“Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ sôi động trong 2-3 năm tới”
Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình dự đoán trong 2-3 năm tới, thị trường Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam sẽ sôi động và có lẽ sẽ đóng góp lớn cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nói riêng và của đất nước nói chung.
Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam.
Trong khuôn khổ sự kiện “OpenInfra Days 2019” chủ đề “Khai phá tiềm năng hạ tầng mở” do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp với Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) và Cộng đồng Việt Open - Infra phối hợp tổ chức mới đây, VIA đã công bố việc khởi động kế hoạch thành lập Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy thị trường dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu ở Việt Nam phát triển lành mạnh.
ICTnews vừa có cuộc trao đổi với ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam về thị trường dịch vụ Điện toán đám mây (Cloud) và Trung tâm dữ liệu (Data Center) cũng như kế hoạch thành lập Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam:
Xin ông cho biết đánh giá của mình về thị trường dịch vụ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam hiện nay?
Trong 2-3 năm gần đây rõ ràng thị trường có những tín hiệu tích cực. Chúng tôi cũng quan sát thấy nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lớn đón đầu. Dự đoán trong 2 - 3 năm tới, thị trường sẽ sôi động và đóng góp lớn cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Trong các hướng mà VIA định cùng Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam làm trong thời gian tới, có việc dự kiến xây dựng các báo cáo định kỳ về mảng dịch vụ này, như Cloud-Index hay các báo cáo về chuyển đổi.
Mặc dù điện toán đám mây được nhận định là một xu hướng phát triển song hiện nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn e ngại việc đưa dữ liệu “lên mây” và một nguyên nhân lớn là sợ thất thoát lộ lọt dữ liệu, nguy cơ mất an toàn thông tin. Ông nghĩ sao về thực tế này?
Cứ có nối mạng là có nguy cơ rồi. Rõ ràng là đưa dữ liệu “lên mây” mang đến nhiều mối lo hơn cho người dùng. Và cũng vì thế nên người dùng thường tin tưởng các thương hiệu lớn, ở nước ngoài hơn. Đó là một thách thức với các nhà cung cấp trong nước. Đưa ra phương hướng kết nối các doanh nghiệp trong mảng Cloud và Data Center, VIA cũng có mong muốn các nhà cung cấp Việt Nam thành công hơn trong việc cạnh tranh với các “ông lớn” nước ngoài.
Nhưng đưa dữ liệu “lên mây” là một xu thế, thà rằng chúng ta làm dần, làm sớm, để thích nghi và hình thành nhận thức cũng như công cụ để tăng cường bảo mật, an toàn, hơn là chỉ cất dữ liệu trong hộc bàn.
Tổng thư ký VIA Vũ Thế Bình cho rằng: "Đưa dữ liệu “lên mây” là một xu thế, thà rằng chúng ta làm dần, làm sớm, để thích nghi và hình thành nhận thức cũng như công cụ để tăng cường bảo mật, an toàn, hơn là chỉ cất dữ liệu trong hộc bàn" (Ảnh minh họa: Internet)
Vậy đâu là những lý do chính để VIA quyết định đứng ra xúc tiến việc thành lập Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam, thưa ông?
VIA là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động được gần 10 năm, với các hội viên sáng lập tại thời điểm 2010 đều là các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). Trong quá trình phát triển, những “tay chơi” của Internet Việt Nam cũng như hội viên của VIA đã trở nên đa dạng, góp phần hình thành một hệ sinh thái Internet Việt Nam, gồm các doanh nghiệp về hạ tầng Internet – Viễn thông, các doanh nghiệp nội dung số, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ - giải pháp giá trị gia tăng trên Internet...
Những năm gần đây, ngoài sự phát triển về hạ tầng Internet băng rộng cố định và băng rộng, để đáp ứng nhu cầu cũng như để thúc đẩy thị trường, nhiều doanh nghiệp, hội viên VIA đã đầu tư và đưa ra thị trường các dịch vụ Cloud và Data Center đa dạng.
Ở góc độ nhu cầu của người dùng, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp đang chuyển ứng dụng của mình lên Cloud, phần lớn là đưa lên các dịch vụ Cloud nước ngoài như Amazon, Microsoft, Google, Alibaba…
Chúng tôi quan sát thấy sự dịch chuyển rất thú vị. Một số nhà mạng giữ giá tăng băng thông, tức là gián tiếp hỗ trợ, thúc đẩy việc sử dụng các dịch vụ Cloud đặt tại nước ngoài. Trong khi đó, cũng chính các nhà mạng đó đang đầu tư và cố gắng đưa ra thị trường các dịch vụ Cloud trong nước. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ, startup cũng nỗ lực xây dựng và cung cấp các dịch vụ - giải pháp Cloud.
VIA mong muốn các “tay chơi Cloud và Data Center” có cơ hội hợp tác với nhau, để thúc đẩy và mở rộng thị trường, kích cầu, giảm thiểu khả năng thị trường Cloud và Data Center trong nước chưa lớn đã có nguy cơ thiếu bền vững. Chúng tôi cố gắng vận động, làm trung gian và kết nối các “tay chơi”; việc thực sự hợp tác và cùng thúc đẩy, phần lớn phụ thuộc vào các doanh nghiệp trong cuộc.
Ông có thể chia sẻ những thông tin cụ thể hơn về kế hoạch xúc tiến Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ được VIA triển khai thời gian tới?
VIA đã vận động các doanh nghiệp đang hoạt động tích cực trong mảng Cloud và Data Center. Nhân sự kiện OpenInfra Days 2019, chúng tôi cũng đã gửi thông điệp đến các doanh nghiệp để có thể hình thành nhóm sáng lập của Câu lạc bộ (VNCDC) vào dịp Internet Day 2019 cuối tháng 11 tới.
VIA mong muốn thành viên của Câu lạc bộ sẽ là các doanh nghiệp ở các mảng cung ứng dịch vụ Data Center, dịch vụ Cloud, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi Cloud, các hãng phần cứng - phần mềm - giải pháp an toàn bảo mật, gồm cả doanh nghiệp lớn và SME/startup, để có sự đa dạng và thúc đẩy lẫn nhau.
Trong thời gian chuẩn bị cho OpenInfra Days 2019, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ tích cực của một số lãnh đạo doanh nghiệp, hy vọng trong vài tháng tới sẽ có nhiều doanh nghiệp quan tâm. Cuộc chơi này, theo quan điểm của VIA, chủ yếu là của các doanh nghiệp. VIA đóng vai trò thúc đẩy, hỗ trợ, kết nối, và gắn kết với các hoạt động chung của VIA.
Xin cảm ơn ông!
Theo ICT News
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận