"Xây dựng thành phố thông minh phải gắn liền với chính quyền điện tử"
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, nguyên tắc xây dựng thành phố thông minh trên nền tảng dùng chung, dữ liệu tập trung; không tách rời việc xây dựng các thành phố này với phát triển chính quyền điện tử.
- ASEAN hướng tới xây dựng tiêu chuẩn hoá thành phố thông minh khu vực
- Hệ thống MEMS giải quyết được gì cho thành phố thông minh
- Những lý do khiến Việt Nam phát triển thành phố thông minh
Toàn cảnh hội thảo.
Ngày 2/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn cấp cao về công nghệ 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, Bộ TT&TT phối hợp với các đơn vị công nghệ thông tin trong và ngoài nước tổ chức hội thảo với chủ đề: "Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia".
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, kỹ sư công nghệ… chia sẻ, thảo luận các bài học thành công, chưa thành công về xây dựng đô thị thông minh, từ đó đề ra các giải pháp phát triển đô thị thông minh hiệu quả, tối ưu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn lực của nước ta còn rất hạn chế.
Đô thị thông minh là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các vùng miền trên cả nước. Hiện cả nước đã có trên 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa tăng trên toàn quốc đạt 38,6%.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc chiến lược của VNPT - IT trình bày tham luận "Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong đô thị thông minh".
Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12% đến 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Cả nước đã có khoảng 30 địa phương triển khai các đề án xây dựng đô thị thông minh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TT&TT, việc phát triển đô thị thông minh hiện nay còn rất nhiều bất cập. Các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng, ban hành các hướng dẫn về các cơ chế, chính sách thông minh. Một số địa phương chỉ mới bắt đầu triển khai một số ứng dụng, dịch vụ cơ bản cho đô thị thông minh.
Để xây dựng thành công đô thị thông minh, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, có tám điểm cần lưu ý. Theo đó, các địa phương cần nhận thức đúng về việc xây dựng đô thị thông minh và tránh đầu tư dàn trải theo phong trào; trong quá trình triển khai cần quán triệt nguyên tắc xây dựng trên nền tảng dùng chung, dữ liệu tập trung, giám sát điều hành tập trung để đảm bảo hiệu quả đầu tư; phải gắn kết, không tách rời việc xây dựng đô thị thông minh với phát triển chính quyền điện tử; coi việc phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng chính quyền thông minh, xây dựng đô thị thông minh.
Việc triển khai xây dựng đô thị thông minh cần tránh rập khuôn, đầu tư tràn lan. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng ngay từ giai đoạn đầu để xây dựng, triển khai đô thị thông minh; cần có công cụ để đo lường, đánh giá được kết quả thực hiện; nên lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực để tổ chức triển khai.
Cuối cùng, cần quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực phù hợp một đô thị thông minh; không thể thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn, thiếu nguồn nhân lực có đủ trình độ, xây dựng quản lý và vận hành đô thị thông minh.
Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ: Xây dựng đô thị thông minh là nhiệm vụ rất mới đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng có rất nhiều khó khăn thách thức để có thể thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Việc xây dựng đô thị thông minh cần lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích và giám sát.
Đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo.
Việt Nam cần dựa trên thành tựu khoa học công nghệ hiện đại đồng bộ, đảm bảo tính năng tương thích, đồng thời chú ý đến vấn đề an toàn thông tin an ninh mạng, bảo vệ thông tin của người dân.
Tại Hội thảo, các diễn giả cũng trao đổi, giới thiệu về các ứng dụng, nền tảng công nghệ, giải pháp kỹ thuật đang được các đơn vị triển khai phục vụ cho quá trình xây dựng đô thị thông minh.
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai các hạ tầng, ứng dụng công nghệ. Các chuyên gia nước ngoài đóng góp những ý kiến về khả năng thành công của việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam, giới thiệu những thành tựu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực tế các hạng mục của quá trình xây dựng đô thị thông minh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận