FSI ký kết đối tác chiến lược với Công ty 129 đảm bảo an toàn thông tin trong phát triển Chính phủ điện tử
Quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, mối quan tâm lớn nhất đó là việc kiểm soát thông tin, bảo mật và giảm thiểu những vụ tấn công mạng để đảm bảo an toàn thông tin, Công ty FSI đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với Công ty 129.
- Chính phủ điện tử tiến tới kết nối giữa trục liên thông văn bản với thông tin doanh nghiệp
- Dự kiến quý 3/2019, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ khung pháp lý về Sandbox
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Công ty TNHH Một thành viên 129 thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Ngay sau lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, Công ty 129 và Công ty FSI sẽ cùng nhau xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể như: Tư vấn, triển khai các giải pháp an ninh, an toàn thông tin (các sản phẩm phần cứng, phần mềm và tích hợp); Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trong quá trình chuyển đổi số, số hóa và dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật cho các cơ sở dữ liệu (BigData); Giám sát, đánh giá an ninh, an toàn thông tin cho một hệ thống công nghệ thông tin của một tổ chức khách hàng, khôi phục dữ liệu khi xảy ra sự cố.
Theo nhận định của các chuyên gia, chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử và xây dựng đô thị thông minh hiện không đơn thuần là một xu thế mà đã trở thành chiến lược phát triển của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Thực hiện chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử và xây dựng đô thị thông minh là bước đi mà mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam đều phải thực hiện nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, quá trình này luôn gắn liền với nhiều thách thức, rủi ro. Trong đó, rủi ro về an ninh, an toàn thông tin là vấn đề được đặt lên hàng đầu.
Việc ký kết thỏa thuận, hợp tác chiến lược giữa FSI và Công ty 129 được kỳ vọng sẽ tạo ra thế mạnh lớn, khả năng cạnh tranh cao, mang lại lợi ích, hiệu quả tối ưu cho các khách hàng trên thị trường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trong quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, kết nối Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và đô thị thông minh nói chung; đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên thị trường bảo mật, an toàn thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Trong phát biểu tại sự kiện, Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cũng cho rằng: “Việc ký kết thoả thuận giữa Công ty 129 và Công ty FSI sẽ góp phần giảm thiểu mối lo ngại cho các các tổ chức, doanh nghiệp về các cuộc tấn công mạng, về khả năng kiểm soát thông tin…. trong quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, kết nối Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData), trí tuệ nhân tạo (AI) và đô thị thông minh đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay”.
Cũng tại lễ ký, ông Phạm Mạnh Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty 129 cho biết thêm: “Sau thời gian tìm kiếm đối tác, chúng tôi nhận thấy các giải pháp của Công ty FSI đề ra đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật trong xây dựng các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin hiện nay. Chúng tôi hy vọng việc hợp tác với FSI trong tư vấn, triển khai các dự án về an ninh, an toàn, bảo mật thông tin và số hóa trong lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ góp phần vào việc phòng ngừa các cuộc tấn công mạng, đồng thời khắc phục, giảm bớt các thiệt hại mà tội phạm mạng gây ra cho các tổ chức, các doanh nghiệp”.
Được thành lập năm 1993, Công ty 129 là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, có 100% vốn chủ sở hữu nhà nước thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, hoạt động trong lĩnh vực: Tư vấn, thiết kế, xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và các sản phẩm, dịch vụ bảo mật, an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật. Công ty FSI ra đời năm 2007, đến nay đã phát triển thành một doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm và thế mạnh trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số hóa, xây dựng phần mềm, tạo lập cơ sở dữ liệu. |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận