Y tế thông minh - Công cụ hữu hiệu trong phòng chống dịch bệnh
Toàn bộ bức tranh về dịch bệnh của Thành phố được hiện ra chỉ sau một “click chuột” và ngay lập tức các ổ dịch được khoanh vùng, xử lý, hạn chế lây lan ra các khu vực khác. Đây là công cụ đắc lực giúp TP HCM quản lý, kiểm soát tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn trong 3 năm qua.
- TP HCM sẽ ngày càng thông minh hơn trong phục vụ người dân
- TP HCM tiên phong trong xây dựng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thông minh
- TP HCM vận hành y tế thông minh hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Áp dụng công nghệ để dự phòng bệnh
Mỗi ngày, bên cạnh các công việc thường ngày, chị Lê Thị Tuyến, cán bộ phụ trách phòng, chống dịch bệnh của Trạm Y tế xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP HCM, liên tục kiểm tra thông tin trên hệ thống bản đồ dịch bệnh mà Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố xây dựng và cài đặt tại trạm y tế xã. Tại đây, thông tin các ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn xã nhập viện tại các bệnh viện được Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố cập nhật liên tục. Chỉ cần một chấm đỏ xuất hiện trên bản đồ, ngay lập tức Tuyến nắm được thông tin, tên, tuổi, địa chỉ của người bệnh và đến tận thực địa để điều tra.
“Trước đây, thông tin từ trên gửi xuống thường chậm, lúc mình đến thực địa có khi đã xuất hiện thêm 2-3 ca bệnh mới, hoặc thành một ổ dịch khiến cho công tác chống dịch rất vất vả. Nhưng giờ đây, mình liên tục cập nhật, nắm được thông tin sớm, lên phương án dự phòng, cũng như hướng dẫn người dân cách phòng, chống sốt xuất huyết, ngăn chặn kịp thời việc phát sinh ổ dịch mới”, chị Tuyến chia sẻ.
Theo chị Lê Thị Tuyến, khó nhất trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết là ở các khu vực giáp ranh giữa địa phương này và địa phương khác. Thông tin phối hợp giữa hai bên trước đây khá kém và “mạnh ai nấy làm”, dễ phát sinh các ổ dịch liên xã nhưng không bên nào hay biết. Và cứ thế ổ dịch ngày càng lan rộng, không thể kiểm soát. Thế nhưng, hiện nay vấn đề đó đã được giải quyết nhờ vào hệ thống WebGIS (GIS - Geographic Information System) trong quản lý bệnh sốt xuất huyết do Trung tâm Y tế Dự phòng phối hợp với Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TP HCM thực hiện, được đưa vào chính thức vận hành từ năm 2016. TP HCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công ý tưởng này, ứng dụng trong phòng, chống dịch bệnh.
Bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết, trước đây việc quản lý bệnh sốt xuất huyết được thực hiện trên giấy hoặc trên phần mềm Excel. Cụ thể, các thông tin ca bệnh được các bệnh viện gửi đến Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, rồi chuyển về các quận, huyện, sau đó chuyển xuống trạm y tế phường/xã. Lúc này, các trạm y tế sẽ điều tra xác minh, tìm địa chỉ ca bệnh, ghi thông tin vào phiếu, chấm điểm ca bệnh trên bản đồ giấy, sau đó lập sổ theo dõi, khoanh vùng, xử lý ổ dịch và báo cáo lên Trung tâm Y tế Dự phòng. Toàn bộ quy trình thường mất cả tuần mới hoàn tất với nhiều quy trình phức tạp, nhưng cũng không đảm bảo được tính chính xác của tình hình dịch trên từng địa bàn.
Với hệ thống WebGIS, khi có dữ liệu ca bệnh từ các bệnh viện, Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ thống kê lên bản đồ GIS. Ngay lập tức, các trạm y tế có thể nhận được thông tin và tiến hành xác minh, xử lý ngay. Ở chiều ngược lại, chỉ cần với chiếc máy tính kết nối mạng, nhân viên phụ trách phòng, chống dịch có thể nhập tất cả dữ liệu mỗi ca bệnh vào hệ thống, như định vị khu vực cư trú, họ tên, ngày báo cáo, ngày nhập viện, hình thức điều trị… Ngay lập tức, toàn bộ thông tin về tình hình dịch sốt xuất huyết của từng địa phương được chuyển thẳng về Trung tâm Y tế Dự phòng.
Trên bản đồ GIS, mỗi ca bệnh được hiển thị bằng một điểm với màu sắc khác nhau, phân chia theo thời gian khởi bệnh. Ví dụ, ca bệnh khởi phát trong vòng 7 ngày có màu đỏ, sau đó tự động chuyển thành màu cam và sau 28 ngày chuyển thành màu xám. “Như vậy, khi chúng tôi nhìn vào bản đồ, khu vực nào có nhiều màu đỏ, màu cam thì hiểu là khu vực đó đang là điểm dịch nóng, từ đó có kế hoạch xử lý ổ dịch một cách rốt ráo, không để lan rộng”, bác sỹ Lê Hồng Nga cho hay.
Dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả
Tính đến tháng 5/2019, sau khoảng 3 năm triển khai, hệ thống WebGIS đã kết nối được với 81 bệnh viện trên địa bàn và cập nhật gần 90.000 ca bệnh, với khoảng 440 ổ dịch được ghi nhận.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Lê Hồng Nga, ý nghĩa lớn nhất của hệ thống WebGIS là có thể phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh của từng khu vực, từ đó có các phương án phòng ngừa tốt nhất, bởi WebGIS có thể giúp khoanh vùng nhanh chóng, xác định xu hướng lây lan của ổ dịch và đưa ra dự báo cũng như biện pháp phòng ngừa, nhu cần phun thuốc diệt muỗi lúc nào, phun thuốc với khối lượng bao nhiêu để vừa hiệu quả, vừa tránh lãng phí…
Ngoài ra, tính chính xác cũng là một trong những ưu điểm của hệ thống này. Trước đây, việc quản lý dịch bệnh chỉ theo địa giới hành chính, mỗi trạm y tế chỉ quản lý thông tin dịch bệnh trên địa bàn của mình, không có sự liên kết với địa phương đó. Do đó, cơ quan cấp cao hơn cũng không thể xác định được các ổ dịch liên phường/xã, liên quận/huyện để có phương án xử lý phù hợp. Với WebGIS, các ổ dịch liên phường/xã, liên quận/huyện được xác định chính xác và khoanh vùng một cách nhanh chóng. “Hệ thống này giúp phân vùng và xác định được mối tương quan các ổ dịch tại nhiều khu vực phường/xã, tổ, khu phố. Yếu tố không gian của GIS rất phù hợp trong quản lý các bệnh truyền nhiễm”, bác sỹ Lê Hồng Nga cho hay.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của hệ thống WebGIS, Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM đang cùng với Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý tiếp tục nghiên cứu, cải tiến thêm các ứng dụng để hệ thống WebGIS trở nên ưu việt hơn. Đặc biệt là xây dựng phần mềm thông tin cảnh báo dịch bệnh trên điện thoại di động giúp người dân cập nhật liên tục các thông tin về dịch bệnh tại địa phương mình đang cư trú.
Theo bác sỹ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, năm 2019, bên cạnh hướng dẫn nhân viên phòng chống dịch quận, huyện và phường, xã quản lý điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố sẽ tiếp tục chỉnh sửa và mở rộng các ứng dụng của phần mềm GIS trong quản lý dịch bệnh. Cụ thể là xây dựng lớp dữ liệu các bệnh truyền nhiễm khác và phân tích mối liên hệ các lớp dữ liệu bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, hệ thống này mới chỉ được ứng dụng trong việc phòng, chống và kiểm soát bệnh sốt xuất huyết. Trong thời gian tới, ngành Y tế TP HCM sẽ mở rộng hệ thống WebGIS để kiểm soát, phòng chống các bệnh lý truyền nhiễm khác như sởi, tay chân miệng, zika, tiêu chảy, cúm…
Với quyết tâm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, ngành Y tế TP HCM đang nỗ lực ứng dụng các giải pháp công nghệ vào công tác quản lý, dự phòng khám chữa bệnh. Bước đầu, nhiều người dân đã được thụ hưởng những tiện ích của “y tế thông minh” mang lại. Đây cũng một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận