Trình Thủ tướng phê duyệt dự án lập hãng hàng không Cánh Diều
Sau quá trình thẩm định, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Cánh Diều ( Kite Air) của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh.
Cánh Diều mong muốn cất cánh vào giữa năm 2020 với 6 máy bay ATR 72 - Ảnh minh họa: TUẤN PHÙNG
Dự án lập hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) có mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển.
Hãng hàng không Cánh Diều dự kiến cất cánh trong quý 2 năm 2020 với 6 máy bay cánh quạt tầm ngắn ATR72 hoặc tương đương. Số máy bay sẽ tăng dần qua các năm và đến năm thứ 6 sẽ có 25 máy bay, trong đó, có 15 chiếc Airbus A320, A321 hoặc tương đương.
Tổng vốn của dự án hãng Cánh Diều là 5.500 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỉ đồng (chiếm 18% tổng vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỉ đồng (chiếm 82% tổng mức đầu tư).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Nam - nơi đặt trụ sở kinh doanh của hãng hàng không Cánh Diều - chỉ đạo Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án theo ý kiến của cơ quan thẩm định và các bộ ngành liên quan, giám sát chặt việc huy động vốn của nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án.
Theo dự án của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh, trong năm đầu tiên khai thác hãng Cánh Diều chỉ khai thác các đường bay nội địa từ Nội Bài, Chu Lai, Đà Nẵng đến các sân bay địa phương như Điện Biên, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Cà Mau, Côn Đảo, Rạch Giá và chỉ khai thác đường bay từ Tân Sơn Nhất đi Côn Đảo, trong đó, số chuyến bay khai thác tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 21 chuyến mỗi tuần…
Hãng Cánh Diều có kế hoạch khai thác đường bay quốc tế từ năm thứ 2 thành lập và mở rộng phạm vi khai thác từ năm thứ 3.
Như vậy, đến thời điểm này Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu với 3 dự án lập hãng hàng không Vietravel Air, Vinpearl Air và Cánh Diều - Kite Air.
Theo Tạp chí Điện tử
Bình luận