Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn trao giải nhất hạng mục thu hẹp khoảng cách số cho đại diện VNPT Edu - hệ sinh thái giáo dục thông minh Ảnh: Nguyễn Khánh
"Chính phủ sẽ tích cực hoàn thiện thể chế, pháp luật và triển khai các chiến lược phù hợp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số".
Đó là cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bức thư gửi tới cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại phiên khai mạc Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020 do Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) tổ chức ở Hà Nội ngày 23-12.
100.000 doanh nghiệp công nghệ số
Trong lá thư gửi tới diễn đàn, người đứng đầu Chính phủ khẳng định mục tiêu là đến năm 2030, Việt Nam phải có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số và kêu gọi: "Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cần phải đi tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi nền kinh tế số để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng".
Chia sẻ tại phiên khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: "Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Vietnam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng".
Ông Ngô Diên Hy, tổng giám đốc VNPT-IT, cho rằng mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số đến năm 2030 sẽ cần giải quyết nhiều vấn đề bởi thị trường Việt Nam chưa đủ không gian cho 100.000 doanh nghiệp số.
Do đó, theo ông Hy: "Tiến ra thị trường toàn cầu là sứ mệnh của doanh nghiệp số Việt Nam. Các doanh nghiệp số Việt Nam đang đi đúng hướng và có thể dần dần giải quyết mục tiêu này. Trong đó, các tập đoàn lớn phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt. Hiện nay VNPT đã ý thức rất rõ trách nhiệm này và đang trên lộ trình 'Go Global'".
Làm ra sản phẩm thay vì gia công
Hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0, một sản phẩm công nghệ số đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 của Tập đoàn VNPT, được Bộ TT&TT trao Giải thưởng xuất sắc nhất về thu hẹp khoảng cách số.
Trong số 50 sản phẩm, ứng dụng lần đầu tiên được bộ trao giải thưởng công nghệ số "Make in Vietnam" lần này có hàng loạt sản phẩm khác của tập đoàn như VNPT eKYC, hệ sinh thái VNPT SmartCloud, nền tảng học và thi trực tuyến (VNPT Learning), hệ thống quản lý và tương tác trực tuyến (VNPT ORIMX, VNPT Pay - Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam) cũng được ghi nhận ở các hạng mục khác nhau của giải thưởng.
Với những giải thưởng và ghi nhận trên cho thấy các doanh nghiệp số của Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, tạo ra những sản phẩm "Make in Vietnam" hoàn toàn mới. "Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động. Là thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Là thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Giải bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.
Theo ông Hùng, trong năm qua các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng trong nước cũng đã làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Một bất ngờ khác nữa của năm 2020 là Việt Nam trở thành nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. Rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được việc này.
Chia sẻ thêm, ông Ngô Diên Hy cho biết những doanh nghiệp lớn như VNPT có ngân sách để nghiên cứu, thử nghiệm những mô hình hợp tác mới. Việc tiên phong trong công nghệ khá tốn kém nhưng đem lại nhiều cơ hội. Và những doanh nghiệp công nghệ lớn như VNPT phải sẵn sàng đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số.
Cùng quan điểm này, ông Trương Gia Bình, chủ tịch FPT, cho rằng: "Việt Nam chưa có nhiều lắm các ứng dụng có thể đi tắt đón đầu lên thẳng nền tảng số, sử dụng ngay trí tuệ nhân tạo (AI). Những doanh nghiệp như VNPT, Viettel, CMC, FPT... cần đóng vai trò lôi kéo cộng đồng những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng nhau xây dựng những dịch vụ để phục vụ chính quyền, doanh nghiệp và người dân".
Theo Tuoitre.vn
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận