CMCN 4.0: Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản trị nhân lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam (phần 1)
Làm thế nào "Áp dụng hiệu quả về Khoa học Công nghệ trong quản trị nhân lực, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư": Đã và đang diễn ra sôi động ở thế giới và Việt Nam?
- CMCN 4.0: Một số vấn đề về quản trị nhân lực trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4
- CMCN 4.0: Tận dụng cơ hội để phát triển
Việc công nghệ số ngày càng phát triển đã có những tác động trái chiều tới quản trị và lãnh đạo nhân sự của doanh nghiệp. Phải làm gì để ứng dụng công nghệ vào đổi mới nhân sự, tiết giảm chi phí, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh là vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm. Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nghiên cứu này gồm 3 phần.
Phần 1 bàn về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 và tác động của nó đến phát triển kinh tế cũng như tác động vào công cuộc áp dụng khoa học công nghệ trong quản trị nhân lực, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phần 2 phân tích áp dụng khoa học công nghệ trong quản trị nhân lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Phần 3 đưa ra một số giải pháp áp dụng hiệu quả về khoa học công nghệ trong quản trị nhân lực nhằm thúc đẩy kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.
1. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của nó đến áp dụng hiệu quả về Khoa học Công nghệ trong quản trị nhân lực, nhằm thúc đẩy phát triển Kinh tế
1.1. Cách mạng 4.0 trong lịch sử phát triển các công cuộc cách mạng công nghiệp
Thế giới đang trong Cách mạng 4.0 và bắt đầu manh nha hình thành cách mạng 5.0 và xã hội 5.0. Có thể thấy, cách mạng 1.0 gắn liền với máy hơi nước, cơ giới hóa khoảng khoảng những năm trước 1800. Cách mạng công nghiệp lần thứ hai 2.0 gắn liền với công cuộc điện khí hóa những năm đầu thế kỉ 20. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba 3.0 gắn liền với công cuộc tự động hóa những năm 60-70. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ra đời cùng với Internet và khai thác kĩ thuật số những năm 80-90. Cách mạng công nghiệp lần thứ năm 5.0 được dự báo gắn liền với công nghệ lai ghép và đã bắt đầu những năm 2010+.
Hình 1: Các cuộc cách mạng công nghiệp
1.2. Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0
Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là khai thác nguồn lực số. Cùng với thời gian, các cuộc cách mạng công nghiệp ra đời và khai thác các nguồn lực trong tự nhiên, xã hội, từ nguồn lực tài nguyên thiên nhiên (Đất, nước, hầm mỏ, rừng, biển…); năng lượng (Than, dầu, nước, gió, mắt trời, hạt nhân…); vốn (tiền, vàng, ngọc trai, kim cương, trái phiếu, chứng khoán…); đến là nguồn lực con người (lao động, dân số, tuổi, sức lao động, năng lực và trình độ học vấn, trình độ quản lí, trí tuệ…); và hiện nay là nguồn lực số. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực chất là giải phóng khai thác, sử dụng nguồn lực trên không gian mạng.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên ba trụ cột chính.
Một là nguồn dữ liệu lớn (big data). Dữ liệu lớn được thể hiện ở cả ba bình diện: thời gian, không gian, đối tượng. Đã có rất nhiều kết quả thú vị, quan trọng dựa trên dữ liệu lớn. Hiện nay, thế giới đang đứng trước cơ hội và thách thức của việc dữ liệu qua biên giới.
Thứ hai, trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence/AI). Trí tuệ nhân tạo được thể hiện trên nhiều bình diện, khía cạnh khác nhau như robot và camera nhận diện thông minh. Robot đã làm thay con người rất nhiều việc. Hiện robot bắt đầu chuyển trạng thái tự sửa chữa cho nhau. Camera nhận diện thông minh không những chỉ tiếp nhận hình ảnh, còn truyền tải thông tin về trung tâm và nhận thông tin xử lí.
Thứ ba là Internet kết nối vạn vật (Internet of everythings). Internet ngày càng trở thành một lực lượng vật chất quan trọng đối với mọi góc cạnh của cuộc sống. Đặc biệt, đó là năng lực xử lí thông tin hỏi đáp và tích hợp với các công nghệ khác. Ví dụ gắn GPS vào Internet hay thiết kế đồ họa trên Internet…
1.3. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển kinh tế
Các sản phẩm của cách mạng công nghiệp 4.0 nằm trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập hóa. Dựa trên 3 trụ cột dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và Internet kết nối vạn vật, được thúc đẩy bởi sự vận chuyển dữ liệu và nguồn lực khác qua biên giới, đồng thời dưới sự quản lí của nhà nước, để hướng tới phát triển kinh tế, Cách mạng công nghiệp 4.0 hướng tới 5 khu vực sản phẩm của nền kinh tế xã hội (Hình 2).
Hình 3: Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế
Một là, đô thị thông minh. Vạn vật trong công nghê 4.0 được diễn ra trên địa bàn đô thị. Đô thị thông minh là biểu hiện rõ nét nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn lãnh thổ.
Hai là, công nghệ thông tin hướng tới thay đổi công nghệ của các ngành sản xuất. Công nghệ sinh học làm thay đổi sản xuất nông nghiệp. Vật liệu xây dựng mới làm thay đổi sản xuất xây dựng (như đường tự vá, thảm nhựa thấm nước…). Phương tiện giao thông công ngệ mới tạo ra các phương tiện vận chuyển (xe tự lái, hyperloop…).
Ba là, sản phẩm tài chính mới. Biểu hiện nổi bật nhất là các đồng tiền ảo (sản phẩm của Block chain). Đây là một đột phá trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, thanh toán và thanh khoản. Bên cạnh đó, ngân hàng số cũng ra đời, thay thế được hoàn toàn ngân hàng thực. Hơn nữa, công nghệ tài chính số (Fintech) cũng ra đời đã tạo ra một bước đột phá trong lĩnh vực này.
Bốn là, công nghiệp 4.0 tạo ra các phương tiện tiếp cận cuộc sống mới. Kinh tế chia sẻ (Sharing economy: airbnb; uber; grab; condotel, timeahre…) tạo ra một đột phá trong sử dụng và sử dụng chung các loại hình tài sản. Cũng như vậy, các loại công cụ mới trong khai thác các vật chất truyền thống như năng lượng tái tạo, vệ tinh sử dụng lại đã làm cho thế giới thay đổi lớn trong quan niệm sản phẩm.
Năm là, cách mạng 4.0 tại ra các chủ thể xã hội mới. Bên cạnh con người, robot đã ra đời và xâm nhập vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống. Hơn nữa, xe tự lái tạo ra đột phá về sản phẩm làm cho con người được giải phóng.
1.4. Tác động của cách mạng 4.0 đến áp dụng Khoa học Công nghệ trong quản trị nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế
Các hướng tác động sẽ thay đổi và rất khó lường. Tuy nhiên, có năm kênh tác động chính của Cách mạng 4.0 đến quản trị nguồn nhân lực. Một là, tác động đến chủ thể. Một điểm quan trọng nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra chủ thể mới trong quan hệ sản xuất là robot. Cùng với sự phát triển trí tuệ nhân tạo, chủ thể quản trị nhân lực không chỉ là con người mà thêm người máy. Đã có cảnh báo, người máy có thể sẽ có trí tuệ vượt trội. Khi đó, người máy sẽ quan trị người máy. Tuy nhiên, trong những bước đầu, sự phát triển của người máy sẽ thúc đẩy quản trị nhân lực. Người máy sẽ tuân thủ và thực hiện ý chí của con người và phục vụ con người.
Hai là, tác động đến qui trình, công nghệ. Qui trình công nghệ sẽ thay đổi. từ đó quản trị nhân lực sẽ thay đổi. Cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu tập trung vào công nghệ số. Vì vậy, quản trị nhân lực sẽ hướng tới công nghệ số. Các qui trình quản lí mới sẽ thay thế qui trình quản lí máy móc, điện khí hóa, tự động hóa bằng tin học hóa. Chỉ với thiết bị đầu cuối và phủ sóng wifi, qui trình công nghệ và quản lí qui trình công nghệ sẽ được triển khai thực hiện.
Ba là, tác động đến phương thức sản xuất và phương thức quản lí. Sản xuất và phương thức quản lí sẽ thay đổi theo hướng số hóa. Ranh giới không gian, thời gian sẽ bị thu hẹp tối đa. Các nguồn lực được khai thác một cách trực tiếp nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất. Các dữ liệu sẽ được sử dụng và truyền dẫn qua biên giới, không phụ thuộc vào ý chí của những nhà quản lí dữ liệu hay những người được thu hưởng và sản xuất ra dữ liệu. Nhân lực cũng được quản lí theo phương thức đa dạng, hữu hiệu nhất.
Bốn là, tác động đến vật liệu, yếu tố cấu thành. Vật liệu mới, thiết kế mới, công cụ mới sẽ được hình thành cùng với cách mạng công nghiệp 4.0. Vật liệu nano, vật liệu thông minh, năng lượng tái tạo… sẽ ra đời và thay thế các vật liệu cũ. Vật liệu xây dựng thông minh, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, giao thông thông minh dựa trên năng lượng tái tạo sẽ thay thế giao thông truyền thông. Thành phố thông minh với những cản nhà thông minh. Quần áo kết nối Internet sẽ thay thế áp vải truyền thông… Hệ quả là, chủ thể và khách thể quản lí nhân sự sẽ thay đổi cả về chủ thể, khách thể và phương thức quản trị.
Năm là, tác động đến quan hệ giữa các thành tố. Các chủ thể sẽ thay đổi quan hệ, các phương thức sẽ thay đổi quan hệ, các vật liệu sẽ thay đổi quan hệ, các năng lượng sẽ thay đổi quan hệ trong cách mạng 4.0. Vì vậy, việc quản trị nhân sự thông qua các mối quan hệ sẽ phải thay đổi.
Hình 4: Tác động của Cách mạng 4.0 đến áp dụng khoa học công nghệ trong quản trị nguồn nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế
Các thay đổi về các tác động sẽ vừa có điểm tích cực, vừa có điểm tiêu cực, vừa có sự đan xen giữa tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, Cách mạng 4.0 sẽ cho ra đời nhiều công ti nhỏ, vừa, thậm chí rất nhỏ. Do đó, các công ti sẽ không cần văn phòng lớn, không nhiều nhân sự. Điều đó có thể phá vỡ những giới hạn về địa lý. Công nghệ có thể giúp tương tác từ nhiều văn phòng khác nhau trên thế giới (như trường hợp của Uber).
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhân công linh hoạt hơn. Nhân viên có thể được tuyển dụng từ khắp nơi, hiệu suất làm việc của người lao động cũng được nâng cao. Hiện rất nhiều công ti đã sử dụng Big Data, IoT để biết được những việc xung quanh. Hơn nữa, dựa trên công nghệ, các công ti có thể cho nhân viên làm việc ở nhà. Từ năm 2005 đến nay, CISCO tiết kiệm được 277 triệu USD (Kinh tế Việt Nam, 2017).
Các tác động tiêu cực cũng là một thực tế. Một mặt, nhân viên không thấy sự gắn bó lâu dài, ổn định với một công ti, bởi họ có nhiều kĩ năng và cơ hội để tiếp cận với những nơi làm việc khác. Cũng như vậy, nhà tuyển dụng thì nghĩ họ có thể tìm được nhân viên khác tốt hơn ngay khi học đang sử dụng nhân việc hiện hữu.
Công nghệ cũng tạo ra sự không chú trọng lắm đến tận tâm, nhiệt tình, thấu hiểu trong vấn đề chăm sóc khách hàng. Nhiều khi khách hàng cảm thấy sự chăm sóc của các dịch vụ rất máy móc, sáo rỗng. Nhất là, khi có vấn đề đặc biệt, gai góc, các tư vấn dưỡng như chỉ mang tính rập khuôn. Chẳng hạn, thị trường lao động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Người lao động bị mất việc, cạnh tranh khi tìm việc làm mới cũng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, nhiều ngành nghề mới cũng sẽ được tạo ra trong lĩnh vực phân tích, dự báo, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật… nhưng đòi hỏi chuyên môn cao hơn và thường xuyên thay đổi (giỏi cả về chuyên môn nghiệp vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin). Khi đó, nếu người lao động không được trang bị đủ các kĩ năng cần có, sẽ rất khó để họ có thể kiếm được một công việc với mức lương đảm bảo.
Đặc biệt, tác động tích cực, tiêu cực đan xen. Đến năm 2020, lao động nhà máy và sản xuất sẽ giảm 1,63%; khối hành chính và văn phòng giảm 4,91%. Trong khi đó, lao động ngành IoT tăng trưởng 5%, dữ liệu lớn (Big Data) tăng khoảng 4,9%; điện toán, toán học tăng khoảng 3% (Diễn đàn kinh tế thế giới (2016)). Về đại thể, dưới tác động của Cách mạng 4.0, nhiều loại lao động sẽ tăng lên, nhiều loại sẽ giảm đi và cùng với đó, có nhiều lao động mới dự báo sẽ xuất hiện. Do đó, để thích ứng, người lao động cần phải sở hữu nhiều kĩ năng như quản lí, kĩ thuật số và cả những kĩ năng mềm.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho thời chuyển đổi số là bắt buộc và cấp thiết. Vì vậy, phải thay đổi rõ nét về mục tiêu, nội dung và cách thức đào tạo để tương thích với thời đại mới. Bên cạnh đó, theo đánh giá của vào năm 2020, những kĩ năng mềm sẽ rất cần thiết, giúp người lao động có thể giải quyết được những bài toán phức tạp trong công việc, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc nhóm để hướng tới thành quả lớn hơn và thích ứng nhanh với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng (Diễn đàn kinh tế thế giới (2016)). Trong đó, những kĩ năng được đề cao hàng đầu là khả năng xử lí những vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lí và tương tác với con người, sở hữu trí tuệ cảm xúc, khả năng đánh giá và ra quyết định (Hình 4).
Các kĩ năng về tương tác với con người được đề cao hơn bởi nhìn chung điều này khó có thể tự động hóa được như những công việc chuyên môn, kĩ thuật khác. Như vậy, bên cạnh các yếu tố chuyên môn đơn thuần, nguồn nhân lực cần có cả các kĩ năng liên quan đến công nghệ lẫn kĩ năng mềm để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời đại Cách mạng 4.0.
Hình 5: 10 kĩ năng quan trọng nhất trong Cách mạng 4.0 - Nguồn: Diễn đàn kinh tế thế giới - World Economic Forum (2016).
Xin đón đọc phần 2: Áp dụng khoa học công nghệ trong quản trị nhân lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Nguồn: PGS. TS. Trần Kim Chung
Phó Viện trưởng
Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận