Nhiều kỳ vọng từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)
Việc các nước hoàn tất đàm phán RCEP đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng cũng như của tất cả các nước tham gia RCEP nói chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 3. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Theo tuyên bố chung đưa ra bên lề Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 35 và các hội nghị liên quan tại Thái Lan, 15 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), không bao gồm Ấn Độ đã hoàn tất giai đoạn đàm phán dựa trên văn bản của 20 chương trong Hiệp định gồm hầu như toàn bộ các vấn đề tiếp cận thị trường và hướng tới mục tiêu ký kết hiệp định vào năm 2020.
Bộ Công Thương cho biết, được ASEAN khởi xướng vào năm 2012, RCEP là một thỏa thuận thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác. Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu vào năm 2013 với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và 6 quốc gia mà Hiệp hội đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.
Việc các nước hoàn tất đàm phán RCEP đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng cũng như của tất cả các nước tham gia RCEP nói chung, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên cản trở toàn cầu hóa.
Là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi RCEP được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.
Hiệp định này dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN; trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.
Sau gần 7 năm đàm phán với sự nỗ lực rất lớn của tất cả các bên, đến nay, 15 nước đã hoàn tất đàm phán toàn bộ lời văn Hiệp định và kết thúc hầu hết tiến trình đàm phán mở cửa thị trường.
Riêng Ấn Độ còn một số vấn đề chưa giải quyết được nên sẽ tiếp tục làm việc với các nước để có thể đi đến thống nhất trong năm sau. Các nước cũng nhất trí sẽ sớm tiến hành rà soát pháp lý lời văn Hiệp định để triển khai các thủ tục ký kết trong năm 2020.
Riêng với Việt Nam, sau khi thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ tháng 1/2018 và ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) vào tháng 6/2019, việc hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Khi RCEP được ký kết và có hiệu lực, nguồn nguyên liệu sản xuất doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN và 6 nước cộng thêm cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.
Thị trường các nước tham gia RCEP có nhu cầu lớn về mặt hàng dệt may.
Về những kỳ vọng của doanh nghiệp từ Hiệp định này, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, RCEP là khu vực có quy mô thị trường lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam đã tham gia. Các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào RCEP bởi sẽ tạo ra một thị trường “khổng lồ”, với gần 50% dân số thế giới, đặc biệt Trung Quốc, Ấn Độ chiếm 30% GDP toàn cầu, 28% tổng lượng thương mại của thế giới.
Đây cũng là thị trường có mức độ phát triển kinh tế mạnh mẽ nên nhu cầu rất lớn. Đặc điểm của người tiêu dùng trong RCEP (16 nước) là một bộ phận lớn không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm. Thị trường này có nhu cầu lớn với sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt - may, giày - dép…
Về thương mại và dịch vụ, RCEP có đàm phán mở cửa tốt hơn cho ngành dịch vụ. Đặc biệt là đàm phán về thương mại điện tử, tạo đà cho sự phát triển của thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực khác.
Về khác biệt của RCEP so các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện nay, RCEP thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó giúp tận dụng cơ hội trong chuỗi giá trị, trong khi CPTPP chỉ dừng ở hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng các cam kết. Ngoài ra, RCEP đàm phán mở cửa thị trường mua sắm công - mua sắm của Nhà nước.
Theo đại diện VCCI, trong bất kỳ thị trường nào thì mua sắm của Nhà nước là cực kỳ lớn, nhưng các nước lâu nay vẫn đóng cửa thị trường này để dành cho doanh nghiệp trong nước. Việc RCEP cho phép mở cửa này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận một thị trường rất lớn.
VCCI cũng kỳ vọng về cơ hội xuất, nhập khẩu từ RCEP. Theo đó, ưu đãi thuế quan sẽ được cải thiện hơn nữa; quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng; thống nhất trong các quy trình về hải quan, tạo thuận lợi thương mại; giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ sản xuất.
Theo VCCI, hiện các nước tham gia RCEP đang cung cấp từ 80-90% nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam. Có thể nói Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khu vực này để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Nếu RCEP được ký kết thì mức thuế xuất khẩu hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam được hưởng có thể chỉ là từ 0-5%. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu thì quy tắc xuất xứ nguyên liệu sản xuất là quan trọng nhất. Doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất là từ Việt Nam.
Để tận dụng được các cơ hội đến từ RCEP, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, RCEP bao trùm toàn bộ chuỗi sản xuất một số loại hàng hóa của Việt Nam. Chẳng hạn như ở lĩnh vực dệt - may, CPTPP không có Trung Quốc tham gia, nên Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan do nguyên liệu dệt - may chủ yếu nhập từ Trung Quốc vì không đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Nhưng với RCEP, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng được điều này.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận