Vận hành "Trục liên thông văn bản quốc gia' thông qua thuê dịch vụ CNTT
Mới đây Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ký và ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT phụ vụ hạng mục "Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia" trên cơ sở những phân tích lợi ích của hoạt động này so với đầu tư hệ thống vận hành mới, đồng thời cũng là phương pháp tối ưu đảm bảo các giải pháp tổng thể tích hợp hệ thống quản lý.
Quyết định 678 phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT đối với hạng mục “Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia” vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký ban hành.
Theo đó, hạng mục “Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia” được thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ CNTT với thời gian thuê là 5 năm (60 tháng) bắt đầu từ năm 2019 với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Có đơn vị chủ trì thuê dịch vụ là Văn phòng Chính phủ, việc thuê dịch vụ CNTT đối với hạng mục “Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia” hướng tới các mục tiêu gồm: cung cấp giải pháp tổng thể tích hợp liên thông dữ liệu văn bản điện tử từ các hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại các bộ, ngành, địa phương cũng như các loại dữ liệu điện tử khác, là tiền đề để triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; cung cấp khả năng chuẩn hóa, tích hợp, kiểm soát, đảm bảo hiệu năng trao đổi thông tin thống nhất giữa các hệ thống mới, giúp Văn phòng Chính phủ phát triển các hệ thống ứng dụng theo cấp trúc hướng dịch vụ, hỗ trợ quản lý kết nối (API) đến các hệ thống bên ngoài của các bộ, ngành, địa phương, thực hiện liên thông các loại dữ liệu khác nhau bao gồm dữ liệu văn bản, dữ liệu báo cáo, dịch vụ hành chính công và các loại dữ liệu khác.
Đồng thời, cung cấp giải pháp bảo mật, an toàn an ninh thông tin để đảm bảo an toàn đối với dữ liệu trao đổi trên Trục liên thông văn bản quốc gia theo các quy định hiện hành; bảo đảm khả năng vận hành, quản trị hệ thống, đáp ứng được nhu cầu phát triển; tạo môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp.
Văn phòng Chính phủ cho biết, Trục liên thông văn bản quốc gia là hệ thống được thiết kế với định hướng là một hệ thống kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu và các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương, vì vậy cần thiết đánh giá tính hiệu quả giữa phương án đầu tư mua sắm và phương án thuê dịch vụ CNTT.
Theo phân tích của Văn phòng Chính phủ, việc lựa chọn phương án thuê dịch vụ CNTT sẽ bảo đảm một số lợi ích về nguồn lực, chất lượng dịch vụ, kỹ thuật công nghệ và khả năng nâng cấp, phát triển hệ thống.
Cụ thể, về nguồn lực, để đảm bảo vận hành hệ thống một cách hiệu quả, kịp thời khắc phục được các sự cố khi xảy ra trên hệ thống cũng như kịp thời tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động, cần có một đội ngũ quản trị, vân hành hệ thống. Yêu cầu về nhân sự là một yêu cầu cấp thiết, trong khi nguồn nhân lực của đơn vị chủ trì thuê dịch vụ là giới hạn.
Nhấn mạnh đây là một hệ thống quan trọng vì đảm nhiệm vai trò luân chuyển văn bản điện tử, dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước các cấp, Văn phòng Chính phủ cho rằng, nếu không có đơn vị cung cấp dịch vụ quản trị, vận hành, giám sát thường trực thì phát sinh sự cố dẫn đến mất khả năng kết nối, liên thông (tập tin văn bản, các gói tin trạng thái phản hồi, thông tin đơn vị liên thông, kết nối) sẽ không đảm bảo được tính liên tục, sẵn sàng, ổn định của hệ thống, phục vụ cho hoạt động của các cơ quan hành chính. Do đó, việc thuê dịch vụ CNTT sẽ đảm bảo hệ thống được quản trị, vận hành ổn định và thông suốt bởi nhà cung cấp dịch vụ. “Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ trọn gói sẽ có nhiều ưu điểm so với hình thức đầu tư mua sắm và chủ đầu tư tự quản lý hệ thống”, Văn phòng Chính phủ nêu.
Đề cập đến lợi ích về chất lượng dịch vụ, Văn phòng Chính phủ nhận định, nhà cung cấp dịch vụ CNTT là đơn vị chuyên nghiệp nên có hệ thống đào tạo bài bản cho nhân viên cũng như các phòng thí nghiệm để thử nghiệm giải pháp trước khi đưa ra cho cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, nhà cung cấp dịch vụ cũng có các hệ thống giám sát về chất lượng công việc của nhân viên và đảm bảo quy trình dịch vụ. Các dịch vụ cung cấp do đó sẽ có tính chuyên nghiệp cao. Với việc đảm bảo về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực CNTT của nhà cung cấp, việc thuê dịch vụ CNTT phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức sẽ được nâng cao và đảm bảo chất lượng.
Về kỹ thuật công nghệ, việc thuê dịch vụ CNTT đối với Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ bảo đảm sử dụng các công nghệ tiên tiến, mới nhất hiện nay, bảo đảm bắt kịp với xu hướng phát triển kỹ thuật CNTT của thế giới. “Trường hợp đầu tư mua sắm, giải pháp kỹ thuật sẽ không thay đổi trong quá trình quản trị, vân hành đến hết vòng đời của hệ thống. Còn với phương án thuê dịch vụ CNTT, việc nâng cấp các tính năng hệ thống đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẽ trở nên linh hoạt và theo yêu cầu đặt ra đối với từng giai đoạn khác nhau”, Văn phòng Chính phủ phân tích.
Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ cũng chỉ ra lợi ích của việc thuê dịch vụ CNTT đối với khả năng nâng cấp, phát triển hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia: “Đối với phương án đầu tư mua sắm, việc triển khai nâng cấp, phát triển phải theo lộ trình cụ thể, không đáp ứng được yêu cầu thay đổi thường xuyên của hệ thống. Với phương án thuê dịch vụ CNTT, việc nâng cấp, phát triển được thực hiện theo nhu cầu của Chủ trì thuê dịch vụ trong khoảng thời gian thuê dịch vụ (tối thiểu từ 3 – 5 năm)”.
Từ những phân tích kể trên, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, nhu cầu thuê dịch vụ CNTT là một phương án tối ưu để xây dựng, phát triển, quản trị và vận hành hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia thông suốt và cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ theo đúng tinh thần của Quyết định 80 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận