Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam
PGS. TS. Trần Minh Tuấn
Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông
Thế giới đang đứng trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng là công nghệ thông tin đang chuyển hóa một phần thế giới thực thành thế giới số và cùng song song tồn tại. Sự phát triển vượt bậc công nghệ số đã và đang là nền tảng cho sự phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm phục vụ và nâng cao chất lượng sống của con người
Từ các ngành sản xuất hàng hoá, cho đến dịch vụ thông tin, văn hoá, giải trí, giao thông, y tế đều dần dần được số hoá. Bằng chứng thực tế đã chỉ ra rằng số hóa ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của GDP các quốc gia, tạo việc làm, đổi mới, minh bạch và phân phối hiệu quả dịch vụ công. Xu hướng ảnh hưởng của công nghệ số vào mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày của con người ngày càng thể hiện rõ nét tại khắp các quốc gia trên thế giới.
Trên quy mô quốc gia, kinh tế số ảnh hưởng ngày càng lớn đến tăng trưởng GDP, năng suất lao động và cơ cấu việc làm. Theo nghiên cứu của Microsoft và IDG tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, năm 2017, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp 6% GDP, dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% vào năm 2019 và 60% vào năm 2021; chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động 15% năm 2017, dự kiến năm 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong 3 năm tiếp theo.
Thực trạng phát triển kinh tế số ở khu vực và Việt Nam
Thực trạng phát triển kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á
Theo nghiên cứu của Google và Temasek tại Hình 1 cho thấy, trên nền tảng là sự tăng trưởng của người dùng Internet, nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt đến giá trị 72 tỉ USD trong năm 2018 với các lĩnh vực chính là du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến và gọi taxi công nghệ và có mức tăng trưởng 37% so với năm trước, cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) 32% giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018.
Tổng giá trị giao dịch của nền kinh tế số (GMV) theo % GDP
Với sự xuất hiện và tăng trưởng mạnh mẽ của các lĩnh vực mới như: du lịch trực tuyến, giao đồ ăn trực tuyến, các dịch vụ video và âm nhạc theo nhu cầu (truyền thông trực tuyến), kinh tế số khu vực sẽ đạt mốc 240 tỉ USD vào năm 2025 cao hơn 40 tỉ USD so với dự báo trước đó. Tổng giá trị giao dịch (GMV) của nền kinh tế số chiếm 2.8% GDP của khu vực trong năm 2018, tăng lên từ mức 1.3% năm 2015 và sẽ đạt mốc 8% vào năm 2025. Quy mô của nền kinh tế số tại Đông Nam Á đang đi sau các thị trường phát triển khác như Mỹ khoảng 10 năm, nơi mà GMV của nền kinh tế số đã chiếm 6.5% quy mô GDP. Tuy vậy, khoảng cách này đang dần được thu hẹp.
Quy mô nền kinh tế số của Đông Nam Á
Thực trạng kinh tế số tại Việt Nam
Tại Việt Nam, quy mô nền kinh tế số đạt 9 tỉ USD trong năm 2018, tăng trưởng trung bình hàng năm 38% giai đoạn từ 2015-2018. Với việc thị trường thương mại điện tử 2018 tăng trưởng gấp đôi so với năm trước đó, trong khi quảng cáo trực tuyến và games tăng trưởng 50% mỗi năm, Nền kinh tế số của Việt Nam thực sự đang bùng nổ. Cùng với việc thị trường Online Travel chưa thực sự phát triển thì cơ hội để các công ty trong lĩnh vực này là rất lớn.
Thương mại trên nền tảng số đem lại cho nền kinh tế Việt Nam
Tính riêng thương mại trên nền tảng số đem lại cho nền kinh tế Việt Nam lợi ích kinh tế trị giá lên đến 81 nghìn tỷ đồng (3,5 tỉ USD). Đến năm 2030, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương con số này có thể tăng gấp gần 12 lần, đạt 953 nghìn tỷ đồng (42 tỉ USD).
Các điều kiện nền tảng cho phát triển kinh tế số
Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các quốc gia đi đầu trong phát triển kinh tế số tại khu vực ASEAN. Sau 20 năm phát triển, Việt Nam đã xây dựng được một hạ tầng hiện đại với hàng triệu km cáp quang, ADSL kết nối phủ 100% số xã, phường trên địa bàn cả nước với tốc độ kết nối Internet trung bình đạt 9,5 Mbps, xếp hạng 58 trên thế giới. Theo số liệu thống kê từ tổ chức Internet World Stats thì Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á.
Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn tạo nền tảng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử ngày càng được hoàn thiện mang lại hiệu quả bước đầu trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Chính phủ đã tích cực xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tiếp tục được duy trì, mở rộng, cải thiện về chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh Thông tin đã có hiệu lực, bước đầu hình thành được hệ thống cơ sở vật chất cho việc bảo đảm an toàn thông tin quốc gia, không gian mạng quốc gia. Năm 2018, Trung tâm Giám sát An toàn Không gian Mạng Quốc gia đã đi vào hoạt động.
Dân số trẻ, có trình độ học vấn, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ở mức cao với trên 68% ở nông thôn và trên 84% ở các thành phố; Nguồn nhân lực CNTT với gần 1 triệu nhân lực; Việt Nam là một trong một số ít nước trên thế giới đang tích cực thí điểm triển khai mạng 5G – mạng di động cho kỷ nguyên IoT .
Công tác thông tin, truyền thông, thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống báo chí vừa tăng cường quản lý, vừa phát huy vai trò báo chí cách mạng, phát triển mạnh báo chí đa phương tiện. Việt Nam có hơn 60 triệu người sử dụng mạng xã hội trên các nền tảng khác nhau.
Năm 2018, điện thoại di động xuất khẩu 49,08 tỉ USD đứng thứ 2 thế giới. Trên thế giới cứ 10 máy điện thoại thông minh thì có 01 chiếc có xuất xứ từ Việt Nam. Nếu Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với các mức chi phí thấp bởi công nghệ mới đặc biệt là công nghệ số sẽ cho phép các chuỗi cung ứng kết nối và phân phối hiệu quả hơn đồng thời giảm thiểu chi phí về hậu cần và giao dịch. Các sản phẩm và dịch vụ số Việt Nam sẽ tạo thành một ngành công nghiệp mới và ngành công nghiệp mới này sẽ đóng góp một phần lớn để tạo ra năng lực cạnh tranh quốc gia. Xuất khẩu số của Việt Nam vào năm 2017 ước tính trị giá hơn 97 nghìn tỷ đồng (4,3 tỉ USD). Với con số như vậy, ngành sản phẩm và dịch vụ số đã trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 8 của quốc gia, chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu. Nếu chúng ta phát triển thành công một hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ đủ mạnh thì xuất khẩu số của Việt Nam có khả năng tăng 570%, đạt 652 nghìn tỷ đồng (tương đương 28,7 tỉ USD) vào năm 2030.
Các sản phẩm và dịch vụ số Việt Nam tham gia đóng góp vào xuất khẩu
Quy mô thị trường thương mại điện tử B2C của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể. Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỉ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỉ USD. Ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 so với năm 2017 đạt trên 30%. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì đến năm 2020 quy mô thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam sẽ lên tới 13 tỉ USD, cao hơn so với mục tiêu 10 tỉ USD vào năm 2020 được đặt ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, mạng xã hội tiếp tục là một kênh tiếp thị phổ biến, hiệu quả của doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45%, trong đó tỷ lệ này đối với bán hàng qua website là 32%, qua ứng dụng di động là 22%. Mạng xã hội còn thu hút cả những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn trong việc tiếp thị và chăm sóc khách hàng như Lazada, Tiki, Adayroi…
Dịch vụ logistics, giao nhận hàng hoá chặng cuối có mối quan hệ khăng khít với bán lẻ trực tuyến. Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trên phạm vi cả nước Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát được 61% các đơn vị bán hàng trực tuyến thuê, tiếp đó là Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) với tỷ lệ 25%. Tỷ lệ tương ứng cho EMS, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm là 5%, 1% và 1%. Các đơn vị chuyển phát khác chỉ chiếm 13%. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2018 so với năm 2017 của các doanh nghiệp chuyển phát tham gia khảo sát là 70%, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp thấp nhất vẫn đạt 30% và có 3 doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng trên 100%.
Vấn đề tồn tại: vẫn còn những trở ngại đáng kể như qua khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy 50% số người được hỏi cho biết giá cả không rõ ràng hoặc giá đắt hơn so với mua tại cửa hàng là lý do không mua sắm trực tuyến. Những lý do quan trọng khác là dịch vụ khách hàng kém, lo ngại về dữ liệu cá nhân và phương thức thanh toán trực tuyến phức tạp không an toàn. Thanh toán trực tuyến cũng là một cản trở lớn, các ngân hàng và công ty Fintech đang ngày càng mở rộng cung cấp dịch vụ thanh toán khá tốt, nhưng số lượng người mua hàng trực tuyến thanh toán online rất ít, chỉ khoảng 20% đơn hàng là được thanh toán trực tuyến.
Hệ thống khung pháp lý và chính sách thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam hiện nay
Nền tảng pháp lý được coi là một trong những chìa khóa của sự phát triển kinh tế số. Trong thời gian qua, nhiều văn bản pháp lý đã được ban hành tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số từ giao dịch điện tử, an ninh mạng tới bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thi hành các chính sách này đã chỉ ra nhiều bất cập, trong đó hành lang pháp lý vừa thiếu lại vừa yếu, thiếu liên thông giữa các chính sách cũng như khả năng kết hợp các nguồn lực còn hạn chế. Hiện nay, việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển của chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số vẫn còn bất cập như sau
Thứ nhất: Hiện còn thiếu hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế chia sẻ; chia sẻ, mở dữ liệu của cơ quan chính phủ, của doanh nghiệp; bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhất là tình trạng thông tin cá nhân hiện vẫn còn bị thu thập, sử dụng và phát tán một cách trái phép, gây mất lòng tin của người dùng đối với thương mại điện tử nói riêng và phát triển kinh tế số nói chung. Cuộc cách mạng dữ liệu chỉ có thể thực hiện thành công khi dữ liệu được chia sẻ, lưu thông, tạo ra những kho dữ liệu lớn, phục vụ cho việc phân tích để khách hàng có thể đưa ra quyết định kinh doanh đúng đắn. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu như thế nào để vừa bảo đảm quyền chia sẻ dữ liệu, vừa bảo vệ dữ liệu cá nhân thì hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng. Điều này gây cản trở rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Thứ hai: Hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh mới. Vẫn còn có những quy định chưa thực sự phù hợp về khuyến khích về thuế cho hoạt động đầu tư R&D của doanh nghiệp, bảo vệ bản quyền, thanh toán số, những mô hình mới về kinh tế số như taxi công nghệ...
Thứ ba: Hình thức thanh toán rút gọn bằng các chứng từ, dữ liệu điện tử vẫn chưa được các ngân hàng chấp nhận trong thanh toán quốc tế, gây khó khăn cho các sàn thương mại điện tử, tạo trở ngại cho sự phát triển thương mại điện tử ra nước ngoài. Điều này không phù hợp với quy trình hiện đại hoá, tự động hoá trong dịch vụ ngân hàng, không đáp ứng được nhu cầu thanh toán điện tử hiện nay.
Đề xuất, khuyến nghị nhằm hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để thúc đẩy kinh tế số trong giai đoạn tới
Qua các nội dung phân tích trên cho thấy, kinh tế số là nền tảng là động lực cho tăng trưởng, là cơ hội cho các quốc gia, các doanh nghiệp vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng cũng là nguy cơ tụt hậu, bị bỏ lại ngày càng xa đối với ai không quan tâm đến nó. Để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, cần phải có sự đầu tư nguồn lực, quyết tâm và tham gia thực hiện của tất cả các thành phần nhằm đảm bảo một môi trường an toàn, tin cậy cho nền kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam, bài tham luận đưa ra một số khuyến nghị, định hướng về cải cách chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế số như sau:
Hoàn thiện thể chế và cải thiện các chính sách cho phát triển kinh tế số
1. Cải thiện môi trường pháp lý chung cho kinh tế số:
- Xây dựng Luật chuyển đổi số, đây là nền tảng pháp lý quan trọng, cùng với các văn bản pháp lý hiện có, nhằm tạo một môi trường an toàn, minh bạch, tin cậy cho quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số hiện nay.
- Xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế chia sẻ (Luật quản lý thuế; Luật giao thông đường bộ; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Ngân hàng – Tín dụng số…).
- Điều chỉnh chính sách đối với lĩnh vực viễn thông công ích để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế số. Hạ tầng viễn thông phải được chuyển đổi thành hạ tầng CNTT&TT phục vụ cho kinh tế số, do vậy cần có những chính sách phù hợp cho lĩnh vực viễn thông công ích, nhất là các chính sách về đầu tư nhằm mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông công ích, giúp người dân ở khắp nơi đều có thể hưởng lợi từ kinh tế số.
- Xây dựng khung pháp lý, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển cho các hoạt động phát triển doanh nghiệp công nghệ thúc đẩy kinh tế số. Cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm cho phép sử dụng một phần Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ như đầu tư mạo hiểm.
2. Xây dựng môi trường pháp lý để bảo đảm sự an toàn, tin cậy cho nền kinh tế số:
- Xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức và các văn bản hướng dẫn.
- Xây dựng hành lang pháp lý cho Danh tính số. Trước hết, xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức và các văn bản hướng dẫn.
- Xây dựng văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, tài sản số.
- Xây dựng văn bản pháp luật chống tin giả mạo, lừa đảo, sai pháp luật trên mạng.
- Xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến quyền, đạo đức xã hội khi sử dụng AI/hệ thống ra quyết định tự động/robots.
3. Xây dựng môi trường pháp lý tạo điều kiện cho chia sẻ dữ liệu số:
- Xây dựng khung pháp lý, chính sách, quy định về quản trị dữ liệu quốc gia (Trách nhiệm, phân cấp quản lý dữ liệu; Kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu; Quy định dữ liệu gốc; Quản lý chất lượng dữ liệu; Quản lý kiến trúc dữ liệu; Quản lý vận hành dữ liệu; Quản lý an ninh dữ liệu; Quản lý đặc tả dữ liệu…). Giai đoạn đầu tập trung vào đối tượng là các cơ quan nhà nước, sau đó mở rộng đến các doanh nghiệp.
- Xây dựng nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu số và các văn bản hướng dẫn (trong đó gồm cả các nội dung quy định về mở dữ liệu cơ quan nhà nước).
- Xây dựng quy định chia sẻ dữ liệu giữa các doanh nghiệp, giữa các lĩnh vực.
- Xây dựng hướng dẫn thực hiện các chính sách sandbox cho các mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số, bảo đảm tạo không gian cho đổi mới số (về môi trường pháp lý, quy mô, thời gian, địa điểm) để thử nghiệm.
- Xây dựng quy định cho thị trường mua bán dữ liệu.
- Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ kinh tế số.
- Quy định về việc hình thành các bộ phận nghiên cứu chính sách phát triển kinh tế số tại các doanh nghiệp CNTT&TT lớn.
4. Cơ cấu tổ chức:
- Thực hiện chế độ một cửa, một đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp liên quan đến kinh tế số và xã hội số.
- Xây dựng các Trung tâm đổi mới sáng tạo, “đặc khu công nghệ” là vườn ươm, nơi thử nghiệm những cơ chế, chính sách vượt trội để thu hút, tạo dựng môi trường phù hợp cho việc áp dụng các công nghệ mới có tính đột phá, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam;
Xây dựng hệ thống hạ tầng CNTT&TT đồng bộ, an toàn thông tin đi trước một bước.
- Hạ tầng bưu chính chuyển dịch nhanh chóng về cấu trúc thị trường, cơ cấu dịch vụ trong nền kinh tế số theo hướng thương mại điện tử; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; hình thành một số công ty lớn làm nòng cốt.
- Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông: Phát triển hạ tầng số trên nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin.
- Triển khai cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới để hình thành hạ tầng mạng thông tin di động 5G phục vụ cho phát triển nền kinh tế số, xã hội số; Từng bước làm chủ các công nghệ nền tảng như: công nghệ IoT, Big Data, AI, AR….
- Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng CNTT&TT, tránh gây tốn kém nguồn lực phát triển của xã hội.
- Phát triển một số nền tảng công nghệ dùng chung để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, phát triển Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện.
- Thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, hạ tầng cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ cho đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính phủ điện tử, kinh tế số.
- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đưa Việt Nam là cường quốc về an toàn an ninh mạng; Phát triển công nghiệp an toàn an ninh mạng, đảm bảo môi trường an toàn, tin cậy phục vụ cho kinh tế số trong các lĩnh vực tại Việt Nam và vươn tầm cung cấp dịch vụ quốc tế.
Chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện
- Chính phủ công bố và triển khai thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia với những kế hoạch thực hiện tiến độ, thước đo (KPI) cụ thể cho chuyển đổi số, hướng tới xây dựng nền kinh tế số, xã hội số;
- Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện từ chính phủ đến xã hội, doanh nghiệp để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số.
- Về cơ cấu đầu tư công: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa quá trình theo dõi, đánh giá đầu tư, tích hợp các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quản lý đầu tư giữa các cơ quan, từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện dự án, kết thúc và đánh giá dự án.
- Tập trung tái cơ cấu công nghiệp gắn với nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại. Đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp công nghiệp, phương thức sản xuất kinh doanh, tăng khả năng kết nối, tiếp cận thông tin, dữ liệu để tăng cơ hội kinh doanh mới và tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Xây dựng và phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam
- Ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực; Phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao: công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử…, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin; Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung.
- Phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, quán triệt chủ trương “sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất”.
- Các doanh nghiệp công nghệ có quy mô nhỏ hơn chuyển đổi chiến lược từ gia công sang chủ động nghiên cứu phát triển tạo ra các sản phẩm “Make in Viet Nam”, giải quyết các bài toán của Việt Nam và vươn ra khu vực;
- Các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá vào áp dụng vào mọi mặt của lĩnh vực kinh tế - xã hội.
- Chính phủ vừa là người đi đầu dẫn dắt, vừa là người kiến tạo thị trường cho phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam (thông qua đầu tư cho chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh...);
- Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ, tăng năng suất lao động.
- Thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với nguồn vốn huy động từ xã hội.
Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực vượt trội, đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
- Khẩn trương xây dựng và ban hành chuẩn kỹ năng về nhân lực CNTT&TT làm căn cứ để đổi mới chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT.
- Thay đổi phương pháp dạy và học về công nghệ thông tin và ngoại ngữ thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại (AI, e-learning…).
- Đánh giá, xếp loại các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ thông tin; quản lý chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nguồn nhân lực cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Tăng cường thông tin, tuyên truyền xây dựng niềm tin xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số
- Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch Phát triển và Quản lý Báo chí Toàn quốc đến năm 2025 nhằm xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin trên tất cả các phương diện, hình thức và loại hình truyền thông. Đảm bảo công khai, minh bạch thông tin và bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong thông tin đối ngoại và đấu tranh dư luận.
- Xây dựng và triển khai các chương trình, chiến dịch thông tin quảng bá, tiếp thị hình ảnh quốc gia với quy mô lớn cả ở trong và ngoài nước. Sớm hình thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa, thông tin số lành mạnh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận