Fintech không chỉ là dự án CNTT trong mục tiêu "Make in Viet Nam"
Trong xu thế kinh tế số hiện nay, ngành ngân hàng không chỉ được coi là một dự án công nghệ thông tin, mà đó còn là một trong những chiến lược mang tầm vĩ mô trong xu thế công nghệ hiện nay bởi đó còn mang ý nghĩa lớn trong mục tiêu "Make in Viet Nam".
Lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Do vậy, cần nhanh chóng có một cơ chế thử nghiệm cho lĩnh vực này để thúc đẩy diện mạo mới cho ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam.
Đây là thông tin được nêu ra tại Hội thảo Toàn cảnh Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam (VIO 2019) với chủ đề “Định hình tương lai fintech Việt Nam”, do Hội Tin học TP HCM và Fintech Academy Singapore (FTA) tổ chức tại TP HCM sáng 31/10.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, fintech có một thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam, với 66% dân số dùng internet, 64% dùng mạng xã hội, 60% dùng smartphone (báo cáo Digital Marketing năm 2019 của WeareSocial và Hootsuite).
Cùng với đó, trong tổng số 143 triệu thuê bao điện thoại của người Việt, có tới 45% đăng ký 3G – 4G; Việt Nam có 4 ngân hàng thương mại nhà nước, 28 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, 1.183 quỹ tín dụng nhân dân… Đây sẽ là đối tác rất lớn, có nghiệp vụ chuyên nghiệp, có cơ sở dữ liệu khách hàng lớn, là “mảnh đất màu mỡ” để fintech có thể hợp tác chia sẻ và phát triển.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng thuộc Đại học Quốc gia TP HCM cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 154 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực fintech, với 70% công ty fintech là các công ty khởi nghiệp.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM cho rằng, với một lĩnh vực còn mới tại Việt Nam như fintech, con số trên là sự phát triển khá ngoạn mục nhưng vẫn còn khiêm tốn nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Singapore, một cường quốc về fintech.
Theo ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc NHNN – Chi nhánh TP HCM, sự phát triển của fintech trở thành một trong những vấn đề mà ngành ngân hàng Việt Nam đặc biệt quan tâm thời gian gần đây.
Hiện NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo fintech có nhiệm vụ tham mưu, nghiên cứu và xây dựng chiến lược, khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của lĩnh vực này đối với hệ thống ngân hàng.
Vừa qua, NHNN cũng đã trình Chính phủ Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng và sẽ triển khai sau khi được Chính phủ phê duyệt.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, với quy mô giao dịch lớn, lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một thị trường nội địa đủ lớn cho hàng ngàn doanh nghiệp fintech phát triển, góp phần thực hiện hóa mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025.
Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị phát triển doanh nghiệp công nghệ số với nhiều giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ; tin tưởng các doanh nghiệp fintech Việt Nam sẽ thực hiện hóa được chủ trương “Make in Viet Nam” (sáng tạo, thiết kế và phát triển tại Việt Nam). Đây là con đường tất yếu để Việt Nam có ngành tài chính, ngân hàng không chỉ hiện đại mà còn tự chủ.
Các chuyên gia nhận định, lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế với hàng triệu giao dịch giữa các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp mỗi giờ.
Việc áp dụng thành công các công nghệ số để phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ tác động lan tỏa to lớn, mang lại hiệu quả theo cấp số nhân đối với toàn bộ hoạt động kinh tế.
Nhìn nhận ngân hàng số là xu hướng tất yếu của ngân hàng, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt đề xuất, cần sớm ban hành văn bản pháp lý và cho phép cơ chế thử nghiệm (sandbox) về các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt; ngân hàng số; hệ thống đại lý ủy thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ hỗ trợ nạp tiền/ rút tiền mặt bằng ví điện tử, tài khoản; hỗ trợ thực hiện dịch vụ ngân hàng số có thu phí...
Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh truyền thông thúc đẩy dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp và người dân nhằm phát triển nền kinh tế số.
Trong tình hình hiện nay, phát triển mô hình ngân hàng số là xu hướng tất yếu mà ngành ngân hàng hướng đến trong thời gian tới. Theo ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc NHNN – Chi nhánh TP HCM, không thể coi phát triển ngân hàng số là một dự án công nghệ thông tin, mà đó là một trong những chiến lược của ngành ngân hàng Việt Nam trong tương lai.
Các ngân hàng cần nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi thế hệ mới theo thiết kế của ngân hàng số với các quy trình được số hóa, quản trị thông minh, tự động hóa xử lý và kiểm soát rủi ro, gian lận dựa trên các công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, robot tự động.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận