Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sớm xây dựng thể chế với mô hình kinh tế mới
Với mục tiêu “Khơi thông điểm nghẽn - giải phóng nguồn lực - hành động hiệu quả” trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ KH&ĐT sẽ phải đẩy nhanh việc xây dựng thể chế với các mô hình kinh tế mới trong kỷ nguyên số hiện nay.
- Viettel Post bước tiên phong trong kỷ nguyên số
- "Ngành ngân hàng sẽ có sứ mạng đi đầu về chuyển đổi số"
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Số hoá là trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới'
Theo đó, Bộ phải nhanh chóng triển khai Luật Đầu tư; trong đó, giải quyết những vướng mắc về thể chế, đặc biệt ở khâu thực hiện. Thực tế cho thấy, việc xây dựng một số luật vẫn còn vướng mắc và cần nhanh chóng hoàn thiện; đồng thời làm tốt công tác quản lý đấu thầu, quản lý đầu tư các dự án đầu tư công, không để tình trạng đấu thầu kéo dài, tham nhũng, thiếu công khai, minh bạch…
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cần khắc phục những hạn chế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát huy vai trò trong việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập..., góp phần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước.
“Bộ KH&ĐT phải đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng thể chế với các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, nhất là khi thế giới bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tiềm lực của quốc gia còn rất lớn, đặc biệt là lực lượng lao động và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Do vậy, Bộ KH&ĐT cần sâu sát trong việc tái đào tạo đội ngũ lao động, phân bổ nguồn lực, cơ cấu lao động, khơi thông nguồn lực…
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, cùng với chặng đường phát triển đất nước trở nên cường thịnh, vì hạnh phúc của nhân dân, sứ mệnh, trọng trách tiếp tục đặt lên vai những người làm KH&ĐT, đòi hỏi toàn ngành phải nâng mình lên một tầm cao mới; trang bị cho mình một tư duy đột phá, một tầm nhìn chiến lược, không ngừng đổi mới và cải cách.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Bộ cũng ý thức rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết; chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh tuy đã cải thiện, nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Kết quả của sự đổi mới về thể chế, pháp luật, chính sách mới chỉ ở tầm vĩ mô mà chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đi xuống cấp dưới và từng doanh nghiệp; chưa khắc phục được tình trạng trì trệ…
“Do vậy, Bộ KH&ĐT luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện, quyết tâm giữ vững ngọn cờ cải cách, đổi mới, dũng cảm vượt qua chính mình, vì lợi ích của đất nước, không vì lợi ích cục bộ, dám nghĩ, dám làm, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận