Bộ TT&TT đang xây dựng quy định định danh và xác thực điện tử, thúc đẩy thanh toán điện tử
Theo ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xác thực định danh điện tử áp dụng cho các tổ chức cá nhân tham gia giao dịch điện tử với các cơ quan, tổ chức.
Trong buổi tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech” do Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews vừa tổ chức, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT cho biết: Định danh, xác thực là việc đầu tiên và quan trọng nhất chúng ta cần làm trong giao dịch điện tử.
Theo chia sẻ của ông Trung, việc định danh xác thực đã được sử dụng thường xuyên từ lâu và phổ biến như căn cước công dân, hộ chiếu, bằng lái xe… Tuy nhiên, khi chuyển sang môi trường giao dịch điện tử là một câu chuyện hoàn toàn khác bởi hiện tại chưa có một quy định pháp lý nào để định danh một cá nhân, tổ chức tham gia vào giao dịch trên mạng. Ngoài ra, xác thực 1 cá nhân tham gia giao dịch điện tử là rất khó khăn vì phải thông qua môi trường Internet, qua các phương tiện máy tính điện thoại.
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT chia sẻ nhiều thông tin trong buổi tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech".
"Với xu thế giao dịch điện tử ngày càng phát triển trong đó bao gồm cả cả giao dịch ở khu vực công (khối cơ quan Nhà nước) và giao dịch ở khu vực tư thì việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về định danh và xác thực điện tử là rất cần thiết, có ý nghĩa thực tế", Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử chia sẻ.
Vị này cũng nhận định: Hiện nay ở Việt Nam theo khảo sát, việc xác định giao dịch ở khu vực công, cụ thể là giao dịch của cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp đã sử dụng các phương thức định danh xác thực, song phương thức rất đơn giản nên độ tin cậy không cao và khó sử dụng cho các giao dịch dịch vụ công trực tuyến cao hơn (ở mức độ 3,4).
Trong khi đó, ở khu vực tư thì khác, các định danh và xác thực trong khu vực tư đã được triển khai từ lâu và khá rộng, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Tuy nhiên, lại chưa có quy định pháp lý nào làm căn cứ.
Ông Trung chia sẻ thêm, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 44 quy định về việc xác thực định danh điện tử (ngày 24/6/2019), Bộ TT&TT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xác thực định danh điện tử áp dụng cho các tổ chức cá nhân tham gia giao dịch điện tử với các cơ quan, tổ chức.
Các quy định này hướng đến việc quy định giá trị pháp lý của định danh điện tử; Quy định các thông tin để định danh cá nhân; Quy định về các phương thức xác thực điện tử được sử dụng, trong đó, sẽ sử dụng các phương thức xác thực đang phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam (OTP, số điện thoại, chữ ký số, sinh trắc học…);
Nghị định cũng hướng đến xây dựng các quy định về quy trình, thủ tục để cung cấp, sử dụng dịch vụ xác thực, định danh điện tử và trách nhiệm của các bên tham gia; Quy định về quy trình thủ tục để cung cấp dịch vụ xác thực định danh điện tử cũng như trách nhiệm của các bên.
Cũng trong dự thảo Nghị định có quy định: "Bên cung cấp dịch vụ quyết định phương thức sở hữu định danh và xác thực điện tử phù hợp với mức độ linh động, đảm bảo an toàn cần thiết cho các giao dịch đó", ông Trung cho biết.
Theo ICT News
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận