Dữ liệu điện tử - Ai được tiếp cận và ứng xử thế nào?
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ghi nhận dữ liệu điện tử là một trong những nguồn chứng cứ. Nhờ có video clip, băng ghi âm... mà nhiều nút thắt của vụ án được tháo gỡ, đồng thời việc đấu tranh với tội phạm cũng dễ dàng hơn.
Đĩa CD được niêm phong trong hồ sơ vụ án - Ảnh: N.C.
Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu điện tử vẫn là một loại chứng cứ mới nên các cơ quan tố tụng ở mỗi nơi có cách hành xử khác nhau. Vậy dữ liệu điện tử được coi là chứng cứ khi nào? Bị can, bị cáo, luật sư sẽ được tiếp cận tài liệu này đến đâu?
Nơi cho sao chụp, nơi không
Đó là trường hợp mà nhiều luật sư gặp phải khi yêu cầu được tiếp cận chứng cứ là dữ liệu điện tử. Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết ông tham gia bào chữa cho một số bị can trong vụ án hình sự xảy ra ở TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh).
Trong vụ án, cơ quan chức năng đã trích xuất camera an ninh để đưa dữ liệu này vào hồ sơ. Tuy nhiên, quá trình tiếp cận hồ sơ, luật sư Tú làm đơn yêu cầu được tiếp cận, sao chép dữ liệu này nhưng cơ quan tố tụng tỉnh Trà Vinh không đồng ý.
Trái lại, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết ông từng tham gia nhiều vụ án có chứng cứ là video, dữ liệu điện tử và đều được các cơ quan tố tụng tạo điều kiện cho tiếp cận, sao chép dữ liệu điện tử. Vậy dữ liệu điện tử là gì và luật sư được quyền tiếp cận ra sao?
Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 quy định dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử, được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông...
Theo luật sư Trần Bá Học, hiện nay nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử được thu thập rất phổ biến. Trong Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định rõ đây là nguồn chứng cứ để xem xét, đánh giá trong quá trình chứng minh sự thật khách quan của vụ án hình sự. Tại điểm l, khoản 1 điều 73 Bộ luật TTHS năm 2015 có quy định quyền của người bào chữa được đọc, ghi chép và sao chụp tất cả hồ sơ, tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nhằm mục đích phục vụ hoạt động bào chữa một cách đầy đủ, toàn diện, đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ.
Chứng cứ là dữ liệu điện tử là một dạng chứng cứ đặc thù được lưu trữ dưới dạng số hóa hoặc bằng các file dữ liệu, hình ảnh nên trong quá trình sao chụp, người bào chữa cũng có quyền được tiếp cận bằng cách sao lưu dựa trên file được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập. Từ việc sao lưu như vậy, người bào chữa mới có đầy đủ thông tin dữ liệu để thực hiện công việc bào chữa của mình, góp phần giúp cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá khách quan, toàn diện vụ án.
Cần có quy định rõ ràng
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng Bộ luật TTHS năm 2015 đã có quy định về dữ liệu điện tử. Tuy nhiên trong hoạt động thực tế của luật sư hiện nay, việc tiếp cận chứng cứ dữ liệu điện tử là hết sức khó khăn. Các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, viện kiểm sát hay tòa án thường không cho luật sư tiếp cận trước phiên tòa, điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn trong hoạt động bào chữa của các luật sư.
Tuy nhiên, luật sư Tú đánh giá khó khăn này một phần xuất phát từ việc bảo quản, lưu trữ chứng cứ, dữ liệu điện tử hết sức khó khăn. Bởi chứng cứ điện tử rất mong manh, trong quá trình sao chép chứng cứ điện tử có thể không may người sao chép làm mất dữ liệu, làm biến đổi dữ liệu khiến nó không còn toàn vẹn thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Ngoài ra, tài liệu, chứng cứ điện tử khi chuyển giao từ cơ quan điều tra sang viện kiểm sát, tòa án thường được các cơ quan này cùng ký đóng dấu niêm phong. Đây cũng là một khó khăn khiến cơ quan tiến hành tố tụng chưa tạo được điều kiện cho các luật sư tiếp cận, sao chụp chứng cứ, dữ liệu điện tử.
Luật sư Tú cho rằng trong thời gian tới, các cơ quan tư pháp trung ương cần có những biện pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn này trong hoạt động tố tụng của các luật sư. Vì những tài liệu điện tử cũng cần phải được sao chụp và nhân bản ra nhiều phiên bản để tránh rủi ro, làm hư hại, mất mát dữ liệu này, khiến việc giải quyết vụ án gặp bế tắc.
Theo một thẩm phán công tác tại TP.HCM, các video clip, băng ghi âm, dữ liệu điện tử... trong hồ sơ vụ án cũng là một dạng tài liệu, chứng cứ. Trừ các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục..., đối với các tài liệu thông thường nếu luật sư có yêu cầu được sao chụp, tiếp cận, cơ quan tố tụng phải tạo điều kiện để họ sao chụp tài liệu. Tuy nhiên, việc tiếp cận chứng cứ này cần phải được lưu ý, cẩn trọng. Để đảm bảo giữ chứng cứ, tài liệu này toàn vẹn, không bị tác động, cơ quan tố tụng có thể sao ra nhiều bản và cho luật sư sao chụp lại.
Thu thập, bảo quản dữ liệu điện tử thế nào?
Bộ luật TTHS năm 2015 quy định phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử... bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong phải được bảo quản nguyên vẹn. Người nào phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Theo Tạp chí Điện tử
Bình luận