Bước đột phá trong phát triển kinh tế thời đại 4.0 ở Việt Nam
Nhân loại đang tiến công mạnh mẽ vào cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu công nghệ như: trí thông minh nhân tạo (AI), công nghệ rô-bốt, các hệ thống tích hợp, … tạo ra những đột phá trong nền kinh tế Việt Nam.
- Dự kiến quý 3/2019, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ khung pháp lý về Sandbox
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Số hoá là trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới'
Trước những bước tiến vượt bậc của CMCN 4.0, Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xu thế này. Để quá trình này tiến hành có hiệu quả thì phát triển kinh tế số được xác định là một trong những trụ cột tất yếu, tạo ra bước đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Nó được biết đến với sự phát triển mạnh mẽ từ việc ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại mang tính đột phá trong sản xuất, sự phát triển mãnh mẽ của thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ trực tuyến…
Trong những năm gần đây, tại Việt Nam kinh tế số đã xuất hiện ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ thương mại, thanh toán cho đến các dịch vụ thiết yếu như giao thông, giáo dục, y tế... Các doanh nghiệp đã bắt đầu tham gia vào thương mại điện tử như: Vuivui.com, Tiki.vn,..., các nền tảng thanh toán trung gian bằng công nghệ QR Code, ví 123Pay và ZaloPay của ZION, Momo, Webmoney, Payoo..., mạng xã hội (Zalo), thiết bị IoT, thanh toán trực tuyến của các ngân hàng...
Với tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng số doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam chiếm 3,6% và đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Là quốc gia có số dân đang sử dụng internet ở mức độ cao, với khoảng 58 triệu người dùng internet, 125 triệu thuê bao di động trên gần 100 triệu dân và có khoảng 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó nhiều doanh nghiệp thành công ở các ngành CNTT, phần mềm, ứng dụng công nghệ số như FPT, DTT, Viettel... Bởi thế, Việt Nam hứa hẹn là thị trường tiềm năng cho sự phát triển kinh tế số.
Sự phát triển sôi động của nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các nền tảng thương mại điện tử có thể đưa doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đến với những thị trường lớn cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, phát triển kinh tế số, Việt Nam cần tập trung giải quyết được những vấn đề cơ bản sau:
Một là, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số. Theo Báo cáo mới nhất của VietnamWorks về nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT trong 3 năm gần đây thì số lượng nhân sự chỉ tăng ở mức 8%, trong khi số lượng công việc tăng trung bình 47%/năm.
Hai là, xây dựng hệ thống chính sách và những quy định pháp lý phù hợp, trong đó, luật văn bản điện tử, luật giao dịch điện tử, luật chữ ký số để hỗ trợ giao dịch điện tử là những văn bản thiết yếu.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm quan Triển lãm về công nghệ công nghiệp 2019.
Ba là, đầu tư đồng bộ và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo quyền riêng tư và an ninh mạng là chìa khóa để phát triển kinh tế số. Kinh tế số dựa trên nền tảng Internet, nếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trình độ công nghệ còn nhiều bất cập thì việc ngăn chặn và giải quyết vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin, tính riêng tư của dữ liệu sẽ gặp khó khăn gây mất lòng tin của người tiêu dùng.
Với quyết tâm hội nhập và khát vọng vươn xây dựng Việt Nam thịnh vượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 chỉ rõ: Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận