Phát triển năng lượng sạch – xu thế và thách thức
Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch – xu thế và thách thức” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/6 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã đề xuất, cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong giai đoạn tới, để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Áp lực nguồn cung
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), những tháng đầu năm, dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nhưng nhu cầu phụ tải vẫn tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trưởng trên 11%. Tình hình thủy văn vẫn bất lợi, dù đã phải huy động tối đa điện sản xuất từ điện than, khí, năng lượng tái tạo nhưng EVN vẫn phải huy động nguồn điện dầu giá cao.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, dự kiến, năm 2020 vẫn cơ bản có thể đảm bảo nhu cầu điện, song từ năm 2021, nguy cơ thiếu điện hiện hữu. Thậm chí, tình trạng thiếu điện tại miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài cả giai đoạn đến năm 2025 nếu như phụ tải tăng cao, lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ...
Theo tính toán, mỗi dự án nhiệt điện than từ 1.000 - 1.200MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại khu vực này tăng thêm từ 7,2 đến 7,5 tỷ kWh/năm.
Diễn đàn năng lượng Việt Nam năm 2020
Trong khi đó, nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ. Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ, đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là cần thiết và cấp bách.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, đối với Việt Nam, nếu lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,5-7% từ nay tới năm 2030, chúng ta cần có một nguồn điện năng vô cùng lớn. Chỉ nêu một ví dụ, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam hiện đạt khoảng 55.000 MW. Nếu tính cả các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300 MW, trong đó sẽ có khoảng gần 2.000 MW điện gió và mặt trời mới vào vận hành, thì công suất mới đạt gần 60.000 MW. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000 MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW. Trong khi đó, các nguồn điện năng chủ yếu như nhiệt điện, thủy điện cơ bản đều đã khai thác hết hoặc có những giới hạn phát triển.
Với vai trò quản lý ngành, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, như: chỉ đạo các doanh nghiệp năng lượng hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, nhằm khai thác "năng lượng xanh" để tạo ra nguồn điện, nhiên liệu sạch hơn gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; đặc biệt là thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời và điện gió.
Chỉ trong một năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á ở thời điểm này. Tính đến nay, nguồn điện mặt trời đã chiếm khoảng 10% công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam.
“Tuy nhiên, sự gia tăng với tốc độ nhanh chóng của nguồn năng lượng này đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, cơ chế giá điện… Cụ thể, hệ số sử dụng công suất của các nguồn NLTT (gió, mặt trời) tại Việt Nam chỉ khoảng 18-20%, thấp hơn đáng kể so với nguồn nhiệt than khoảng 75% và thủy điện khoảng 40-50%. Ngoài ra, nếu năng lượng sạch tham gia sâu vào hệ thống, việc vận hành sẽ gặp nhiều thách thức, như: Chất lượng điện năng cũng có xu hướng xấu đi, hiện tượng điện áp nằm ngoài ngưỡng quy định sẽ tăng thêm, đặc biệt tại các khu vực tập trung nhiều nguồn và cách xa trung tâm phụ tải, quá trình mất cân bằng trong hệ thống có xu hướng xảy ra nhanh và mạnh hơn...
Cần chính sách dài hơi
Phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, sinh khối tại Việt Nam đang được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, tỉnh Cà Mau đã tiếp và làm việc với rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu các dự án năng lượng tái tạo cũng như các dự án điện khí LNG. Đến nay, tỉnh này đã có trên 30 nhà đầu tư chính thức tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án với tổng công suất khoảng 12.000MW
Hay như tại Bình Thuận - một trong những địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất cả nước với số giờ nắng, giờ gió, tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao. Bình Thuận đã có 20 dự án điện gió được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, đầu tư và 95 dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư.
Tuy nhiên, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận và Cà Mau đều nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề truyền tải, giá điện...
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó chủ tịch Ủy ban năng lượng thuộc Tập đoàn Hà Đô cho hay, về truyền tải, với các chính sách thu hút đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư để giải tỏa công suất. Thực tế hiện nay, các dự án của Tập đoàn cũng không vướng mắc nhiều về vấn đề lưới điện truyền tải.
“Chúng tôi chỉ mong muốn, Chính phủ có những chính sách cụ thể hơn, dài hơi hơn về thu hút đầu tư trong phát triển năng lượng để doanh nghiệp nhìn vào đó, đưa ra kế hoạch đầu tư của mình. Nếu thời gian ưu đãi, thu hút đầu tư ngắn, sẽ khiến doanh nghiệp vừa làm vừa lo, không dám đầu tư mạnh trong vấn đề này”, ông Vinh cho biết thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện Năng lượng, hiện nay, phát triển năng lượng sạch vẫn đang vướng các rào cản về kinh tế, tài chính, công nghệ, và đặc biệt là cơ chế chính sách. Hiện vẫn cần có cơ chế hỗ trợ, thu hút đầu tư, một cách đồng bộ và dài hạn ổn định. Nếu có thể giải quyết các vấn đề này trong thời gian tới, sự đầu tư của khối tư nhân cho năng lượng tái tạo sẽ rất mạnh mẽ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tư nhân tham gia sâu hơn vào ngành năng lượng không chỉ bảo đảm vững chắc hơn cho an ninh năng lượng đất nước, mà còn tạo môi trường minh bạch để nền kinh tế thực sự phát triển bền vững.
Mới đây, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra chủ trương khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Với NQ55, hi vọng ngành năng lượng Việt Nam sẽ đón những làn sóng đầu tư lớn, hiệu quả hơn...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận