Ra mắt chương trình đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt triển khai Chính phủ điện tử trong tháng 12
Theo Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc, trong kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử của Bộ TT&TT, Bộ đã đưa ra chương trình đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt triển khai Chính phủ điện tử, dự kiến sẽ được ra mắt ngày 20/12 tới.
- Khai trương Hệ thống chia sẻ và giám sát thông tin phục vụ Chính phủ điện tử
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: An toàn thông tin là trách nhiệm của mỗi cơ quan
Thông tin nêu trên vừa được ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT chia sẻ với các đại biểu tham dự sự kiện khai trương Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử được tổ chức vào ngày 29/11 vừa qua.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT.
Ông Nguyễn Thành Phúc cũng cho biết, chương trình đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt triển khai Chính phủ điện tử nhắm đến các đối tượng là Trưởng phòng CNTT của các Sở TT&TT; Giám đốc Trung tâm CNTT-TT của các Sở TT&TT; Trưởng phòng ứng dụng CNTT của các cơ quan chuyên trách về CNTT như Cục CNTT của Bộ Y tế hay các Trung tâm CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Là chương trình được thiết kế thiên về đào tạo trực tuyến, do đó chương trình đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt triển khai Chính phủ điện tử sắp được Bộ TT&TT cho ra mắt vào ngày 20/12 tới tuy vẫn có một số nội dung đào tạo trực tiếp song đại đa số sẽ là các bài giảng e-learning hoặc trực tuyến qua cầu truyền hình.
“Các bài giảng của chương trình đào tạo này chúng tôi sẵn sàng chia sẻ lên Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử tại địa chỉ egov.mic.gov.vn để các cơ quan, đơn vị có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử”, ông Nguyễn Thành Phúc chia sẻ.
Vấn đề tổ chức đào tạo đội ngũ nhân lực nòng cốt cho triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra ngay khi nhiệm vụ thường trực Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được chuyển giao sang Bộ TT&TT.
Cụ thể, trong kết luận hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngành TT&TT quý III/2019 vào ngày 5/9/2019, cùng với việc thông tin với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và các Sở TT&TT về việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử về Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: “Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ rất tích cực và công việc đã được triển khai nhanh. Chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử về Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ không được phép làm kém hơn, phải làm tốt lên, với tốc độ nhanh hơn và chất lượng cao lên”.
Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo Cục Tin học hóa phải có ngay một kế hoạch tập huấn cho các địa phương về xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. “Với nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, chúng ta cần thống nhất có bao nhiêu hạt nhân - những chuyên gia hiểu về lĩnh vực này, có như vậy các địa phương mới làm được và cần tập trung đào tạo, tập huấn cho đội ngũ đó”, Bộ trưởng nói.
Bộ TT&TT dự kiến sẽ ra mắt chương trình đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt trong triển khai Chính phủ điện tử vào ngày 20/12/2019, tại hội nghị thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử (Ảnh minh họa: quangninh.gov.vn)
Thực hiện vai trò đầu mối triển khai các nhiệm vụ Chính phủ điện tử, trung tuần tháng 10/2019, Bộ TT&TT đã xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức triển khai các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử đến năm 2020, trong đó xác định rõ mục đích yêu cầu, các nội dung cần tập trung cũng như những giải pháp chủ yếu.
Theo Cục Tin học hóa, việc triển khai các nhiệm vụ Chính phủ điện tử được Bộ TT&TT thực hiện theo cách làm mới, đó là: Bộ đồng hành, sát cánh cùng các địa phương triển khai Chính quyền điện tử; dùng nguồn lực của Bộ triển khai các giải pháp mới mà địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; làm đầu mối kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương với các Bộ, ngành ở trung ương…
Cách làm mới nêu trên của Bộ TT&TT được thể hiện qua một số nội dung công việc cụ thể đã được Bộ triển khai thời gian gần đây như: trong 2 ngày 24, 25/10, lãnh đạo Bộ TT&TT đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo 2 Bộ: Công an, TN&MT để thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh triển khai các dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; Bộ TT&TT hỗ trợ UBND tỉnh Bắc Kạn xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) - hệ thống nền tảng lõi trong Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn. Nền tảng này vừa được UBND tỉnh Bắc Kạn công bố khai trương hôm qua, ngày 1/12.
Thông tin từ Cục Tin học hóa cũng cho hay, thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư hoặc thuê dịch vụ CNTT, Bộ TT&TT sẽ định hướng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ Chính phủ điện tử theo hình thức làm trước, làm tốt có hiệu quả, sau đó mới triển khai thủ tục thuê dịch vụ. “Đây là một hướng đi mới giúp triển khai nhanh và hiệu quả ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam”, đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh.
Theo ICT News
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận