Băng tần nào cho 5G để phát triển ASEAN kỹ thuật số
Phát triển 5G tại Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung đang gặp phải những thách thức về băng tần khiến các nước trong khu vực cần phải giải bài toàn mW để hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Hiệp hội các nước Đông Nam Á kỹ thuật số.
Cơ sở hạ tầng viễn thông không chỉ là cơ sở hạ tầng truyền thông, mà là cơ sở hạ tầng của nền kinh tế kỹ thuật số, xã hội kỹ thuật số, internet của vạn vật (IoT) và cơ sở hạ tầng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 5G có vai trò đặc biệt trong việc kết nối cơ sở hạ tầng và là yếu tố không thể thiếu trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ASEAN kỹ thuật số.
Toàn cảnh buổi Hội thảo ASEAN phát triển 5G. Ảnh: Ninh Gia
Tại Việt Nam, để tận dụng lợi thế từ việc tiên phong triển khai 5G, Bộ TT&TT có kế hoạch tiến hành thử nghiệm vào năm 2019, lập kế hoạch phổ trong năm 2019-2020 và cấp phép thương mại vào năm 2020.
"Việt Nam đã cấp giấy phép cho 03 nhà khai thác di động để thực hiện thử nghiệm 5G tại một số thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vào ngày 10 tháng 5, Viettel đã thực hiện kết nối đầu tiên và cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam" Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết.
Tuy nhiên, để cung cấp dịch vụ 5G cũng đặt ra những thách thức khi các nước ASEAN đang phải đối mặt với việc phân bổ phổ tần cho 5G, nhiều quốc gia trong khu vực đang sử dụng 3,5 GHz cho các hệ thống vệ tinh trong khi việc sử dụng các băng tần mW vẫn còn bị nghi ngờ do phạm vi phủ sóng hạn chế.
Các Đại biểu tham dự Hội thảo.
Các băng tần mW như 26 và 28 GHz có thể tốt về mặt thương mại cho việc triển khai 5G trong giai đoạn đầu? Băng thông phổ 5G lớn hơn nhiều so với 4G, tần số cũng cao hơn, vậy nên thay đổi sơ đồ sạc phổ để phản ánh những thay đổi công nghệ này như thế nào?
Theo ông Đoàn Quang Hoan – Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, tất cả mọi người đều đánh giá rất cao vai trò của 5G đối với tương lai của thông tin di động và chuyển đổi số. Việc phát triển 5G, ngoài vấn đề công nghệ còn đòi hỏi một băng thông lớn, tức là phải có đủ tần số để phát triển 5G trên tất cả các ứng dụng của nó.
Cả 3 khu vực tần số cao, tần số trung bình và tần số thấp đều rất cần cho 5G. Khu vực tần số cao rất quan trọng đối với ứng dụng Internet tốc độ siêu cao. Băng tần trung bình là 2.6GHz và 3.5GHz đáp ứng yêu cầu phát triển băng thông tốc độ cao nhưng vùng phủ cũng chỉ tương đối. Trong khi đó, băng tần thấp đáp ứng yêu cầu về vùng phủ, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Scott Minehane, Giám đốc điều hành Windsor Place Consulting, một chuyên gia cao cấp về viễn thông, các quốc gia cần lên kế hoạch và quyết định việc sử dụng băng tần cho 5G, tiến hành nghiên cứu việc sử dụng băng tần 3.3-4.2 GHz hiện tại, có kế hoạch phối hợp với các nước láng giềng và xem xét các điều kiện kỹ thuật để phân bổ băng tần.
Ông Scott Minehane cho rằng thách thức đầu tiên trong việc triển khai 5G là phải đảm bảo hài hòa tần số dùng cho 5G. Tại hầu hết các quốc gia ASEAN, băng tần C-band (3.3 GHz - 3.8 GHz) đang được sử dụng nhiều trong các hệ thống vệ tinh. Đây là băng tần đang được triển khai cho mạng lưới 5G trên toàn cầu.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo.
“Vì vậy, thách thức cho các quốc gia cũng như Việt Nam khi triển khai 5G là đảm bảo đủ băng tần, bằng cách cải tổ, sắp xếp lại băng tần hoặc đồng sử dụng băng tần, đó chính là mục đích nghiên cứu của chúng tôi và cũng là vấn đề được chia sẻ tại Hội thảo ASEAN về tần số cho 5G hôm nay”, ông Scott Minehane nói.
Băng tần 3.5GHz đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển 5G, vì hệ sinh thái thiết bị 5G rất lớn và đã sẵn sàng. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã phát thử nghiệm 5G ở băng tần 3,5GHz nhằm nghiên cứu, đánh giá mức độ ảnh hưởng để đưa ra quyết định chính xác nhất đối với việc quy hoạch sử dụng băng tần 3,5GHz cho 5G.
Năm 2019, Vietnam đặt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về phát triển hạ tầng 5G như quyết tâm của Bộ trưởng Bộ TT&TT và hướng tới việc trở thành quốc gia đầu tầu trong việc đồng nhất hạ tầng công nghệ viễn thông các quốc gia khu vực Đông Nam Á theo đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Cục tần số, các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông, các đơn vị kinh doanh dịch vụ nội dung số, các đơn vị truyền thông, báo chí, nhà mạng…. Đặc biệt, còn có sự hiện diện của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông của các nước ASEAN, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Hệ thống thông tin di động toàn cầu, Cục Tần số Hàn Quốc/Nhật Bản cùng thảo luận, trao đổi về lộ trình quy hoạch, định hướng, xây dựng và ứng dụng hạ tầng công nghệ 5G sao cho hiệu quả nhất, phù hợp nhất.
Trước đó, tháng 3/2019, Bộ TT&TT đã tổ chức thành công Hội nghị ASEAN về 5G. Qua thảo luận tại Hội nghị, các nước ASEAN đều gặp khó khăn chung về vấn đề quy hoạch tần số cho 5G, như: Băng tần 3,5GHz đang được nhiều nước trong khu vực sử dụng cho vệ tinh; băng tần mmW (tần số 26GHz hoặc 28GHz) còn có những băn khoăn về vùng phủ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận