Khái niệm quảng cáo và các hình thức quảng cáo phổ biến hiện nay
Quảng cáo là một hiện tượng phức tạp, gắn bó mật thiết với xã hội, văn hóa, lịch sử và kinh tế, nó không tuân theo bất cứ một định nghĩa đơn giản hay riêng biệt nào. Một vài khía cạnh của quảng cáo rất phổ dụng trong khi một vài khía cạnh khác lại mang đặc trưng cụ thể về văn hóa.
Quảng cáo là hình thức tuyên truyền được trả phí hoặc không để thực hiện việc giới thiệu thông tin về sản phẩm, dịch vụ, công ty hay ý tưởng, quảng cáo là hoạt động truyền thông phi trực tiếp giữa người với người mà trong đó người muốn truyền thông phải trả tiền cho các phương tiện truyền thông đại chúng để đưa thông tin đến thuyết phục hay tác động đến người nhận thông tin.
Quảng cáo là những nỗ lực nhằm tác động tới hành vi, thói quen mua hàng của người tiêu dùng hay khách hàng bằng cách cung cấp những thông điệp bán hàng theo cách thuyết phục về sản phẩm hay dịch vụ của người bán.
Theo nhà kinh tế học Robert Larue, nói một cách ngắn gọn: “Quảng cáo là tất cả những phương tiện thông tin và thuyết phục quần chúng mua một món hàng hay một dịch vụ”.
Hay theo Hiệp Hội Tiếp Thị Hoa Kỳ AMA (American Marketing Association) định nghĩa:
- Quảng cáo là một hoạt động tốn tiền (paid form);
- Dựa vào môi thể, không dựa vào con người (non personal);
- Để loan báo, chào mời về một ý kiến, sản phẩm hay dịch vụ (goods /services);
- Do một người cậy quảng cáo có danh tánh rõ ràng (identified sponsor).
Quảng cáo nhận dạng thương hiệu
Nguồn: https://goldsungroup.com.vn/tu-van/mau-quang-cao-thuong-hieu.html
Quảng cáo là một hiện tượng phức tạp, gắn bó mật thiết với xã hội, văn hóa, lịch sử và kinh tế, nó không tuân theo bất cứ một định nghĩa đơn giản hay riêng biệt nào. Một vài khía cạnh của quảng cáo rất phổ dụng trong khi một vài khía cạnh khác lại mang đặc trưng cụ thể về văn hóa. Quảng cáo biến đổi từ nghệ thuật bán hàng cá nhân tới truyền thông gián tiếp, cung cấp những thông tin mới nhằm thuyết phục con người. Bên cạnh những thông báo nhằm mục đích bán hàng nó còn ẩn chứa những giá trị văn hóa và các ý kiến xã hội. Tùy thuộc vào từng quan điểm khác nhau, quảng cáo có thể có tác dụng tích cực hay tiêu cực tới xã hội và kinh tế. Chi phí cho quảng cáo cực kỳ lớn nhưng nó được bù đắp bằng tiền của những người mua hàng bị nó chinh phục. Quảng cáo thu hút sự chú của khách hàng sau đó thuyết phục họ về những lợi ích, sự hấp dẫn của sản phẩm nhằm biến đổi hoặc củng cố thái độ, ḷòng tin của người tiêu dùng về sản phẩm của công ty và tăng lòng ham muốn mua hàng của họ.
Quảng cáo là phương tiện hỗ trợ rất đắc lực cho cạnh tranh. Quảng cáo có tác động khai thác mọi giá trị tồn tại trong cuộc sống hiện đại: sức khỏe, sự an toàn, chất lượng, thuận tiện, sự thích thú, sự hấp dẫn, tính hiệu quả, tính thẩm mỹ cao kinh tế và tiết kiệm. Quảng cáo không chỉ cần thiết khi hàng hóa ứ đọng, thị trường bão hòa. Quảng cáo là một công việc cần thiết trong quá trình lưu thông hàng hóa với mục đích nhằm đẩy mạnh quá trình lưu thông, hướng dẫn hình thành nhu cầu, đáp ứng nhu cầu một cách nhanh chóng, đúng đối tượng và hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng hiệu quả hàng hóa đã mua. Khả năng cung ứng hàng hóa càng lớn về số lượng, đa dạng về chủng loại hàng đồng thời xu hướng nhu cầu của người tiêu dùng càng đi vào chiều sâu, đòi hỏi về chất lượng càng cao, thị hiếu càng tinh tế và đa dạng thì quảng cáo càng trở nên cần thiết.
Luật Quảng cáo của CHND Trung Hoa ngày 27/10/1994 (có hiệu lực từ 1/2/1995) quy định: “Quảng cáo” được hiểu là một quảng cáo mang tính thương mại mà người cung cấp hàng hoá, dịch vụ giới thiệu cho hàng hoá dịch vụ của mình, cho dù là trực tiếp hay gián tiếp, thông qua các hình thức thông tin công cộng”; “người quảng cáo được hiểu là một tư cách pháp nhân, dù là tổ chức kinh tế hay pháp nhân mà mục đích của họ là bán các mặt hàng, dịch vụ thiết kế, sản xuất hay xuất bản thuộc lĩnh vực quảng cáo”.
Trong Bộ luật Thương mại của Cộng hoà Pháp, tại Điều 2 Pháp lệnh số 82-280 ngày 23/7/1992 áp dụng cho khoản 1 Điều 27 của Luật ngày 30/9/1986 về tự do thông tin và quy định những nguyên tắc chung về chế độ áp dụng cho quảng cáo và tài trợ cũng quy định cụ thể: “Mọi loại thông tin truyền hình phát có thu tiền hoặc đổi bù nhằm quảng bá cho việc cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, kể cả thông tin được giới thiệu dưới dạng tên gọi chung, trong khuôn khổ một hoạt động thương mại, công nghiệp, thủ công hay nghề nghiệp tự do, hay nhằm đảm bảo quảng bá thương mại cho một doanh nghiệp Nhà nước hoặc tư nhân đều được coi là quảng cáo”.
Tương tự quy định này, Chỉ thị 97/360 CE của Quốc hội Châu Âu và Cộng đồng Châu Âu sửa đổi chỉ thị 89/552/CE của Cộng đồng Châu Âu nhằm phối hợp một số biện pháp pháp luật, quy tắc và hành chính của các quốc gia thành viên về việc thực hiện các hoạt động phát thanh truyền hình cũng khẳng định: Quảng cáo truyền hình là mọi loại thông tin truyền hình, có thù lao hay thanh toán tương tự, hoặc được truyền hình vì mục đích khuyến mại (khuyến khích bán hàng) cho một doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân thực hiện trong khuôn khổ một hoạt động thương mại, công nghiệp hay thủ công hoặc nghề nghiệp tự do nhằm khuyến khích việc cung cấp, có thù lao vật phẩm hoặc dịch vụ, kể cả bất động sản, hoặc chi phiếu và kỳ phiếu.
Các định nghĩa trên đây cho thấy, với tính chất là một thuật ngữ pháp lý, “quảng cáo” luôn chứa đựng các thông tin thương mại, bao gồm các thông tin về tính năng tác dụng, phẩm chất, kiểu dáng, giá cả, tính ưu việt... của hàng hoá, dịch vụ, thông tin về hoạt động kinh doanh của người kinh doanh. Do mục đích giới thiệu các thông tin này là nhằm xúc tiến việc bán hàng, cung ứng dịch vụ nên người có nhu cầu và thực hiện quảng cáo là thương nhân và họ phải thanh toán tiền cho việc thực hiện mục đích đó. Khẳng định tính thương mại này, Luật của Cộng đồng Châu Âu còn phân biệt rõ: “Quảng cáo không gồm: các thông tin do cơ quan phát thanh phát có liên quan tới chương trình của cơ quan và các sản phẩm phụ trực tiếp của các chương trình này; các thông tin về dịch vụ công cộng và các lời kêu gọi cho việc làm từ thiện miễn phí” (Điều 18-Chỉ thị 97/360 CE của Quốc hội Châu Âu và Cộng đồng Châu Âu sửa đổi chỉ thị 89/552/CE của Cộng đồng Châu Âu). Luật Quảng cáo của Philippin được ban hành với ý nghĩa là những tiêu chuẩn và thông lệ thương mại trong ngành quảng cáo. Phạm vi và đối tượng áp dụng của Luật Quảng cáo Philippin nêu rõ: Bản thông lệ thương mại và tiêu chuẩn thực hiện này phải là những chỉ dẫn cơ bản cho tất cả các hoạt động thương mại và công việc kinh doanh của ngành quảng cáo ở Philippin. Ở Hoa Kỳ, hoạt động quảng cáo được điều chỉnh bởi rất nhiều quy định pháp luật của các bang và liên bang. Luật Lanham 15 U.S.C, một văn bản quan trọng trong số đó, có nội dung quy định áp dụng với quảng cáo thương mại, “bao gồm phát ngôn thương mại mà một người cạnh tranh sử dụng thể hiện mục đích gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng để mua hàng hoá hay dịch vụ của mình”. Cơ quan liên bang có thẩm quyền điều tiết hoạt động quảng cáo là Hội đồng thương mại liên bang (FTC). Luật về quảng cáo và khuyến mại của Anh, Luật Quảng cáo của Singapore... đều có nội dung quy định các vấn đề liên quan đến quảng cáo thương mại.
Tại Việt Nam, Luật Quảng cáo đã được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 định nghĩa quảng cáo như sau: "Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân."
1.2 Các hình thức quảng cáo phổ biến nhất hiện nay
Với sự phát triển khoa học công nghệ, hình thức quảng cáo được phân chia dựa vào phương tiện được sử dụng để quảng cáo. Các hình thức quảng cáo phổ biến nhất hiện nay như sau:
Hình thức quảng cáo ngoài trời:
Hình thức quảng cáo ngoài trời là loại hình quảng cáo đặt biển hiệu ở tầm cao như bảng quảng cáo trên nóc, tường nhà, Poster, Pano hay Billboard được căng ở ngoài trời, cột quảng cáo trên đường cao tốc, trên xe bus, ở nhà chờ xe buýt, buồng điện thoại…
Loại hình quảng cáo di động là loại hình quảng cáo trên các phương tiện giao thông như trên xe buýt hay taxi,… nhưng chúng cũng là một phần trong quảng cáo ngoài trời. Thông thường các bảng biển quảng cáo ngoài trời được đặt tại các tuyến đường có đông người qua lại hoặc những khu vực trung tâm chính nhằm mục đích để thu hút đông đảo số lượng người xem. Tuy nhiên, đây là hình thức quảng cáo có đối tượng người xem rất hạn chế do các biển quảng cáo chỉ nằm bất động một chỗ. Phần lớn những người nhìn thấy quảng cáo này đều là những người thường xuyên đi lại trên tuyến đường đó hoặc sinh sống và làm việc tại nơi đó. Vì thế các doanh nghiệp khi lựa chọn loại hình quảng cáo này thường phải phần bố đều những bảng quảng cáo của mình đến các khu vực trong thành phố và các tỉnh thành mới đem lại kết quả như mong muốn.
So với Pano hay Billboard và Street furniture thì quảng cáo di động (hay còn gọi là transit ngoài trời) là hình thức có phần ưu thế hơn bởi cả 3 hình thức trên chỉ cố định ở một chỗ thì transit được coi là một bảng quảng cáo di động, khi nó di chuyển từ tuyến đường này chạy sang tuyến đường khác hàng ngày và hằng giờ.
Hình thức quảng cáo trên truyền hình:
Hình thức quảng cáo bằng Pop-up
Nguồn:http://quangcaotruyenhinh.com/cac-loai-hinh-quang-cao-truyen-hinh-hieu-q...
Quảng cáo truyền hình là hình thức quảng cáo trên các kênh truyền hình phát sóng trên cả nước. Quảng cáo trên truyền hình là hình thức quảng cáo được các doanh nghiệp lớn ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất hiện nay. Đây được xem là một trong các hình thức quảng cáo hiệu quả nhất hiện nay tại Việt Nam. Cũng giống như quảng cáo ngoài trời quảng cáo trên truyền hình được chia thành nhiều loại như TVC, phim tự giới thiệu, tài trợ chương trình và bán hàng qua truyền hình,… Ưu đểm nổi bật của hình thức quảng cáo truyền hình chính là phạm vi truyền tải rộng và thu hút được đối tượng người xem nhờ truyền tải được đầy đủ hình ảnh, âm thanh một cách chân thực về các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để tạo được ấn tượng với người xem và khiến người xem phải lưu ý ghi lại thì các hình ảnh về sản phẩm, dịch vụ cần phải được lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều ngày, nhiều tháng mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn của doanh nghiệp. Vì thế vấn đề giá thành của loại hình quảng cáo này được cho là khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế về tài chính.
Hình thức quảng cáo trên báo chí:
Hình thức quảng cáo trên báo chí là hình thức mà các thông tin quảng cáo được đăng trên phương tiện là báo chí bao gồm cả báo nói và báo hình. Hình thức quảng cáo này là hình thức quảng cáo đầu tiền xuất hiện trong lịch sử quảng cáo. Mặc dù hiện nay báo giấy và tạp chí đang trong xu thế giảm dần và yếu thế hơn so với báo mạng nhưng hình thức quảng cáo này vẫn được các doanh nghiệp lựa chọn để giới thiệu các sản phẩm của mình. Ưu điểm của hình thức quảng cáo này là giá rẻ và có thời gian tiếp cận người tiêu dùng lâu dài khi thông tin được truyền tay nhau đọc, có thể tiếp cận với mọi đối tượng và về địa lý có thể thông tin quảng cáo đến được những vùng sâu, vùng xa…
Xét về mặt hình ảnh và âm thanh báo giấy hay tờ rơi không có khả năng thu hút bằng truyền hình vì thế mà khả năng tiếp cận của nó cũng hạn chế hơn. Nhìn chung hình thức quảng cáo này phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập chưa có nhiều điều kiện về tài chính.
Hình thức quảng cáo trực tuyến
Quảng cáo trực tuyến là một hình thức quảng cáo sử dụng môi trường mạng internet để truyền tải thông điệp Marketing đến khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp. Cũng giống như các hình thức quảng cáo khác, quảng cáo trực tuyến cũng có nhà xuất bản, nhà quảng cáo và người cung cấp thông tin quảng cáo. Ngoài ra còn có những nhân tố khác như đại lý quảng cáo, người giúp tạo và đặt quảng cáo trên các nội dung của publisher và một mạng quảng cáo cung cấp dịch vụ phân phối quảng cáo trung gian và thống kê quảng cáo.
Ưu điểm của quảng cáo trực tuyến là khả năng nhắm chọn khách hàng mục tiêu, khả năng theo dõi hành vi người dùng, tính tương tác với người dùng, khả năng phân phối và tính linh hoạt khi nó có thể được cập nhật liên tục, có thể bắt đầu và hủy bỏ bất cứ lúc nào.
Quảng cáo trực tuyến có thể là quảng cáo trên mạng xã hội, trên các trang thông tin điện tử hiện nay là xu thế phát triển chung của thế giới. Trong tương lai, loại hình quảng cáo này được dự báo sẽ là hình thức quảng cáo phổ biến nhất của thế giới nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng.
Hình thức quảng cáo tổ chức sự kiện
Hình thức quảng cáo tổ chức sự kiện là phương thức quảng cáo được tổ chức dưới một sự kiện để giới thiệu sản phẩm được xem là phương thức hữu hiệu nhất khi doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm của mình đến tận tay người tiêu dùng.
Nguyễn Thị Thanh Vân - Ban Thông tin, Báo chí, Xuất bản và Quảng cáo - Viện Chiến lược TTTT
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận