CSDL Quốc gia - Nền tảng phát triển "công dân số" chính thức vận hành
Với việc chính thức triển khai CSDL Quốc gia về dân cư theo phê duyệt của Thủ tướng hướng tới mục tiêu phát triển "công dân số" trong xu thế chung của sự phát triển công nghệ và định hướng kinh tế số, xã hội số.
- CSDL quốc gia về dân cư - Nền tảng quan trọng của chuyển đổi số
- Thử nghiệm chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư với một số bộ, tỉnh
Theo đó, Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD được thực hiện theo Luật CCCD, đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.
Các đại biểu bấm nút chĩnh thức vận hạnh CSDL Quốc gia về dân cư cùng với hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD.
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết "lực lượng Công an được Đảng và Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ chưa có tiền lệ từ trước đến nay, chiến dịch xây dựng CSDL quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD tạo tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số, kinh tế số".
Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc hoàn thành, đưa vào hoạt động 2 dự án thể hiện quyết tâm lớn lao, sự nỗ lực mạnh mẽ của cả Chính phủ, đặc biệt Bộ Công an, các bộ ngành khác; đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là công trình lớn, quan trọng chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ Công an đã nỗ lực, quyết liệt triển khai dự án. Trong điều kiện khó khăn, tác động của dịch COVID-19, các cán bộ, chiến sỹ Công an đã làm việc không quản ngày đêm, thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư.
Đến nay đã thu thập, chuẩn hóa dữ liệu thông tin của trên 92% dân số; kết nối với các bộ ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia và sẵn sàng đi vào hoạt động đảm bảo các tiêu chí hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí.
Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Công an triển khai song song, tích hợp 2 dự án, giúp tiết kiệm cho nhà nước hơn 1.000 tỉ đồng mà vẫn bảo đảm hiệu quả, tiến độ đề ra.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tham gia phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp xây dựng hoàn thiện và kết nối, chia sẻ dữ liệu vào hệ thống để triển khai thực hiện dự án; sự nỗ lực của nhà thầu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào xây dựng dự án.
Theo Thủ tướng, trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là một xu thế tất yếu tạo động lực thúc đẩy mọi hoạt động kinh tế - xã hội, hướng tới sự phát triển thịnh vượng của đất nước ta.
Sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, thúc đẩy thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tăng năng suất xã hội và năng lực cạnh tranh.
"Do đó, chúng ta cần đẩy nhanh nắm bắt và ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực; đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong quản lý nhà nước nói chung, trong quản lý dân cư nói riêng, tạo một hệ thống thông tin "công dân số" trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của thời đại mới" Thủ tướng .
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện CSDL quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất cấp và quản lý CCCD, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh an toàn CSDL. Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh quá trình kết nối với các bộ, ngành, địa phương góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: tạo một hệ thống thông tin "công dân số" trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của thời đại mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp; hoàn thành việc kết nối CSDL quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh để xác thực thông tin người dùng, hỗ trợ cung cấp, kiểm tra thông tin công dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bộ Công an khẩn trương trình Chính phủ Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Quý II năm 2021.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và UBND các địa phương tiếp tục “chuyển động” cùng Bộ Công an trong quá trình xây dựng 2 dự án, bảo đảm đồng bộ, kết nối trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Công an trong quá trình xây dựng CSDL quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp, quản lý CCCD để đảm bảo nguyên tắc hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao và chống lãng phí xuyên suốt trong quá trình thực hiện 2 dự án.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bám sát tiến độ xây dựng CSDL quốc gia về dân cư để hoàn thành việc ban hành các văn bản hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của bộ, ngành mình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc khai thác CSDL quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các ứng dụng để tích hợp trong chíp điện tử trên Thẻ CCCD để quản lý ngành, lĩnh vực được phân công; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận