Các yếu tố cơ bản của chuyển đổi số
Ngày nay, sự phát triển với tốc độ chóng mặt của các công nghệ số mới đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động của xã hội loài người. Nói đến chuyển đổi số là nói đến những thiết bị IoT, nền kinh tế chia sẻ hay các dịch vụ trên nền tảng đám mây. Vậy, những yếu tố cơ bản trong quá trình chuyển đổi số là gì?
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia để tiến tới một Việt Nam số"
- Bộ TT&TT chuyển nhiệm vụ về chuyển đổi số từ Vụ CNTT sang Cục Tin học hóa
1. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là cơ sở cho việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và tạo điều kiện cho sự tương tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Sự sẵn sàng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số không phải là yếu tố quyết định duy nhất đối với ‘Chuyển đổi số’, nhưng nó là yếu tố quan trọng nhất. Khả năng truy cập và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đóng vai trò là nền tảng cho việc kết nối, trao đổi thông tin mang tính tự do và không giới hạn phạm vi trên toàn cầu.
Với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại cùng với chi phí phù hợp sẽ là nền tảng cho quá trình ‘Chuyển đổi số’ quốc gia. Trong quá trình ‘Chuyển đổi số’, xử lý và phân tích dữ liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng và là cốt lõi cho việc thay đổi, phát triển các hoạt động kinh tế. Do đó, tăng cường khả năng truy cập và chia sẻ dữ liệu là rất quan trọng, đòi hỏi quốc gia phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để bảo đảm chất lượng, tính sẵn sàng cho việc kết nối.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đề cập đến các yếu tố như: tính kết nối; tốc độ kết nối; cơ sở hạ tầng Internet.
1.1. Tính kết nối (connectivity)
Nhu cầu về tính kết nối trong tương lai sẽ ngày càng tăng với việc hàng tỷ cảm biến, thiết bị IoT kèm theo việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số đang được triển khai rộng khắp trên thế giới. Khi mọi thứ trong xã hội được kết nối với nhau sẽ đòi hỏi việc truyền và xử lý dữ liệu cần phải thực hiện một cách nhanh chóng. Để có thể làm được điều đó đòi hỏi quốc gia phải tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Tăng trưởng thuê bao băng rộng di động đã vượt xa thuê bao băng rộng cố định. Theo ITU, số thuê bao băng rộng di động trên toàn thế giới năm 2010 đạt 825 triệu đã tăng lên 4,6 tỷ trong năm 2017 và hiện chiếm 82% lưu lượng băng rộng trên thế giới. Tại hầu hết các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển trở lên, việc sử dụng băng thông rộng di động có tỷ lệ cao hơn nhiều so với việc sử dụng băng thông rộng cố định so với quy mô dân số.
1.2. Tốc độ kết nối (Speed)
Tốc độ kết nối đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình ‘Chuyển đổi số’. Các doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số không thể lãng phí thời gian khi phải đối mặt với các quyết định quan trọng. Một quyết định rõ ràng và súc tích phải được đưa ra một cách kịp thời để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Một doanh nghiệp có thể giao hàng kịp thời và tự tin sẽ không chỉ đáp ứng mong đợi của khách hàng mà còn vươn lên dẫn đầu trên thị trường cạnh tranh. Bất kỳ sự chậm trễ, gián đoạn hoặc thời gian chết trong việc kết nối sẽ gây ra bất lợi, giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tương tự, khách hàng luôn muốn sử dụng sản phẩm, dịch vụ với tốc độ nhanh và thoải mái nhất. Không khách hàng nào mong muốn khi mua sắm trực tuyến phải đợi hàng phút đồng hồ để website hiển thị nội dung hàng hóa. Trong tương lai, không ai muốn xếp hàng hàng giờ đồng hồ chỉ để mua sắm hàng hóa thông thường. Tương tự, người dân cũng không mong muốn phải xếp hàng để thực hiện thủ tục hành chính thông thường nào đó của Chính phủ.
Tốc độ phản ứng của doanh nghiệp, Chính phủ phụ thuộc vào tốc độ kết nối của mạng băng rộng. Nếu doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian, khách hàng sẽ mất. Nếu Chính phủ mất nhiều thời gian để tương tác với người dân, sẽ tăng thêm chi phí không đáng có, cản trờ sự phát triển của xã hội, quốc gia.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện chiến lược băng thông rộng, trong đó đặt mục tiêu tốc độ kết nối phải bảo đảm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tốc độ kết nối từ 100 Mbps đang ngày càng trở nên phổ biến. Ví dụ: Mỹ đặt mục tiêu có tốc độ băng thông rộng từ 100 Mbps trở lên cho 80% hộ gia đình. Một số quốc gia với quy mô dân số nhỏ còn nhắm mục tiêu cao hơn như: Luxembourg đặt mục tiêu có kết nối 1 Gbps cho tất cả các doanh nghiệp và hộ gia đình diễn ra vào năm 2020 và Thụy Điển đang nhắm tới tỷ lệ bao phủ 98% hộ gia đình vào năm 2025, Na Uy và Áo lần lượt đặt mục tiêu là 90% và 99%.
1.3. Cơ sở hạ tầng Internet
Cơ sở hạ tầng Internet là yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp, Chính phủ và người dân để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cũng như phục vụ nhu cầu sử dụng. Nhờ có cơ sở hạ tầng Internet, thế giới đã hình thành những ngành công nghiệp mới như: sản xuất phần mềm, nội dung số, giải trí. Các ngành thương mại điện tử, du lịch, nông nghiệp, báo chí-xuất bản, quảng cáo… đã phát triển mạnh mẽ.
Ở lĩnh vực quản lý nhà nước, chính phủ điện tử đã được xây dựng với gần 125.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có gần 1.400 dịch vụ công mức độ 4 tại các lĩnh vực như thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, giáo dục…; Hệ thống chính quyền điện tử và thành phố thông minh đang được xây dựng tại nhiều địa phương. Internet đã trở thành hơi thở của cuộc sống.
Nếu cơ sở hạ tầng Internet lỗi thời sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân và sẽ làm cản trở việc số hóa, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động đổi mới, sáng tạo. Do đó, cơ sở hạ tầng Internet là một yếu tố quyết định chính (key enabler) của ‘Chuyển đổi số’
2. Hệ thống nền tảng số
Sức mạnh và tiềm năng của công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số giúp cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân kết nối và tương tác với nhau hiệu quả hơn. Để thúc đẩy quá trình ‘Chuyển đổi số’ điều cần thiết là phải thúc đẩy việc áp dụng, phổ biến và sử dụng hiệu quả các công cụ kỹ thuật số trong doanh nghiệp và người dân. Nâng cao kỹ năng, hiểu biết công nghệ kỹ thuật số cho người dân và thúc đẩy sự sáng tạo trong Chính phủ, doanh nghiệp sẽ làm cho quốc gia thực hiện tiến trình ‘Chuyển đổi số’ nhanh và hiệu quả hơn.
Bên cạnh yếu tố thúc đẩy Chính phủ, doanh nghiệp áp dụng công nghệ kỹ thuật số để đổi mới trong cách thức hoạt động, đồng thời, Chính phủ cần có các chính sách cần tăng cường niềm tin cho doanh nghiệp, người dân trong môi trường kỹ thuật số, ví dụ bằng cách nâng cao nhận thức, trao quyền cho mọi người và các doanh nghiệp để quản lý rủi ro kỹ thuật số một cách tốt hơn.
Yếu tố này chủ yếu đề cập đến nội dung như: sử dụng hiệu quả hạ tầng và dữ liệu kỹ thuật số; Chính phủ, doanh nghiệp và người dân có khả năng khai thác và sử dụng lợi ích của công nghệ kỹ thuật số để tăng trưởng, cải thiện năng suất hoạt động.
2.1. Internet users
Năm 2019, dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 36%. Cùng trong năm nay, có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017. Theo số liệu thống kê, có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019, con số này tăng đến 8 triệu người dùng so với năm 2018.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các dòng điện thoại phân khúc tầm trung, thấp liên tục được ra đời giúp cho nhiều người có thể dễ dàng sở hữu những chiếc điện thoại thông minh và tiếp cận với Internet. Mặc dù dân số chỉ đạt 96,96 triệu người nhưng số thuê bao điện thoại đã được đăng ký lên tới 143,3 triệu số. Điều này cho thấy phần đông người dân Việt Nam đã tiếp cận với điện thoại di động thông minh và cũng không ít người sử dụng 2-3 chiếc điện thoại cùng một lúc để phục vụ cho cuộc sống.
Công nghệ di động đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy số lượng người sử dụng Internet. Ở các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iceland hầu như tất cả người dùng đều truy cập Internet hàng ngày.
Các loại hoạt động trên môi trường Internet của người dân tập trung vào các nội dung như: mạng xã hội, thương mại điện tử, báo chí, giải trí. Tại Việt Nam, 99% người dùng Internet sẽ xem các video trên mạng, 55% thì có xem TV trực tuyến, 53% có chơi game và 32% xem livestream các streamer chơi game.
Sử dụng công cụ truy cập Internet thì 97% người Việt Nam sử dụng điện thoại di động, 72% điện thoại thông minh, 43% laptop và 13% máy tính bảng. Điều này đặt ra vấn đề tối ưu hóa trải nghiệm trên thiết bị di động là vấn đề bắt buộc đối với Chính phủ, doanh nghiệp khi tương tác với người dân trong thời gian tới.
2.2. Khả năng áp dụng công nghệ kỹ thuật số của doanh nghiệp
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn cần đến những giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hoạt động hiệu quả ở tất cả các khâu. Trong môi trường cạnh tranh và toàn cầu hóa như hiện nay, những doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo mà vẫn chọn phương thức kinh doanh truyền thống sẽ có nguy cơ rời khỏi thị trường. Đặc biệt, trước những thay đổi nhanh chóng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu doanh nghiệp không thích ứng nhanh và tận dụng lợi thế tốt thế từ nền tảng công nghệ hiện đại để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu và khó có thể tồn tại.
Hiện nay, trên thế giới rất ít doanh nghiệp hoạt động mà không sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Đặc biệt tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển, hầu hết các doanh nghiệp đều ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong hoạt đông sản xuất, kinh doanh.
Số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đang ngày một nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng về CNTT của doanh nghiệp đang ngày càng tăng lên. Điều này thể hiện rằng, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ kỹ thuật số đang ngày càng quan trọng đối với doanh nghiệp.
Thực tiễn cho thấy, đổi mới công nghệ là rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu… Nhờ đó, sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
2.3. Thương mại điện tử
Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, là một phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp trên toàn thế giới. Ở tất cả các quốc gia, tỷ lệ người dùng Internet thực hiện mua hàng hóa trực tuyến trong năm 2018 cao hơn so với năm 2010 và đạt tới 87% tại Vương quốc Anh. Tại Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Thụy Sĩ và Na Uy, hơn 80% người dùng Internet mua sắm trực tuyến.
Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm (Compound Average Growth Rate - CAGR) của giai đoạn 2015 - 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
Với tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định như vậy, kết hợp với xu hướng chuyển dịch thói quen mua sắm của người tiêu dùng có thể khẳng định thương mại điện tử sẽ ngày càng chiếm lĩnh những vị thế quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp.
2.4. Sự tương tác trực tuyến của người dân với Chính phủ.
Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đang cố tận dụng các công nghệ kỹ thuật số để làm cho các quy trình, dịch vụ CNTT, dữ liệu được người dân dễ dàng truy cập và tiếp cận hơn. Tại các nước có nền kinh tế phát triển, tỷ lệ cá nhân sử dụng Internet để tương tác với các cơ quan nhà nước đã tăng từ 45% năm 2010 lên 56% vào năm 2018.
Một ví dụ quan trọng là việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để kê khai thuế. Tất cả các quốc gia phát triển đều kê khai thuế trực tuyến cho ít nhất một số loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc hồ sơ thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp). Chính phủ các nước đưa ra các quy định linh hoạt và mang tính thúc đẩy đối với hoạt động số hóa để tương tác với người dân. Tại Estonia, việc nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân trực tuyến là không bắt buộc nhưng 99% người dân thực hiện nộp tờ khai thuế trực tuyến do tiết kiệm thời gian, chi phí.
Thế giới đang thay đổi, Chính phủ cũng phải thay đổi cách thức hoạt động và sự tương tác với người dân. Nếu không thay đổi, Chính phủ sẽ tụt lại phía sau, gây cản trở đến tiến trình phát triển của quốc gia.
2.5. Kỹ năng số
Không có gì mới lạ khi chúng ta nhìn thấy các nhà báo nghiên cứu, lập kế hoạch, viết, hiệu đính… và gửi một bài báo cho nhà xuất bản, tất cả đều bằng điện thoại di động hoặc máy tính bảng của họ. Trong một số giác quan, các kỹ năng số làm cho nơi làm việc trở thành một nơi tự do và đơn giản hơn bao giờ hết. Rất nhiều công việc bây giờ có thể được thực hiện tại nhà, hoặc đang di chuyển.
Các kỹ năng như: sử dụng email, soạn thảo văn bản trên máy tính, tổ chức và quản lý tài nguyên của công ty trên Cloud hoặc kỹ năng cơ bản khi sử dụng điện thoại thông minh, máy tính… đang được coi là những kỹ năng số cơ bản. Để thúc đẩy ‘Chuyển đổi số’, các quốc gia trên thế giới đang đổi mới chương trình giáo dục đào tạo nhằm tăng cường phổ cập kỹ năng số cho người dân. Một xã hội với người dân đều có kỹ năng số cơ bản sẽ là điều kiện bảo đảm để ‘Chuyển đổi số’ nhanh chóng, hiệu quả.
3. Đổi mới sáng tạo
3.1. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng
Nghiên cứu khoa học đại diện cho nền tảng quan trọng đối với sự tiến bộ và đổi mới công nghệ. Những tiến bộ trong kiến thức khoa học là chìa khóa để phát triển các công nghệ kỹ thuật số mới. Các công nghệ kỹ thuật số được xây dựng chủ yếu dựa trên các công trình nghiên cứu khoa học.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc gần như đã tăng gấp ba đóng góp cho các tạp chí khoa học máy tính, vượt qua Mỹ trong việc sản xuất các tài liệu khoa học trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tỷ lệ tài liệu khi được viễn dẫn trong các nghiên cứu khoa học trên thế giới của Trung Quốc vẫn ở mức gần 7%, thấp hơn mức trung bình của thế giới và thấp hơn Mỹ (17%).
Ở một số quốc gia, như Ý, Israel, Luxembourg và Ba Lan, các báo cáo nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học máy tính có tỷ lệ trích dẫn tương đối cao hơn nhiều so với sản xuất khoa học nói chung trong các quốc gia đó. Gần 20% các ấn phẩm khoa học máy tính của các tác giả có trụ sở tại Thụy Sĩ là một trong số 10% tài liệu khoa học được trích dẫn hàng đầu thế giới.
Nghiên cứu khoa học đại diện cho một nền tảng quan trọng cho sự tiến bộ và đổi mới công nghệ. Các nước có cường độ nghiên cứu khoa học cao sẽ có tỷ lệ đóng góp nhiều báo cáo nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học máy tính. Sự đầu tư vào công tác nghiên cứu khoa học là một yếu tố tác động tới sự thành công của quá trình ‘Chuyển đổi số’. Do đó, để chuyển đổi số thành công, cần có những phương án đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo để dẫn dắt công cuộc ‘Chuyển đổi số’.
Khu vực đầu tư nghiên cứu khoa học hiệu quả nhất là các trường đại học, viện nghiên cứu. Việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học tại khu vực đó sẽ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là sẽ tạo dựng được một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho quá trình ‘Chuyển đổi số’ đang diễn ra. Ðiều đó sẽ góp phần tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ và đột phá kinh tế, xã hội và quốc gia.
3.2. Dữ liệu mở (open data) của Chính phủ
Không ai phủ nhận được vai trò của dữ liệu ngày nay. Trong tiến trình số hóa và ‘Chuyển đổi số’ đang diễn ra trên toàn cầu, con người thường quan tâm đến vấn đề quan trọng là thu thập dữ liệu và phát triển các công nghệ xử lý dữ liệu.
Trong khu vực Chính phủ, việc chia sẻ dữ liệu sẽ giúp cơ quan nhà nước nâng cao công tác quản lý bằng cách cải thiện, thiết kế dịch vụ công theo hướng tiếp cận từ phía người dân. Chính phủ có thể thiết kế các chính sách dựa trên sự chia sẻ dữ liệu một cách toàn diện hơn, kích thích sự đổi mới trong và ngoài khu vực công, thúc đẩy sự tham gia của người dân, doanh nghiệp khai thác dữ liệu.
Để thúc đẩy tiến trình số hóa, mỗi quốc gia nên có các bộ dữ liệu bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên không phải quốc gia nào, dù ở tình trạng phát triển, cũng có thể ngay một lúc sở hữu rất nhiều bộ dữ liệu mở bao phủ khắp các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội… bởi đây là một quá trình lâu dài với lượng kinh phí đầu tư lớn và đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều nguồn lực. Do đó, mỗi quốc gia sẽ có những ưu tiên nhất định về việc cần tập trung xây dựng những bộ dữ liệu mở nào trước.
Có một xu hướng chung trong quá trình xây dựng dữ liệu mở ở nhiều quốc gia: hầu hết đều tập trung vào hình thành những bộ dữ liệu rất quan trọng và hữu ích cho cộng đồng với tiêu chí có càng sớm, càng đầy đủ càng tốt. Đó là các dữ liệu về địa lý, đơn vị hành chính, bản đồ (ví dụ chi tiết đến tọa độ, đường phố) vì sẽ hỗ trợ cho rất nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, giao hàng hóa trong các thương mại điện tử và bưu điện, xây dựng quy hoạch, du lịch v.v…
Việc Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu mở và công khai chia sẻ cho xã hội sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra nhiều ứng dụng kỹ thuật số, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa, mô hình kinh doanh mới khi có thể tận dụng được nguồn tài nguyên vô cùng giá trị và có độ tin cậy cao; giúp người dân cảm thấy tin tưởng hơn vào các thông tin trên môi trường số, góp phần thúc đẩy quá trình ‘Chuyển đổi số’ một cách nhanh hơn.
4. Chuyển đổi kỹ năng cho người lao động
4.1. Việc làm
‘Chuyển đổi số’ dẫn đến sự phá hủy mô hình cũ và sáng tạo ra những mô hình mới. Sự phát triển khoa học và công nghệ và như: robot, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, IoT dấy lên lo ngại sẽ đánh cắp việc làm của người lao động trong kỷ nguyên số.
Theo đánh giá của ILO, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa cao nhất, xếp phía sau là Trung Quốc. Ước tính 86% lao động trong ngành dệt may, da giày và 75% lao động trong ngành điện tử của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tự động hóa cao do những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật.
Đặc biệt, kỷ nguyên kỹ thuật số sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Các nhà kinh tế và khoa học cảnh báo, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp. Điều đó nói lên rằng kỷ nguyên kỹ thuật số sẽ tạo nguy cơ dư thừa lao động ở một số ngành nghề. Bên cạnh đó, kỹ nguyên kỹ thuật số sẽ triệt tiêu lao động giản đơn, nhất là người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và thủ công. Điều này có thể sẽ tạo ra thất nghiệp và gây bất ổn xã hội.
Tuy nhiên, đi kèm với nguy cơ mất việc làm vào máy móc thì ‘Chuyển đổi số’ sẽ tạo điều kiện cho sự xuất hiện các mô hình mới, giúp giải quyết các vấn đề của thị trường lao động. Lấy ví dụ về sự ra đời của nền kinh tế tự do (gig economic) với hàng ngàn việc làm ngắn hạn được tạo ra khi hình thành các khởi nghiệp công nghệ như Uber, Lyft, AirBnB, Grab...
Những thông tin về việc robot cướp việc làm và sự bùng nổ của công nghệ luôn thu hút độc giả khi đưa ra những lời “hù dọa” về một tương lai thất nghiệp bất kể mọi lĩnh vực. Nhưng lịch sử đã chứng minh hoàn toàn ngược lại, việc ứng dụng robot và tự động hóa sẽ tạo ra nhiều việc làm mới với mức lương cao hơn những việc làm mà nó đã thay thế. Lý do đơn giản là các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ để sản xuất cùng một sản lượng với chi phí thấp hơn, việc đầu tư công nghệ và tự động hóa đòi hỏi rất nhiều vốn và qua đó, những doanh nghiệp này sẽ hướng tới việc sản xuất những sản phẩm mới hơn, cao cấp hơn để tăng doanh thu và chiếm lấy thị trường mới. Để đạt được mục tiêu này, các công ty áp dụng tự động hóa sẽ cần hơn nữa những nhân công mới.
Sự phát triển của kỷ nguyên số là cơ hội có thể tạo nhiều việc làm mới hơn, thu nhập cao hơn với điều kiện người lao động cần trang bị thêm những kỹ năng và kiến thức cần thiết thông qua những chương trình và chiến lược đào tạo của Chính phủ và doanh nghiệp.
4.2. Nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thị trường lao động, việc làm của Việt Nam là lĩnh vực được dự báo sẽ chịu nhiều tác động nhất khi các chuyên gia nhận định rằng, Việt Nam sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ ngày càng gia tăng.
Với ‘Chuyển đổi số’, trong khoảng 15 năm tới, thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi. Theo dự báo, hơn 90% doanh nghiệp sẽ bị tác động bởi số hóa trong hai năm tới. Mối đe dọa chính là tự động hóa, robots, trí thông minh nhân tạo và số hóa. Vì vậy, nhu cầu về kỹ năng của lực lượng lao động sẽ tăng cao.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nhân sự quản lý cấp cao đang thiếu hụt trầm trọng, Tại Việt Nam, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật mới chỉ có chưa tới 20% trong tổng số lao động. Vì thế Việt Nam sẽ thiếu nguồn lao động chất lượng cao trong tương lai. Theo kết quả khảo sát Thiếu hụt nhân tài 2016-2017 của ManpowerGroup đưa ra trong Hội thảo, nguồn nhân lực Việt Nam vẫn chưa phát triển kịp thời với tăng trưởng kinh tế: Tỉ lệ lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 81,4% tổng số lao động. Lực lượng lao động thiếu nhiều kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp chưa cao; thiếu ý thức trách nhiệm và chậm thích nghi với môi trường làm việc mới; Năng lực đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ của lao động có trình độ cao còn nhiều yếu kém… Đây là vấn đề đáng báo động về chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
4.3. Kỹ năng CNTT sử dụng trong công việc
Để thích ứng với kỷ nguyên số, người lao động cần phải trang bị các kỹ năng CNTT và ứng dụng vào công việc. Hiện nay, hầu hết các công việc đều cần đến máy tính và sử dụng phần mềm phục vụ cho công việc.
Trao đổi e-mail hoặc nhập dữ liệu vào cơ sở dữ liệu là hoạt động phổ biến nhất khi người lao động sử dụng máy tính tại nơi làm việc. Tạo hoặc chỉnh sửa tài liệu điện tử cũng là một trong các hoạt động phổ biến. Tại một số nước Liên minh châu Âu, người lao động sử dụng phương tiện truyền thông cho mục đích công việc ít nhất mỗi tuần một lần. Trung bình, 30% công nhân tại Liên minh châu Âu sử dụng các ứng dụng trực tuyến để nhận các nhiệm vụ hoặc hướng dẫn cho công việc ít nhất một lần một tuần và khoảng 11% thường xuyên làm việc trên hệ thống phát triển và bảo trì hệ thống CNTT và phần mềm CNTT.
Tại Liên minh Châu Âu, trong năm 2018 thì khoảng 64% người lao động sử dụng máy tính hoặc thiết bị máy tính tại nơi làm việc và báo cáo rằng các kỹ năng của họ tương ứng tốt với các khía cạnh liên quan đến CNTT trong công việc. Trong khi đó, 11% báo cáo cần được đào tạo thêm để đối phó với các yêu cầu liên quan đến CNTT trong công việc.
Việc thành thạo các kỹ năng số của người lao động đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để có thể theo kịp với nhu cầu của thị trường lao động và để thích ứng với kỷ nguyên số đang diễn ra hiện nay.
4.4. Giáo dục và đào tạo
Nhân lực CNTT đóng vai trò quan trọng trong ‘Chuyển đổi số’. Có hai vấn đề chính cần xét đến đối với yếu tố này, đó là: chất lượng giáo dục và khả năng thu hút sinh viên theo học chuyên ngành kỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng.
Theo các chuyên gia dự báo, trong tương lai số nhân lực CNTT được cho sẽ thiếu hụt lớn. Các quốc gia trên thế giới hiện nay cũng đang cải tiến chương trình giáo dục, đưa vào các nội dung giảng dạy những công nghệ kỹ thuật số mới và đưa ra các chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT trên khắp thế giới đến làm việc.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện tỷ lệ các trường đại học, cao đẳng đào tạo CNTT ở nước ta chiếm 37,5%, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ CNTT cả nước hàng năm tăng khoảng 30.000 lao động CNTT. Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1.000.000 nhân lực CNTT.
Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực CNTT lớn như vậy nhưng hiện nay các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động CNTT là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại 72% cần phải được đào tạo bổ sung trong thời gian tối thiểu 3 tháng. Một điểm tích cực tại Việt Nam đó là ngành CNTT chính là ngành thu hút nhiều sinh viên đăng ký theo học nhiều nhất trong số các ngành khác.
5. Niềm tin vào môi trường kỹ thuật số
5.1. An toàn thông tin
Số hóa thông tin và kết nối mạng đang tạo ra những thách thức mới để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến niềm tin của các doanh nghiệp và cá nhân trong các hoạt động trực tuyến. Để hoàn toàn nắm bắt và khai thác hiệu quả ‘Chuyển đổi số’, người dân, doanh nghiệp và Chính phủ cần phải có niềm tin khi tham gia vào môi trường kỹ thuật số để tiến hành các hoạt động kinh tế và xã hội.
Tại các quốc gia Châu Âu, khoảng 32% doanh nghiệp có chính sách bảo mật CNTT. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất khác nhau giữa các quốc gia và theo quy mô doanh nghiệp. Trong khi 27% doanh nghiệp nhỏ ở châu Âu có chính sách bảo mật CNTT chính thức, tỷ lệ này ở Mỹ thấp hơn ở mức 23%. Theo báo cáo Khảo sát về An ninh mạng và Tội phạm mạng của Canada cho thấy năm 2017 cho thấy, chỉ có 13% doanh nghiệp Canada có chính sách bằng văn bản để quản lý hoặc báo cáo sự cố an ninh kỹ thuật số.
Số liệu trên thể hiện, các doanh nghiệp chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức vào việc bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường kỹ thuật số. Theo báo cáo của OECD, trung bình 23% người dùng Internet trong khu vực OECD đã báo cáo gặp sự cố bảo mật kỹ thuật số vào năm 2015. Ở Hungary và Mexico, tỷ lệ này là gần 40%. Tỷ lệ người dùng Internet bị ảnh hưởng bởi virus máy tính hoặc nhiễm máy tính khác, dẫn đến hậu quả là mất thông tin đã giảm kể từ năm 2010 ở hầu hết các quốc gia. Điều này có thể là do sự tích hợp của phần mềm chống vi-rút vào các hệ điều hành và tăng nhận thức chung về vấn đề này. Trong năm 2016, chỉ có 21% người dùng Internet trong khu vực OECD bị vi phạm an ninh; tuy nhiên, tỷ lệ này cao hơn nhiều ở Nhật Bản ở mức 65%.
Chiến lược bảo đảm an toàn thông tin là việc mô tả cách các quốc gia chuẩn bị và ứng phó với các cuộc tấn công vào các mạng kỹ thuật số. Chúng có thể được coi là một khía cạnh quan trọng của sự sẵn sàng quốc gia về mặt quản lý rủi ro an ninh kỹ thuật số trong quá trình ‘Chuyển đổi số’. Xét trên bình diện tất cả các quốc gia trên thế giới, chỉ có 38% quốc gia công bố chiến lược bảo mật kỹ thuật số, 11% có chiến lược bảo mật kỹ thuật số chuyên dụng, 12% đang phát triển chiến lược an ninh mạng. Mặc dù có đến hơn một nửa số quốc gia không có chiến lược bảo mật kỹ thuật số, nhưng 61% trong tổng số quốc gia trên thế giới đều có lực lượng, cơ quan chuyên trách về bảo đảm an toàn thông tin (ví dụ: CIRT, CSRIT hoặc CERT). Tuy nhiên, chỉ có 21% trong số này thực hiện công bố số liệu về các sự cố an ninh mạng.
An toàn thông tin luôn là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số. Đây cũng được coi là xu thế chung trên thế giới hiện nay. Song song với sự phát triển và ứng dụng rộng rãi của CNTT thì mức độ thiệt hại và tác động khi xảy ra sự cố mất an toàn thông tin theo đó cũng ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực. Bởi vậy, Chính phủ và các doanh nghiệp, người dân cần nhận thức đầy đủ hơn, chuẩn bị các nguồn lực về kỹ thuật, con người để sẵn sàng phản ứng với các sự cố an toàn thông tin.
5.2. Dữ liệu cá nhân
Với sự sẵn có của các dịch vụ trực tuyến, con người đang ngày càng cung cấp nhiều thông tin cá nhân cho các nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng trực tuyến. Điều này đã tạo ra những thách thức mới cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Năm 2016, hơn 70% người dùng Internet tại Liên minh Châu Âu có hoạt động cung cấp thông tin cá nhân trực tuyến và thực hiện quyền kiểm soát quyền truy cập vào các dữ liệu này. Các cá nhân có độ tuổi thành niên và có trình độ học vấn cao là đối tượng chia sẻ thông tin cá nhân trực tuyến nhiều nhất, nhưng cũng có hành động để kiểm soát truy cập thông tin chặt chẽ hơn so với các cá nhân trung niên trở lên.
Năm 2017, 64% cá nhân ở Mỹ có tài khoản trực tuyến chứa các loại dữ liệu nhạy cảm về sức khỏe, tài chính hoặc các loại dữ liệu nhạy cảm khác. 46% tất cả người dùng Internet ở châu Âu đã từ chối cho phép sử dụng thông tin cá nhân để quảng cáo và 40% quyền truy cập hạn chế vào hồ sơ hoặc nội dung của họ trên các trang mạng xã hội. Hơn một phần ba người dùng Internet đọc các tuyên bố chính sách bảo mật trước khi cung cấp thông tin cá nhân và hạn chế quyền truy cập vào vị trí địa lý (GPS). Năm 2013, 55% người dùng Internet tại Mỹ báo cáo rằng họ đã thực hiện các bước để tránh sự theo dõi, quan sát.
Nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên mạng còn hạn chế. Ở các quốc gia như Na Uy, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ, đã có sự gia tăng đáng chú ý về vi phạm quyền riêng tư được báo cáo bởi các cá nhân từ năm 2010 đến 2015. Trong năm 2016, 64% cá nhân ở Mỹ đã trải qua hoặc đã được thông báo về vi phạm dữ liệu đáng kể liên quan đến dữ liệu cá nhân hoặc tài khoản. Nhiều thông tin sinh trắc học, lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khoẻ, tài chính được đăng tải công khai, trở thành nguồn dữ liệu cho các chương trình thu thập thông tin dữ liệu. Tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng thường xuyên diễn ra. Ví dụ: vụ bán thông tin giữa Facebook và công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica liên quan đến khả năng chi phối cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khiến Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước quốc hội Mỹ.
5.3. Độ tín nhiệm của người dân khi tham gia vào môi trường kỹ thuật số
Thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu không chỉ với Việt Nam mà với toàn thế giới. Các doanh nghiệp lớn đang chuyển mình dần theo xu thế thời đại CNTT và ngoài việc kinh doanh offline truyền thống họ bắt đầu kinh doanh online, lập website, trang fanpage, xây dựng các module bán hàng trực tuyến.
Trong giao dịch thương mại truyền thống thì khi khách hàng phải bỏ nhiều thời gian và công sức của mình để đi và chọn lựa sản phẩm ở nhiều nơi để so sánh giá cả và chất lượng. Còn đối với thương mại điện tử, việc mua bán đã trở nên đơn giản và thuận tiện hơn bao giờ hết. Chỉ với thao tác trên điện thoại hoặc máy tính có kết nối Internet và họ giao dịch với nhau trên trang web. Trong thương mại truyền thống thì việc mua bán của bạn bị giới hạn trong một phạm vi nhất định. Bạn sẽ không thể có nhiều lựa chọn cho sản phẩm mình cần mua. Đối với thương mại điện tử, mua sắm xuyên biên giới là điều hết sức đơn giản.
Thương mại điện tử đang có bước phát triển rất nhanh nhờ hệ thống viễn thông phát triển vượt bậc. Dù phát triển mạnh song hiện nay phần lớn các giao dịch mua hàng qua mạng vẫn thanh toán theo phương thức trả tiền sau, đây là thách thức lớn đối với thương mại điện tử.
Điều này chứng tỏ rằng độ tín nhiệm (hay gọi là lòng tin) của khách hàng ở mức thấp. Các doanh nghiệp chưa thực sự tạo dựng được mức độ uy tín cần thiết để làm thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng. Vì phần lớn tâm lý khách hàng vẫn có suy nghĩ phải cân đo đong đếm cụ thể, cầm nắm được sản phẩm rồi mới quyết định tới việc trả tiền mua sắm. Trong các loại giao dịch trực tuyến, độ tín nhiệm nổi lên như là loại tiền tệ quan trọng.
Những phát hiện chính và là chìa khóa ảnh hưởng tới niềm tin của người dân khi tham gia vào giao dịch môi trường kỹ thuật số đó là: Thanh toán an toàn, bảo mật dữ liệu và khả năng xem hình ảnh của hàng hóa hoặc dịch vụ là những yếu tố hàng đầu. Khách hàng có xu hướng đọc thông tin đánh giá, xếp hạng (vote số sao) đối với dịch vụ trực tuyến và số lượng khách hàng đã thực hiện giao dịch, số lượng giao dịch càng nhiều, niềm tin của khách hàng đối với dịch vụ đó càng cao.
6. Thúc đẩy sự thịnh vượng của xã hội
6.1. Cuộc sống hàng ngày
Nền tảng trực tuyến là một tính năng ngày càng quan trọng của cả nền kinh tế quốc gia và nền kinh tế toàn cầu. Nền tảng trực tuyến xuất hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày như: vận chuyển, giao hàng, tài chính, giáo dục, giao tiếp, giải trí…
Ví dụ về mạng xã hội: trung bình, tại quốc gia có nền kinh tế phát triển, 63% người dùng Internet truy cập mạng xã hội trực tuyến vào năm 2018. Phương tiện truyền thông xã hội có thể cho phép các cá nhân duy trì các mối quan hệ xã hội hiện có và xây dựng các mối quan hệ mới. Bằng chứng về tác động của các mạng xã hội trực tuyến đối với con người đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, liên hệ xã hội trực tuyến có thể vượt qua các tương tác thực tế và thay thế dần tương tác trực tiếp. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ các mạng xã hội trực tuyến sẽ giúp cải thiện, làm đa dạng hơn trong việc tương tác của con người. Xét trên khía cảnh tổng thể, không phải tất cả các đối tượng xã hội đều được hưởng lợi từ các mạng xã hội trực tuyến. Ví dụ: những người có vấn đề về di chuyển, khuyết tật, cao tuổi có thể được hưởng lợi rất nhiều từ các mạng trực tuyến.
Ví dụ về ngân hàng trực tuyến: ở hầu hết các quốc gia, các cá nhân trong nhóm có thu nhập cao nhất thường sử dụng ngân hàng trực tuyến, trong khi những người ở nhóm thấp có xu hướng sử dụng ngân hàng trực tuyến thấp hơn nhiều. Ở một số quốc gia, các cá nhân có thu nhập thấp có thể có xu hướng không sử dụng dịch vụ ngân hàng hoặc sử dụng các ngân hàng địa phương nhỏ không cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Để phục vụ cho quá trình thúc đẩy ‘Chuyển đổi số’, Chính phủ cần có khả năng đánh giá các nền tảng trực tuyến tác động tới cuộc sống hàng ngày của con người, cách mà con người sử dụng phương tiện kỹ thuật số phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
6.2. Môi trường
Việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm kỹ thuật số có liên quan đến quá trình tạo ra các loại khí CO2, hiệu ứng nhà kính. Sự phát triển của các thiết bị kỹ thuật số sẽ kéo théo các nguy cơ trong việc giải quyết vấn đề rác thải điện tử.
Theo EEA, lượng rác điện tử thải ra trên thế giới là khoảng 40 triệu tấn/năm và loại rác thải này tăng nhanh gấp 3 lần so với các loại rác khác. Một trong những lý do là lượng tiêu thụ loại sản phẩm này liên tục gia tăng, đặc biệt là ở các nước đông dân và đang phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ.
CNTT và hàng điện tử là những sản phẩm chính trong vấn đề này, chiếm phần lớn lượng khí thải ở hầu hết các quốc gia. Những hàng hóa này cũng tạo thành một thách thức môi trường vào cuối vòng đời của chúng, tạo ra mức độ ráct thải điện tử ngày càng tăng. Xử lý không đúng cách và không an toàn thông qua đốt mở hoặc trong bãi rác gây ra những rủi ro đáng kể cho môi trường và sức khỏe con người, đồng thời cũng đặt ra một số thách thức đối với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Các quốc gia có ngành công nghiệp điện tử phát triển nhất thế giới như Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia là các quốc gia thải nhiều rác điện tử nhất. Nhưng thay vì tái chế tại chỗ, các nước này lại chọn cách nhanh gọn hơn: xuất khẩu ra nước ngoài. Phần lớn loại rác thải điện tử được xuất khẩu sang những quốc gia đang phát triển dưới dạng đồ cũ để bán lại hoặc tái chế. Các nước phát triển không muốn tái chế rác thải điện tử mà lại xuất khẩu ra nước ngoài là vì như vậy vừa giảm chi phí xử lý vừa đỡ ô nhiễm môi trường. Theo Tổ chức Hòa bình Xanh, từ 50% -80% rác thải điện tử ở Mỹ được xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác, trong đó có Việt Nam.
Những thách thức môi trường được tạo ra bởi rác thải điện tử là do việc các thiết bị kỹ thuật số thường chứa các chất độc hại và gây hại cho môi trường. Yếu tố này cũng ảnh hưởng đáng kể đến quá trình ‘Chuyển đổi số’ và để khắc phục, Chính phủ có thể đưa ra các giải pháp quản lý, xử lý phù hợp để giảm thiểu nguy cơ rác thải điện tử, bảo đảm cho mục tiêu phát triển xã hội một cách bền vững.
7. Thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
7.1. Chuỗi giá trị toàn cầu
‘Chuyển đổi số’ ảnh hưởng đến tất cả các ngành công nghiệp (bao gồm cả sản xuất và dịch vụ). Các công nghệ kỹ thuật số đang thay đổi môi trường mà các công ty cạnh tranh, thương mại và đầu tư. Sự mở cửa của thị trường cho phép số hóa phát triển mạnh mẽ bằng cách tạo ra một môi trường thân thiện với doanh nghiệp cho phép các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cạnh tranh bình đẳng và không bị hạn chế quá mức hoặc điều kiện nặng nề. Sự mở cửa thị trường cũng thúc đẩy cạnh tranh và giúp các doanh nghiệp, trong và ngoài nước, gặt hái những lợi ích của thương mại và đầu tư, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Công nghệ kỹ thuật số tác động sâu sắc đến thương mại quốc tế bằng cách giảm chi phí thương mại; tạo điều kiện cho sự phối hợp của các chuỗi giá trị toàn cầu; phổ biến ý tưởng và công nghệ xuyên biên giới; kết nối số lượng lớn các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu. Các công nghệ mới và một hệ sinh thái Internet mở có khả năng tạo ra các cơ hội mới cho thương mại, cho phép tạo ra các chuỗi giá trị mới với khách hàng, mô hình kinh doanh mới, qua đó thúc đẩy sự đổi mới.
7.2. Kinh tế số
‘Chuyển đổi số’ ảnh hưởng lớn đến thương mại. Đặc biệt, Internet đã giúp việc mua, bán và cung cấp hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng hơn. Trong tương lai, Internet, an toàn thông tin, dữ liệu và các công nghệ kỹ thuật số khác sẽ là một yếu tố quyết định quan trọng trong lĩnh vực kinh tế số.
Công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi tính kinh tế của việc kinh doanh bằng cách hạ thấp các rào cản và giảm chi phí cho các tương tác xuyên biên giới, cho phép tạo ra thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số. Với sự mờ nhạt của ranh giới ngành và quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số, cạnh tranh cũng đã được xác định lại trên toàn cầu.
Số hóa là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp về việc tăng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng, gặt hái giá trị trong nền kinh tế số. Nó đòi hỏi nhiều hơn là chỉ sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, mà còn liên quan đến việc chuyển đổi mô hình kinh doanh và suy nghĩ lại các phương pháp hoạt động để tận dụng tối đa các khả năng mà công nghệ kỹ thuật số cung cấp.
7.3. Chính sách thu hút đầu tư và mở cửa thị trường
‘Chuyển đổi số’ làm giảm đáng kể chi phí tham gia hoạt động thương mại quốc tế. Số hóa cũng đang góp phần thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử. Về cơ bản, các quy định về thương mại truyền thông đã được xây dựng một cách hoàn chỉnh, tuy nhiên các quy định về thương mại điện tử, kinh tế số chưa được xây dựng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển.
Với chính sách mở cửa thị trường, các doanh nghiệp nước ngoài có thể tận dụng công nghệ kỹ thuật số để thực hiện hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Việc sử dụng những công nghệ kỹ thuật số trong môi trường cởi mở, ít rào cản cũng thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ. Do đó, việc xây dựng những chính sách có độ mở cửa thị trường cao, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thị trường tài chính mở sẽ thúc đẩy quá trình ‘Chuyển đổi số’ và là động lực tăng trưởng kinh tế xã hội.
Lược trích: Chương trình ‘Chuyển đổi số quốc gia’
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận