Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-19: Việt Nam tham dự với 16 đề xuất
Việt Nam đã xây dựng và gửi 16 đề xuất tới Hội nghị bao gồm 13 đề xuất chung của khu vực châu Á Thái Bình Dương (APT) và 03 đề xuất riêng của Việt Nam bao gồm các nội dung: bổ sung băng tần cho nghiệp vụ thông tin di động IMT; bảo vệ các băng tần cho an ninh quốc phòng; sửa đổi các qui định về đăng ký, phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh trong Thể lệ vô tuyến chặt chẽ hơn tránh việc lạm dụng của các nước lớn, các tổ chức vệ tinh lớn; Sửa đổi qui định, thủ tục cho phép chùm vệ tinh phi địa tĩnh hoạt động ở băng C; bổ sung tần số cho hệ thống cứu nạn hàng hải GMDSS…
WRC-19 là Hội nghị lớn nhất của ITU được tổ chức tại tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập. Hội nghị hoạch định chính sách về quản lý phổ tần và quỹ đạo vệ tinh, thông qua Thể lệ vô tuyến thế giới, văn kiện pháp lý quốc tế quy định về việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải dẫn đầu tại Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-19. Ảnh: Mic.gov.vn
Hội nghị sẽ diễn ra trong 4 tuần từ ngày 27/10 đến ngày 22/11/2019, với 3500 đại biểu tham dự tới từ 193 quốc gia thành viên của ITU, gần 300 quan sát viên từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Thủ tướng Moustafa Madbouli đã tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị. Việt Nam tham gia Hội nghị WRC-19 với mục tiêu đảm bảo sự hài hòa về sử dụng tần số của Việt Nam với thế giới và bảo vệ các quyền lợi của Việt Nam trong việc phân bổ và quy hoạch tần số.
Chương trình nghị sự Hội nghị WRC-19 bao gồm 40 chủ đề về phân bổ và dùng chung tần số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh cho các nghiệp vụ: thông tin di động, vệ tinh, hàng hải, hàng không, thông tin cứu hộ cứu nạn đồng thời đưa ra chương trình nghiên cứu trong 4 năm tiếp theo cho nhiều nghiệp vụ thông tin vô tuyến.
Hội nghị WRC-19 sẽ giải quyết yêu cầu lớn cho các công nghệ mới nhất, vai trò nòng cốt của nền kinh tế số bao gồm: bổ sung tần số cho thông tin di động (IMT); hiện đại hóa hệ thống an toàn và cứu nạn hàng hải GMDSS bao gồm mở rộng vùng phủ đến Cực bắc/nam; đảm bảo cho hệ thống vệ tinh khí tượng và quan sát trái đất tiếp tục hoạt động giám sát môi trường, dự báo và giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; bổ sung băng tần cho trạm mặt đất đặt trên phương tiện chuyển động (ESIM) liên lạc với vệ tinh địa tĩnh GSO; tăng cường khung quản lý quốc tế cho kết nối vệ tinh băng rộng từ hệ thống chùm vệ tinh phi địa tĩnh mới; phân bổ băng tần cho hệ thống trạm phát sóng trên cao (HAPS) đặt trên máy bay đường dài, phục vụ hệ thống viễn thông khẩn cấp, giao thông minh, cứu nạn hàng hải và giám sát môi trường; tạo điều kiện cho hệ thống thông tin vô tuyến tàu hỏa đáp ứng yêu cầu về tốc độ cao…
Tại phiên toàn thể của Hội nghị, 01 đại diện của Việt Nam (cán bộ Cục Tần số vô tuyến điện) đã được bầu vào vị trí phó chủ tịch của COM 5 - Ủy ban về chương trình nghị sự liên quan đến vệ tinh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận