AI với giao thông thông minh - Nơi ứng dụng các nghiên cứu của các nhà khoa học
Đây là chủ đề của cuộc thi Thử thách trí tuệ nhân tạo (A.I-Challenge) tạo ra sân chơi cho các nhà khoa học cũng là nơi để họ có thể thử thách những nghiên cứu của mình trong thực tế ứng dụng.
- 12 dự án AI xuất sắc nhất tại Vietnam AI Grand Challenge
- AI biến đổi ngành công nghiệp smartphone như thế nào
Ngày 25/6, Sở TT&TT TP HCM tổ chức buổi họp báo phát động Hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trên địa bàn TP HCM năm 2020 tại Trung tâm Báo chí TP HCM.
Hội thi do UBND TP HCM chủ trì, Sở TT&TT là đơn vị triển khai thực hiện, với sự phối hợp của các đơn vị Đại học Quốc gia TP HCM, Sở KH&CN, Hội Tin học Thành phố và Thành đoàn TP HCM.
Đối tượng tham gia Hội thi là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân người Việt Nam ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại TP HCM.
Theo kế hoạch, Hội thi sẽ được triển khai theo 2 nhóm chính. Nhóm 1 là Cuộc thi Thử thách trí tuệ nhân tạo (A.I-Challenge) với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo với giao thông thông minh” sẽ diễn ra từ ngày 5/8 đến ngày 30/8.
Cuộc thi được tổ chức dựa theo hình thức các cuộc thi thử thách khoa học trên thế giới, thí sinh sẽ được chia thành các đội thi cùng phát triển các thuật toán, giải pháp trí tuệ nhân tạo để ứng dụng phục vụ cho giao thông TP HCM. Các thuật toán, dữ liệu này sau đó sẽ được cho chạy thử trên hệ thống của Ban Tổ chức để chọn ra đội thắng cuộc.
Nhóm 2 là Cuộc thi Sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I-Solution) sẽ diễn ra từ ngày 1-30/8 dành cho các cá nhân, đơn vị có sản phẩm giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp và phục vụ cộng đồng xã hội.
Đối với nhóm 2, Ban Tổ chức yêu cầu sản phẩm dự thi cần thỏa mãn một trong các tiêu chí: là sản phẩm, giải pháp đã được thương mại hóa; là công trình nghiên cứu khoa học đã được đóng gói, sẵn sàng chuyển giao hoặc đã được chuyển giao; là dự án khởi nghiệp sáng tạo đã được ứng dụng vào thực tế; là sản phẩm, giải pháp đã được ứng dụng trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Về giải thưởng, mỗi nhóm thi có 3 giải Nhất, Nhì, Ba với số tiền thưởng lần lượt là 100 triệu, 30 triệu và 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, các cá nhân và đơn vị đạt giải sau cuộc thi sẽ được hỗ trợ đăng ký bản quyền và giới thiệu thuật toán, giải pháp của mình đến các đơn vị đang triển khai chính quyền điện tử, đô thị thông minh; được giới thiệu với các chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hướng dẫn hoàn thiện thuật toán, giải pháp.
Đối với các thí sinh nhóm 2 đạt giải còn được tham gia triển lãm và giới thiệu sản phẩm miễn phí tại Ngày hội Công nghệ thông tin và Trí tuệ nhân tạo TP HCM năm 2020; được công bố sản phẩm trên Cổng thông tin của Sở TT&TT, Thành đoàn, Hội Tin học TP HCM.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP HCM, Trưởng ban Tổ chức Hội thi cho biết, trí tuệ nhân tạo đang trở thành chiến lược toàn cầu trong xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
"Trong xu thế đó, TP HCM, với tiềm lực là một thành phố trẻ với mật độ khoa học công nghệ cao đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, cũng đang từng bước xây dựng chiến lược cho sự phát triển của ngành trí tuệ nhân tạo – nền móng cơ bản để thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh" ông Cường nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP HCM năm 2020 được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khuyến khích các cá nhân, nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước đề xuất các giải pháp tiên tiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cuộc sống; đồng thời tuyên dương, tôn vinh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân có công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo xuất sắc và tiềm năng.
Thông qua Hội thi, Ban Tổ chức mong muốn tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực phục vụ xã hội, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia quá trình xây dựng đô thị thông minh cho thành phố; đồng thời thu hút sự quan tâm của các cá nhân, các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước về việc giải quyết các vấn đề thiết thực xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại TP HCM, từ đó có thể ứng dụng rộng rãi trong cả nước, hướng đến khu vực và quốc tế.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận