Hệ thống MEMS giải quyết được gì cho thành phố thông minh
Hệ thống MEMS và vật liệu nano đang là những tiềm năng chưa được khai phá khi đó là những giải pháp để giải quyết được những thách thức hiện nay đối với mỗi đô thị đang trong quá trình xây dựng thành phố thông minh.
- ASEAN hướng tới xây dựng tiêu chuẩn hoá thành phố thông minh khu vực
- Những lý do khiến Việt Nam phát triển thành phố thông minh
Trong hai ngày 27 và 28/8 Hội nghị quốc tế lần thứ ba về công nghệ vi cơ điện tử (MEMS) và hệ thống cảm biến, với chủ đề “MEMS và Vật liệu nano” đã được tổ chức tại TP HCM, thu hút sự tham gia của hơn 40 nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực công nghệ vi cơ điện tử, vật liệu nano.
Toàn cảnh hội nghị.
Đây là hoạt động phối hợp giữa Khu Công nghệ cao TP HCM, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và phân tử (Đại học Quốc gia TP HCM) với Viện Khoa học vật liệu quốc gia Nhật Bản và Hiệp hội Cơ khí chính xác Nhật Bản.
Tại phiên toàn thể và các phiên chuyên đề về cảm biến vật lý và hóa học, cảm biến và ứng dụng nâng cao, vật liệu ứng dụng, vật liệu cảm biến... các chuyên gia, nhà khoa học Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Australia, Việt Nam… trình bày, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng MEMS và vật liệu nano để xây dựng một thành phố an toàn, thân thiện và các công nghệ mới liên quan đến lĩnh vực này.
Hội nghị là dịp để TP HCM quảng bá với thế giới về chương trình xây dựng đô thị an toàn và thân thiện; đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với những công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm ứng dụng MEMS vào việc xây dựng thành phố thông minh trên thế giới để có thể triển khai ứng dụng cho phù hợp với Việt Nam.
Quyền Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh Lê Bích Loan phát biểu khai mạc Hội nghị.
Theo bà Lê Bích Loan, quyền Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, tiềm năng phát triển của hệ thống MEMS và các cảm biến trong các ứng dụng IoT (internet kết nối vạn vật) hiện rất lớn, có thể giải quyết các thách thức hiện nay.
Với nhiều thuộc tính nâng cao như tiêu thụ điện năng thấp, chi phí thấp và xử lý nhanh chóng, các thiết bị MEMS sẽ đóng vai trò quan trọng để xây dựng một thành phố thông minh. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của TP HCM.
Hiện nay, UBND TP HCM đã giao Khu Công nghệ cao của thành phố chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu Triển khai (Khu Công nghệ cao) thực hiện “Chương trình phát triển công nghiệp vi cơ điện tử giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”.
Đại biểu tìm hiểu thiết hệ thống giám sát chất lượng nước online được trưng bày tại Hội nghị.
Chương trình sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực MEMS; tiếp nhận những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực MEMS trên thế giới để triển khai, tạo ra những sản phẩm trong nước, phục vụ việc xây dựng thành phố thông minh cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để lĩnh vực MEMS trong nước phát triển nhanh, rút ngắn thời gian nghiên cứu.
Nhân dịp này, Trung tâm Nghiên cứu Triển khai đã ký kết hợp tác với Trung tâm Công nghiệp - Viện CISRO Australia về việc hợp tác phát triển các vật liệu nano ứng dụng trong cảm biến và y sinh.
MEMS (Micro-Electro-Mechanical Systems) là một thiết bị và thiết bị này là một Hệ thống vi cơ điện tử được tích hợp từ các thành phần cơ khí, cảm biến, bộ chấp hành (actuators) và các mạch điện tử cùng nằm chung trên một lớp nền silicon thông qua công nghệ vi chế tạo. Ở Châu Âu thì gọi là “Microsystem”, ở Nhật gọi là “Micromachining”, Còn ở Mỹ gọi là MEMS, được lấy các chữ cái đầu dễ nhớ, duy nhất và một số nước như Úc hay Israel đã đồng ý cho tên gọi MEMS này. |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận