ITU Digital World 2020 sẽ nâng cao vị thế Việt Nam
Chiều ngày 13/2/2020, tại Trụ sở Bộ TT&TT đã diễn ra buổi cập nhật thông tin về công tác triển khai, chuẩn bị cho Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020).
Ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại buổi họp
Là sự kiện mang tầm cỡ toàn cầu, có quy mô lớn nhất về viễn thông và CNTT, ITU Digital World 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 6 - 9/9/2020 tại Thủ đô Hà Nội. Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đầu tiên tổ chức sự kiện với tên gọi mới (trước đây sự kiện có tên gọi là Hội nghị và Triển lãm Viễn thông Thế giới - ITU Telecom World). Với chủ đề “Cùng nhau xây dựng thế giới số - Building the digital world. Together”, ITU Digital World 2020 sẽ đánh dấu cho việc chuyển đổi số toàn diện trong khu vực và trên toàn cầu từ chính phủ đến xã hội, doanh nghiệp để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Việc đổi tên cũng dựa trên đề xuất của Việt Nam nhằm đáp ứng xu thế phát triển của công nghệ.
Ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT nhấn mạnh, không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò trung tâm về lĩnh vực ICT (ICT Hub) trong khu vực ASEAN, ITU Digital World 2020 cũng sẽ góp phần vào việc thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc xúc tiến và thiết lập quan hệ đối tác với các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Sự kiện còn góp phần quảng bá các sản phẩm, dịch vụ của ngành ICT Việt Nam nói riêng và quảng bá vẻ đẹp đất nước con người Việt Nam nói chung.
Ông Long cũng cho biết, diễn ra liên tục trong 4 ngày, ITU Digital World 2020 sẽ có 2 mảng chính quan trọng: Triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, các giải pháp mới của các tập đoàn hàng đầu thế giới; cùng một chuỗi khoảng 20 diễn đàn cấp cao, hội nghị bàn tròn Bộ trưởng, các phiên thảo luận, hội thảo chuyên đề. Cùng với đó, còn có chương trình kết nối và giải thưởng vinh danh những sản phẩm đổi mới sáng tạo ICT có tác động lan tỏa lớn đến phát triển kinh tế xã hội.
“Sự kiện lớn này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu cả về điều kiện hậu cần, vật chất và đặc biệt là về nội dung. Hiện Việt Nam cũng đang rất chủ động trong việc phối hợp với ITU để xây dựng chương trình nội dung phù hợp với xu thế chung của thế giới nhưng đồng thời cũng phản ánh được các ưu tiên của Việt Nam, thể hiện được các chính sách của Việt Nam trong xu thế chuyển đổi số, phát triển kinh tế số hiện nay”, ông Long nhấn mạnh.
Chuyên gia của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) phát biểu chia sẻ tại buổi họp
Theo ông Drew Donovan, Trưởng đoàn chuyên gia của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) vừa có 3 ngày làm việc tại Việt Nam để khảo sát về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, các điều kiện đảm bảo an ninh tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (NCC) – nơi sẽ tổ chức ITU Digital World 2020 vào tháng 9 tới, NCC có cơ sở vật chất đạt đẳng cấp quốc tế, tương đương như tại các quốc gia khác ITU đã tổ chức sự kiện trong khoảng 6-7 năm trở lại đây. “Tôi rất trông đợi ITU Digital World 2020 được tổ chức tại NCC”, ông Drew Donovan chia sẻ.
Cập nhật về công tác chuẩn bị cho ITU Digital World 2020, chuyên gia ITU cho hay, đến nay ngoài việc đã chốt được ngày tổ chức, chủ đề của sự kiện; ra mắt website của sự kiện, ITU cũng đã gửi thư mời, giới thiệu về chương trình đến tất cả các quốc gia thành viên, xây dựng kế hoạch marketing trên toàn cầu cho sự kiện, gửi thư mời các diễn giả tham gia chương trình hội nghị…
“Thỏa thuận ký kết hợp tác giữa ITU với Việt Nam – nước chủ nhà đăng cai tổ chức sự kiện hiện đang được soạn thảo, dự kiến bản cuối cùng sẽ có trong vài ngày tới để hai bên có thể ký kết”, ông Drew Donovan thông tin thêm.
Chuyên gia ITU đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam trong việc đề xuất đổi tên gọi mới của sự kiện cùng với thông điệp phù hợp với xu thế phát triển chiến lược số toàn cầu hiện nay.
Hiện ITU tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng các chủ đề thảo luận chính cho sự kiện, tập trung vào các mảng vấn đề: Kết nối - Với chủ đề về phát triển mạng di động 5G, hình thức kết nối, quản lý tần số, kết nối vệ tinh, phát triển băng rộng, IoT cho tương lai kết nối số, chính sách dừng công nghệ di động thế hệ cũ (2G/3G), xây dựng nền tảng dùng chung cho chính phủ điện tử, đô thị thông minh và các hệ thống thông tin quan trọng;
Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Với các chủ đề về hệ sinh thái sáng tạo số, chương trình quốc gia về chuyển đổi số, vai trò của nhà mạng viễn thông trong quá trình kiến tạo xã hội số và thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, cơ chế hợp tác quản lý mới đối với công nghệ và AI, ứng dụng AI hay Machine Learning, quản trị dữ liệu, kết nối trường học, phát triển ngân hàng số; Phát triển bền vững số và trách nhiệm của doanh nghiệp - Thảo luận về các nguyên tắc cơ bản trên môi trường số toàn cầu, an toàn và an ninh môi trường số, bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường số, trách nhiệm/đạo đức khi sử dụng và khai thác dữ liệu cá nhân./.
Theo MIC
Bình luận