Cơ hội và thách thức cho Việt Nam khi cả thế giới đang “khát” nhân lực AI
Báo cáo mới đây của Vietnamwork cho biết, nguồn nhân lực AI hiện nay chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu thị trường công nghệ cao, qua đó mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển nhân lực AI chuyên nghiệp đồng thời đó cũng là thách thức trong đào tạo nguồn lực.
- 12 dự án AI xuất sắc nhất tại Vietnam AI Grand Challenge
- AI đầu tiên trên thế giới nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ tại châu Âu
Theo dữ liệu của trang tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks, nửa đầu năm 2019, mức lương đăng tuyển cao nhất thuộc về các vị trí dành cho kỹ sư có chuyên môn về trí tuệ nhân tạo (AI), với mức lương 2.000 USD/tháng (tương đương hơn 46 triệu đồng/tháng).
Nhân lực về trí tuệ nhân tạo đang dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng nhân lực công nghệ hiện nay. (Ảnh minh họa: KT)
Cũng theo báo cáo này, nhu cầu nhân lực các lĩnh vực công nghệ dữ liệu bao gồm AI (trí tuệ nhân tạo), Data Science (khoa học dữ liệu) và Big Data (dữ liệu lớn) tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay với số lượng đăng tuyển và số lượt ứng tuyển tăng cao. Trong đó, AI dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong nhu cầu tuyển dụng nửa đầu 2019, tăng 46% so với năm 2017.
Theo đánh giá khác của Google Brain, nhu cầu nhân lực phục vụ AI trên thế giới là khoảng 1 triệu người, nhưng hiện mới có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Riêng tại Việt Nam, dự báo sẽ thiếu 70.000 - 90.000 nhân sự công nghệ cao trong năm 2020 trên tổng nhu cầu 350.000 nhân lực về công nghệ toàn thị trường.
GS. Nguyễn Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, những nghiên cứu về AI tại Việt Nam đã có từ 5-7 năm trước. Tuy nhiên để nghiên cứu và ứng dụng đều cần có nhân lực, song việc đào tạo không phải một sớm, một chiều trong khi nguồn nhân lực AI hiện nay còn rất mỏng.
GS. Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann
GS. Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann (Viện JVN) cho rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, với 65% dân số ở độ tuổi lao động, trong đó có 143 triệu người sử dụng điện thoại, máy tính.
Không chỉ có lợi thế về dân số, Việt Nam cũng đã xác định rõ chuyển đổi số là mũi nhọn phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó AI chính là hạt nhân của chuyển đổi số. “Đây là cơ hội để phát triển nhân lực AI của Việt Nam”, GS. Hồ Tú Bảo nhận định.
GS. Bảo cũng cho rằng các doanh nghiệp cần phối hợp với đơn vị đào tạo đưa giáo trình và khóa học ngắn hạn tạo ra lộ trình phát triển nhân lực AI chuyên nghiệp.
Nhu cầu nhân lực cao nhưng có không ít thách thức đối với việc triển khai AI tại Việt Nam. Khảo sát của Navigos tại Việt Nam, 69% số lượng nhân lực trong ngành công nghệ thông tin có ý định chuyển việc, 31% đang suy nghĩ về việc thay đổi. Nguyên nhân chính xuất phát từ vấn đề đãi ngộ của doanh nghiệp.
Hiện tượng “chảy máu chất xám” tại Việt Nam không phải mới nhưng đang diễn ngày càng nhiều khi đãi ngộ và đầu tư nhân lực, đặc biệt là nhân lực công nghệ cao chưa được chú trọng.
“Nguồn nhân lực AI đã hiếm, nhưng tìm bậc thầy đào tạo AI còn hiếm hơn. Do đó, việc tìm kiếm những bậc thầy đào tạo AI để phát triển nhân lực là yếu tố quan trọng, cần tập trung nguồn lực bao gồm các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng nền tảng AI vững mạnh”, GS. Hồ Tú Bảo nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, Nhà nước cũng cần xem xét và bổ sung những chính sách cho nhân tài công nghệ cao. Có như vậy mới hạn chế được việc “chảy máu chất xám” trong điều kiện cả thế giới đang khát nhân lực chất lượng cao về AI như hiện nay.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận