Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: An ninh thông tin là vấn đề sống còn trong chuyển đổi số
An toàn thông tin, an ninh mạng là yếu tố sống còn trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử tạo ra môi trường an toàn cho chuyển đổi số cho doanh nghiệp và người dân có thể ứng dụng công nghệ số.
Các dự án đầu tư công nghệ thông tin phải có hạng mục an toàn, an ninh mạng; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam.
Đây là thông tin được nêu tại Hội nghị hợp tác và phát triển sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng tại Việt Nam, do Bộ TT&TT phối hợp cùng UBND TP HCM tổ chức ngày 30/10, tại TP HCM.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, an toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số, tạo ra môi trường an toàn để chính phủ, doanh nghiệp và người dân sử dụng công nghệ số.
Việt Nam mong muốn và phải tạo ra một không gian an toàn, do vậy khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp về an toàn thông tin mạng đẳng cấp quốc tế.
Báo cáo của Công ty chuyên về tư vấn và nghiên cứu toàn cầu Gartner cho thấy, mức chi tiêu cho bảo đảm an toàn thông tin của thế giới năm 2018 khoảng 114 tỷ USD, dự báo năm 2019 ước đạt 124 tỷ USD; đặc biệt chi tiêu cho hoạt động sử dụng dịch vụ chiếm hơn 50%.
Trong khi đó, đánh giá ước lượng, tổng doanh thu thị trường an toàn thông tin năm 2018 tại Việt Nam chỉ khoảng 1.200 tỷ đồng (khoảng 52 triệu USD) và chỉ tương đương 0,04% thị trường thế giới.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, giá trị thị trường an toàn, an ninh mạng của Việt Nam còn rất nhỏ, qua đó cũng thể hiện mức độ quan tâm, đầu tư trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng của tổ chức, doanh nghiệp cũng như sự phát triển của doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng.
Vấn đề này cần sự quan tâm vào cuộc của tất cả các cơ quan, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng và chủ quản của các hệ thống thông tin.
Phải đảm bảo an toàn mạng cho các cơ quan của Chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia; mỗi cơ quan này phải có ít nhất một tổ chức hoặc một doanh nghiệp đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Nhằm thúc đẩy phát triển thị trường an toàn, an ninh mạng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 898/QĐ-TTg ngày 27/5/1016 Phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016 – 2020.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 7/6 đưa ra các chỉ đạo nhằm khuyến khích, hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển thị trường an toàn, an ninh mạng nội địa.
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, vấn đề hiện nay là việc đầu tư cho đảm bảo an toàn thông tin vẫn còn chú trọng vào thiết bị, chưa thực sự quan tâm đến con người, quy trình về các dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin khác.
Số lượng doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm lớn, trong khi doanh nghiệp quan tâm, sản xuất sản phẩm thấp; nhân sự của các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ khá mỏng, chất lượng chưa tương xứng.
Tại TP HCM, thống kê từ hệ thống giám sát an ninh thông tin năm 2018, có 5.591 máy tính bị phát hiện nhiễm mã độc, 13.521 hành vi có dấu hiệu vi phạm an toàn thông tin do các máy chủ tấn công điều khiển.
Phó Giám đốc Sở TT&TT TP HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết, Thành phố sẽ thành lập Công ty cổ phần vận hành Trung tâm an toàn thông tin thành phố thuộc Đề án đô thị thông minh, đồng thời hoàn thiện hệ thống an ninh thông tin theo Khung kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố.
Cùng với đó, Thành phố sẽ hợp tác, kết nối với các đơn vị để nâng cao năng lực mạng lưới ứng cứu an ninh thông tin; đầu tư mở rộng đảm bảo hạ tầng lưu trữ, vận hành hệ thống thông tin dùng riêng cho cơ quan nhà nước.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã trao đổi, thảo luận các vấn đề về khung pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển thị trường an toàn, an ninh mạng nội địa; những thuận lợi, thách thức của doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, phát triển, cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ an toàn thông tin mạng trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng đặc thù cho lĩnh vực này.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Đỗ Công Anh cho biết, Cục sẽ phối hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu phương án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc gia về an toàn không gian mạng đặt tại Cục An toàn thông tin; tổ chức chiến dịch tuyên truyền “Make in Vietnam” trong công nghiệp an toàn, an ninh mạng hàng năm; thúc đẩy phát triển các trung tâm đo kiểm an toàn thông tin theo hướng xã hội hóa, đủ năng lực thực hiện đánh giá, kiểm định sản phẩm…
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận