TP HCM sẽ ngày càng thông minh hơn trong phục vụ người dân
Qua gần 2 năm triển khai Đề án “Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, TP HCM dần hình thành các trụ cột chính của Đề án và một số lĩnh vực đã bước đầu ứng dụng công nghệ vào quản lý, giám sát.
Các ứng dụng được triển khai đã mang lại những thuận lợi cho công tác quản lý của Thành phố, một số tiện ích cũng hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để Thành phố ngày càng “thông minh hơn”.
Chính quyền điện tử - Bước đầu của TP thông minh
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, Thành phố đã hoàn thành và công bố kết quả giai đoạn 1 của ba trụ cột Đề án là Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Thành phố đã ban hành và tổ chức triển khai kiến trúc chính quyền điện tử. Đây là yếu tố quan trọng, đảm bảo cho sự thành công của trụ cột “Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở”.
Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố (giai đoạn 1) đi vào hoạt động trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở ngành, như cơ sở dữ liệu một cửa điện tử, cơ sở dữ liệu khiếu nại tố cáo, cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, đường dây nóng… Bước đầu, việc thực hiện trích xuất, khai thác Kho dữ liệu dùng chung đã phục vụ cho công tác điều hành của Thành phố. Thành phố đã triển khai thử nghiệm Cổng thông tin Dữ liệu mở tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn, trước mắt thử nghiệm cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y.
Trung tâm điều hành đô thị thông minh đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận (1, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp). Tổng số có hơn 1.000 camera đã được tích hợp về Trung tâm điều hành; trong đó, phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm nhận diện khuôn mặt, nhận diện loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự. Ngoài ra, Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội cũng đã chính thức đưa vào hoạt động ngày 1/8.
Cùng với xây dựng các trụ cột, Đề án đã triển khai thí điểm tại một số khu vực và đạt một số kết quả bước đầu. Cụ thể, UBND Quận 1 đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh, tích hợp hệ thống camera tại địa bàn dân cư và trụ sở Công an 10 phường trên địa bàn quận với trên 750 mắt camera; đầu tư lắp đặt các camera quan sát tầm nhìn xa tại các vị trí trọng điểm phục vụ an ninh trật tự trên địa bàn quận.
Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, trong hơn một năm triển khai thí điểm, hệ thống đã hỗ trợ, phục vụ tốt cho đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống phát sinh vào các ngày lễ, tết…; phòng chống các tình huống bạo động, biểu tình, các hành vi gây rối trật tự công cộng.
Tại UBND Quận 12, địa phương đã triển khai xây dựng Trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh ở Trụ sở Công an quận, tích hợp hơn 600 camera hiện hữu tại các khu dân cư. Quận cũng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị như phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; phần mềm quản lý hồ sơ hành chính; hệ thống quản lý địa bàn khu dân cư; hệ thống thông tin quản lý quy hoạch; triển khai ứng dụng ảnh viễn thám trong công tác quản lý đô thị, tài nguyên môi trường.
Ở lĩnh vực y tế, sự ra đời của Cổng thông tin của ngành Y tế đã cung cấp nhiều chuyên mục thuộc lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế dự phòng, cải cách hành chính; cổng thông tin tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh cho phép tra cứu trực tuyến về giấy phép, phạm vi hoạt động chuyên môn của cá nhân người hành nghề và cơ sở y tế; triển khai Hội chẩn từ xa cho 24 trạm y tế mô hình điểm, hỗ trợ kết nối giữa các bác sĩ tại trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện lớn trong Thành phố.
Người dân sẽ là chủ thể phục vụ của TP thông minh
Hướng tới mục tiêu lớn là nâng cao chất lượng sống của người dân, đưa người dân trở thành một chủ thể tham gia quá trình quản lý và phát triển Thành phố, Đề án đặc biệt quan tâm đến các chương trình gia tăng hiệu quả tương tác với người dân.
Nhà ở quận Thủ Đức, làm việc tại trung tâm Thành phố, mùa mưa năm nay với ông Nguyễn Văn Thanh đã bớt “căng thẳng” với tình trạng ngập nước trên đường về. Ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: “Những hôm trời mưa, trước khi ra về, tôi thường mở app (ứng dụng) trên điện thoại dò xem khu vực nào ngập nước để tránh, bởi những tuyến đường khu đó kiểu gì cũng bị kẹt xe hoặc ngập nước không đi được”.
Thông tin về những điểm ngập thường xuyên được cập nhật trên cổng thông tin Hệ thống thoát nước tại địa chỉ https://chongngap.hochiminhcity.gov.vn và ứng dụng UDI Maps trên điện thoại. Người dân có thể tra cứu đầy đủ các thông tin về ngập lụt, khí tượng thủy văn... qua đó, giúp người dân chủ động ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại do ngập lụt gây ra. Ngoài ra, Thành phố đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới thoát nước trên địa bàn Quận 1, hiện đang mở rộng cho các quận huyện còn lại.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, dù mới triển khai xây dựng đô thị thông minh được 18 tháng, nhưng người dân Thành phố đã bắt đầu được hưởng các tiện ích mang lại. Các đơn vị đã cung cấp một số tiện ích cho người dân như: cảnh báo ngập, tra cứu thông tin quy hoạch, tra cứu tình hình giao thông qua camera, đăng ký khám bệnh và tự tra cứu giá dịch vụ, giá thuốc tại một số bệnh viện… Điều này giúp người dân có được những trải nghiệm mới khi sử dụng các ứng dụng thông minh.
Hiện nay, Trung tâm điều hành đô thị thông minh đã kết nối thông tin tổng hợp từ hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022; hệ thống một cửa điện tử; ứng dụng lắng nghe mạng xã hội.
Giám đốc Sở TT&TT TP HCM Dương Anh Đức cho biết, Thành phố sẽ từng bước nâng cấp hệ thống 1022 thành cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp với nhiều phương thức tiếp nhận phản ánh như gọi điện thoại, nhắn tin đến đầu số 1022, gửi email, website, ứng dụng 1022 trên điện thoại thông minh hay fanpage 1022 trên mạng xã hội Facebook.
Tại Quận 12, nhằm tăng cường tính kết nối, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, UBND Quận 12 đã triển khai các dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến; hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân, hệ thống trả lời tự động để hướng dẫn thủ tục hành chính… Điều này giúp sự tương tác giữa chính quyền và người dân được thuận lợi, dễ dàng.
Chủ tịch UBND Quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, hiện đơn vị đã triển khai hệ thống tự động qua tin nhắn nhanh (chatbot), tương tác theo dạng bấm chọn hướng dẫn thủ tục hành chính của tất cả các lĩnh vực. Thời gian tới, Quận sẽ bổ sung chức năng trả lời câu hỏi tích hợp (chứa nhiều từ khóa); tra cứu thủ tục hành chính: kích hoạt chatbot để hướng dẫn thủ tục hành chính tự động; dịch vụ công trực tuyến...
Trong khi đó, UBND Quận 1 sẽ nâng cấp các cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng rút gọn các thông tin yêu cầu người dân nhập liệu, hỗ trợ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để đăng ký giải quyết thủ tục hành chính. Quận phân công cán bộ, công chức trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng cổng thông tin để nộp hồ sơ, triển khai thí điểm thực hiện “Tiếp nhận đăng ký giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính không giấy”. Những dịch vụ nào hiệu quả sẽ được nhân rộng ra các phường trên địa bàn nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...
Dù đang tập trung xây dựng các trụ cột của Đề án đô thị thông minh, nhưng với những ứng dụng tích hợp và các giải pháp của sở ngành, quận huyện... người dân TP HCM đã được thụ hưởng thành quả bước đầu từ Đề án. Tuy vậy, để Đề án thực sự đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra, Thành phố cần có các giải pháp gỡ vướng mắc còn tồn tại về công nghệ, nhân lực... để thành phố ngày càng “thông minh hơn”.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận