100 nghìn doanh nghiệp số phải tạo được đột phá cho chiến lược "Make in Vietnam"
Đó là khẳng định được dự thảo của Bộ TT&TT xác định chiến lược quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng hướng tới mục tiêu phát triển 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ.
Ngày 24/8, Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã xây dựng dự thảo đề án Chiến lược quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030 nhằm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/1/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số.
Dự thảo cũng nêu rõ, Việt Nam cần tập trung phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số gồm: phát triển công nghệ cốt lõi, phát triển sản phẩm công nghệ số, triển khai giải pháp công nghệ số và nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.
100 nghìn doanh nghiệp số phải tạo được đột phá cho chiến lược "Make in Vietnam".
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Vietnam”. Doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Bên cạnh đó, dự thảo Chiến lược nhằm đưa ra giải pháp có tính hệ thống, đột phá mang tính đặc thù, huy động nguồn lực của toàn xã hội để khai thác điểm mạnh; tận dụng cơ hội để phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Dự thảo hiện đã được Bộ TT&TT đăng tải trên Cổng thông tin điện tử (mic.gov.vn) để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Theo dự thảo, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có 70.000 doanh nghiệp công nghệ số với 1,2 triệu nhân lực trong lĩnh vực này. Doanh thu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân bằng 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp này tăng trưởng bình quân từ 10-20%/năm. Tỷ lệ sản phẩm công nghệ số của Việt Nam được phát triển dựa trên các công nghệ chủ chốt từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chiếm 30-40%. Chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 3 khu vực ASEAN và top 70 trên thế giới...
Mục tiêu là đến năm 2030, Việt Nam có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số; 1,5 triệu nhân lực công nghệ số. Doanh thu doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân từ 20-30%/năm. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 20% tăng trưởng GDP; 50% cho tăng năng suất lao động quốc gia và 70% tăng trưởng kinh tế số.
Tỷ lệ sản phẩm công nghệ số của Việt Nam được phát triển dựa trên các công nghệ chủ chốt từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chiếm 40-50%. Xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 2 khu vực ASEAN và top 50 trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ TT&TT đã đề xuất 6 nhóm giải pháp chính. Trước hết là hoàn thiện cơ chế chính sách, kiến tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Tiếp đó là đẩy mạnh năng lực nghiên cứu công nghệ số trong đó doanh nghiệp là lực lượng tiên phong; hỗ trợ hiệu quả, tạo lập thị trường năng động cho doanh nghiệp công nghệ số; phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ số; đổi mới mô hình phát triển nhân lực và phương thức sử dụng lao động chuyên ngành công nghệ số; hình thành các định hướng phát triển đột phá thông qua các nhiệm vụ, dự án của Chính phủ có tác động lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận