Các vấn đề pháp lý khi sử dụng AI trong hoạt động báo chí trên thế giới
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một công cụ quan trọng trong ngành báo chí trên toàn cầu, từ việc tự động hóa nội dung đến phân tích dữ liệu và cá nhân hóa trải nghiệm người đọc. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của AI trong báo chí cũng đồng thời làm nảy sinh các vấn đề pháp lý về bản quyền, trách nhiệm nội dung, quyền riêng tư, và bảo vệ dữ liệu. Những vấn đề này không chỉ giới hạn trong một quốc gia, mà là một thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Bài viết này sẽ phân tích các vấn đề pháp lý liên quan đến AI trong báo chí tại ba khu vực điển hình: Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu, từ đó rút ra kinh nghiệm chung cho các quốc gia khác.
Nguồn Internet
1. Các vấn đề pháp lý tại Trung Quốc
Trung Quốc là nước đi đầu trong việc quản lý AI tại Châu Á. Mặc dù hiện tại không có luật chung đối với việc sử dụng AI hay quy định riêng liên quan đến việc sử dụng AI trong hoạt động báo chí tại Trung Quốc, nhưng các cơ quan quản lý tại Trung Quốc trong những năm gần đây đã đưa ra các quy định và biện pháp bắt buộc về công nghệ cụ thể để giải quyết các rủi ro liên quan đến các khía cạnh khác nhau của AI.
Trung Quốc đã ban hành một số văn bản quy định liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm:
(1) Chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc (New Generation Artificial Intelligence Development Plan): Được ban hành bởi Chính phủ Trung Quốc vào tháng 7 năm 2017 với mục tiêu xây dựng Trung Quốc thành một quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào năm 2030. Chiến lược này nhận diện 3 trụ cột chính để phát triển trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc bao gồm công nghiệp, khoa học và công nghệ, và then chốt là sự phối hợp giữa Cơ quan Đảng và Chính phủ;
(2) Văn bản hướng dẫn về đạo đức và tự trách nhiệm trong phát triển AI (Guide on Ethics and Self-Discipline in Artificial Intelligence Development): Được xuất bản vào năm 2019, văn bản này đưa ra các nguyên tắc đạo đức và tự trách nhiệm cho việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo;
(3) Biện pháp tạm thời quản lý dịch vụ AI tạo sinh (Generative AI Services) (có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2023): văn bản này yêu cầu các dịch vụ AI tạo sinh phải tuân thủ các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi, không được tạo ra nội dung chống lại hệ thống xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo tính chính xác của dữ liệu huấn luyện. Các biện pháp này nhấn mạnh vào tính minh bạch, chất lượng và tính hợp pháp của cả dữ liệu và nội dung được tạo ra. Các nhà cung cấp dịch vụ AI phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và chỉ sử dụng dữ liệu và mô hình nền tảng có nguồn hợp pháp. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng phải tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt nội dung để xử lý khi có nội dung bất hợp pháp. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng phải sử dụng các biện pháp hiệu quả để tăng chất lượng, độ chính xác và độ tin cậy của cả dữ liệu và nội dung do AI tạo ra, đồng thời thiết lập các cổng thông tin thuận tiện và minh bạch để khiếu nại và báo cáo từ công chúng. Các biện pháp khác để bảo vệ trẻ vị thành niên và tính bảo mật của dữ liệu đầu vào của người dùng cũng được áp dụng.
(4) Quy định về nhãn mác nội dung do AI tạo ra: Ngày 07/03/2025, Trung Quốc đã ban hành “Biện pháp về việc đánh dấu nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra” do Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) phối hợp với Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Bộ Công an và Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình Quốc gia phát hành. Văn bản này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/09/ năm 2025. Quy định này yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thông tin trực tuyến phải gắn nhãn rõ ràng cho nội dung do AI tạo ra, bao gồm nhãn trực tiếp và nhãn ẩn trong siêu dữ liệu, nhằm tăng cường minh bạch và ngăn ngừa thông tin sai lệch.
2. Các vấn đề pháp lý tại Mỹ
Hiện tại, Hoa Kỳ chưa có một văn bản pháp luật liên bang toàn diện quy định về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, đã có một số dự thảo luật và sáng kiến ở cấp liên bang và tiểu bang nhằm tăng cường minh bạch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bao gồm cả trong báo chí.
Sau đây là một số văn bản quy định về sử dụng trí tuệ nhân tạo của Mỹ:
(1) Luật Đạo Đức và Tiến Bộ Trí Tuệ Nhân Tạo (AI Initiative Act) của Mỹ đã được thông qua vào tháng 02 năm 2019 nhằm quản lý việc sử dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.
(2) Chính sách trí tuệ nhân tạo của Nhà Trắng (2019): Đây là một bản tường thuật của chính phủ Mỹ về cách nhìn nhận và quản lý việc sử dụng AI. Chính sách này trình bày về các giá trị, nguyên tắc và tiêu chuẩn mà chính phủ Mỹ sử dụng để hướng dẫn các tổ chức công và tư sử dụng AI, bao gồm biện pháp đảm bảo an toàn, mức độ đối xứng và tôn trọng đạo đức.
(3) Luật Bảo vệ Quyền Sở hữu Trí tuệ (IP) (tháng 10 năm 2023): Luật này quy định các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như bản quyền (copyright), sáng chế (patent), nhãn hiệu (trademark) và bí mật thương mại (trade secret).
(4) Khung quản lý rủi ro AI: Đầu năm 2023, NIST đã ban hành hướng dẫn tự nguyện dưới dạng Khung quản lý rủi ro AI (AI RMF 1.0) cho các tổ chức thiết kế, phát triển, triển khai hoặc sử dụng hệ thống AI. Khung này phác thảo các đặc điểm của hệ thống AI đáng tin cậy và cách cân bằng những đặc điểm này trong bối cảnh sử dụng AI. Khung này cũng cung cấp hướng dẫn về cách quản lý, lập bản đồ, đo lường và quản lý rủi ro trong suốt vòng đời của AI. Có nghĩa vụ phải duy trì hồ sơ bao gồm các khía cạnh thủ tục của hệ thống AI, đào tạo những cá nhân sẽ chịu trách nhiệm tuân thủ các chính sách và quy trình và giám sát chức năng và hành vi của hệ thống
(5) Đạo luật Công bố Bản quyền AI tạo sinh năm 2024 (Generative AI Copyright Disclosure Act of 2024), được ban hành ngày 9 tháng 4 năm 2024, nhằm tăng cường tính minh bạch trong việc sử dụng các tác phẩm có bản quyền để huấn luyện các mô hình trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI).
(6) Ngoài ra, tại Mỹ các cơ quan báo chí lớn như The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal,… đã tự đưa ra một số quy định về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm các nguyên tắc và tiêu chuẩn, để đảm bảo rằng việc sử dụng AI của họ được thực hiện một cách đúng đắn và có trách nhiệm xã hội. Các quy định này tập trung vào các vấn đề chính là:
- Sử dụng AI để cải thiện chất lượng nội dung;
- Tôn trọng quyền riêng tư và bảo mật thông tin;
- Sử dụng AI với tính minh bạch và công khai;
- Có trách nhiệm quản lý và giám sát AI;
- Đổi mới và phát triển AI.
3. Các vấn đề pháp lý tại Châu Âu
Châu Âu đã ban hành một số văn bản pháp luật quan trọng để quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nổi bật nhất là Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo của Liên minh Châu Âu (EU AI Act).
Đạo luật về phát triển trí tuệ nhân tạo (AIA) (Được thông qua vào tháng 6 năm 2024): Đạo luật này là khung pháp lý đầu tiên trên thế giới nhằm quản lý AI dựa trên mức độ rủi ro. Đạo luật này thiết lập các quy tắc hài hòa điều chỉnh Trí tuệ nhân tạo và quy định các nghĩa vụ mới và quan trọng đối với những người phát triển và sử dụng AI trong và ngoài EU áp dụng cho tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả báo chí và truyền thông.
Một số quy định liên quan đến báo chí:
Điều 50 – Minh bạch đối với AI tương tác với con người: Yêu cầu các hệ thống AI tương tác trực tiếp với con người phải thông báo rõ ràng cho người dùng biết họ đang tương tác với AI, trừ khi điều này là hiển nhiên đối với người dùng thông qua các dấu hiệu hợp lý.
Điều 52 – Minh bạch đối với nội dung do AI tạo ra: Đối với nội dung văn bản được tạo ra bởi AI, các nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo rằng người dùng được thông báo rõ ràng về việc sử dụng AI trong quá trình tạo nội dung, nhằm tránh sự nhầm lẫn hoặc thao túng người dùng.
Mặc dù EU AI Act đã có những bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng, nhưng vẫn có những khoảng trống và thách thức trong việc áp dụng vào lĩnh vực báo chí. Các quy định này cần được làm rõ hơn và bổ sung các biện pháp mạnh mẽ hơn để đối phó với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI trong ngành truyền thông và báo chí
4. Bài học kinh nghiệm
Thứ nhất: Cần có khung pháp lý rõ ràng
Một vấn đề chung cho tất cả các quốc gia là cần phải có một khung pháp lý rõ ràng và đầy đủ để quản lý việc sử dụng AI trong báo chí. Các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cần phải được xây dựng và cập nhật liên tục để đáp ứng sự phát triển của công nghệ AI.
Thứ hai: Đảm bảo trách nhiệm pháp lý đối với nội dung sai lệch
Các quốc gia cần xác định rõ trách nhiệm pháp lý khi AI tạo ra thông tin sai lệch hoặc gây tổn hại cho người đọc. Cần có cơ chế để xác định ai sẽ chịu trách nhiệm pháp lý, đặc biệt trong trường hợp AI tạo ra nội dung gây hại mà không có sự can thiệp của con người.
Thứ ba: Bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân
Việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của người dùng là vấn đề quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh AI có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ. Các quốc gia cần có các chính sách nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu cá nhân và an ninh thông tin khi triển khai AI, để ngăn ngừa các nguy cơ lạm dụng dữ liệu và các mối đe dọa an ninh mạng.
Thứ tư: Minh bạch và giám sát trong sử dụng AI
Việc minh bạch trong việc sử dụng AI là rất quan trọng, đặc biệt là trong ngành báo chí, nơi mà sự chính xác và công bằng của thông tin có ý nghĩa quyết định. Các tổ chức báo chí cần cung cấp thông tin rõ ràng về cách thức sử dụng AI và có cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo sự công bằng và minh bạch.
Thứ năm: Đối phó với sự lan rộng của AI và tác động đến xã hội
AI không chỉ tác động đến các lĩnh vực kinh tế mà còn có thể gây ra sự thay đổi sâu rộng trong xã hội, từ việc tự động hóa công việc đến các vấn đề đạo đức trong việc quyết định của AI. Cần phải cân bằng giữa việc khuyến khích đổi mới công nghệ và bảo vệ các giá trị đạo đức, xã hội và nhân quyền. Các quốc gia nên xây dựng các chiến lược toàn diện để quản lý sự thay đổi này.
5. Kết luận
Việc sử dụng AI trong báo chí đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức pháp lý. Các quốc gia cần chủ động xây dựng và điều chỉnh khung pháp lý phù hợp để quản lý việc sử dụng AI, bảo vệ quyền lợi của người dùng và đảm bảo trách nhiệm của các tổ chức báo chí. Việc quản lý AI đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ bản quyền, và đảm bảo an ninh và bảo mật dữ liệu. Đồng thời, các quy định cần phải linh hoạt và thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ để bảo vệ lợi ích của xã hội mà không làm cản trở sự đổi mới.
Ban Kinh tế thị trường
Tài liệu tham khảo:
- Quy định tạm thời về quản lý các dịch vụ AI tạo sinh của Trung Quốc.
- https://www.chinalawtranslate.com/en/ai-labeling/
- https://www.congress.gov/bill/118th-congress/house-bill/7913/text
- Đạo luật về phát triển trí tuệ nhân tạo của châu Âu (AIA);