Ngành xuất bản chịu tác động rất lớn từ CMCN 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang tạo ra sự thay đổi đối với công tác xuất bản tạo bước ngoặt cho sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của ngành xuất bản Việt Nam; đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn, đòi hỏi phải tiếp tục cải cách, chuyển đổi mạnh mẽ để có thể thích ứng nhu cầu mới.
Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thông minh
Nhận định về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành xuất bản, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) Nguyễn Nguyên cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến sự chuyển biến về mô hình, quy trình xuất bản; xuất hiện các sản phẩm xuất bản mới thay thế dần vai trò của sách truyền thống... Đây là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn đối với các NXB hiện nay.
Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành nhấn mạnh: Ở góc độ nhất định, xuất bản sẽ là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc nhất từ cuộc cách mạng 4.0. Sự tác động này mang tính hai chiều: Mở ra những cơ hội và tiềm ẩn cả những nguy cơ, thách thức.
Cuộc cách mạng 4.0 mở ra một bước ngoặt mới về tốc độ chia sẻ, sự lan tỏa thông tin, xuất bản phẩm được phổ biến tới nhiều độc giả trong thời gian có thể tính bằng giây/phút nhờ việc xóa nhòa giới hạn, ranh giới về không gian, thời gian.
Cuộc cách mạng này cũng mở ra cơ hội, không gian mới cho việc tiếp nhận "tư liệu sản xuất" của công tác biên tập, xuất bản, bởi những người làm xuất bản có thêm nhiều cơ hội, kênh tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của người đọc, hoặc chủ động tìm kiếm, khai thác đề tài, tổ chức bản thảo. Sự phát triển của trí thông minh nhân tạo tạo thuận lợi cho biên tập viên trong một số khâu như: tra cứu, tìm kiếm, kiểm chứng thông tin...
Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra thách thức không nhỏ, đó là sự thay đổi trong mối quan hệ giữa tác giả - NXB - độc giả. Trong thời đại 4.0, với sự đa dạng, phong phú, tiện lợi của các phương tiện truyền thông, độc giả có thể chủ động chọn phương thức tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn.
NXB, tác giả phải thay đổi phương cách phục vụ nhu cầu của độc giả, lấy việc đáp ứng nhu cầu của độc giả làm mục tiêu cho sự tồn tại, phát triển của mình. Giá thành xuất bản phẩm điện tử cực thấp hoặc miễn phí do không tốn chi phí in ấn, chi phí lưu thông xuất bản phẩm, lưu kho.
Các phần mềm quản trị giúp cho các đơn vị xuất bản tiết kiệm chi phí, thời gian, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong việc thực hiện các nghiệp vụ: kế toán, bán hàng, quản lý nhân sự… Điều đó gây ra bất lợi về sức cạnh tranh của sách in truyền thống với xuất bản phẩm điện tử.
Bên cạnh đó, các kênh truyền thông trở nên vô cùng đa dạng, cho phép tác giả có thể tự xuất bản tác phẩm của mình trên mạng internet, cũng như độc giả hoàn toàn có thể tự tìm đến các tác giả, tác phẩm. Điều này đã tác động trực tiếp đến vai trò, vị trí của các NXB...
Mở rộng dịch vụ hạ tầng để phát triển sách điện tử
Theo đại diện của nhiều NXB, trước những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành xuất bản, phát hành ở Việt Nam cần có nhiều thay đổi để bứt phá. Một trong những nội dung cần được cải cách là việc cấp phép hoạt động của ebook (sách điện tử), bởi đây là một xu thế tất yếu.
Bà Đinh Thanh Thủy, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tham gia xuất bản, phát hành sách điện tử từ tháng 10/2012, tuy nhiên đến nay NXB vẫn chưa được chính thức cấp phép hoạt động do chưa có bộ thủ tục theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Cuối năm 2017, Bộ TT&TT có Thông tư số 42 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ.
Cuối năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực TT&TT.
NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án theo hướng dẫn, đã được cơ quan chủ quản thẩm định và phê duyệt về cấp độ an toàn hệ thống thông tin; đang lập hồ sơ để sớm được thẩm định, cấp phép hoạt động chính thức.
Bà Đinh Thanh Thủy cho biết, hiện nay NXB phải dừng đăng ký xuất bản, tạm dừng phát hành ebook trong khi thực tế hệ thống này của đơn vị đã hoạt động từ năm 2012.
Việc không cập nhật tựa ebook mới làm cho data ebook của NXB không thể thu hút người đọc, dẫn đến mất khách hàng, ảnh hưởng đến doanh thu ebook vốn đã không cao.
Bà Thủy kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép các NXB đã hoạt động ebook trước thời gian ban hành Nghị định, Thông tư có liên quan, được tạm duy trì hoạt động xuất bản, phát hành ebook; quy định hạn cuối phải có giấy phép hoạt động ebook để hỗ trợ các NXB mạnh dạn làm ebook.
Điều này cũng sẽ thể hiện sự "ưu tiên phát triển xuất bản phẩm điện tử" được nêu rõ trong Quyết định 115/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông cũng nhận định: Khó khăn trong việc xuất bản sách điện tử xuất phát từ nhiều khúc mắc.
Một NXB muốn làm sách điện tử phải đầu tư rất nhiều trang thiết bị, tốn kém, trong khi tiềm lực của nhiều đơn vị không đủ đáp ứng. Đầu tư nhân lực công nghệ thông tin cũng đòi hỏi cao, trong khi nhân lực của NXB về công nghệ còn yếu. Cấp có thẩm quyền cần cho phép các NXB thuê hạ tầng, dịch vụ làm sách điện tử từ công ty công nghệ, tạo thuận lợi cho việc làm sách điện tử.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận