Quyết tâm siết chặt quản lý để các nền tảng công nghệ phải chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung trên mạng, Hoa Kỳ công bố dự luật lưỡng đảng
Ngày 17/3/2021, tại Thượng viện Mỹ, các nhà lập pháp đã công bố dự luật lưỡng đảng về trách nhiệm giải trình của nền tảng công nghệ và tính minh bạch của người dùng
26 năm trước, dịch vụ mạng xã hội lần đầu tiên xuất hiện. Hai năm sau, trang Classmate ra đời với mục đích kết nối bạn đọc thành cộng đồng những con người có cùng sở thích[1]. Tại đây, các nền tảng sẽ cung cấp các công cụ đăng bài dễ sử dụng và không gian web miễn phí hoặc không tốn kém để khuyến khích người dùng tương tác với nhau thông qua các phòng trò chuyện, chia sẻ thông tin và ý tưởng cá nhân thông qua các trang web cá nhân.
Nguồn Internet: Tác động của mạng xã hội
Tuy nhiên, hai thập kỷ qua, thế giới đã nếm bao quả ngọt lẫn trái đắng mà mạng xã hội mang lại cho con người. Trước hệ lụy do mặt trái “không gian ảo”, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vấn đề trên. Trong đó, có thể kể đến trường hợp Australia với thông điệp hết sức mạnh mẽ vào cuối tháng trước khi Quốc hội Úc thông qua đạo luật “Quy tắc thương lượng bắt buộc giữa các Nền tảng số và Hãng truyền thông tin tức, 2021” (sửa đổi luật Ngân khố). Động thái trên của “xứ sở chuột túi” khiến quốc gia này trở thành đất nước đầu tiên trên thế giới chính thức thể hiện quan điểm rõ ràng đối với các “ông lớn về công nghệ”.
Mới đây, một đồng minh của Úc là Hoa Kỳ đã có hành động tương tự trong việc siết chặt quản lý đối với các nội dung không gian mạng. Ngày 17/3/2021, các nhà lập pháp tại Thượng viện Mỹ đã công bố dự luật lưỡng đảng về trách nhiệm giải trình của nền tảng công nghệ và tính minh bạch của người dùng.
Việc thông qua dự luật lưỡng đảng nhằm thực hiện sửa đổi mục 230 của Đạo luật Truyền thông liên bang với quy định “Bảo vệ các công ty công nghệ truyền thông xã hội khỏi các trách nhiệm pháp lý về nội dung do người dùng đăng tải”. Nội dung quy định trên cho phép trách nhiệm miễn trừ và tạo lá chắn pháp lý đối với các nền tảng công nghệ truyền thông xã hội lớn về các nội dung thông tin được tạo ra trên mạng mà nhà cung cấp hoặc người dùng coi là nội dung phi pháp.
Nguồn Internet: Điện Capitol – Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ
Dự luật lưỡng đảng mới dự kiến được ban hành sẽ thay đổi quy định trên, với trọng tâm tăng cường trách nhiệm giải trình của các nền tảng và bảo vệ người dùng. Các nền tảng trực tuyến cần minh bạch và tăng cường giám sát hơn đối với nội dung đăng tải. Theo đó, phải công khai, minh bạch các chính sách sử dụng tại vị trí mà người dùng dễ tiếp cận. Chính sách bao gồm các nội dung như: Thông báo cho người dùng nội dung thông tin được phép đăng tải; Giải thích các bước mà nhà cung cấp thực hiện để đảm bảo nội dung tuân thủ chính sách của người dùng; Giải thích các phương tiện mà người dùng có thể liên hệ với nhà cung cấp để thông báo nội dung có khả năng vi phạm chính sách, nội dung hoặc hoạt động bất hợp pháp (đầu mối liên hệ trực tiếp, cung cấp số điện thoại miễn phí trong giờ làm việc thông thường, không ít hơn 8 giờ mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần; địa chỉ email hoặc cơ chế tiếp nhận có liên quan để xử lý các khiếu nại của người sử dụng).
Nguồn Internet: Các “ông lớn” công nghệ trên thế giới bắt đầu chịu sức ép từ chính sách của chính phủ các nước
Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu các nền tảng lớn phải có hệ thống khiếu nại để người dùng dễ dàng gửi các ý kiến cũng như các thông báo hồi đáp về kết quả xử lý khiếu nại. Đồng thời, các nền tảng phải có trách nhiệm gỡ bỏ nội dung phi pháp hoặc vô hiệu hoá quyền truy cập trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo khiếu nại ấy là hợp lệ. Khi quyết định gỡ bỏ nội dung, phải thông báo cho người dùng về việc gỡ bỏ và giải thích cụ thể lý do.
Được biết, cả hai đảng tại Quốc hội Mỹ đều ủng hộ dự luật trên. Dự luật đã được Thượng viện nhất trí thông qua và tiếp theo nếu được Hạ viện chấp nhận, dự luật sẽ được gửi đến Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden xem xét ra quyết định phủ quyết hoặc ký ban hành thành luật.
Ban TH&HTQT tổng hợp từ Internet
[1] Theo Linton Freeman. The Development of Social Network Analysis. Vancouver: Empirical Pres,2006
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận