình du lịch thông minh.

Mặc dù gần như 100% các doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam sử dụng các trang web để giới thiệu sản phẩm của mình đến khách hàng, nhưng chỉ hơn 50% số doanh nghiệp trong nước áp dụng thành công phương thức bán hàng và thanh toán trực tuyến.

Trong những năm gần đây, thị phần đặt phòng khách sạn trực tuyến ở Việt Nam cũng rất lớn, chiếm trung bình 30 - 40% tổng doanh số bán hàng. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài như Agoda và Booking.com chiếm 80% thị phần. Mặc dù mới gia nhập thị trường và cũng đã gặt hái được những thành công ban đầu nhưng các doanh nghiệp Việt Nam như gotadi.com, ivivu.com, chudu24.com và vntrip.vn vẫn chỉ chiếm một thị phần khá khiêm tốn.

Hệ thống giao thông công cộng cũng góp phần làm tăng trưởng du lịch thông minh. Chẳng hạn như, xe buýt có Wi-Fi miễn phí đã được ra mắt ở một số thành phố, giúp việc đi lại thuận tiện hơn.

Kinh tế chia sẻ

Nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam đang ngày càng phát triển nhờ có nền tảng điện toán đám mây, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và tỷ lệ sở hữu tài sản cá nhân thấp của người tiêu dùng Việt Nam.

Trong 5 năm qua, các nền tảng chia sẻ chuyến đi (các ứng dụng đi chung xe) đã tạo ra sự cạnh tranh với các doanh nghiệp taxi truyền thống. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á thu hút Uber và cũng là thị trường phát triển nhanh thứ hai của Uber trên toàn cầu vào năm 2015, sau Trung Quốc. Năm 2018, Grab đã thâu tóm hoạt động của Uber ở khu vực ASEAN, nhưng sự gia nhập của Go-Jek vào thị trường Việt Nam hồi tháng 9/2018 đã thúc đẩy cạnh tranh trong ngành này. Các nhà cung cấp dịch vụ taxi truyền thống ở Việt Nam cũng đang phát triển nền tảng và ứng dụng di động của riêng mình để cạnh tranh với những đối thủ mới gia nhập thị trường. Trong khi đó, chính phủ cũng đang xem xét liệu rằng các nền tảng chia sẻ chuyến đi này có cần phải tuân theo các luật lệ của taxi truyền thống hay không. Nếu có, lợi thế cạnh tranh của các loại hình dịch vụ này có thể sẽ giảm bớt.

Cho vay ngang hàng cũng đang phát triển ở Việt Nam, với các nền tảng như Timma, Vaymuon và Mofin cung cấp các khoản vay cho cá nhân và Lendbiz cung cấp khoản vay cho doanh nghiệp. Thông qua dịch vụ Lendbiz, các doanh nghiệp có thể đăng ký các khoản vay lên tới 1 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp và có thể được chấp thuận trong vòng 24 giờ. Nền tảng Lendbiz hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bởi chi phí đăng ký thấp (chỉ với 500.000 đồng, khoảng 22 đô la Mỹ) và khả năng đạt được lợi nhuận cao với lãi suất hàng năm lên đến 20%.

Công nghệ tài chính

Công nghệ số đã tạo ra các mô hình kinh doanh mới và các ngành công nghiệp mới nổi. Một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất là các sản phẩm và dịch vụ công nghệ tài chính (fintech).

Việt Nam là một ngôi sao mới trong ngành công nghệ tài chính toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50 công ty công nghệ tài chính cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền và tiền điện tử. Tuy nhiên, tỷ trọng các dịch vụ và sản phẩm mà các công ty công nghệ tài chính cung cấp cũng đang thay đổi. Dù thanh toán vẫn là loại hình sản phẩm, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính, song các mảng mới như công nghệ bảo hiểm (insurtech), công nghệ quản lý tài sản (wealthtech) và công nghệ quản lý (regtech) đang thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Đồng thời, số lượng các công ty công nghệ tài chính tham gia khai thác tiền điện tử đang có xu hướng giảm do việc sử dụng và khai thác loại tiền này ở Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Kết luận

Tuy chưa có số liệu chính thức, đầy đủ về kinh tế số Việt Nam nhưng qua tổng hợp sơ bộ từ các báo cáo trong và ngoài nước, có thể ước tính kinh tế số Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số ICT/VT đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP, kinh tế số Intemet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP, và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP.

Sự bùng nổ của kinh tế số cũng đặt Việt Nam trước nhiều thách thức trong đó có vấn đề về mặt pháp lý, an toàn tấn công mạng về việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và công nghệ được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng hỗ trợ cho nền kinh tế số phát triển nhanh và đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để nền kinh tế số phát triển một cách bền vững thì cần phải có các giải pháp hỗ trợ đồng bộ và sự nỗ lực từ nhiều phía.

Lê Diệu Huyền - Trung tâm Tư vấn TT&TT – Viện Chiến lược TT&TT

Tài liệu tham khảo:

  1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư;
  2. Báo cáo số 26/BC-BTTTT ngày 28/4/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Tình hình phát triển và đề xuất xây dựng Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số của Bộ Thông tin và Truyền thông;
  3. Báo cáo Vietnam Digital 2020 – Báo cáo của Hootsuite & wearesocial;
  4. Báo cáo e-Conomy SEA 2020 do Google, Temasek, Bain & Company thực hiện;
  5. Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045, Bản quyền thuộc về Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO);
  6. TS. Phạm Việt Dũng (2020), Kinh tế số - cơ hội "bứt phá" cho Việt Nam.

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận

Tin cùng chuyên mục

Đổi mới sáng tạo - Chìa khóa 'bứt phá' năng suất, chất lượng

Đổi mới sáng tạo - Chìa khóa 'bứt phá' năng suất, chất lượng

Ba xu hướng tác động đến phương thức hoạt động của doanh nghiệp của chuyển đổi kỹ thuật số

Ba xu hướng tác động đến phương thức hoạt động của doanh nghiệp của chuyển đổi kỹ thuật số

Một số giải pháp huy động vốn cho doanh nghiệp ICT trong bối cảnh hậu Covid-19

Một số giải pháp huy động vốn cho doanh nghiệp ICT trong bối cảnh hậu Covid-19

Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2021

Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2021

Nhiều công ty khởi nghiệp chọn chuyển đổi số ngay từ đầu

Nhiều công ty khởi nghiệp chọn chuyển đổi số ngay từ đầu

Techfest Việt Nam - Khẳng định vị thế startup Việt trên bản đồ khởi nghiệp thế giới

Techfest Việt Nam - Khẳng định vị thế startup Việt trên bản đồ khởi nghiệp thế giới

AI - Xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2020

AI - Xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2020

Lập GotIT Trần Việt Hùng trả lời câu hỏi ‘khởi nghiệp vì tiền hay để tạo ra giá trị?”

Lập GotIT Trần Việt Hùng trả lời câu hỏi ‘khởi nghiệp vì tiền hay để tạo ra giá trị?”

Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019 khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên

Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019 khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên

Đồng Tháp: Tạo nền tảng đề khởi nghiệp phát triển

Đồng Tháp: Tạo nền tảng đề khởi nghiệp phát triển

5 lý do khiến Coworking Space trở thành cơn sốt tại Việt Nam

5 lý do khiến Coworking Space trở thành cơn sốt tại Việt Nam

Everest Education - Startup Việt kêu gọi thành công 4 triệu USD để phát triển

Everest Education - Startup Việt kêu gọi thành công 4 triệu USD để phát triển

Tin mới cập nhật

Việt Nam tăng bậc về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính

Việt Nam tăng bậc về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính

Viện Chiến lược phải nâng tầm, “tổng chỉ huy” công tác chiến lược của Bộ TT&TT

Viện Chiến lược phải nâng tầm, “tổng chỉ huy” công tác chiến lược của Bộ TT&TT

THÔNG CÁO BÁO CHÍ: HỘI NGHỊ CÔNG BỐ QUY HOẠCH HẠ TẦNG THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THÔNG CÁO BÁO CHÍ: HỘI NGHỊ CÔNG BỐ QUY HOẠCH HẠ TẦNG THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Việt Nam đặt mục tiêu vào top 10 nước dẫn đầu châu Á về tên miền

Việt Nam đặt mục tiêu vào top 10 nước dẫn đầu châu Á về tên miền

Quy hoạch hạ tầng TT&TT sẽ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Quy hoạch hạ tầng TT&TT sẽ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Kiến tạo hạ tầng TT&TT để mở không gian mới cho phát triển kinh tế xã hội

Kiến tạo hạ tầng TT&TT để mở không gian mới cho phát triển kinh tế xã hội

QUYẾT ĐỊNH: Phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030

QUYẾT ĐỊNH: Phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030

QUYẾT ĐỊNH: Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

QUYẾT ĐỊNH: Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

THÔNG BÁO: Kết quả thi tuyển viên chức của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông năm 2023

THÔNG BÁO: Kết quả thi tuyển viên chức của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông năm 2023

 Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đón Xuân Giáp Thìn năm 2024

Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đón Xuân Giáp Thìn năm 2024

THÔNG BÁO: Kết quả thi Vòng 2 kỳ thi tuyển dụng viên chức của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông năm 2023

THÔNG BÁO: Kết quả thi Vòng 2 kỳ thi tuyển dụng viên chức của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông năm 2023

THÔNG BÁO: Thời gian và nội dung ôn tập Vòng 2 kỳ thi tuyển dụng viên chức của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông năm 2023

THÔNG BÁO: Thời gian và nội dung ôn tập Vòng 2 kỳ thi tuyển dụng viên chức của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông năm 2023

Tin đọc nhiều

Đổi mới sáng tạo - Chìa khóa 'bứt phá' năng suất, chất lượng

Đổi mới sáng tạo - Chìa khóa 'bứt phá' năng suất, chất lượng

Ba xu hướng tác động đến phương thức hoạt động của doanh nghiệp của chuyển đổi kỹ thuật số

Ba xu hướng tác động đến phương thức hoạt động của doanh nghiệp của chuyển đổi kỹ thuật số

Một số giải pháp huy động vốn cho doanh nghiệp ICT trong bối cảnh hậu Covid-19

Một số giải pháp huy động vốn cho doanh nghiệp ICT trong bối cảnh hậu Covid-19

Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2021

Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2021

Techfest Việt Nam - Khẳng định vị thế startup Việt trên bản đồ khởi nghiệp thế giới

Techfest Việt Nam - Khẳng định vị thế startup Việt trên bản đồ khởi nghiệp thế giới

AI - Xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2020

AI - Xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2020

5 lý do khiến Coworking Space trở thành cơn sốt tại Việt Nam

5 lý do khiến Coworking Space trở thành cơn sốt tại Việt Nam

Everest Education - Startup Việt kêu gọi thành công 4 triệu USD để phát triển

Everest Education - Startup Việt kêu gọi thành công 4 triệu USD để phát triển

Hà Nội sắp tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo 2019

Hà Nội sắp tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo 2019

Shark Việt tiết lộ lý do "chịu thiệt" khi đàm phán với Founder Triip: Bạn ấy khác các startup khác, dám thuê Shark về làm việc!

Shark Việt tiết lộ lý do "chịu thiệt" khi đàm phán với Founder Triip: Bạn ấy khác các startup khác, dám thuê Shark về làm việc!

Video xem nhiều

Khởi động nền tảng SMEdx hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

Khởi động nền tảng SMEdx hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

IoT với các số ứng dụng và tiềm năng phát triển

IoT với các số ứng dụng và tiềm năng phát triển

Việt Nam thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Make in Việt nam

Việt Nam thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Make in Việt nam

Toàn cảnh Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin REV-ECIT 2019

Toàn cảnh Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin REV-ECIT 2019

5G - Mạng truyền tải di động tốc độ cao của tương lai

5G - Mạng truyền tải di động tốc độ cao của tương lai

Kinh tế số và tiềm năng phát triển tại Việt Nam
15/06/2021
Phương pháp đo lường đô thị thông minh
11/06/2021
Triển vọng 5G và 6G trong tương lai ở Nhật Bản
11/06/2021
Chuyển đổi số - Nên hiểu như thế nào cho đúng
25/05/2020
Các yếu tố cơ bản của chuyển đổi số
08/04/2020
Phát huy tinh thần Make in Vietnam, sẵn sàng công nghệ, thiết bị để thương mại 5G
07/12/2019
REV-ECIT 2019: Thúc đẩy phát triển thông tin di động 5G và ứng dụng
07/12/2019