Mã định danh điện tử cơ quan, tổ chức sẽ được trình Thủ tướng trong tháng 10/2019
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ TT&TT tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành cơ quan, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2019 quy định mã định danh điện tử cơ quan, tổ chức đảm bảo thống nhất, hiệu quả.
- Chính phủ điện tử tiến tới kết nối giữa trục liên thông văn bản với thông tin doanh nghiệp
- Số hóa tài liệu – Một bước quan trọng trong thực thi Chính phủ điện tử
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt tới Bộ TT&TT ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xây dựng và ban hành Quyết định ban hành hướng dẫn mã định danh điện tử cơ quan, tổ chức.
Thông báo nêu rõ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ TT&TT tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành cơ quan, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2019 quy định mã định danh điện tử cơ quan, tổ chức đảm bảo thống nhất, hiệu quả.
Việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành hướng dẫn mã định danh điện tử cơ quan, tổ chức nhằm phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của tất cả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương (Ảnh minh họa: Internet)
Trong kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2019, với lĩnh vực ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT đã xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành hướng dẫn mã định danh điện tử cơ quan, tổ chức để thống nhất về cấu trúc mã định danh điện tử cơ quan, tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của tất cả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.
Đánh giá về hiện trạng các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tại Việt Nam, Văn phòng Chính phủ cho hay, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đã được triển khai rộng rãi nhằm đổi mới quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu suất công việc. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tại các bộ, ngành, địa phương còn mang tính chất đóng, triển khai riêng lẻ, thiếu tính kết nối, dẫn đến tình trạng khó chia sẻ, tích hợp dữ liệu.
Khảo sát của Văn phòng Chính phủ cho thấy, năm 2018, trong khoảng 700 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tại các bộ, ngành, địa phương chỉ có khoảng 70 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được kết nối với nhau, chiếm tỷ lệ 10%; hầu hết chỉ trong ngành, lĩnh vực hoặc nội bộ bộ, ngành, địa phương và chủ yếu là kết nối trực tiếp, chưa có các kết nối, chia sẻ liên bộ, ngành, địa phương.
Theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thiếu hành lang pháp lý thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu; thiếu dữ liệu; thiếu nền tảng kết nối, chia sẻ; dữ liệu chưa được chuẩn hóa; thiếu chuẩn kết nối, chia sẻ.
Cũng nhằm góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử trong năm 2019, trong các tháng cuối năm nay, Bộ TT&TT sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu và Nghị định về xác thực, định danh điện tử; hoàn thiện Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 và kiến trúc Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 – 2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo ICT News
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận