Vì sao các AI nhận diện tiếng Việt đều hoạt động tệ hơn quảng cáo?
Nhiều doanh nghiệp muốn mua các giải pháp AI về nhận diện ngôn ngữ tiếng Việt. Thế nhưng khi thử nghiệm trên thực tế, kết quả lại kém xa so với kỳ vọng.
- 12 dự án AI xuất sắc nhất tại Vietnam AI Grand Challenge
- AI biến đổi ngành công nghiệp smartphone như thế nào
Đây là một thực tế vừa được chia sẻ tại phiên hội thảo chuyên đề "Phát triển nền tảng AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên - tiếng Việt" trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN). Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề về mối quan tâm của họ đối với các công cụ nhận diện ngôn ngữ tiếng Việt. Thế nhưng trên thị trường hiện nay vẫn chưa có sản phẩm này khả dĩ đáp ứng được nhu cầu.
Buổi chia sẻ giữa các nhà phát triển bộ công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN). Ảnh: Trọng Đạt
Nhiều nhà cung cấp giải pháp giới thiệu về sản phẩm của mình rất hay, thế nhưng khi thử nghiệm trên thực tế thì kết quả lại hoàn toàn đáng thất vọng, đại diện một doanh nghiệp cho biết. Theo PGS. Lương Chi Mai - chuyên gia về các giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên, việc triển khai các công nghệ nhận dạng ngôn ngữ trên thực tế phức tạp hơn rất nhiều so với lý thuyết.
Thực tế cho thấy, mỗi một doanh nghiệp lại có những đặc điểm và yêu cầu khác nhau, cả về cơ sở dữ liệu cũng vậy. Thế nên, nếu muốn tìm ra giải pháp hiệu quả có thể áp dụng vào thực tiễn, đơn vị cung cấp giải pháp AI cần phải đồng hành liên tục cùng với doanh nghiệp. Nếu không làm như vậy, sẽ chẳng có chiếc chìa khoá vạn năng nào có thể dùng cho mọi ổ khoá, bà Mai nói.
PGS. Lương Chi Mai - chuyên gia về các giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt
Theo ông Đỗ Quốc Trường, Giám đốc công ty Hệ thống Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (VAIS), vấn đề khó nhất khi chuyển giọng nói thành văn bản là sự sai khác về cách phát âm giữa mỗi vùng miền. Bên cạnh đó, tạp âm có trong môi trường cũng sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của quá trình chuyển đổi.
Dù công nghệ nhận dạng ngôn ngữ hiện đã rất phát triển, khả năng lọc và phân biệt âm thanh của máy tính vẫn không thể nào đọ được với tai người. Do vậy, công cụ xử lý ngôn ngữ không thể thay thế con người mà chỉ có thể hỗ trợ, giúp giảm tải thời gian, công sức, ông Trường nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đỗ Văn Hải, đại diện Trung tâm Không gian mạng Viettel cho rằng, các sản phẩm nhận dạng tiếng nói tiếng Việt đã chín muồi, do vậy doanh nghiệp không cần phải ngại Microsoft, Google. Tuy vậy, thực tế cho thấy, các chương trình nhận dạng giọng nói của Google và Microsoft hiện vẫn được đánh giá là cho độ chính xác cao nhất trong việc xử lý ngôn ngữ tiếng Việt.
Theo Vietnamnet
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận