Dịch vụ truyền hình xuyên biên giới sẽ được "quản" đầy đủ hơn
Trong lĩnh vực kinh doanh truyền hình trả tiền (OTT), đặc biết là các dịch vụ xuyên biên giới hiện nay đang là một thách thức đối với các nhà quản lý khi Việt Nam đang trên đường hội nhập sâu và rộng hơn nữa với khu vực và trên thế giới đồng thời phải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mãnh giữa trong và ngoài nước.
- Truyền hình OTT tăng tới 50%/năm, nguy cơ lấn át truyền hình truyền thống
- Truyền hình OTT trong nước không ngại đầu tư kênh truyền hình trực tuyến và sản xuất phim bộ độc quyền
Theo nguồn tin từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), hiện nay Bộ TT&TT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 theo hướng hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới được tham gia kinh doanh tại thị trường Việt Nam, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước trên cùng điều kiện pháp lý.
“Dự kiến, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 sẽ sớm được thông qua để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài sớm hiện thực kế hoạch tham gia thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam”, đại diện Cục PTTH &TTĐT cho biết.
Liên quan đến việc quản lý nội dung truyền hình xuyên biên giới được cung cấp qua Internet vào Việt Nam, mới đây Cục PTTH&TTĐT đã làm việc với 4 hãng sản xuất tivi hàng đầu tại thị trường Việt Nam bao gồm Samsung, LG, Sony, TCL để phổ biến các quy định pháp luật về quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình. Đồng thời yêu cầu các hãng sản xuất tivi thực hiện loại bỏ tính năng truy cập dịch vụ Netflix trên điều khiển từ xa, cũng như sẽ gỡ bỏ Netflix khỏi kho ứng dụng Smart TV theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Cục PTTH&TTĐT, tại các buổi làm việc này, Cục PTTH&TTĐT đã phổ biến quy định pháp luật hiện hành về quản lý nội dung, dịch vụ và thiết bị đầu cuối thu xem truyền hình, trao đổi về tính năng truy cập dịch vụ Netflix được các doanh nghiệp tích hợp cố định trên điều khiển từ xa của tivi thông minh (Smart TV) bán ra tại thị trường Việt Nam.
Theo Cục PTTH&TTĐT, mặc dù đã chính thức cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam từ 3 năm nay, thu phí thuê bao hằng tháng đối với người dùng Việt Nam, nội dung truyền hình được chuyển ngữ sang tiếng Việt bằng phụ đề, tuy nhiên Netflix vẫn chưa có biểu hiện chấp hành quy định của Việt Nam về quản lý nội dung và dịch vụ.
Cụ thể, Netflix chưa thực hiện thủ tục cần thiết để có Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên mạng Internet tại Việt Nam. Thêm vào đó, nội dung truyền hình cung cấp trên dịch vụ của Netflix không được biên tập, biên dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các phim điện ảnh, phim truyền hình chưa thực hiện các yêu cầu về biên tập, cấp phép phổ biến phim. Netflix thực hiện thanh toán quốc tế trực tiếp từ tài khoản thanh toán quốc tế của người dùng Việt Nam và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho nhà nước Việt Nam.
Về mặt nội dung trên dịch vụ, vì không thực hiện biên tập, biên dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam nên nhiều nội dung cung cấp trên Netflix đã vi phạm các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Ví dụ, nhiều nội dung truyền hình, phim về bạo lực, khiêu dâm, sử dụng ma túy, chống đối nhà nước Việt Nam. Những bằng chứng vi phạm này đã được Cục PTTH&TTĐT gửi trực tiếp đến đại diện pháp lý của Netflix trong các buổi họp tham vấn về chính sách, pháp luật Việt Nam.
Theo quy định của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, để được cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet (còn gọi là OTT TV), các doanh nghiệp phải được Bộ TT&TT cấp giấy phép. Nội dung trước khi cung cấp trên dịch vụ phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập, biên dịch theo quy định của pháp luật về báo chí.
Tại buổi làm việc, đại diện 4 doanh nghiệp Samsung, LG, Sony, TCL cam kết khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sẽ triển khai các biện pháp ngăn chặn để không trở thành phương tiện phát tán dịch vụ không phù hợp quy định pháp luật Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Đại diện của các doanh nghiệp này cũng thống nhất quan điểm: “Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sẽ thực hiện gỡ bỏ ứng dụng Netflix trên SmartTV, đồng thời phím Netflix trên điều khiển từ xa của tivi sẽ được vô hiệu hóa. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống cập nhật phần mềm, doanh nghiệp có thể gỡ bỏ ứng dụng này trên kho ứng dụng đối với các sản phẩm SmartTV đã được bán ra thị trường”.
Netflix là ứng dụng cung cấp nội dung truyền hình trực tuyến đến người xem ở 190 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nội dung trên Netflix chủ yếu là phim điện ảnh, truyền hình, phim tài liệu, chương trình tạp kỹ, trò chơi truyền hình. Netflix là dịch vụ của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Netflix có khoảng 151,6 triệu thuê bao đăng ký tại 190 quốc gia. Tại Việt Nam, dịch vụ này được cung cấp từ năm 2016, con số thuê bao Netflix ở Việt Nam được giới chuyên môn ước tính có khoảng 300.000 thuê bao. Để sử dụng dịch vụ người dùng Việt Nam trả gói cước theo 2 gói cước từ 220.000 đồng và 260.000/tháng. |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận