Bổ sung 2 hướng kết nối, Internet Việt Nam đi quốc tế sẽ có giá thành thấp hơn
Theo đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam, thời gian tới, với việc 2 tuyến cáp biển ADC, SJC2 được đưa vào khai thác, Việt Nam sẽ có nhiều hướng kết nối quốc tế hơn. Do đó, Internet sẽ có chất lượng ổn định và giá thành thấp hơn.
Cáp ADC là một trong hai tuyến cáp biển sẽ gia tăng kết nối cho Internet quốc tế của Việt Nam.
Mới đây, Hiệp hội cáp trực tiếp châu Á đã thông tin về việc chỉ định NEC xây tuyến cáp quang biển ngầm ADC có chiều dài 9.40km. Dự kiến được hoàn thành vào quý IV/2022, cáp ADC có băng thông lên tới 140 Tb/giây, truyền dẫn dữ liệu từ khu vực Đông Nam Á và Đông Á, với các điểm kết nối gồm HongKong, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cùng với đó, NEC cũng được giao xây dựng tuyến cáp Southeast Asia Japan 2 (SJC2) có dung lượng 144 Tb/giây. Tuyến cáp này có chiều dài 10.500km với 11 điểm cập bờ tại Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số điểm tại Đài Loan, Nhật Bản. Cáp SJC2 dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2021.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam.
Phóng viên ICTnews vừa có cuộc trao đổi ngắn với ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) liên quan đến việc kết nối Internet quốc tế của Việt Nam sẽ có thêm 2 hướng kết nối qua các tuyến ADC và SJC2.
Ông nhận định thế nào về việc kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế sắp được bổ sung thêm 2 tuyến cáp biển?
Tôi cho rằng, việc các liên minh viễn thông trong khu vực tiếp tục đầu tư triển khai các tuyến cáp biển kết nối các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ giúp đáp ứng nhu cầu băng thông và góp phần giảm giá thành, giúp thúc đẩy phát triển các dịch vụ Internet và viễn thông trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có nhiều hướng kết nối quốc tế hơn, do đó nhìn chung Internet sẽ có chất lượng ổn định hơn, giá thành thấp hơn.
Các tuyến cáp biển mới ADC và SJC2 sẽ đóng góp gì cho quá trình phát triển hạ tầng số để phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam?
Điểm mới với hai tuyến cáp này là được kết nối vào Việt Nam tại Quy Nhơn, Bình Định. Điều này vừa giúp tăng tính an toàn cho hệ thống các kết nối quốc tế của Việt Nam, không tập trung hết tại một địa điểm cập bờ. Hơn thế, việc hai tuyến cáp biển mới có điểm kết nối với Việt Nam tại Quy Nhơn, Bình Định còn có thể là một động lực thúc đẩy sự phát triển CNTT-TT của Bình Định và các tỉnh lân cận.
Như vậy, trong thời gian tới Việt Nam sẽ có trạm cập bờ cáp quang biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Quy Nhơn (Bình Định) và Đà Nẵng.
Dù vậy, chúng ta cũng thấy là, hai tuyến cáp quang biển mới này vẫn kết nối tới những điểm trung chuyển chính trong khu vực như HongKong (Trung Quốc), Singapore. Điều này khẳng định một thực tế về vai trò lớn của Singapore và HongKong. Tuy nhiên cũng cho thấy Việt Nam có thể từng bước có cơ hội trở thành một trạm trung chuyển tiếp theo, nếu hạ tầng kết nối sang các nước phía Tây cũng như hạ tầng trong nước được phát triển mạnh mẽ hơn.
Với sự bổ sung trên, sự phụ thuộc của Internet Việt Nam với các tuyến cáp biển đang chiếm dung lượng lớn như AAG, IA, APG sẽ có sự thay đổi thế nào, thưa ông?
Các tuyến cáp biển mới đều được áp dụng những công nghệ mới nhất, do đó dung lượng và giá thành đều có khả năng tốt hơn các tuyến cáp biển hiện tại. Chắc chắn rằng khi các tuyến cáp quang biển mới đưa vào hoạt động, sự phụ thuộc của Việt Nam vào các tuyến cáp biển hiện nay sẽ giảm đi. Cùng với đó, độ an toàn, ổn định chất lượng dịch vụ cũng sẽ tăng lên.
Trong bối cảnh Việt Nam cũng đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, bên cạnh việc bổ sung năng lực hạ tầng, theo ông tới đây đâu là những giải pháp cần được cơ quan quản lý cũng như các nhà mạng tập trung triển khai?
Sự phụ thuộc Internet Việt Nam vào các tuyến cáp quang biển quốc tế đã cho thấy nhu cầu trong nước về truy cập Internet là rất lớn, cũng như cho thấy phần lớn nội dung và ứng dụng vẫn từ nước ngoài. Các hoạt động chuyển đổi số càng mạnh mẽ, trong khi năng lực đáp ứng trong nước chưa sẵn sàng, thì nhu cầu kết nối Internet quốc tế càng tăng.
Chúng ta cũng thấy nhiều nhà mạng lớn đang nỗ lực dịch chuyển để trở thành các nhà cung ứng giải pháp, dịch vụ số, qua đó để nỗ lực kéo người dùng sử dụng các dịch vụ nội địa, giữ nguồn lực ở lại trong nước. Bộ TT&TT cũng đang hỗ trợ, thúc đẩy các nỗ lực trong ngành, thường xuyên giới thiệu các giải pháp - dịch vụ nội địa, khuyến khích tiêu dùng trong nước, giảm phụ thuộc vào hạ tầng cũng như các nền tảng nước ngoài. Những điều này đang tác động tích cực đến chuyển đổi số tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Theo ICT News/Vân Anh
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận