Chuyển đổi số trong truyền thanh cơ sở
Chuyển đổi hệ thống loa truyền thanh cơ sử phát FM sang hệ thống truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ 4.0 đang là xu thế hiệu quả để nâng cao công tác tuyên truyền. Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước như Thái Nguyên, Hà Giang, Hải Phòng, Bình Phước, Phú Thọ, Lào Cai… đã và đang triển khai hệ thống truyền thanh thông minh trên địa bàn tỉnh.
1. Công nghệ truyền thanh cũ và những bất cập
Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống truyền thanh cơ sở nước ta chủ yếu sử dụng hai hình thức là dùng loa có dây và phát thanh qua sóng FM. Những công nghệ đã này đã cũ, có nhiều bất cập trong vận hành, sử dụng.
Đối với hệ thống có dây, gây mất mỹ quan đô thị do các tuyến dây dẫn kết nối giữa các thiết bị thu với máy phát trên các tuyến đường liên thôn, khu phố; âm thanh phát không đồng nhất và không đồng bộ; dễ bị chập vào hệ thống điện lưới khi có thiên tai; số lượng cụm loa phụ thuộc công suất máy tăng âm; cán bộ vận hành phải có mặt tại chỗ.
Đối với hệ thống dùng sóng FM, chất lượng tín hiệu phụ thuộc vào chất lượng của máy phát và chất lượng của các bộ thu; Có nguy cơ can nhiễu tín hiệu; Cần phải xin phép giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
Bên cạnh đó, công tác lắp đặt các Đài truyền thanh hữu tuyến và vô tuyến yêu cầu về khoảng cách, khó bố trí và thay đổi các cụm loa. Đơn vị cung cấp thiết bị không có cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng tại địa phương: hỏng loa sẽ mất nhiều tháng để sửa, nhiều thiết bị không có thiết bị thay thế.
Thêm nữa, công tác sản xuất chương trình tại một số địa phương vẫn áp dụng đọc thủ công có phần đã lạc hậu, một số địa phương thu âm vào điện thoại, máy tính sau đó thực hiện phát lại, các cách làm này vẫn còn khá lạc hậu so với khoa học công nghệ hiện nay.
Các bất cập nêu trên của hệ thống truyền thanh cũ đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đầu tư mới hệ thống đài truyền thanh thông minh để đáp ứng tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị ở cơ sở và nhu cầu về truyền thanh cơ sở của người dân.
2. Truyền thanh thông minh và những ưu điểm
Mô hình Loa thông minh
Truyền thanh thông minh thế hệ mới sử dụng công nghệ IP để truyền và nhận bản tin phát thanh qua mạng Internet, sóng 3G/4G thay vì phát thanh thông qua sóng FM. Vì vậy, hệ thống không cần cột ăng ten thu phát, không cần đăng ký tần số FM, không bị chèn sóng, lẫn sóng, âm thanh trong và rõ, đồng thời việc lắp đặt được thực hiện nhanh gọn, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, công tác phát sóng nội dung linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực, đặt lịch phát thanh theo giờ, ngày hoặc tuần, có thể chuyển tiếp tín hiệu của đài truyền thanh huyện, thành phố.
Cùng với đó, hệ thống truyền thanh thông minh được tích hợp thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 (trí tuệ nhân tạo - AI) có thể tự động nhận dạng và đọc văn bản dạng chữ và chuyển thành tệp tin âm thanh để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm.
Ngoài ra, truyền thanh thông minh còn cho phép quản lý tập trung các loa phát thanh hỗ trợ cấp có thẩm quyền dễ dàng kiểm soát thông tin, quản lý chương trình, lịch phát thanh với độ bảo mật cao.
Đặc biệt, việc ứng dụng truyền thanh thông minh góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ở địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số trên thế giới đang diễn ra nhanh chóng. Việc triển khai mô hình đài truyền thanh thông minh góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20-01-2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, đây cũng là bước tiến trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, là giải pháp hữu hiệu đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ về nội dung, tránh tâm lý chủ quan dưa nhiều vào công nghệ gây ra những sai sót không đáng có.
Nguyễn Hoàng Linh -Trung tâm Tư vấn TTTT - Viện Chiến lược TTTT
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận