Chuyển đổi số quốc gia và vai trò của VNPT
Phạm Đức Long
Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam
*Tạp chí Điện tử trích lược phát biểu của Ông Phạm Đức Long - Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, tham gia vào “chuyển đổi số quốc gia”, VNPT sẽ ưu tiên mọi nguồn lực, tập trung những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất cùng đội kỹ sư giàu kinh nghiệm nhất để đồng hành cùng Nhà nước và Chính phủ.
Ông Phạm Đức Long - Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam
1. Hiện trạng chuyển đổi số trên bình diện quốc gia
Trong những năm vừa qua, nền kinh tế của Việt Nam đã nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt được 7,08% và ước đạt 6,8% vào năm 2019 (theo WB). Tuy thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất Châu Á và Thế giới, nhưng so với các nước phát triển, Việt Nam vẫn là nước có mức thu nhập trung bình, mức độ cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao.
Đứng trước bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ Chuyển đổi số quốc gia là mục tiêu vô cùng quan trọng để Việt Nam phát triển, tăng trưởng mạnh về GDP, tăng năng suất lao động, cải thiện cơ cấu việc làm… Điều này đã được thể hiện thông qua Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam.
Hưởng ứng tinh thần, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong thời gian vừa qua, VNPT đã liên tục đồng hành cùng các Bộ ngành, các doanh nghiệp ICT trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp hướng tới các mục tiêu: (1) Chuyển đổi số nền kinh tế; (2) Chuyển đổi số xã hội; (3) Chuyển đổi số cơ quan nhà nước; (4) Phát triển lực lượng lao động số.
Quá trình này bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ví dụ trong chuyển đổi số cơ quan nhà nước, Trục liên thông văn bản quốc gia, phòng họp không giấy, cổng dịch vụ công quốc gia… đã khẳng định vai trò tiền đề hình thành một Chính phủ không giấy tờ, nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Song song với đó, các hoạt động, các sự kiện ICT, Fintech… diễn ra rộng khắp, ở các cấp từ Trung ương tới địa phương với nhiều chủ đề thiết thực, gắn kết với cuộc sống số, giúp tìm ra các ý tưởng, giải pháp, kế sách cho công cuộc chuyển đổi số; đồng thời tuyên truyền, giúp người dân hiểu được ý nghĩa, cơ chế vận hành, các giá trị mà chuyển đổi số mang lại.
Nhờ đó, “cuộc sống số” đã nhanh chóng thâm nhập và phát triển sâu rộng tại Việt Nam, hiệu ứng “sóng lan” từ các thành phố, khu vực trung tâm tới các khu vực ngoại vi.
“Cuộc sống số” biến khái niệm như “chính quyền số”, “kinh tế chia sẻ”, “mạng xã hội”, “thương mại điện tử”, “thanh toán không tiền mặt”… trở nên ngày một quen thuộc.
Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, 2 năm qua, Việt Nam tăng 1 bậc trong Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá.
Tăng trưởng Thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam trong 3 năm trở lại đây đạt mức bình quân xấp xỉ 30%, và theo đánh giá của hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), tới năm 2025, chúng ta sẽ đứng Thứ 3 trong khu vực Châu Á (sau Indonesia và Thái Lan).
Hiện nay có 44% doanh nghiệp đã xây dựng website, 36% doanh nghiệp bán lẻ triển khai kinh doanh trên mạng xã hội, 11-13% doanh nghiệp kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử…
Chỉ tính riêng Lazada tại thị trường Việt Nam, hàng tháng có trên 100 triệu lượt người truy cập, 29 triệu người theo dõi trên kênh facebook. Hay Grab, một mô hình “kinh tế chia sẻ” điển hình, đã đầu tư trên 100 triệu USD cho thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2014-2019 và tháng 8/2019 vừa qua đã tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu USD.
Đến nay tại Việt Nam, Grab phục vụ trên 800.000 chuyến đi mỗi ngày, tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab tăng trưởng 150% trong nửa đầu năm, lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng 70%. GrabFood đạt tổng giá trị giao dịch tăng 400% trong nửa đầu năm, số lượng đơn hàng trung bình hàng ngày đạt đến 300.000.
2. VNPT và công cuộc triển khai chuyển đổi số quốc gia
2.1. Chuẩn bị nguồn lực
Đón trước xu thế, khẳng định vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số quốc gia, trong suốt năm 2018 và năm 2019, VNPT đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực về con người và công nghệ để có thể bắt nhịp ngay với công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Về con người, tính đến hết năm 2019, VNPT đã có 3.000 kỹ sư về CNTT trong đó có hơn 200 nhân sự làm các công nghệ nền tảng mang yếu tố cốt lõi, bao gồm các nhà nghiên cứu, các kỹ sư AI/BigData, BlockChain và công nghệ Cloud, IoT, Cyber Security; về công nghệ, trong hai năm vừa qua, VNPT cũng đã đầu tư các Platform hoàn chỉnh đáp ứng các như cầu chuyển đổi số như IoT, BigData/AI và Cloud.
Cùng với sự chuẩn bị về nguồn lực, VNPT cũng đã kiện toàn bộ máy tổ chức, đầu tư phát triển con người bài bản và thực chất, liên tục triển khai các chương trình khuyến khích và thu hút nhân tài, với phương châm “nhân lực là tài sản lớn nhất”.
Không chỉ phát triển nguồn lực cho chính mình, VNPT còn hướng tới phát triển lực lượng lao động số. VNPT cam kết chia sẻ nguồn lực để hỗ trợ, hợp tác và đồng hành với cộng đồng khởi nghiệp và các nhà phát triển nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới cũng như làm giàu lực lượng lao động có năng lực, kỹ năng số theo chuẩn quốc tế, có thể ứng dụng công nghệ số một cách đầy đủ, sáng tạo trong công việc.
Bên cạnh đó, VNPT đã tham gia cùng các địa phương và các trường đại học trong việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực số như: hợp tác với các tỉnh Đăk Lăk, Hà Nam, Nghệ An… trong việc xây dựng các trung tâm phần mềm, thu hút nguồn nhân lực CNTT tới làm việc và sản xuất các phần mềm tại địa phương, hợp tác cùng các trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa thành phố HCM trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cũng như phối hợp nghiên cứu phát triển, hay tạo các sân chơi dành cho các bạn trẻ trong lĩnh vực số, tài trợ các cuộc thi tầm cỡ quốc gia về các sản phẩm CNTT như Nhân tài Đất Việt…
2.2. Dẫn dắt về sản phẩm, đi trước đón đầu về công nghệ
Trong thời gian vừa qua, VNPT đã tập trung vào xây dựng nhiều bài toán về công nghệ 4.0, cụ thể như: trí tuệ nhân tạo AI trong triển khai mô hình đô thị thông minh, bài toán AI về thị giác, công nghệ nhận dạng quang (AI/OCR), xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP, dữ liệu lớn BigData…
Chẳng hạn, trong quy hoạch và quản lý, AI giúp phân tích, dự báo về môi trường không khí, hỗ trợ phân tích, quy hoạch các công trình đô thị nước sạch, lưới điện, giao thông... AI giúp nhận dạng tự động các công trình và cây xanh, phát hiện tự động các công trình vi phạm, dự báo phát triển khu dân cư…
Trong lĩnh vực giao thông thông minh, ứng dụng AI được VNPT triển khai tại Hà Nội trong việc giám sát an ninh trật tự thông minh, giúp giám sát lưu lượng, nhận diện biển số, phát hiện sai làn, vượt đèn đỏ của người tham gia giao thông... như Trung tâm điều hành thông minh, Camera giám sát an ninh và giao thông, Công bố thông tin quy hoạch đất đai/xây dựng…
Trong lĩnh vực an toàn, an ninh, ứng dụng AI của VNPT được triển khai thông qua giải pháp định danh điện tử (eKYC), có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, giao dịch điện tử, mua bán online...
2.3. Thực tiễn triển khai cụ thể tại VNPT
a) Chuyển đổi cơ quan nhà nước
Bám sát xu hướng của thế giới và chủ trương, định hướng của Chính phủ trong phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, VNPT luôn đặt ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển các giải pháp đáp ứng cho việc liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung cùng với việc áp dụng các công nghệ hiện đại:
Nền tảng dữ liệu mở và cơ sở dữ liệu dùng chung của VNPT phát triển giúp cho việc kết nối, tích tụ, quản lý và chia sẻ, cung cấp một số dữ liệu trên các lĩnh vực với sự chấp thuận của các cơ quan, tổ chức nhà nước như: hành chính, y tế, thương mại, dịch vụ, du lịch, đầu tư xây dựng, công nghiệp, giáo dục đào tạo, dân cư lao động, an toàn xã hội… Việc chia sẻ dữ liệu qua nền tảng dữ liệu mở và cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ giúp nền hành chính công trở nên công khai, minh bạch hơn, là nguồn lực phát triển cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế. Với sự xây dựng thành công nền tảng dữ liệu mở và cơ sở dữ liệu dùng chung, trong thời gian tới VNPT sẽ tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… để thực hiện phân tích và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời.
Việc tổ chức cho dữ liệu từ các tổ chức, các cấp chính quyền liên thông thông suốt là nhu cầu và chủ trương của Chính phủ. Hiện nay VNPT đã phát triển nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu trên nền tảng công nghệ XROAD. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu do VNPT phát triển đã được triển khai đáp ứng yêu cầu liên thông văn bản quốc gia và đã được Văn phòng Chính phủ tổ chức khai trương hệ thống vào ngày 12/3/2019.
VNPT cũng đã xây dựng thành công Cổng dịch vụ công quốc gia và được Văn phòng Chính phủ tổ chức khai trương vào ngày 09/12/2019. Trong năm 2020, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiếp tục được tích hợp triển khai mở rộng cho thêm nhiều dịch vụ công khác.
Việc xây dựng Chính phủ số thì chúng ta sẽ cần có các công dân số, doanh nghiệp số. Mỗi cá nhân, tổ chức sẽ có một số định danh điện tử duy nhất. Với việc xây dựng được định danh điện tử cho các cá nhân, tổ chức sẽ thúc đẩy các hoạt động điện tử đặc biệt là các giao dịch cần có xác thực điện tử. Với năng lực và kinh nghiệm trong cung cấp các dịch vụ, giải pháp cho Chính phủ điện tử, VNPT đã sẵn sàng tham gia xây dựng và cung cấp các giải pháp về cơ sở dữ liệu dân cư và định danh điện tử quốc gia.
VNPT xác định, đây mới chỉ là bước sơ khởi ban đầu. Tham gia vào “chuyển đổi số quốc gia”, VNPT sẽ ưu tiên mọi nguồn lực, tập trung những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất cùng đội kỹ sư giàu kinh nghiệm nhất để đồng hành cùng Nhà nước và Chính phủ.
b) Chuyển đổi số nền kinh tế
Trong lĩnh vực chuyển đổi số nền kinh tế, VNPT xác định lấy các doanh nghiệp làm trung tâm, với các nội dung: Chuyển đổi sử dụng hạ tầng số; chuyển đổi áp dụng quản trị số (phần mềm quản lý nhân lực, kế toán...); số hoá công cụ sản xuất và tổ chức khai thác dữ liệu để tạo ra các sản phẩm/mô hình kinh doanh mới; và bao trùm tất cả chính là thương mại điện tử, dịch chuyển các giao dịch thương mại truyền thống sang môi trường số.
Đối với hạ tầng số, VNPT đã sẵn sàng cung cấp cho các doanh nghiệp những nền tảng hạ tầng viễn thông, CNTT như: Hệ thống ảo hóa, cung cấp dịch vụ qua nền tảng điện toán đám mây (IaaS, SaaS); kết nối băng rộng tốc độ cao, đáp ứng đa dạng nhu cầu kết nối (FTTX, 4G/5G, NB-IoT/LoraWan…).
Về quản trị số, VNPT đã và đang triển khai các công cụ, ứng dụng CNTT để thay thế các quy trình hiện hữu của đơn vị, đảm bảo quản trị, số hóa toàn trình việc vận hành của doanh nghiệp, như Quản lý kho hàng; Phần mềm kế toán; Phần mềm quản trị nguồn nhân lực; Phần mềm quản lý kênh phân phối; Chữ ký số, Hóa đơn điện tử…
Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc số hoá công cụ sản xuất và tổ chức khai thác dữ liệu, các nền tảng BigData, AI, IoT… đã không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, mà còn dựa vào việc phân tích dữ liệu, kết nối dữ liệu với những hệ sinh thái, nền tảng dịch vụ khác để hình thành những sản phẩm mới, dịch vụ mới.
Về thương mại điện tử, VNPT cung cấp toàn trình từ hạ tầng đến giải pháp, ứng dụng, từ quản lý bán hàng, tồn kho, giao nhận đến thanh toán trực tuyến… giúp các giao dịch online dễ dàng, nhanh chóng, linh hoạt, tin cậy. Đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
c) Chuyển đổi số xã hội
Trong chuyển đổi số xã hội, VNPT đã mang những ICT ứng dụng sâu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm khoảng cách xã hội. Có thể kể các giải pháp trong lĩnh vực giáo dục với bài giảng điện tử, học trực tuyến quản lý tuyển sinh, quản lý kết quả học tập học sinh… đã giúp xoá mờ khoảng cách địa lý, vùng miền, nâng cao hiệu quả trong học tập, giảng dạy và quản lý giáo dục. Trong lĩnh vực y tế, ứng dụng quản lý y tế, quản lý xét nghiệm, phần mềm lưu trữ, bệnh án điện tử… hệ thống thông tin bệnh viện, khám chữa bệnh từ xa của VNPT đã thâm nhập gần 100% các bệnh viện các tuyến trên cả nước. Trong tương lai, VNPT sẽ tiếp tục ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot trong chẩn đoán, điều trị, phẫu thuật, hứa hẹn sẽ mang tới những cải cách và đột phá.
Bên cạnh đó, VNPT cũng xây dựng và triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt (VNPT Pay), không chỉ cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến cho khách hàng VNPT mà còn cung cấp tiện ích linh hoạt, tiện lợi cho người dân thanh toán cho lĩnh vực dịch vụ công, y tế, giáo dục… Tới đây, ngay khi được cấp phép, VNPT sẽ cung cấp ra thị trường dịch vụ Mobile Money cho phép thanh toán qua tài khoản di động, là tiền đề tạo ra một cuộc cách mạng trong thói quen không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam.
VNPT hướng tới xây dựng hệ sinh thái số (VNPT digital ecosystem) cung cấp đầy đủ nhu cầu số hàng ngày, từ giải trí đến tài chính, học tập, chăm sóc sức khoẻ…
3. Một số đề xuất
Hiện tại, còn có những vấn đề đang gây cản trở cho công cuộc chuyển đổi số. Ví dụ, đối với thanh toán trực tuyến, một nội dung quan trọng của kinh tế số và xã hội số. Trong khi các ngân hàng và công ty Fintech đang ngày càng mở rộng cung cấp dịch vụ thanh toán khá tốt, thì số lượng người mua hàng trực tuyến thanh toán online rất ít, chỉ khoảng 20% đơn hàng là được thanh toán trực tuyến. Để cải thiện vấn đề này, theo VNPT, Nhà nước cần tăng cường công tác truyền thông, tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng và các công ty Fintech có thể thâm nhập sâu hơn vào các khu vực ngoại thành, nông thôn, từ đó sẽ giúp cải thiện tỉ lệ thanh toán trực tuyến cả về chiều sâu và rộng.
Cũng liên quan đến nội dung này, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 25% người dân ở nông thôn có tài khoản ngân hàng nhưng số lượng tài khoản tiếp cận với ngân hàng số còn rất khiêm tốn. Thanh toán qua tài khoản viễn thông cần được nhanh chóng triển khai để giúp người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thanh toán được tiền điện, nước và các dịch vụ thiết yếu khác.
Hay trong các lĩnh vực y tế, quản lý đô thị, quản lý hạ tầng, quản lý hành chính công… sự thiếu kết nối, thiếu liên thông cơ sở dữ liệu theo cả chiều dọc và chiều ngang cần được nhanh chóng khắc phục để công cuộc chuyển đổi số được toàn diện hơn, nhanh chóng hơn và phát huy hiệu quả hơn. Đối với vấn đề này, VNPT có thể cung cấp các giải pháp, công nghệ đáp ứng được 100% nhu cầu kết nối và liên thông, nhưng cần có các quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức… về việc lưu trữ thông tin, chia sẻ thông tin, hay quy định về việc áp dụng công nghệ số trong điều hành, tổ chức và hoạt động… giống như việc chuyển đổi sử dụng hoá đơn điện tử hay chữ ký số…
Cùng với việc phát triển lực lượng lao động số, vấn đề đặt ra là nguy cơ thất nghiệp bởi sự thay thế của máy móc, trí tuệ nhân tạo… Vì vậy, cần nhìn nhận vấn đề này trên bình diện lớn và dài hạn, từ đó các định hướng và quy hoạch trên mọi lĩnh vực, từ giáo dục các cấp đến phát triển kinh tế, công nghiệp, công nghệ…
Về mặt tổng thể, VNPT đề xuất:
Chính phủ sớm ban hành các tiêu chuẩn về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; Nghị định quy định về xác thực và định danh điện tử, Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân; hành lang pháp lý về mở dữ liệu, ứng dụng các công nghệ mới… để có căn cứ pháp lý triển khai các giải pháp Chính quyền số.
Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về truyền thông và trao đổi thông tin trong Chính quyền số; trong từng ngành nghề, lĩnh vực theo hướng được quy chuẩn và có khả năng đồng bộ với nhau.
Xây dựng, ban hành chỉ số chuyển đổi số cho các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, ngành nghề, từ đó có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tương ứng.
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân, doanh nghiệp và tổ chức có thể cập nhật thông tin.
Ban hành danh sách doanh nghiệp ICT đủ năng lực để các doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn đối tác trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ dựa trên nền tảng số để đảm bảo việc áp dụng thành công các công cụ số cũng như chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ trên quy toàn quốc và trong mọi lĩnh vực.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận